Người Việt Khắp Nơi

Dạy và học tiếng Việt trong hệ thống đại học

Băng Huyền/Viễn Đông Tuesday, 31/01/2012 - 09:00:45

GS. Phạm Cao Dương nói về nhu cầu thời bấy giờ: “Để gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt cho các thế hệ trẻ, chúng ta, đặc biệt là những sinh viên trẻ đã đóng góp rất nhiều vào việc mở những lớp Việt ngữ...

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 8)

Băng Huyền/Viễn Đông


Ngoài các trung tâm dạy tiếng Việt độc lập mở cửa vào cuối tuần để nhận hàng ngàn học sinh, sinh viên muốn học thêm, nhiều giáo sư, sinh viên, nhà hoạt động cộng đồng đã có công vận động để đưa chương trình giảng dạy Việt ngữ vào các trường đại học, trung học tại Hoa Kỳ.
Để tìm hiểu về những lớp tiếng Việt tại đại học Hoa Kỳ, phóng viên Viễn Đông đã phỏng vấn một số giáo sư đang dạy môn này và có gắn bó ít nhiều với lịch sử hình thành các lớp tiếng Việt trong phân khoa ngôn ngữ của trường đại học trong những năm đầu. Một trong những nhà giáo của miền Nam Việt Nam, có mặt ngay từ sau năm 1975 tại Hoa Kỳ, là Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Cao Dương. Ông là một nhà nghiên cứu sử học, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Tiến Sĩ Sử Học Đại Học Paris. Ông từng giảng dạy tại nhiều trường sư phạm và đại học tại Việt Nam. Sau biến cố 1975, ông định cư tại Hoa Kỳ và tiếp tục đi dạy tại các trường đại học UC Irvine, UC Los Angeles, California State University Long Beach, Santa Ana College... ở miền Nam California. Các lớp và môn học ông dạy gồm có Sử Việt Nam, Sử Đông Nam Á, Văn Hóa Việt Nam, tiếng Việt, Người Việt ở Mỹ, Quan Hệ Việt Mỹ.


Từ năm 1987, Thư Khố Đông Nam Á thuộc hệ thống thư viện đại học công lập UC Irvine
là nơi lưu trữ nhiều tài liệu của người tỵ nạn Việt, Miên, Lào. GS. TS. Phạm Cao Dương
là một trong những người đã góp ý thành lập và làm thành viên hội đồng cố vấn cho thư khố này
từ năm 1993-2006 - ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông

GS. Phạm Cao Dương nói về nhu cầu thời bấy giờ: “Để gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt cho các thế hệ trẻ, chúng ta, đặc biệt là những sinh viên trẻ đã đóng góp rất nhiều vào việc mở những lớp Việt ngữ vào cuối tuần ở các chùa, các nhà thờ, các cơ sở giáo dục ở các địa phương mà chúng ta mượn được. Các phụ huynh cũng tích cực mang con em đến trường. Nhưng những lớp này có giới hạn, chỉ dạy đến một trình độ nào đó thôi. Cộng đồng mình muốn đi xa hơn nữa, phải vận động đưa tiếng Việt vào trường trung học. Mà muốn cao hơn nữa, thì đưa vào đại học. Vì khi các em học lên trung học trong trường Mỹ, vì phải học nhiều môn học khác nhau, vì phải cạnh tranh với các bạn học ở trong lớp, vì các môn về Việt Nam Học không được giảng dạy ở trong trường nên có giỏi về các môn này, khả năng của các em cũng không được kể đến, hay được cho tín chỉ để tính vào văn bằng tốt nghiệp. Từ đó, dù các em có muốn học cũng không thể nào tiếp tục được, chưa nói tới mức độ cao hơn là bậc đại học”.
Ông so sánh: “Trong khi đó thì ngay ở bậc trung học, các môn ngoại ngữ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, các cổ ngữ như La Tinh, Hy Lạp... và ở một số trường - tiếng Nhật, tiếng Trung và ngay cả tiếng Hàn cũng được giảng dạy. Các em phải lấy các lớp ngoại ngữ, vì đó là học trình bắt buộc để tốt nghiệp ở nhiều học khu và là điều kiện để được thâu nhận vào các đại học bốn năm. Vấn đề là nhà trường có mở các lớp này hay không và học sinh có ghi tên học hay không?”.
Đó là bối cảnh của những năm cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, khi cộng đồng Việt Nam bắt đầu vận động đưa tiếng Việt trở thành một ngoại ngữ được giảng dạy trong hệ thống đại học, cao đẳng, trung học công lập của Hoa Kỳ. GS. Phạm Cao Dương cho biết tiếp suy nghĩ thời bấy giờ: “Ở California có rất nhiều trường ở những nơi đông người Việt, tại sao mình không vận động để tiếng Việt được dạy ở các trường trung học? Còn ở bậc đại học người ta cũng đòi sinh viên phải học ngoại ngữ và những môn có tính cách quốc tế học để tốt nghiệp. Tại sao mình không vận động để có những lớp này? Mình không có đủ phương tiện thì mình dùng phương tiện sẵn có của giáo dục Hoa Kỳ. Vấn đề là làm thế nào và ai làm? Chúng ta không làm thì ai làm cho ta đây?”.

Những thuận lợi và khó khăn ban đầu
Theo lời GS. Phạm Cao Dương cho biết: “Trước khi người Việt đến tị nạn tại Hoa Kỳ, thì ở đây đã có rất nhiều sắc dân khác đã đến tị nạn trước người Việt, mà đặc biệt nhất các sắc dân Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha. Người Việt nói chung đã nương vào các cuộc vận động thành công trước của những sắc dân này, đã thành công nhờ vào các cuộc vận động trước của nhiều sắc dân cùng nói tiếng Tây Ban Nha, để từ đó lách dần cái cánh cửa tại các trường trung, đại học nơi có đông con em người Việt theo học.
“Ngoài ra, việc nhanh chóng hình thành một cộng đồng lớn mạnh cũng hậu thuẫn khá nhiều cho việc tiếng Việt nhanh chóng được đưa vào giảng dạy trong các trường trung và đại học. Các tổ chức văn hóa của người Việt, được một số cựu giáo chức tiếp tay sau cùng cũng đạt được một vài kết quả khả quan.
“Ở bậc trung học thì có chương trình song ngữ với các giáo chức người Việt phụ giúp cho các học sinh còn kém Anh ngữ hiểu được bài vở trong lớp. Ở bậc đại học thì sau một thời gian vận động khá dài, các môn lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Việt được đem ra giảng dạy tại một số trường đại học trong vùng này. Các cuộc vận động này do nhiều đoàn thể, nhiều tổ chức văn hóa, cùng phụ huynh học sinh được diễn ra khi thì âm thầm vài người, khi thì đông đảo lập thành các phái đoàn xin tiếp xúc với các nhân vật có thẩm quyền trong ngành giáo dục”.
Về phần đóng góp của ông, GS. Phạm Cao Dương cho biết: “Riêng tôi, vì hoạt động trong nghiên cứu và trong giáo dục tại Hoa Kỳ, có ít nhiều liên hệ với các giới chức trong ngành này nên đã góp được một phần nào đó. Tôi đã viết thư, đã viết bài, đã gặp, đã trình bày và thuyết phục các nhà chuyên môn, các giới lãnh đạo ở các trường và các đại học ngay từ những ngày đầu ở Mỹ.
“Mở đầu là ở miền Bắc California, ở các học khu và các đại học lớn ở đây như Berkeley, San Francisco, San Jose, Sacramento, sau này là ở miền Nam California như UCI, UCLA, Cal State Long Beach, Cal State Fullerton, và mỗi khi những nơi này cần người tới nói chuyện về Việt Nam hay dạy một vài buổi dạy về Việt Nam là tôi đều tới. Tới để tạo sự chú ý cho mọi người rồi sau đó thuyết phục giới hữu trách về nhu cầu cộng đồng Việt Nam và chính trong cơ sở của họ có. Sau đó là tổ chức những buổi gặp gỡ giữa các nhân vật có thẩm quyền và người trong cộng đồng. Nhiều khi tôi đã mời rất nhiều người cùng tới, con số có khi lên tới hai, ba chục hay hơn nữa - khi có người Miên, người Lào, tới trên bốn chục người.
“Trong nhiều trường hợp khác tôi đã gợi ý và thúc đẩy các nhân vật trong cộng đồng mà tôi quen biết đến vận động hay tới dự những buổi họp quan trọng. Ở đây tôi thấy cần phải ghi nhận một vài nhân vật tên tuổi đã giúp tôi làm công tác này như bà Mai Công, chủ tịch Hội Cộng Đồng Việt Nam ở Orange County (VNCOC); cựu Nghị Viên Tony Lâm của thành phố Westminster; ông Đỗ Hoàng Điềm, một nhà hoạt động trẻ; ông Nguyễn Văn Chuyên, trước đây thuộc văn phòng Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang California Joe Dunn... Những vị này với tư thế riêng của mình đã đóng góp được những phần quan trọng trong các vận động mà nhiều năm sau tôi mới được biết kết quả.
“Nhiều khi kết quả tới ngay, và nhà trường yêu cầu tôi dạy ngay, không có thì giờ thông báo cho sinh viên biết để ghi tên và sửa soạn nội dung và bài dạy. Điều này đã đưa tôi vào thế kẹt. Không có sinh viên thì lớp mở cũng như không và nhà trường sẽ nại cớ sau này không mở nữa. Có lớp, có sinh viên mà thầy dạy dở, thì sinh viên cũng bỏ không học tới chót. Đồng thời đang là người vận động lại trở thành người thực hiện, phải chịu sự chi phối của hệ thống, tôi trở thành khó hoạt động hơn, vì hết là người của quần chúng, của cộng đồng. Cũng may là mọi chuyện đã xảy ra một cách suôn sẻ”.

Một số thành quả và trở ngại

GS. Phạm Cao Dương cho biết thêm: “Năm 1981, lớp học đầu tiên về Người Việt ở Hoa Kỳ ở đại học CSU Long Beach đã được mở. Số sinh viên tương đối đông hơn là nhà trường dự định. Sau đó là CSU Fullerton, rồi UCI, rồi UCLA.
“Thời đó, tinh thần sinh viên Việt Nam cao lắm. Tiếng Việt còn giỏi, chưa bị Mỹ hóa, nên họ tha thiết những gì thuộc về Việt Nam lắm. Cứ ngành học nào có gắn với Việt Nam, là họ ghi danh học đông lắm. Lớp nào cũng có từ 70, 80 đến 100 sinh viên ghi danh học. Dần dà, từ những lớp về văn hóa và lịch sử, thì dần dần thấy có nhu cầu, cộng đồng chúng ta đã vận động mở lớp tiếng Việt.
“Khi đó là vào năm 1990, ở UCI, sinh viên Việt Nam đã làm thỉnh nguyện thư gửi lên nhà trường. Và họ lấy được một ngàn chữ ký. Họ vận động, cộng đồng mình cũng vận động luôn. Nên đã thành công.
“Năm 1990 tại UCI, tôi là giảng viên đầu tiên dạy phân ngành về Việt Nam. Lúc đó tôi dạy 6 lớp tất cả, trong đó có 2 lớp tiếng Việt. Có cả trăm sinh viên Việt ghi danh học”.
GS. Phạm Cao Dương giải thích: “Cũng cần nói thêm là ở San Francisco, nếu không bị cản trở thì lớp học đầu tiên về người Việt tại Mỹ đã được mở ngay từ năm 1977. San Francisco là trường hiện có nhiều giáo sư người Việt dạy về môn này nhất. Còn ở đại học UC San Diego thì Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương, một giáo sư về môn Vật Lý chính thức ở đây đã mở một lớp về Việt Nam trong hai năm liền. Ông đã mời các học giả, các nhà giáo người Việt từ nhiều nơi tới dạy, mỗi người một vài buổi và tôi cũng có may mắn được góp phần.
“Nói cách khác, mình phải vận động, phải kiên nhẫn, phải vận động lâu dài mới có kết quả. Bây giờ thì chúng ta đã có những thầy cô dạy toàn thời gian và đã có những giáo sư trẻ được tuyển chọn vào đại học UCI, vào UCLA, San Diego, San Jose, San Francisco...”.
GS. Phạm Cao Dương nói về những rào cản của việc vận động này trong những ngày đầu: “Khó khăn lớn nhất là sự dè dặt của người Mỹ, đặc biệt là trong những năm đầu, lúc mình mới sang. Sau năm 1975 và kéo dài cho mãi đến giữa thập niên 1980, người Mỹ rất dè dặt khi nói tới Việt Nam. Đối với họ Việt Nam là Chiến Tranh Việt Nam, là những gì không tốt đẹp mà họ muốn để lại phía sau. Khi mình đề nghị dạy về Việt Nam phần lớn người ta khéo léo từ chối, nhưng cũng có người nói thẳng ra lý do.
“Còn về phía người Việt, vì là người tỵ nạn, chúng ta tới Mỹ với hai bàn tay trắng, không có gì mang theo, ngoại trừ nhiệt tâm muốn học hỏi và muốn con em mình học hỏi. Người Việt cũng không quen với lối vận động của người Mỹ, không có một tổ chức cộng đồng để làm công tác này, ít ra là trong những năm đầu. Rồi chúng ta lại còn nghi kỵ nhau. Trong khi đó thì người Mỹ trước khi làm điều gì họ luôn luôn nghĩ tới ngân sách, tới phương tiện tài chánh”.
GS. Phạm Cao Dương chia sẻ: “Muốn mở những lớp về Việt Nam ở các đại học, họ bảo không có sẵn ngân sách nhưng dễ lắm, họ sẵn sàng để cho chúng ta endow (cấp cho) một cái chair, nghĩa là quyên góp tiền để tài trợ cho việc mướn một giáo sư để giữ chỗ. Người Nhật đã làm việc này ở đại học Stanford University, người Đại Hàn làm điều này ở đại học University of Southern California (USC), ở UCLA; gần đây người Ấn Độ cũng làm ở UC Berkeley, ở UCLA... Họ bỏ ra nhiều triệu bạc để làm. Tại sao Việt Nam không theo gương ấy? Họ bảo cộng đồng Việt Nam ở Quận Cam đông như vậy chỉ cần một người bỏ ra mười đồng là xong chứ khó gì!
“Bên cạnh việc bỏ tiền mua các chân dạy học, các sắc dân mà tôi vừa kể và qua luôn cả chính phủ của họ ở Á Châu, họ còn đóng góp thêm tiền cho việc mua sách vở, để đài thọ các công trình nghiên cứu. Các đại công ty của họ còn cho các trường đại học tiền để thực hiện các công trình xây cất, để có những giảng đường mang tên người của họ. Chúng ta (cộng đồng Việt Nam) không có gì cả. Ngày nay, tại Hoa Kỳ, chúng ta đã bắt đầu có những triệu phú, nhưng các triệu phú của chúng ta chưa lưu tâm đến những công tác này.
“Trong khi đó thì chúng ta hầu như không để ý tới vai trò của đại học và các trung tâm nghiên cứu trong xã hội Mỹ. Đó là nơi học hỏi, đào tạo, nghiên cứu để sau đó tạo ảnh hưởng, tạo dư luận trong xã hội Mỹ, dù đó là dư luận về chính trị, về xã hội hay về kinh tế tài chánh, kể cả tình báo. Một thí dụ là vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa của ta, sách vở về các quần đảo này thuận lợi cho người Tầu rất nhiều, còn của Việt Nam Cộng Hòa và sau này là từ Hà Nội rất hiếm, hầu như không có. Tại sao vậy? Khỏi nói, ai cũng có thể đoán ra. Một sinh viên Mỹ muốn tìm hiểu, anh ta sẽ khai tâm mình bằng những sách do người Mỹ, người Đức, người Tầu viết có lợi cho nước Tầu trước hết”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình ảnh trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT