Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đêm nhạc "Jazz Là Em" của ca sĩ Thùy Linh

Friday, 27/11/2015 - 11:36:49

“Thùy Linh muốn cảm ơn tất cả các bạn đã theo dõi đôi mắt buồn của mình với tình thương và lòng quan tâm. Sau một tháng rụng tóc để lại những mảng hói đáng sợ, Thùy Linh đã quyết định cạo đi mấy cọng tóc xấu xí còn lại: để bắt đầu cuộc sống tươi mới."

Bài BĂNG HUYỀN

Vào 8 giờ 30 tối thứ Bảy, ngày 21 tháng 11, 2015 tuần qua, ca sĩ nhạc Jazz Thùy Linh (sống tại San Jose) đã “gặp lại” khán giả Quận Cam trong đêm nhạc Jam Jazz đầy ngẫu hứng mang tên “Jazz là em” (Jazz Is You) tại hội quán Lạc Cầm (thành phố Westminster). Đây là buổi diễn được tổ chức lần thứ ba, kể từ show lần đầu tiên diễn ra vào ngày 21 tháng Ba, 2014 và mỗi ba tháng “Jazz Là Em” đã hạnh ngộ lại với các khán giả.


Các nghệ sĩ trong ban nhạc tiếng đàn dương cầm của nghệ sĩ Ron Kobayashi, tiếng đàn electric bass của Sam Montooth, Bryan Cabrera biểu diễn trống, nhạc sĩ Trung Nghĩa
chơi guitar, tiếng kèn Saxophone của Mickey Đoàn. (Băng Huyền/Viễn Đông)



Ngoài tiếng hát Thùy Linh là giọng ca chính trong chương trình, “Jazz Là Em” lần này còn có giọng ca của Bryan Cabrera, là nghệ sĩ biểu diễn trống trong đêm nhạc kiêm luôn ca sĩ, và Jason Trương, là học trò của nhạc sĩ Sĩ Dự (chủ nhân của hội quán Lạc Cầm). Cả hai đều góp vào buổi diễn mỗi người hai ca khúc.
Ban nhạc chính của đêm diễn gồm có tiếng đàn dương cầm của nghệ sĩ Ron Kobayashi, tiếng đàn electric bass của Sam Montooth, Bryan Cabrera biểu diễn trống, nhạc sĩ Trung Nghĩa chơi guitar, tiếng kèn Saxophone của Mickey Đoàn.

Ngoài ra phần trình diễn của Jason Trương và Thùy Linh hát vài ca khúc Việt vào cuối chương trình, nhạc sĩ Sĩ Dự đệm dương cầm thay cho Ron Kobayashi, tiếng đàn electric bass của Vũ Anh Tuấn thay cho Sam Montooth.

                     Tiếng đàn dương cầm của nghệ sĩ Ron Kobayashi. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Nét hấp dẫn của buổi diễn Jazz Là Em

Suốt gần 3 giờ đồng hồ, từ ca sĩ Thùy Linh, tiếng hát của Bryan Cabrera và Jason Trương cùng các nhạc sĩ trong ban nhạc đã “phiêu” hết mình với nhạc Jazz và đưa mọi người có mặt cùng phiêu lãng qua những ca khúc bất hủ như There is No Greater Love, The Chicken, Ive Got U Under My Skin, Moon River, Jesus Love Me, The Way You Look Tonight, Fly Me To The Moon, Green Eyes, Syncopation Harmony, Can't Take My Eyes Off Of You, Cry Me A River, Autumn Leaves/ Les Feuilles Mortes, S Wonderful, và một số ca khúc Việt Nam như Diễm Xưa (Trịnh Công Sơn), Jazz Is You (Nguyễn Dự), Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay (Đoàn Chuẩn- Từ Linh), Kiếp Nào Có Yêu Nhau (Phạm Duy), Nắng Thủy Tinh (Trịnh Công Sơn).

Ca sĩ và nhạc sĩ trong ban nhạc đã làm nên một cuộc trò chuyện đầy đam mê và ngẫu hứng bằng âm thanh qua các tác phẩm Anh- Việt. Họ cùng “Jam” với nhau trong tinh thần nghệ sĩ, cùng đồng cảm với nhau ở niềm đam mê âm nhạc. Họ chơi nhạc và cống hiến cho khán giả đầy ngẫu hứng tuôn trào, phiêu lãng qua các nhạc phẩm “sống” của mình. Khi ấy khán giả có thể nhắm mắt lại, đong đưa theo từng nốt nhạc và để những nghệ sĩ của Jazz Là Em dẫn người nghe tới sự say đắm của những bài Jazz bất hủ, hay ngây ngất khi chiêm ngưỡng những phút giây thăng hoa của các nghệ sĩ. Tất cả thực sự phiêu linh, thật huyền ảo khi được hòa mình trong âm điệu nhạc Jazz đầy cảm hứng.

Nơi trình diễn không ở trong một không gian bao la nơi sân khấu lớn, mà đậm chất thính phòng trong một khán phòng rộng vừa phải, khán giả có thể nhìn rõ mặt nghệ sĩ ở khoảng cách xa nhất. Ánh sáng dìu dịu của hội quán Lạc Cầm làm cho không gian như càng thu hẹp lại, khoảng cách giữa người nghệ sĩ với khán giả dường như gần thêm.

                            Bryan Cabrera biểu diễn trống và hát. (Băng Huyền/Viễn Đông)


Tâm tình của ca sĩ Thùy Linh trong đêm nhạc và tình yêu dành cho Jazz

Xuất hiện lần này với vẻ ngoài khác lạ, mái tóc tém quen thuộc của ca sĩ Thùy Linh đã “bay biến mất” không còn. Để trấn an các khán giả về sự “đổi mới” lạ lẫm này của mình, ca sĩ Thùy Linh tâm sự, “Không, Thùy Linh không đi tu. Thùy Linh đã đi thử máu và khám sức khỏe thì mình cũng không mắc phải bất kỳ căn bệnh nan y nào. Cám ơn trời !!!

“Thùy Linh muốn cảm ơn tất cả các bạn đã theo dõi đôi mắt buồn của mình với tình thương và lòng quan tâm. Sau một tháng rụng tóc để lại những mảng hói đáng sợ, Thùy Linh đã quyết định cạo đi mấy cọng tóc xấu xí còn lại: để bắt đầu cuộc sống tươi mới.

“Nguyên nhân gây ra việc rụng tóc của tôi? Tôi đã phải trãi qua nhiều stress với những căng thẳng dữ dội. Kết quả thử máu của tôi hoàn toàn tốt. Bây giờ tôi đang chờ đợi thử nghiệm cuối cùng với một bác sĩ về da. Hiện nay tôi cố gắng thay đổi lối sống để giảm căng thẳng. Bỏ đi những tật xấu có thể là rất khó khăn, ngay cả với những điều đơn giản như ngủ, ăn uống, và thở đều đặn.”

Ca sĩ Thùy Linh cũng cho biết những biểu diễn Jazz Là Em do chị tổ chức với mục đích đem nhạc Jazz vào cộng đồng Việt Nam chúng ta. “Chương trình được hình thành từ ý tưởng của Thùy Linh và nhạc sĩ Nguyễn Dự (sống tại San Jose), với ước mong được phối hợp ca nhạc sĩ người Hoa Kỳ và ca nhạc sĩ Việt nhằm mục đích quảng bá và trình diễn nhạc Jazz thường xuyên hơn trong cộng đồng người Việt và các sắc dân khác.

                               Nhạc sĩ Trung Nghĩa và Sam Montooth. (Băng Huyền/Viễn Đông)


“Vì những đêm nhạc này không bán vé, chỉ xin tiền ủng hộ tùy hỷ của khán giả khi đến xem chương trình. Chúng tôi hầu như chỉ dựa vào quảng cáo truyền miệng để mang khách vào quán và kêu gọi khán giả ủng hộ tùy hỉ để trả tiền cho ban nhạc chuyên nghiệp. Quý vị hãy tưởng tượng thần kinh tôi căng thẳng tới mức nào khi mình không biết bao nhiêu quý khách sẽ hiện diện trong mỗi buổi trình diễn!”

Nét độc đáo của nhạc Jazz và tài hoa của các nghệ sĩ

Nhạc Jazz là thể loại nhạc có sức hút lạ kỳ bởi tính ngẫu hứng và phiêu linh. Tuy nhiên, người thích nghe Jazz nhất là trong cộng đồng người Việt thì vẫn chưa nhiều và còn ít người hiểu về nó thật sự. Ngay như trên thế giới, nhạc Jazz chỉ chiếm một con số rất khiêm tốn về lượng người nghe, và nhạc POP vẫn đứng đầu.

Tuy nhạc Jazz còn kén khán giả Việt Nam, nhưng với ca sĩ Thùy Linh, nếu không có những người bắt đầu và mở rộng hơn nhạc Jazz tới khán giả, người nghe sẽ bị đóng khung vào những dòng nhạc đã quá trở nên phổ biến. Vì vậy dù buổi diễn Jazz Là Em vào thứ Bảy tuần rồi khá vắng khán giả so với hai lần trước, có lẽ vì trước lễ Tạ Ơn, nhiều người đã đi chơi xa nên không thể đến ủng hộ đêm nhạc, nhưng chị vẫn có niềm vui nho nhỏ là có một số gương mặt khán giả mới đến thưởng thức chương trình và ở lại đến cuối buổi.

Có nghe và thấy cách ca sĩ Thùy Linh hát Jazz và qua cách chị say mê nói về tính ngẫu hứng, tương tác trong nhạc Jazz mới hiểu, ở chị, tình yêu dành cho thể loại nhạc này là một điều hết sức tự nhiên và chính đáng. Bày tỏ niềm yêu thích nhạc Jazz của mình, ca sĩ Thùy Linh nói, “Khi tiếp xúc với nhạc Jazz, tôi như gặp lại được chính mình. Jazz có thể nói hộ được lòng mình mà không ngôn từ nào có thể diễn tả được hết.”

“Tôi đến với Jazz bởi cá tính tự do và những câu chuyện lãng mạn của nó. Các nhạc sĩ có một tự do bao la về âm nhạc để tạo ra một âm thanh hoặc bài hát mới bằng cách sử dụng một tiêu chuẩn cũ. Công việc của chúng tôi là kể lại một câu chuyện cũ nhưng theo một phong cách quyến rũ mới. Đó không phải là sao chép những gì được thực hiện trước kia, nhưng phục hồi những bài hát cũ để làm cho chúng tươi mới và có ý nghĩa trở lại.”


Tiếng đàn dương cầm của nghệ sĩ Ron Kobayashi, tiếng đàn electric bass của Sam Montooth, Bryan Cabrera biểu diễn trống, nhạc sĩ Trung Nghĩa chơi guitar, tiếng kèn Saxophone của Mickey Đoàn. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Chất giọng của chị là giọng nữ trung rất ấm áp, giàu biểu cảm, câu chữ được chị thả ra một cách rành rọt, rõ ràng. Khi chị hát giọng của chị hòa nhịp theo từng khúc ứng tác của các thành viên trong ban nhạc khá tốt, tạo nên một phong vị lạ lẫm. Cách hát của chị có sự pha trộn giữa loại jazz đặc Mỹ với kiểu hát phòng trà theo lối ngẫu hứng khá đặc sắc, một chút ngược trong âm điệu, một chút phiêu trong bài hát, một chút buông thả. Hai giọng ca Bryan Cabrera và Jason Trương cũng đã đem đến nhiều thích thú cho người nghe lúc cao hứng, lúc thì thầm, rất giàu cảm xúc.

Nổi bật trong toàn bộ chương trình còn là phong cách ngẫu hứng không ngừng của các nhạc sĩ trong ban nhạc khi họ biểu diễn cùng nhau. Âm điệu phối hợp giữa các nhạc sĩ trong ban nhạc khá công phu, cái tiết tấu Jazz mà các nhạc sĩ biểu diễn cùng nhau có sự tự do sáng tạo không giới hạn nhưng vẫn giữ được điểm thống nhất trong toàn bộ bản nhạc. Người nghe không thấy sự xáo trộn mà có cảm giác luôn ở trong trạng thái thăng hoa đến tột độ, nhất là qua những màn solo hết sức ngẫu hứng.

                                               Ca sĩ Thùy Linh. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Những tràng pháo tay không ngớt sau mỗi màn solo của các nghệ sĩ. Không có lời nào để diễn tả được cảm giác hưng phấn của khán giả trước màn biểu diễn của các nhạc sĩ trong ban nhạc. Sự kết hợp hài hòa trong khả năng tuyệt vời của đôi tay, sự chuyển động của toàn thân và trên hết là tính ngẫu hứng trong cách chơi trên từng nhạc cụ của mỗi người, đem đến cho khán giả cảm giác hoàn toàn mới lạ, thích thú.

Để giúp những khán giả chưa hiểu rõ về jazz, bản thân ca sĩ Thùy Linh trong lúc trình diễn đã có vài dòng phác họa về nghệ thuật của nhạc Jazz kèm theo là phần minh họa của các nhạc sĩ trong ban nhạc tấu lên những đoạn nhạc giúp khán giả hình dung rõ hơn.

Theo ca sĩ Thùy Linh thì nếu tiết tấu cổ điển thường là các dạng tiết tấu không quá phức tạp nghe thuận tai và chú trọng phần kĩ thuật chạy ngón, thì nhạc Jazz luôn chú trọng các tiết tấu đảo phách, nghịch phách và được nhấn vào các phách nhẹ. Trong nhạc Jazz các tiết nhịp 2 phách trong hành khúc nhà binh được thay thế bằng nhịp 4 phách, nhấn mạnh phách 2 và phách 4 trong ô nhịp.

Trong các tác phẩm nhạc Jazz sử dụng rất nhiều các tiết tấu đảo phách, nghịch phách. Khi trình diễn trên nhạc cụ, các nhạc sĩ trong ban nhạc jazz thực hiện các tiết tấu đảo phách, nghịch phách được sử dụng ở cả hai tay có khi liên tục, có khi tay phải là tiết tấu đảo phách còn tay trái giữ nhịp. Chính việc sử dụng nhiều tiết tấu này đã tạo nên một nét rất riêng cho nhạc Jazz so với với các thể loại khác. Là một loại nhạc có nhịp điệu trái ngược nhau, chú trọng việc phô trương kỹ thuật trình diễn cá nhân, thường là do sự tự ứng tấu trong lúc trình diễn về nhịp điệu (rhythms), âm điệu (melodies), ngay cả hình thức (forms) của bản nhạc.

Qua buổi diễn “Jazz là em” bản thân người viết cảm nhận rằng để nghe được nhạc jazz không khó nhưng để hiểu được nó hay ở chỗ nào thì chẳng đơn giản chút nào. Lẽ dĩ nhiên điều này cũng có thể áp dụng với nhiều thể loại nhạc khác, nhưng đặc biệt đúng khi thưởng thức nhạc Jazz. Vì mỗi bản nhạc thể loại jazz khi trình tấu đều khác nhau, nếu người nghe không biết thông thạo những bản nhạc kinh điển, những bản nhạc nền tảng thì rất khó đánh giá cái gì là mới, cái nào là hay, mới và hay ở điểm nào.

Để gắn bó với nhạc Jazz, người nghệ sĩ không chỉ cần tài năng, niềm yêu thích âm nhạc mà còn cần sự kiên nhẫn trong tập luyện. Nhiều người cho rằng nếu so với lượng khán giả của các chương trình nhạc Pop, Rock, hay nhạc đồng quê... thì nhạc Jazz có lượng khán giả khiêm tốn hơn là điều dĩ nhiên, vì nhiều khán giả vẫn cho rằng đó là loại nhạc khó nghe và khó... quyến rũ được họ đến với sân khấu vì nó vốn kén thính giả, bởi sự trừu tượng của dòng nhạc thiên về hòa tấu, ngẫu hứng.

Buổi diễn Jazz Là Em đã kết thúc gần 12 giờ đêm, tâm sự với người viết, ca sĩ Thùy Linh tâm sự, “Những khán giả người Việt trong cộng đồng chúng ta đến thưởng thức những đêm nhạc Jazz có thể không nhiều nhưng một khi đã đến sẽ rất đam mê. Và tôi tin ở điều này qua kinh nghiệm của chính mình. Thùy Linh ước mong nếu đêm nhạc Jazz Là Em sẽ tiếp tục được tổ chức tại hội quán Lạc Cầm vào mỗi ba tháng hoặc những đêm nhạc Jam Jazz thường xuyên hơn. Có hai điều mà Thùy Linh rất mong ước hiện nay cho chương trình Jazz Là Em, vì show không bán vé, chỉ nhận đóng góp tùy hỉ của khán giả đến xem chương trình, nên rất mong các cơ quan truyền thông Việt ngữ giúp thông báo đến với cộng đồng. Thùy Linh rất mong chương trình có thêm nhiều bạn trẻ đến thưởng thức.

“Điều quan trọng hơn nữa là Thùy Linh rất mong tìm được nhà bảo trợ thường xuyên cho chương trình để giúp buổi diễn được tiếp tục duy trì dài lâu. Buổi diễn Jam Jazz Là Em sắp tới dự định sẽ tổ chức vào tháng Ba hoặc tháng Tư năm 2016 tại hội quán Lạc Cầm, mong là sẽ có đông khán giả đến thưởng thức.
Nếu những ai thấy mình có khả năng và muốn lên sân khấu hát Jazz cùng ban nhạc hoặc biểu diễn nhạc cụ, cùng ứng tấu với các nhạc sĩ trong ban nhạc, xin mời hãy đến góp tài năng của mình vào chương trình.

Mọi chi tiết về chương trình, xin quý vị liên lạc với Thùy Linh tại địa chỉ email: kylatl@yahoo.com, hoặc điện thoại cell: 1 (408) 908-8807.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT