Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đêm diễn của nghệ sĩ Vân Ánh tại Viện Việt Học

Monday, 01/10/2012 - 06:28:11

Là một nghệ sĩ trình diễn điêu luyện các nhạc cụ truyền thống Việt Nam như đàn tranh, đàn bầu, t'rưng, đàn tam thập lục, k'lông pút, trống dân tộc..., bằng kỹ thuật vững chắc, bay bướm, chị đã mang đến cho khán giả từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, khi diễn tấu đàn tranh, đàn bầu, trưng, thổi đàn môi đầy ngẫu hứng.

Băng Huyền/Viễn Đông
Những ánh mắt ngạc nhiên, những tràng pháo tay không ngớt, cả những tiếng ồ lên thán phục, bởi âm nhạc có thể vượt xa những giới hạn của sự tưởng tượng... đây là những điều mà các khán giả và thân hữu của Viện Việt Học đều cảm nhận được trong đêm diễn của nghệ sĩ nhạc khí cổ truyền Việt Nam, Vân Ánh Vanessa Võ đến từ San Francisco, vào tối Thứ Tư, 26-9-2012, tại Viện Việt Học, do Viện Việt Học và VA-NGO Network đồng tổ chức.


Nghệ sĩ Vân Ánh biểu diễn đàn bầu trong đêm nhạc - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Trong thời lượng khoảng 1 giờ đồng hồ, nghệ sĩ Vân Ánh đã gửi đến người nghe những suy nghiệm trong quá trình biểu diễn âm nhạc dân tộc, trình tấu các nhạc cụ, vài nét về các sáng tác của chính chị, về tình yêu trước vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam thông qua âm nhạc truyền thống. Là một nghệ sĩ trình diễn điêu luyện các nhạc cụ truyền thống Việt Nam như đàn tranh, đàn bầu, t'rưng, đàn tam thập lục, k'lông pút, trống dân tộc..., bằng kỹ thuật vững chắc, bay bướm, chị đã mang đến cho khán giả từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, khi diễn tấu đàn tranh, đàn bầu, trưng, thổi đàn môi đầy ngẫu hứng.
Chị vừa đánh chuông, rồi hát một sáng tác của chị dựa theo bài thơ Đèo Ba Đội của nữ sĩ Hồ Xuân Hương theo thể điệu chầu văn. Chị thật linh hoạt, vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc trên nền chuông thật ăn khớp mà vẫn hay. Nếu nữ sĩ Xuân Hương tài tình tạo ra một bức tranh sống động từ âm thanh đến màu sắc, không gian lẫn thời gian, tạo nên những điệp âm “Một đèo, một đèo lại một đèo”, “cửa son đỏ loét, tùm hum, xanh rì, lún phún, lắt lẻo”, “hõm hòm hom, toen hoẻn”… thì nghệ sĩ Vân Ánh với những luyến láy, kéo dài câu ca, tiếng nhạc, đầy tính ngẫu hứng thật gần gũi với nhạc Jazz. Chị đã sử dụng nhịp đảo phách, mang đến một cảm giác không ổn định trong tâm trí người nghe, đưa người nghe vào trạng thái mông lung, huyền ảo, lối hát đề cao sự hoa mỹ, bay bướm và tinh tế trong việc điều tiết âm lượng; câu chữ, cách ém hơi của chị rất giống với hát chèo hay ca trù.
Khán giả thích thú bởi phong cách trình diễn của Vân Ánh hiện đại, sôi động, nhiều màu sắc nhưng không đến mức khiến người nghe cảm thấy khó hiểu. Chị đã đưa người nghe vào thế giới của âm thanh du dương trầm bổng, réo rắt. Các ngón đàn của chị như ngón nhấn, mổ, ngón bấm, day chớp, búng, ngón phi, ngón rải… thật trau chuốt. Tạo cho tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt, làm nên tiết tấu xao động hồn người, khi thì nhẹ nhàng như những bước? chân rón rén, lúc lại dâng trào cảm xúc với cường độ mạnh mẽ và có lúc thì thật thanh thản, qua những câu nhạc mênh mang, trong suốt…
Chị đưa người nghe lạc vào “mê trận” của cảm xúc, của sự thăng hoa trong âm nhạc, mang lại cảm giác mới mẻ, cuồng nhiệt, hấp dẫn. Chị thể hiện được sự tươi mới của tiếng đàn tranh, đàn bầu, đàn trưng mang âm hưởng dân gian đương đại. Chị trình tấu những tác phẩm trên nền nhạc dân tộc như Lý Cây Đa, Đi Cấy, Đi Săn, Dạ Nam, hay một sáng tác của chị dựa theo truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ… vốn đã được chị kế thừa và làm mới, để những nhạc khúc dân ca đó vượt ra khỏi biên giới cũ kỹ, cổ truyền, góp tiếng nói để đối thoại với nhiều thể loại âm nhạc khác trên thế giới, nhưng vẫn được dựa trên gốc rễ là hồn nhạc Việt Nam.
Khán giả thật xúc động và hào hứng khi nghệ sĩ Vân Ánh mời gọi vài người cùng tham gia biểu diễn với chị, mang một phong cách nhiều ngẫu hứng và nhạc cảm cao. Bằng một nét nhạc trên cây đàn tranh do chị trình tấu, hai khán giả thổi đàn môi, người lắc lục lạc; hoặc trên nền nhạc của cây đàn bầu do chị đàn lên, những khán giả với ba cái chuông nhỏ tạo nên tiếng ngân khoan thai, kết hợp cùng âm thanh vui tai “chập chập, reng reng, tách tách, cách cách và rẹt rẹt" của nhạc cụ sinh tiền, và cái lục lạc, hòa điệu với nhau thành một bản nhạc giàu nhạc điệu và độc đáo vô cùng, tạo nên một không gian sống động, mang tính “đối thoại” thật “tài tử”.

Người nghệ sĩ “làm mới” nhạc truyền thống
Nghệ sĩ Vân Ánh nói rằng, chính vì tình yêu với âm nhạc dân tộc mà chị mong muốn phổ biến âm nhạc tuyệt vời này cho những bạn trẻ Việt Nam sống ở hải ngoại, cho những người bạn các sắc dân khác. Chị cho rằng đó phải là âm nhạc đậm chất Việt Nam, đậm chất thế kỷ 21 - nơi thời đại mà chị đang sống. Không chỉ dừng lại, mà để phát triển hơn, âm nhạc đó phải mang được hơi thở mới, phải cuốn hút được khán giả trẻ để họ nuôi nấng và phát triển nền âm nhạc ấy.
Chị nói đàn tranh của Việt Nam, hoặc đàn bầu, khi phối hợp với nhạc jazz, rock sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ. Chị cũng tìm thấy điểm chung giữa nhạc Jazz và nhạc truyền thống Việt Nam cùng chia bậc ngũ cung, khi để hai nền nhạc này hòa điệu cùng nhau, người chơi nhạc cần có đầu óc cởi mở để phóng tác giàu chất sáng tạo.
Nghệ sĩ Vân Ánh nói: “Tôi nghĩ, tất cả những gì trong cuộc sống, cũng đều có sự phát triển của nó. Âm nhạc cũng không nằm ngoài điều đó, khi mình làm cái gì mới, thì cũng có người nói là đúng và không đúng. Nhưng theo tôi, trong âm nhạc, không có cái gì đúng hoặc là sai hết. Cái quan trọng nhất là tất cả phải dựa trên cái nền dân tộc và phải phát xuất từ tâm hồn mình. Khi chơi đàn, tôi mang theo mình hồn nhạc Việt và mọi biến hóa đều trên tinh thần đó. Nếu không có hồn nhạc Việt, tâm hồn Việt thì các nhạc cụ dân tộc Việt Nam sẽ trở nên lạc lõng. Đó không phải là mong muốn của tôi và chắc chắn cũng không phải mong muốn của những ai nặng lòng với nhạc dân tộc”.
Và mọi nỗ lực của chị đã được ghi nhận, chị là một nghệ sĩ chơi nhạc truyền thống Việt Nam đầu tiên và duy nhất gốc Việt, đã tham gia vào những giải thưởng âm nhạc quan trọng trong dòng âm nhạc chính thống của Hoa Kỳ, qua những bộ phim "Daughter From Da Nang", “Bolinao 52”, “A Village Named Versailles”. Vào tháng 7 năm 2012 vừa qua tại Thế Vận Hội Olympic Luân Đôn 2012, trong đại hội âm nhạc London Olympic Music Festival, nghệ sĩ Vân Ánh là nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên, duy nhất biểu diễn tại Thế Vận Hội, đi theo nhóm tứ tấu Kronos Quartet. Chị cho biết chị rất tự hào. Vì trong đại hội này, 9 nước Đông Á chỉ có 45 phút để trình diễn, còn riêng một mình chị thì được trình diễn 30 phút, gồm đàn tranh, đàn bầu, hát ả đào và đánh trống.
Nghệ sĩ Vân Ánh nói với phóng viên Viễn Đông: “Khoảng hơn 2 năm nay, tôi đã nhận dạy đàn tranh, đàn bầu và các lớp hòa nhạc ngay tại studio ở nhà. 25 học viên của tôi tuổi từ 6 đến 82, cứ khoảng 3 tháng tham gia những chương trình biểu diễn phục vụ cộng đồng. Vào ngày 15 tháng 9 vừa qua, tôi có đưa các em tham gia trình diễn Đại Hội Áo Dài lần 2 tại San Jose. Hiện nay tôi đã đào tạo được một số học sinh làm trợ giảng, tôi hy vọng chính những nỗ lực của cá nhân mình và những người yêu nhạc dân tộc đang làm, sẽ gìn giữ được tinh hoa âm nhạc Việt Nam, rất mong được nhiều khán giả ủng hộ chúng tôi”.
Chị Cathy Lâm, thuộc tổ chức VA-NGO Network, cho nhật báo Viễn Đông biết: “Chúng tôi rất vui vì đã góp phần duy trì và quảng bá nhạc dân tộc Việt Nam đến với nhiều người, quý khán giả yêu mến nghệ sĩ Vân Ánh và muốn ủng hộ cho việc làm của chúng tôi, xin hãy đưa con em mình đến xem chương trình Fire Bronze, tức Lửa Đông Sơn, vào tối Thứ Bảy, 03-11-2012, tại hý viện Rose Center, do chúng tôi tổ chức. Có sự tham gia của nghệ sĩ Vân Ánh, trình tấu đàn bầu, đàn tranh, trưng, và biểu diễn trống đồng Đông Sơn đã được tái tạo lại. Cùng với các nghệ sĩ thổi kèn saxophone và nhạc cụ hơi, là người đã đạt nhiều giải Grammy, anh Aaron Germain, nghệ sĩ trống Taiko, anh Jimi Nakagawa, và đặc biệt hơn là sự có mặt của nghệ sĩ nhạc jazz hàng đầu Châu Âu đến từ Pháp, anh Nguyên Lê. Đây sẽ là một chương trình đặc sắc, phong cách Đông- Tây hòa hợp, nhưng cốt lõi vẫn đậm nét dân tộc Việt Nam”.
Mọi chi tiết về vé, xin liên lạc với Cathy Lâm 714-330-3589, Bolsa Tickets 714-418-2499, hoặc Lees Sandwiches trên đường Beach. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT