Người Việt Khắp Nơi

Đêm Nhạc “Hát Cho Quê Nhà”

Saturday, 18/04/2015 - 08:59:22

Tiếp đến là các nhạc phẩm “Chiều Trên Phá Tam Giang” và “Anh Không Chết Đâu Anh” được giọng ca truyền cảm của Bảo Nam hát, cả khán phòng im bặt, có tiếng sụt sùi lau lệ!

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER. “Thưa quý vị, Đêm nay không phải là đêm nhạc trình diễn mà là đêm tự tình, và đêm nay cũng gần đến 30 tháng Tư, chúng ta cũng hát để tưởng niệm ngày đau buồn của đất nước. Nhưng chúng ta không ngồi để khóc lóc, để than van về quá khứ đau khổ của mình mà chúng ta muốn nhìn về tương lai. Kim Ngân chắc chắn rằng người Việt khắp nơi, trong cũng như ngoài nước, chúng ta nhớ về những ngày này, một phần đời của chúng ta đã chết theo với biến cố năm 1975, và chúng ta luôn luôn sống một ngày nào, thở một ngày nào vẫn còn nhớ những người đã nằm xuống vì tự do, vì độc lập vì dân chủ mà phải hy sinh cho chúng ta có được ngày nay, hít thở không khí trong lành này.”

Từ trái: Ngọc Quỳnh - Kim Ngân và Lâm Dung say sưa hát (Thanh Phong/Viễn Đông)


Trên đây là lời mở đầu của cô Kim Ngân trong đêm nhạc Hát Cho Quê Nhà, do Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học tổ chức tối Thứ Bảy 11.4.2015 tại Viện Việt Học ở Westminster.
Như lời mở đầu của cô Kim Ngân, khán phòng Viện Việt Học được tắt bớt đèn, chỉ còn là ánh sáng mờ ảo. Từ trong sân khấu, ba tà áo dài trắng tha thướt bước ra: Kim Ngân, Ngọc Quỳnh và Lâm Dung. Sau khi cúi đầu chào khán giả, ba cô ngồi trên ba chiếc ghế cao mở lời tâm tình về những gì đã xẩy ra 40 năm trước, những gì đang xẩy ra và những gì mình có thể làm trong tương lai sau 40 năm. Ba cố gái thay phiên nhau đề cập những sự kiện lịch sử để dẫn khán giả bắt đầu bước vào chương trình với sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ qua bản nhạc mà nhiều người lớn tuổi đã thuộc nằm lòng: “Anh em ta cùng mẹ cha như chuyện cũ trong tích xưa khi thế gian còn mù mờ..” Ba cô gái cất câu đầu và mọi người trong khán phòng không ai bảo ai cùng vỗ tay hát theo rất nhịp nhàng.
Từ ngày 50 con theo mẹ Âu Cơ lên núi, 50 con theo cha Lạc Long Quân xuống biển theo truyền thuyết đến năm 1954, khi giặc cộng chiếm mien Bắc theo hiệp định Geneve, gần một triệu người miền Bắc bỏ mồ mả, cha ông tìm đường vào Nam, “Một ngày năm bốn, cha bỏ Sơn Tây, đắt díu con thơ vô sống nơi Biên Hòa. Dù là xa đó, vẫn là quê nhà, và miền nắng soi vui gia đình ta. Một ngày 75, con bỏ hết giang sơn, hai mươi năm tình yêu người, yêu cuộc sống. Giờ nơi nước mình niềm đau thay nỗi vui, Saigon đã chết rồi, phải mang tên xác người”. Tiếp đến là các nhạc phẩm “Chiều Trên Phá Tam Giang” và “Anh Không Chết Đâu Anh” được giọng ca truyền cảm của Bảo Nam hát, cả khán phòng im bặt, có tiếng sụt sùi lau lệ!
Nhạc sĩ Ngô Tín ôm đàn bước ra sân khấu, anh vừa đàn vừa hát hai nhạc phẩm “Kiếm Gẫy” phổ từ thơ Đặng Phú Phong và nhạc phẩm Khi Tôi Chết Hãy Mang Tôi Ra Biển phổ từ thơ Du Tử Lê. Sau những tràng pháo tay dành cho người nhạc sĩ tài hoa, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, Xuân Thanh hợp ca nhạc phẩm “Những Dòng Sông Chia Rẽ” trích trong trường ca Mẹ Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy. Sau đó, các nhạc phẩm “Mai Tôi Đi” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, “Đêm Đại Dương và Lời Kinh Đêm” của cố nhạc sĩ Việt Dzũng được các ca sĩ Hàn Phúc, Kim Yến trình bày. Tiếp nối, Kim Ngân, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung và Quốc Hùng hợp ca nhạc phẩm “Nhớ Mẹ” do Tướng Lê Minh Đảo sáng tác và một số nhạc phẩm trong “Liên Khúc Cho Quê Nhà 1” do nhạc sĩ Phan Văn Hưng sáng tác, Tiếp đến, ca sĩ Hương Thơ trình bày 2 nhạc phẩm “Vọng Nam Quan” và “Anh Đã Ngủ Yên Trên Quê Hương” và Andy hát hai nhạc phẩm “Mời Em Về“của Việt Dzũng và “Trả Lời Thư Em” của Trần Quang Lộc.
Sau những nhạc phẩm mang nét buồn rười rượi, toàn ban hợp ca CLB Văn Nghệ Viện Việt Học lên trình bày 2 nhạc phẩm mang không khí vui tươi, hy vọng: “Một Ngày Việt Nam” do nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ sáng tác và “Bài Ca Tuổi Trẻ” của Phan Văn Hưng và cũng để kết thúc đêm nhạc “Hát Cho Quê Nhà” thật ý nghĩa trong thời điểm tưởng niệm ngày Quốc Hận, 40 năm phải xa lìa quê hương.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT