Đời Sống Việt

Đêm Giáo Dục và những chương trình tiếng Việt tại đại học Cal State Fullerton

Băng Huyền/ Viễn Đông Friday, 12/07/2013 - 07:09:35

Tiến Sĩ Natalie Trần cho biết: “Hy vọng vào mùa xuân 2014, các lớp học, giáo trình… của 3 chương trình trên sẽ được chấp thuận và mùa thu năm 2014, sẽ chính thức cho sinh viên nhập học.”

Băng Huyền/ Viễn Đông

Vào lúc 6:00 – 8:00 giờ tối, Thứ Tư, 17- 7- 2013 sắp tới, ngay tại Garden Grove Community Meeting Center (11300 Stanford Avenue Garden Grove, CA 92840), sẽ diễn ra “Đêm Giáo Dục Dành Cho Cộng Đồng Việt Nam” do phân khoa Nhân Văn và Khoa Học Xã Hội và Giáo Dục thuộc trường đại học Cal State Fullerton tổ chức. “Đêm Giáo Dục Dành Cho Cộng Đồng Việt Nam” sẽ cung cấp thông tin về sự phát triển của các chương trình: CT Sư Phạm Giảng Dạy Việt Ngữ, CT Song Ngữ Việt-Anh, và CT Bằng Cử Nhân Việt Ngữ.
Phóng viên nhật báo Viễn Đông đã có buổi trò chuyện với Tiến Sĩ Natalie Trần, giảng viên các lớp học phương pháp nghiên cứu cho chương trình tiến sĩ giáo dục (Ed.D.) tại Cal State Fullerton, là người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ba chương trình này tại Cal State Fullerton.
Tiến Sĩ Natalie Trần cho biết: “Hy vọng vào mùa xuân 2014, các lớp học, giáo trình… của 3 chương trình trên sẽ được chấp thuận và mùa thu năm 2014, sẽ chính thức cho sinh viên nhập học.”

Nội dung của 3 chương trình
Theo tiến sĩ Natalie Trần, văn bằng Cử Nhân Việt Ngữ sẽ là một văn bằng đại học có mục đích học sâu về tiếng Việt, bao gồm: ngôn ngữ, văn chương, lịch sử, nghệ thuật, v.v... Chương trình này sẽ chuẩn bị cho sinh viên các địa vị trong nghề nghiệp và việc làm nhờ vào kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, chẳng hạn như công việc về luật pháp quốc tế, thương mại, giảng dạy, làm việc cho tiểu bang, cơ quan của chính phủ ở địa phương, lãnh vực y tế, xã hội, thông dịch và các công việc khác….
Còn Chương Trình Sư Phạm Giảng Dạy Việt Ngữ sẽ chuẩn bị cho các giáo viên dạy tiếng Việt tại các trường trung học. Hiện nay, các giáo viên đang dạy trong các lớp học thường có tín chỉ chứng nhận để dạy những môn học khác như toán, khoa học, xã hội học, v.v... Nếu họ đậu kỳ thi khảo sát khả năng họ có thể dạy các khóa học tiếng Việt. Sự phát triển của Chương Trình Sư Phạm Giảng Dạy Việt Ngữ sẽ cho phép đại học Cal State Fullerton đào tạo đúng các giáo viên trung học thích hợp dạy các lớp học Việt ngữ. Sự huấn luyện đặc biệt này mang lại lợi ích cho cả học sinh và giáo viên, bởi vì phương pháp giảng dạy toán học hoặc cách đọc không giống như phương pháp giảng dạy một ngôn ngữ, chưa kể có những sự khác biệt trong phương pháp giảng dạy cho các ngôn ngữ khác nhau.
Chương Trình Song Ngữ Việt-Anh sẽ tạo cơ hội cho các giáo viên hiện đang dạy trong các lớp mẫu giáo đến lớp 12 (K-12) có thể được nhận thêm một tín chỉ của Chương Trình Song Ngữ Việt-Anh. Chương trình này cho phép giáo viên giảng dạy trong lớp K-12 được phép dùng song ngữ. Có nghĩa là giáo viên có thể hướng dẫn bằng tiếng Việt và tiếng Anh khi giảng dạy bất cứ một môn học nào (như toán, khoa học, cách đọc, v.v...).
Tiến sĩ Natalie Trần nói: “Natalie chỉ mới chính thức nhận thực hiện 3 chương trình trên vào đầu tháng 1 năm 2013 này. Những vị khoa trưởng và phó khoa của phân khoa Nhân Văn và Xã Hội và phân khoa Giáo Dục, như khoa trưởng Angela Della Volpe, đã có công trong việc hình thành dự án này. Ngoài ra chương trình này cũng nhận được sự giúp đỡ của các giảng viên và nhân viên từ cả hai phân khoa, những người này đã làm việc tích cực trong việc hỗ trợ sự phát triển các khóa học của chương trình.”

Sự thành hình của chương trình
Được biết trước đây, một số giáo sư có tâm huyết với chương trình ngôn ngữ và văn hóa Việt tại đại học Cal State Fullerton, như tiến sĩ Võ Kim Sơn, đã tích cực vận động và được sự ủng hộ nhiệt tình của Dân Biểu Liên Bang Ed Royce, nên từ năm 2009, Quốc Hội Hoa Kỳ đã cấp một ngân quỹ Liên Bang trị giá $238,000,để các thành viên của Khoa Giáo Dục Nhân Văn trường đại học Cal State Fullerton xây dựng chương trình dạy tiếng Việt, từ cơ bản đến cao hơn, cũng như các chứng chỉ dạy tiếng Việt.
Tiến sĩ Natalie Trần cho biết nhằm thu nhận thêm ý kiến để chương trình thành công, một hội đồng cố vấn giáo dục đã được thành lập, trong có có Giáo Sư Natalie Trần, Bác Sĩ Tâm Nguyễn (là một trong hai chủ nhân trường Advance Beauty College), Luật Sư Nguyễn Quốc Lân (phó chủ tịch Hội Đồng Giáo Dục Garden Grove), ông Bảo Nguyễn (ủy viên Hội Đồng Giáo Dục Garden Grove), Giáo Sư Grace Cho (trưởng khoa giáo dục trung học của đại học Cal State Fullerton), anh Billy Lê (chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên), ông Jamison Power (ủy viên Hội Đồng Giáo Dục Westminster), cùng một số thầy cô giáo đang dạy tiếng Việt tại các trường trung học, phụ huynh, và học sinh gốc Việt…. Mỗi tháng hội đồng cố vấn giáo dục họp một lần vào tối ngày thứ ba của tuần thứ hai mỗi tháng, tại Garden Grove Community Meeting Center.
Chính qua những buổi họp này, Tiến sĩ Natalie Trần thấy rõ khó khăn về việc không thể có thêm nhiều lớp dạy Việt ngữ tại trường trung học ở các học khu có đông người Việt sinh sống, là vì thiếu giáo viên dạy Việt ngữ. Hiện nay lớp Việt ngữ tại trường trung học trong khu vực quận Cam, chỉ mới có ở các trường như La Quinta HS, Garden Grove HS, Bolsa Grande HS thuộc học khu Gadern Grove và Westminster HS thuộc học khu Huntington Beach. Mỗi trường trên cũng chỉ có 2 giáo viên đảm nhận việc dạy các lớp tiếng Việt.
Ngoài việc thiếu giáo viên dạy Việt Ngữ, hiện nay chương trình dạy Việt ngữ tại các trường trung học vẫn chưa có sách giáo khoa dành cho học sinh trung học, các giáo viên phải tự soạn giáo trình dạy và sử dụng sách tiếng Việt của bậc đại học.
Tiến sĩ Natalie Trần bày tỏ: “Riêng về giáo viên dạy Việt Ngữ tại các trường trung học, sẽ không còn là vấn đề khó khăn nữa, nếu sự phát triển của Chương Trình Cử Nhân Việt Ngữ, Chương Trình Sư Phạm Giảng Dạy Việt Ngữ có tín chỉ được công nhận và Chương Trình Song Ngữ Việt-Anh được nối kết với nhau, sẽ hỗ trợ trong việc giải quyết các nhu cầu cần thiết trong việc tạo ra một lực lượng lao động có khả năng đa dạng trong tiểu bang Cali và toàn quốc. Khi chương trình đào tạo này thành công, thì việc mở thêm lớp dạy Việt ngữ trong các trường của học khu Gadern Grove, hay những học khu có cộng đồng người Việt khá đông như Santa Ana, Aneheim… sẽ dễ dàng hơn. Còn về sách giáo khoa dành cho bậc trung học, trong tương lai, chúng tôi sẽ vận động xin thêm ngân quỹ để mời các vị giáo sư soạn thảo bộ sách này.”
Tiến sĩ Natalie Trần cho biết về vấn đề giảng viên để dạy Chương Trình Sư Phạm Giảng Dạy Việt Ngữ, Chương Trình Song Ngữ Việt-Anh và Chương Trình Bằng Cử Nhân Việt Ngữ không gặp khó khăn. Sẽ mời những thầy cô đang dạy tại đại học Fulernton, kêu gọi thêm các thầy cô các trường khác về cộng tác với trường để dạy những lớp cho 3 chương trình. Chắc chắn sẽ không mời giảng viên tại Việt Nam qua. Còn về giáo trình dạy, chính các giáo viên sẽ soạn thảo, chắc chắn sẽ không dùng sách giáo khoa từ Việt Nam.

Cần sự hỗ trợ của cộng đồng để thành công
Tiến sĩ Natalie Trần tâm sự: “Natalie nghĩ rằng đây là một hoài bão lớn của cộng đồng của chúng ta. Đã hơn 30 năm qua, những thế hệ đi trước đã cố gắng giữ gìn tiếng Việt cho con em mình bằng những chương trình dạy Việt ngữ vào cuối tuần. Những vị có tâm huyết cũng đã vận động thành công đưa tiếng Việt vào một số trường trung học và một số lớp tiếng Việt, văn hóa Việt tại một số trường Đại học trên toàn Hoa Kỳ. Là một thành viên cộng đồng cũng như là một thế hệ một chấm rưỡi, Natalie xem nó như là một danh dự của mình đồng thời cũng là trách nhiệm của mình để tiếp tục xây dựng trên công việc mà những người đi trước chúng ta đã thiết lập. Những gì chúng ta làm hôm nay không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của những người trong cộng đồng của chúng ta mà chúng ta cũng có thể để lại một di sản cho thế hệ tiếp theo và những con cháu của chúng ta sau này. Sự thành công của các chương trình này không thể không có sự hỗ trợ của cộng đồng. Natalie hy vọng rằng chúng ta có thể đến với nhau trong sự đoàn kết để hỗ trợ sự phát triển của các chương trình này. Khi dấn thân vào công việc, Natalie luôn nghĩ công việc này không chỉ có mình đơn lẻ thực hiện, nên gánh nặng trên vai Natalie cũng đỡ chút xíu. Vì Natalie nhìn thấy có sự hỗ trợ của nhiều người khác, nên những khó khăn rồi cũng vượt qua.”
Tiến sĩ Natalie Trần nói thêm: “Phụ huynh, học sinh và các đồng hương trong cộng đồng nói chung có thể hỗ trợ các chương trình này bằng cách học hỏi thêm về những lợi ích của việc biết song ngữ. Học sinh có thể chia sẻ sở thích của họ trong việc ghi danh vào các lớp học tiếng Việt với giáo viên và nhân viên nhà trường. Phụ huynh có thể khuyến khích con em mình ghi danh vào các lớp học tiếng Việt ở trường. Hiện nay trường Đại Học Cal State Fullerton đang tiến hành một cuộc khảo sát quan tâm về các chương trình này, xin quý vị vui lòng dành ít phút thời gian để trả lời các câu hỏi trong cuộc khảo sát trên web site: https://csufedu.qualtrics.com/SE/?SID=SV_3yCyojCXdnWwQrX
Riêng về “Đêm Giáo Dục Dành Cho Cộng Đồng Việt Nam” sẽ diễn ra vào ngày 17- 7- 2013 sắp tới, ngay tại Garden Grove Community Meeting Center. Xin quý vị vui lòng ghi danh trước thứ Sáu, ngày 12 tháng 7, 2013 với Natalie Trần tại số điện thoại 657-278-5481 hoặc e-mail vaeac@fullerton.edu.

Vài nét về tiến sĩ Natalie Trần
Tiến Sĩ Natalie Trần, vốn là một thuyền nhân, cùng mẹ vượt biên khi 8 tuổi. Năm 1991 đã rời trại tị nạn ở Hongkong đến Mỹ khi được 11 tuổi. Sau khi học xong trung học, Natalie học Đại Học UCLA, lấy bằng cử nhân môn Tâm Lý Sinh Học (Psychobiology). Sau đó Natalie học tiếp để lấy bằng thạc sĩ môn giáo dục tại Đại Học UCLA. Natalie Trần có thời gian dạy các lớp sinh học và hóa ở trường trung học trong học khu Los Angeles, nơi cư ngụ của các em học sinh da màu, nghèo.
Natalie đã học chương tiến sĩ chuyên môn về khoa Lãnh Đạo Giáo Dục và Phân Tích Chính Sách (Educational Leadership and Policy Analysis) tại trường đại học University of Wisconsin-Madison, một trường đại học thường xếp hạng đầu trên thế giới trong bộ môn này. Natalie đã làm xong luận án sau 3 năm với đề tài nghiên cứu để có thể hiểu thêm về những kinh nghiệm và hoạt động của học sinh ngoài giờ có thể ảnh hưởng đến việc học của mình trong lớp học khoa học. Hiện tại, Natalie đang giảng dạy các lớp học phương pháp nghiên cứu cho chương trình tiến sĩ giáo dục (Ed.D.) tại Cal State Fullerton. (B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT