Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đêm nhạc "Tình ca Thanh Trang" chuẩn bị ra mắt khán giả tại quận Cam

Friday, 27/02/2015 - 11:04:49

Bước vào khu vườn đó, người nghe như được đưa về với khung trời kỷ niệm xưa, thấy lòng da diết điều gì đó mông lung, nhẹ nhàng như một ký ức. Nó rất thiết tha và sâu lắng nhưng cũng rất gần gũi và quen thuộc, với từng lời, từng chữ thấm sâu vào hồn người.

Bài BĂNG HUYỀN

Khán giả yêu những ca khúc “Duyên Thề”, “Huyền”, “Tình Khúc Mùa Đông” “Nói Với Mùa Thu” (phổ ý thơ Kim Tuấn)… của nhạc sĩ Thanh Trang, có bao giờ tự hỏi: vì sao vẫn nghe mãi những ca khúc của ông mà không bao giờ thấy cũ?


Poster đêm nhạc Tình ca Thanh Trang


Chỉ cần nhìn lại hơn 60 tác phẩm của ông, mọi người dễ dàng hiểu được những gì ông đã và đang để lại cho đời. Những sáng tác được ông chăm chút, tạo ra từ chiều sâu cảm xúc, từ bên trong trái tim mẫn cảm và tinh tế của người nghệ sĩ, giúp ông nói thay cho con tim thổn thức của nhiều người. Đối với ông, quá trình sáng tác hơn 40 năm qua là một cuộc hành trình dài vào bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ. Đó là những lời kể của khu vườn cảm xúc, suy tư của người nhạc sĩ. Bước vào khu vườn đó, người nghe như được đưa về với khung trời kỷ niệm xưa, thấy lòng da diết điều gì đó mông lung, nhẹ nhàng như một ký ức. Nó rất thiết tha và sâu lắng nhưng cũng rất gần gũi và quen thuộc, với từng lời, từng chữ thấm sâu vào hồn người.

Nhạc sĩ Thanh Trang


Những khán giả tri âm thích nghe nhạc của Thanh Trang là để cảm nhận, để lắng đọng và để yêu. Yêu cái cách mà nhạc sĩ gửi gắm từng tâm tư, tình cảm của mình vào ca khúc. Yêu cái lắng đọng của cả một cả một kiếp người với những điều trăn trở trong từng nội dung bài hát.
Đầu xuân này, khán giả quận Cam sẽ được hạnh ngộ với những tuyệt phẩm của nhạc sĩ Thanh Trang và với chính tác giả trong đêm nhạc “Tình Ca Thanh Trang” sẽ diễn ra vào 7 giờ 30 tối Thứ Bảy, ngày 14-3-2015 tại hội trường Nhật Báo Người Việt do nhóm Những Bạn Trẻ Yêu Nhạc tổ chức. Đến với đêm nhạc “Tình Ca Thanh Trang” người yêu nhạc sẽ được hòa mình vào những giai điệu trữ tình, những nốt trầm nốt bổng sâu lắng của người nhạc sĩ qua giọng ca tuyệt vời của Quang Tuấn, tiếng hát của Anh Dũng, Minh Phượng, ca sĩ trẻ Bích Huyền, Hàn Phúc, Thế Khải, tiếng hát của Vương Lan, Thiên Nga, ban Sóng Xanh, Ái Phương, Minh Phương, Hồng Tước. Ban nhạc của chương trình có tiếng đàn dương cầm của Quốc Vũ, đàn Tây Ban Cầm của Phương Thảo, tiếng vĩ cầm của Chu Đình Chính. Hoàng Trọng Thụy và Nhã Lan sẽ đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình và giúp khán giả hiểu rõ hơn lai lịch các nhạc phẩm của nhạc sĩ Thanh Trang, vì theo chia sẻ của tác giả, đằng sau những bài hát của ông luôn là những mẫu đời, những tình người có thật.Ai khác ra sao ông không biết, nhưng riêng ông khi viết bài hát, không có lời lẽ nào thuộc dạng hư cấu, vẽ vời hay tưởng tượng.

Tâm tình của nhạc sĩ Thanh Trang
Bày tỏ cảm nghĩ khi nhóm Những Bạn Trẻ Yêu Nhạc tổ chức đêm nhạc “Tình Ca Thanh Trang” để giới thiệu những tác phẩm của ông đến với khán giả yêu nhạc tại quận Cam, nhạc sĩ Thanh Trang cho biết:
“Điều mà tôi cảm thấy rất vui là đêm nhạc này không do tôi tổ chức, mà nếu người trẻ thích nhạc của tôi nữa thì càng vui hơn. Trong những khán giả thích nhạc của tôi có một số là những người thuộc thế hệ trẻ trước 1975, nay cũng đã 65 tuổi trở lên rồi, họ đã rất quen thuộc với những ca khúc của tôi phổ biến trên đài, qua CD nhạc do các ca sĩ thực hiện và có những người thích nhạc của tôi thầm lặng mà tôi không biết họ là ai, họ sẽ đến dự, nên tôi rất cảm kích khi đêm nhạc này diễn ra. Khi nhóm Những Bạn Trẻ Yêu Nhạc có ý kiến thực hiện đêm tình ca Thanh Trang, tôi thấy ý tưởng đó rất hợp ý tôi, vì nhạc của tôi không phải là tình khúc. Kể từ khi viết nhạc, tôi vẫn tự coi mình là một trong những người cuối cùng của dòng nhạc tiền chiến. Mà nhạc tiền chiến khi xưa không chỉ xoay quanh một người đàn ông và người đàn bà, một thanh niên và thiếu nữ, cho dù là nhạc tình khúc đi nữa thì luôn có vai trò của thiên nhiên ở trong ca khúc tiền chiến rất nhiều. Con người trong ca khúc tiền chiến thì giống như những bức tranh thủy mặc của Tàu, con người rất nhỏ bé ở giữa cảnh thiên nhiên, trời đất, cỏ cây. Trong ca khúc của tôi nó cũng phảng phất như thế, con người luôn được lồng trong khung cảnh thiên nhiên.”
Nhạc sĩ Thanh Trang chia sẻ: “Chẳng hạn như ca khúc “Tóc Em Vẫn Là Hương Của Mẹ” (sáng tác năm 2001) mà tôi dựa theo ý của bài thơ “Hương Bồ Kết” của nhà thơ Hà Nguyên Dũng (sống tại Việt Nam) thể hiện cung cách của tôi rõ nhất, bài hát có tình quê hương, có tỉnh lẻ, vì tôi không thích câu chuyện quanh quẩn trong thành phố lớn, mà chỉ thích tỉnh lẻ, vì ở đó con người và tình cảm gần gũi với dân tộc tính mình hơn.”

“….Trời đang nắng bỗng mưa ai nào biết?
Mưa ướt rồi mái tóc sẽ phai hương!
Anh yêu lắm mùi hương trên làn tóc!
Em đi qua thơm ngát cả con đường!

Thơm làn tóc; vẫn mùi hương của Mẹ!
Ấm hơi người ngày chưa biết phong sương!
Giữ lấy giùm mùi thơm trên mái tóc
Như mùi hoa cỏ dại của quê hương...”
(Trích ca khúc “Tóc em vẫn là hương của mẹ”, ý thơ “Hương Bồ Kết” của Hà Nguyên Dũng)

Nhạc sĩ Thanh Trang và cháu ngoại Alice Vi, phụ tá đắc lực của nhạc sĩ Thanh Trang, đã giúp ông làm những video clip tất cả những bài nhạc mà ông đã post lên Youtube.



Theo như lời nhạc sĩ Thanh Trang thì trong khoảng đầu thập niên 1980, khi ông còn ở trong nước, vô tình ông đọc bài thơ “Hương Bồ Kết”, khi đó ông chưa biết tác giả là ai. Ông rất thích bài thơ vì cái ý hay hay: “Một anh thanh niên ở tuổi học trò ở một tỉnh nhỏ, yêu một cô học trò. Cô học trò thường gội đầu bằng nước bồ kết cho nên mỗi lần hẹn hò với nhau thì mùi hương bồ kết trên tóc cô gái khiến anh thanh niên nọ nhớ đến Mẹ mình ở dưới quê cũng thường gội đầu bằng nước bồ kết. Hình ảnh một tỉnh lỵ nhỏ, xung quanh đã là nông thôn, cùng hình ảnh một cậu trai trẻ và một cô gái tuy đang làm việc và đi học ở tỉnh nhưng gốc rễ vẫn còn rất gần với thôn quê làng mạc. Rồi hương bồ kết là một cái gì rất bình thường, dung dị; một cái gì đấy rất gần gũi với hương sắc của quê hương. Và cạnh đấy là hình ảnh của một người Mẹ. Để rồi hơn mười năm sau, ở California, cách xa đất nước một cái đại dương, tôi nhớ đến tình ý của bài thơ có lần mình bắt gặp hơn mười năm trước. Tôi sắp xếp cấu trúc của bài hát sao nghe như một bài thơ phổ nhạc. Khi liên lạc được tác giả bài thơ, ông ấy thấy tôi phổ thơ ông, ông thích lắm. Tôi vui là ông ấy không tỏ ý khó chịu khi tôi sửa lại lời thơ của ông. Khi tôi sửa, không có nghĩa là thấy chữ nghĩa của ông không hay rồi thay đổi, mà sửa để vận dụng như thế nào cho toàn vẹn giai điệu bài hát.”
Nhạc sĩ Thanh Trang không chỉ sáng tác ca khúc, hòa âm một số ca khúc của mình và một số tác giả ông yêu mến, mà ông còn biết đến là một nhạc sĩ có giọng hát rất truyền cảm. Khi người viết hỏi trong đêm nhạc “Tình Ca Thanh Trang” vào 14-3 này, ông có hát tặng khán giả một vài ca khúc của mình không, ông cười hiền lành cho biết:
“Năm nay tôi lớn tuổi rồi, hồi xưa giọng tôi còn tốt, thì có lẽ tôi sẽ hát tặng khán giả. Nhưng đêm nhạc hôm đó đã có khoảng 25- 26 ca khúc của tôi rồi, nếu để tôi lên hát bên cạnh những giọng ca trẻ, khỏe, hay, thì có khi làm hỏng mất bài hát. Nhưng nếu khán giả yêu cầu, có thể tôi sẽ lên hát một câu trong ca khúc của vài tác giả tiền chiến ngày xưa mà tôi yêu thích. Chính những tác phẩm tiền chiến xưa đã ảnh hưởng đến tôi ngay từ khi còn bé, đã tạo cho tôi cái nếp sau này khi viết ca khúc.”

Người nhạc sĩ tiếp nối dòng nhạc tiền chiến
Nhạc sĩ Thanh Trang tâm sự: “Đối với riêng tôi, trước khi sáng tác nhạc, tôi đã rất yêu nhạc của những tác giả tiền chiến. Ngay từ 5- 6 tuổi tôi đã nghe những ca khúc như “Mơ Hoa” của nhạc sĩ Hoàng Giác rồi, về sau có nghe thêm một số ca khúc khác như “Lỡ Cung Đàn”, “Ngày Về”, “Bóng Ngày Qua“à Nhưng tôi thích nhất vẫn là bài “Mơ Hoa” và “Lỡ Cung Đàn”, chính vì vậy mà khi còn bé 6- 7 tuổi tôi đã thuộc lòng những bài này rồi. Chính vì yêu thích nhạc qua những tác phẩm này, tôi mới học nhạc (học piano và violon từ năm 13 tuổi). Nếu hỏi tôi ngoài nhạc sĩ Hoàng Giác ra, tôi còn yêu thích nhạc sĩ nào khác, thì nhiều lắm, kể sao cho hết, nào là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với “Dư Âm”, Tô Vũ với “Tiếng Chuông Chiều Thu”, “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa”, “Tạ từ“à 8-9 bài của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, hay nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh với “Chiều Vàng”, “Nỗi Lòng“... Doãn Mẫn, Văn Cao, Phạm Duy thời tiền chiến... Âm nhạc tiền chiến không chỉ kết thúc vào năm 1954 khi chia đôi đất nước đâu, mà mãi sau 1954, những nhạc sĩ ở ngoài Bắc vào Nam như Văn Phụng, Nhật Bằng, Phạm Đình Chương, Tuấn Khanh... các vị ấy đều theo cung cách viết nhạc của nhạc tiền chiến cả, tuy cách thể hiện lời bài hát có thay đổi chút đỉnh, nhưng phong cách viết ca khúc vẫn là nhạc tiền chiến.”
Nhạc sĩ Thanh Trang giải thích:
“Những ca khúc của tôi không gì khác hơn là tiếp nối dòng nhạc tiền chiến, trong khi thời buổi ngày nay người ta nghe nhạc khác xưa rồi, nếu mà tôi có thể tiếp nối được dòng nhạc thật hay, đẹp, để người nghe hôm nay vẫn thích thú những điều đó và có thể truyền đạt lại cho lớp trẻ mai sau nữa thì điều đó là điều tôi thấy thú vị vô cùng. Quan điểm của tôi là mình viết ca khúc như thời trước với tâm tình của ngày nay, có những thay đổi khác thì mình thay đổi đi một chút. Nhưng nếu phong cách, cung cách của mình vẫn như vậy thì nó có một giá trị gì đó tương đối trường cửu chứ không hời hợt hôm nay nghe đó rồi mai lại quên ngay.”
Nhạc sĩ Thanh Trang bày tỏ:
“Trong phạm trù của văn học nghệ thuật, người sáng tác bao giờ cũng mong mình đem được gì đó tích cực, đóng góp được gì cho cuộc sống, đem được niềm vui cho mọi người, để người ta thích khi nghe, khi hát... Chẳng hạn như cá nhân tôi, vốn rất yêu thích âm nhạc, nếu thiếu đi những ca khúc của Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn-Từ Linh và những nhạc sĩ tiền chiến mà tôi yêu mến, thì cuộc đời tôi sẽ thiếu hụt đi rất nhiều. Đến khi tôi không còn là người thưởng ngoạn, mà là người đóng góp vào trong gia tài tân nhạc Việt Nam, những đóng góp của tôi dù nhỏ mọn đến mấy thì cũng rất tích cực, vì đó là những điều tôi để lại. Thành ra tôi thấy tôi được rất nhiều trên chặng đường sáng tác, chứ chẳng mất gì cả, mình làm gì được cho mọi người thì tôi thấy mình được chứ không mất.”
Khi nhắc đến dòng nhạc Thanh Trang, người ta hay nghĩ ngay đến ca sĩ Quang Tuấn, vì anh thể hiện rất tình cảm và thành công những ca khúc của ông. Chia sẻ về tiếng hát Quang Tuấn, nhạc sĩ Thanh Trang cho biết:
“Giọng hát Quang Tuấn rất hay, rất chuẩn, chững chạc, hát từ nốt cao đến nốt thấp đều vững vàng cả, và vì anh thích những bài hát của tôi, anh liên lạc với tôi và tìm hiểu rất kỹ những ca khúc mà anh hát từ ca từ cho đến giai điệu, và nếu anh ấy có thắc mắc nốt nhạc này đúng chưa thì tôi trả lời ngay cho anh. Nên anh hát chuẩn theo. Còn nhiều ca sĩ khác không liên lạc với tôi. Thành ra có ca sĩ hát tựa đề sai hoặc nốt nhạc sai. Tôi không trách được, vì tôi không in những bài nhạc của tôi. Theo ý riêng của tôi, không nhất thiết những ca sĩ chuộng bài hát của tôi phải là ca sĩ thượng thặng, có tên tuổi ghê gớm trong làng nhạc. Quan niệm của tôi là người nào có giọng hát hay, hát đúng nhạc, đúng nhịp, đúng lời, không thay đổi gì cả là đạt rồi. Tiêu chuẩn của tôi là vậy. Hơn nữa với một người sáng tác ca khúc đâu phải khi sáng tác xong rồi chỉ mong những người nổi tiếng hát thì bài của mình mới nổi. Dĩ nhiên phải có người hát cho thiệt chuẩn, để không bị tam sao thất bản, để những người nghe khi nghe người ca sĩ hát chuẩn, người ta thích thì cũng sẽ hát chuẩn theo. Vấn đề chính là khi sáng tác một bài hát, tôi chỉ mong một ngày nào đó đi vào một ngõ ngách nào trên đường phố ở bên nhà, hoặc một nơi nào đó ở đây, người ta hát ca khúc mình lên, thì đó chính là vinh dự lớn nhất cho người sáng tác.”
Đêm nhạc “Tình Ca Thanh Trang” vào cửa tự do, nhưng theo ca sĩ Hồng Tước là ca sĩ tham gia trong chương trình “Tình Ca Thanh Trang”, đảm nhận vai trò nhận đặt vé của khán giả cho biết, ban tổ chức có một số vé dành cho các ân nhân bảo trợ chương trình, vé đó là những vé được giữ chỗ có 2 loại là 40 mỹ kim và 30 mỹ kim. Mỗi vé bảo trợ còn kèm theo 1 băng nhạc Thanh Trang do một số ca sĩ ở miền Tây Hoa Kỳ và bên miền Đông như Hiếu Phương là giọng ca nữ tài tử nhưng hát rất hay những ca khúc của nhạc sĩ Thanh Trang.
Nói về cảm xúc của mình với dòng nhạc của nhạc sĩ Thanh Trang, ca sĩ Hồng Tước bày tỏ: “Tôi rất yêu thích nhạc Thanh Trang, vì dòng nhạc của ông không giống nhạc bây giờ, nó có âm hưởng nhạc tiền chiến, nó là dòng nhạc tình cảm, lãng mạn, nhẹ nhàng, rất hợp với giới trẻ sinh viên học sinh thời tôi trước 1975. Mà mình thì lúc nào cũng hoài niệm về thời gian đó, vì thế tôi thấy nhạc của ông rất hợp với tâm hồn của mình, nên tôi yêu thích. Trong chương trình lần này tôi sẽ hát một ca khúc mang tên “Đò Mây”, đây là một bản nhạc tôi bất ngờ được nghe và rất thích và đã tìm gặp nhạc sĩ Thanh Trang để xin bài này hát rồi ghi âm bài này, đã được nhạc sĩ Thanh Trang đưa lên you tube, lần này trong đêm nhạc tôi sẽ hát lại bài “Đò Mây”. Nhạc sĩ Thanh Trang có nhiều bài hay lắm, như Duyên Thề, Huyền, Tình Khúc Mùa Đông, Nói Với Mùa Thùa nhưng tôi thích bài Đò Mây vì tính triết lý của nó. Còn về giai điệu của ca khúc thì nhạc sĩ Thanh Trang sáng tác mỗi bài đều có giai điệu khác nhau, làm cho tâm hồn mình thoải mái, nhẹ nhàng, êm ái. Tôi biết có rất nhiều khán thính giả rất thích chương trình này cũng vì những bản nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Trang, không những nữ thính giả yêu thích mà cả nam thính giả nghe cũng rất thích.”
Ca sĩ Hồng Tước chia sẻ:
“Tôi nghĩ những khán giả biết về đêm nhạc này chắc chắn sẽ đến dự rất đông, vì trước đây nhóm Bạn Trẻ Yêu Nhạc từng tổ chức những đêm nhạc Nguyễn Đình Toàn, Trần Duy Đức cũng tại hội trường nhật báo Người Việt rất thành công và những lần trước rất đông, nhiều người không có chỗ phải ra về. Lẽ ra đêm nhạc này tổ chức một chỗ lớn hơn. Nhưng vì đây là chương trình vào cửa tự do, chi phí trả cho địa điểm hay ban nhạc, ca sĩ cũng chỉ tượng trưng thôi, nên đây là địa điểm thuận tiện. Riêng cá nhân tôi ước gì tổ chức được đêm nhạc này tại một vị trí vĩ đại hơn, vì đối với tôi chọn địa điểm chỉ khoảng 300 chỗ ngồi là hơi quá nhỏ so với tầm vóc của một người nhạc sĩ như Thanh Trang, ông là một trong những nhạc sĩ cuối cùng viết nhạc theo lối nhạc tiền chiến ngày xưa, có rất đông khán giả mến mộ ông.”
Để có những phút trải lòng với lời tự tình của nhạc sĩ Thanh Trang, phút ấm áp khi cùng nhau thưởng thức lời ca, phút ngỡ ngàng khi được thưởng thức giọng hát quá hay hoặc chỉ đơn giản nhận ra mình yêu thích không khí của đêm nhạc này, được gặp gỡ người nhạc sĩ tài hoa Thanh Trang, được nghe những lời tâm tình của ông, và làm giàu thêm đời sống tinh thần cho chính mình, quý khán giả có thể đến với đêm nhạc “Tình ca Thanh Trang” vào tối Thứ Bảy, ngày 14-3-2015 này. Mọi chi tiết về đặt vé giữ chỗ, xin liên lạc với ca sĩ Hồng Tước, số điện thoại (714) 615-9456.

Vài nét về nhạc sĩ Thanh Trang:
Thanh Trang (Nguyễn Thanh Trang) là tên thật của người nhạc sĩ, ông chào đời vào năm 1942. Quê nội ở tại ấp Thái Hà, Hà Nội, quê ngoại ở Quảng Bình. Lên 8 tuổi vào Sài Gòn do thân phụ thay đổi nhiệm sở. Học piano và violon từ năm 13 tuổi. “Duyên Thề” sáng tác đầu tay của Thanh Trang khi ông đang học năm thứ 2 (1962) trường Luật. Thời sinh viên, với bút hiệu Thanh Nguyễn, ông cộng tác với nhật báo “Tự Do” và một số nhật báo, tạp chí văn học. Sau này ra hải ngoại, ông tiếp tục lấy bút hiệu ấy để viết trên các báo Người Việt, Viễn Đông, và các tạp chí Thế Kỷ 21, Văn Học, Hợp Lưu ...
Thanh Trang nhập ngũ năm 1968. Cuối năm 1968 thì rời Quân Trường Thủ Đức, lên giảng dạy Luật và Kinh Tế tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Cuối năm 1969, sang Mỹ du học ngành Kinh Tế. Trở về nước năm 1973, tiếp tục giảng dạy Kinh Tế ở trường Võ Bị Quốc Gia và Viện Đại Học Đà Lạt (Phân khoa “Chính Trị Kinh Doanh”) đến tháng Tư 1975 thì biến cố xảy tới. Như bao người khác, ông bị đi tù cải tạo.
Ra khỏi trại tù Cộng sản năm 1982, ông trở về Saigon và tìm cách vượt biển nhưng không thành. Tới giữa năm 1990 ông qua Hoa Kỳ định cư cùng với gia đình tại Nam California.
(B.H)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT