Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đêm kỷ niệm 45 năm ca hát của ca sĩ Trung Chỉnh: “Ngợi ca người lính VNCH”

Băng Huyền/ Viễn Đông Friday, 18/11/2011 - 11:23:16

Chính vì muốn tiết kiệm chi phí chương trình, để số tiền còn lại thật nhiều để đóng góp cho ủy ban, nên ông đã quyết định thực hiện liveshow của mình tại nhà hàng, thay vì phải đến rạp hát.

Băng Huyền/Viễn Đông

Cuối tuần qua, tối Chủ Nhật, 13-11-2011, tại nhà hàng Grand Garden, thành phố Westminster, lần đầu tiên, ca sĩ Trung Chỉnh đã có cuộc hạnh ngộ với những ai từng yêu mến tiếng hát của ông, qua chương trình kỷ niệm 45 năm ca hát và 40 năm hành nghề y khoa. Đây là một đêm nhạc "nhìn lại" chặng đường của ca sĩ- bác sĩ quân y Thủy Quân Lục Chiến VNCH Trung Chỉnh (Huỳnh Văn Chỉnh), từ những ngày chập chững bước chân vào con đường nghệ thuật đến thời điểm hiện tại, lúc mà giọng hát của ông vẫn còn giữ được “phong độ”, vẫn luôn luôn được công chúng yêu thương, cổ vũ, và được đồng nghiệp đánh giá cao.

Hợp ca Tiếng Dân Chài qua các tiếng hát của Trung Chỉnh, Phương Hồng Quế,
Hoàng Oanh, Tuấn Khải - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Đêm nhạc đã diễn ra mộc mạc như chính chủ nhân của nó, không nặng về cách bài trí, dàn dựng sân khấu, mà chỉ tập trung tiếng hát của các nghệ sĩ. Góp cùng giọng ca Trung Chỉnh, còn có những tiếng hát của Tuấn Vũ, Hoàng Oanh, Trang Thanh Lan, Ngọc Minh, Mỹ Huyền, Phương Hồng Quế, Băng Châu, Mỹ Lan và bé Anh Chí, cùng với ban nhạc Quốc Toản.
Nhưng điều đáng quý của đêm nhạc kỷ niệm, không chỉ khắc họa chân dung ca sĩ Trung Chỉnh bằng những ca khúc đã một thời gắn liền với tên tuổi của ông, mà số tiền thu được từ chương trình (sau khi trừ chi phí) sẽ được chủ nhân gửi tặng cho Uy Ban Vận Động Xây Dựng Nghĩa Trang Quân Cán Chính VNCH, do ông đảm nhận vai trò chủ tịch. Chính vì muốn tiết kiệm chi phí chương trình, để số tiền còn lại thật nhiều để đóng góp cho ủy ban, nên ông đã quyết định thực hiện liveshow của mình tại nhà hàng, thay vì phải đến rạp hát.
Trước khi đêm nhạc bắt đầu, chia sẻ với phóng viên nhật báo Viễn Đông, ca sĩ- bác sĩ Trung Chỉnh tâm sự: “Cách nay khoảng 4 năm, ý tưởng xây dựng một nghĩa trang cuối đời cho những người lính VNCH tại hải ngoại được một số anh em cựu quân nhân nêu ra và bắt đầu vận động để thực hiện. Đây là một dự án có ý nghĩa nhưng quá lớn lao, trong khi tài nguyên, vật lực đều khởi đi bằng con số không. Sau khi nghĩa trang bắt đầu thành hình thì chúng tôi sẽ vận động về phía chính phủ Mỹ xin thành lập Làng Việt Nam, Viện Bảo Tàng VNCH tại khu đất trên. Hiện nay không những các cựu quân nhân tại Nam Cali, mà ở nhiều nơi trên nước Mỹ cũng đã ghi danh hội viên để đặt chỗ. Tuy chậm vì ngân khoản, nhưng công việc vẫn tiến hành nhờ quyết tâm của ban tổ chức và tấm lòng của các vị hảo tâm”.
Ông nói thêm: “Dù đã đi hát 45 năm qua, nhưng đến giờ phút này tôi mới có cơ hội thực hiện chương trình kỷ niệm cuộc đời ca hát của mình, nhân dịp đó, để gây quỹ cho ủy ban là điều tôi rất thiết tha thực hiện”.
Ông cũng nhờ nhật báo Viễn Đông chuyển đến đồng hương hải ngoại lời tri ân của ông đối với sự ủng hộ của khán giả trong suốt bao năm qua. Ông nói: “Là một người nghệ sĩ, một bác sĩ, lúc nào tôi cũng muốn cảm ơn trước sự cổ võ, ủng hộ của khán thính giả. Vì đó là phần thưởng quý khán giả đã dành cho người nghệ sĩ trình diễn. Sau khi tốt nghiệp đại học y khoa, tôi theo học khóa huấn luyện về quân sự và trở thành bác sĩ quân y, cuối năm 1972, tôi về phục vụ tại Tiểu Đoàn 6 TQLC, ở vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị. Từ đó tôi xa dần với ánh đèn của sân khấu để trở về với nhiệm vụ của người quân nhân, giúp các chiến sĩ chữa lành những vết thương.
“Dù rằng có thời gian, việc đi hát của tôi bị gián đoạn, tôi không đi trình diễn nhiều, vì tôi phải làm tròn bổn phận của bác sĩ. Vậy mà khi trở lại sân khấu trình diễn, tôi vẫn nhận được những tràng pháo tay khen thưởng của quý đồng hương, tôi rất xúc động. Đặc biệt hôm nay, bà con đến rất đông, không còn chỗ trống, sự ủng hộ rất nhiệt tình.
“Đối với tôi Trung Chỉnh ca sĩ hay Trung Chỉnh bác sĩ, tôi đều yêu cả hai. Nhưng công việc của của người y sĩ quan trọng hơn, và nó đòi hỏi mình phải học hỏi hoài, để mình có nhiều phương pháp trị bệnh cho bệnh nhân. Vì vậy tôi không đi trình diễn xa. Trước đây, chỉ đôi lần, tôi mới đi xa theo 2 trung tâm Thúy Nga Paris và Asia. Sau này tôi không đi xa, vì không thể bỏ bệnh nhân được. Nhưng có điều kiện được hát, tôi luôn sẵn lòng”.

* Đêm nhạc ngợi ca người lính VNCH và những tiếng hát gợi nhiều kỷ niệm
Sau những phần lễ nghi khai mạc và đấu giá gây quỹ thật trang trọng với nhiều đóng góp của đồng hương, đêm nhạc được diễn ra với hơn 2 giờ nhiều cảm xúc qua nhiều nhạc phẩm vinh danh mối tình đẹp của người lính nơi tiền tuyến với em gái hậu phương, những ca khúc ngợi ca người lính VNCH.
Ca sĩ Trung Chỉnh cùng những bạn nghề thân thiết liên tục thể hiện các bài hát đã làm nên tên tuổi Trung Chỉnh. Mở đầu là bài hợp ca “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” (Phạm Đình Chương) với những tiếng hát của ca sĩ Hoàng Oanh, Trung Chỉnh, Phương Hồng Quế, Tuấn Khải đã đưa người nghe vượt cả không gian, thời gian để hoài niệm về một khoảng trời kỷ niệm đã xa.
Dù là đêm nhạc kỷ niệm của riêng mình, nhưng ca sĩ Trung Chỉnh chỉ hát đơn ca một bài duy nhất “Nỗi Lòng Người Đi” (Anh Bằng), còn hầu hết những ca khúc khác, ông đều song ca cùng những giọng ca Hòang Oanh, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Ngọc Minh hay hợp ca với Tuấn Khải, Hoàng Oanh, Phương Hồng Quế....
Dường như ca sĩ Trung Chỉnh không chỉ kỷ niệm đêm nhạc cho riêng mình, mà ông còn muốn đêm kỷ niệm này trở thành đêm hạnh ngộ của đồng nghiệp, của những ca sĩ một thời từng gắn bó bên ông trong những chương trình đã đem lại niềm thương yêu của khán giả.
Trong “Nỗi Lòng Người Đi”, giọng hát Trung Chỉnh trầm ấm êm ái. Ông hát mà như không hát, không khoe giọng, chỉ như đang nói lên một lời tâm sự… Có những đoạn, giọng ông như run run, một giây ngắt quãng, như cố nén lại nỗi nghẹn ngào cứ chực trào dâng, với sự đồng cảm của một người đã trải nghiệm không ít thăng trầm qua nhiều biến cố đau thương của dân tộc Việt Nam. Đôi mắt đong đầy khắc khoải khiến những câu hát mộc mạc của ông thêm nặng trĩu nỗi buồn.
Nhưng chờ đợi và nhận được những tràng vỗ tay nhiều nhất vẫn là ca khúc “Anh Tiền Tuyến, Em Hậu Phương” (Minh Kỳ) đã lưu dấu trong trái tim mến yêu của khán giả, qua tiếng hát của Trung Chỉnh và Hoàng Oanh. Khi nhìn lại quãng đời đi hát của mình, ca sĩ Trung Chỉnh cũng tự hào nói rằng, ca khúc này đã đem lại thành công cho ông. Và chính từ cơ duyên song ca với Hoàng Oanh, kể từ năm 1966, ông và ca sĩ Hoàng Oanh đã thâu cho hãng dĩa Asia ca khúc này. Cả hai đã nhanh chóng nổi tiếng, được nhiều ngợi khen, tạo nên một dấu ấn đẹp trong ký ức khán giả.
Đến nay, sau 45 năm, chất trẻ trung và tươi vui, giọng hát chân thành, không trau chuốt kỹ thuật của Trung Chỉnh hòa cùng tiếng hát ngọt ngào của Hoàng Oanh vẫn còn đẹp lắm. Bản tình ca về tình lính này dường như không có tuổi, dù đã nghe bao nhiêu lần, nhưng những khán giả say mê giọng hát của ông và Hòang Oanh vẫn muốn được nghe lại, bởi nó gợi nhắc rất nhiều điều, những buồn vui, những kỷ niệm thật khó tìm lại được.
Ca sĩ Hoàng Oanh đã chia sẻ với khán giả về niềm vui và cảm động khi tham gia chương trình này, bà đã nhắc lại thưở ban đầu khi cùng hát với Trung Chỉnh ca khúc trên, lúc ấy Trung Chỉnh mới 24, riêng bà chỉ vừa tròn 20, mỗi khi hát đến câu “mình ơi”, bao giờ cũng vậy, bà quá đỗi ngượng ngùng, mắc cỡ. Và cũng từ cơ duyên ban đầu ấy, đến nay, khi ra hải ngoại, tiếng hát Trung Chỉnh sánh cùng Hoàng Oanh luôn luôn được khán giả mến mộ, để rồi cả hai trở thành những người bạn thân quý, gia đình của cả hai đã trở nên những người bạn tâm giao của nhau.
Đêm nhạc với nhiều ca khúc ngợi ca tình lính, người lính VNCH cứ tiếp nối nhau qua những tiếng hát khách mời và song ca cùng chủ nhân đêm nhạc. Không gian của sự giao hòa và đồng điệu, của cảm xúc rất mực chân tình, người nghe lâng lâng cảm xúc trải lòng cùng ca sĩ. Các ca khúc “Phút Giao Mùa” với song ca Trung Chỉnh-Ngọc Minh, “Nhịp Cầu Tri Âm” với Trung Chỉnh-Trang Thanh Lan, “Ai Lên Xứ Hoa Đào” với Trung Chỉnh-Hoàng Oanh”, hợp ca “Tôi Là Lính”, “Tiếng Hát Dân Chài” với Hoàng Oanh-Trung Chỉnh-Tuấn Khải-Phương Hồng Quế…. Người hát, người đàn dìu, đỡ nhau, tôn vinh nhau tài tình và tinh tế qua các chuyển đổi liên tục của âm giai, nhịp điệu, tiết tấu, khi thong dong, nhàn nhã, lúc hân hoan, hớn hở để gợi nhắc lại một thời hào hùng của người lính miền Nam. Góp trong chương trình còn có bé Anh Chí thật bản lĩnh khi một mình em hát ca khúc do cha của em sáng tác “Rừng Lá Thấp” (cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh), nhận được nhiều ngợi khen của khán giả.
Đêm nhạc của ca sĩ Trung Chỉnh đã khép lại, nhưng những kỷ niệm một thời được ca sĩ Trung Chỉnh nâng niu, tôn vinh vẫn còn trong tim khán giả.... Mà kỷ niệm đẹp thì luôn luôn được gìn giữ, nâng niu và trân trọng.... Đó mới là những gì đáng quý hơn ngàn lời xưng tụng, tôn vinh.
Nó càng ý nghĩa hơn khi đêm nhạc kỷ niệm đã được người cựu bác sĩ quân y gắn với việc làm ý nghĩa mà ông và các cộng sự cùng thực hiện bằng tấm lòng thiết tha vì tình huynh đệ chi binh.
Xin mượn lời chia sẻ của ông Phạm Văn Hiền (tổng thư ký Ủy Ban Vận Động Xây Dựng Nghĩa Trang Quân Cán Chính VNCH) - một cựu quân nhân biệt động quân - để kết thúc bài viết này: “Tất cả anh em quân đội VNCH từng chiến đấu bên nhau, nên ước mong ‘khi ra đi’ tại hải ngoại, sẽ được nằm lại bên nhau. Và chúng tôi cũng muốn lưu giữ những kỷ vật của QLVNCH tại hải ngoại này trong bảo tàng ‘Ngôi Nhà Việt Nam’, cho con cháu. Thật xúc động xiết bao khi nhận thấy khán giả đến ủng hộ đêm nhạc và đóng góp tiền cho buổi gây quỹ, nghĩa cử của ca sĩ Trung Chỉnh, của các nghệ sĩ, các khán giả, đồng hương tuyệt đẹp vô ngần. Thay mặt anh cựu quân nhân, xin được tri ân!”. - (BH)


Ca sĩ Trung Chỉnh nhận hoa từ khán giả - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT