Đạo và Đời

Đèn đức tin, dầu cầu nguyện

Friday, 07/11/2014 - 08:20:20

Đèn đức tin, dầu cầu nguyện Linh mục Trịnh Ngọc Danh Tóm tắt dụ ngôn mười trinh nữ đi đón chàng rể như sau: Nước Trời sẽ giống như mười cô trinh ...

Đèn đức tin, dầu cầu nguyện

Linh mục Trịnh Ngọc Danh


Tóm tắt dụ ngôn mười trinh nữ đi đón chàng rể như sau: Nước Trời sẽ giống như mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong mười cô, có năm cô được xem là khôn ngoan, vì mang đèn lại còn mang thêm dầu; còn năm cô kia lại được xem là dại, vì mang đèn nhưng không mang theo dầu. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô thiếp đi và ngủ cả. Nửa đêm, chàng rể đến. Tất cả thức dậy và sửa soạn đèn. Nhưng việc bất ngờ xảy ra: đèn của năm cô, vì có dầu dự trữ, nên còn cháy sáng, đèn năm cô kia hết dầu, nên tắt. Không ai cho mượn dầu. Khi năm cô kia đi ra chợ mua dầu thì chàng rể và năm cô có đèn sáng đã đi vào tiệc cưới. Cửa đóng lại. Không biết năm cô kia có mua được dầu hay không, nhưng khi về đến nơi thì cửa đã đóng. Các cô van xin mở cửa, nhưngbị từ chối là không quen biết. Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu nói: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày giờ nào.”( xem Mt.25:1-13)

Những nhân vật chính trong dụ ngôn là chàng rể và mười cô trinh nữ đi đón chàng rể; trong số mười cô, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Một nhân vật có lẽ cũng không kém phần quan trọng, nhưng không thấy đề cập tới  là cô dâu. Cô dâu là ai? Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, thì nhân vật tiềm ẩn ấy là dân Thiên Chúa, là dân Israen mà các ngôn sứ hay so sánh như một nàng dâu.

Mở đầu dụ ngôn này, Chúa Giêsu không ví Nước Trời giống như chủ nhà kia đi mướn thợ làm vườn nho, như dụ ngôn người đầy tớ độc ác, như dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa, mà ngài ví “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể”.  Sự việc xảy ra không phải ở quá khứ hay hiện tại mà là ở tương lai: sẽ. Cụm từ “Bấy giờ”, có nghĩa là vào ngày ấy, ngày nào không ai biết được,đó là ngày quang lâm, ngày cánh chung, ngày Chúa đến lần thứ hai, ngày “ Con Người đến trong vinh quang Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người” ( Mt 25:31).Đó là dấu chỉ bữa tiệc cưới Nước Trời, bữa tiệc cưới giữa Thiên Chúa và nhân loại.

Nhưng ngày ấy bao giờ đến? Chúa Giêsu đã trả lời: “ Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” ( Mt.24:36). Và vào ngày ấy, “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu ánh sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển”( Mt 24:29), thế thì việc các cô trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể là hợp lý!

Giữa một đêm không trăng sao, không ánh sáng như thế, thì phương tiện quyết định để được vào dự tiệc tưới không phải là ăn mặc ra sao, trang điểm thế nào mà là đèn có còn sáng hay đèn đã tắt. Nguyên liệu để cho đèn cháy sáng là dầu. Hết dầu. Đèn tắt. Dầu được chứa trong đèn. Không ai thấy và chẳng ai để ý. Trong cuộc đi đón chàng rể, dầu và đèn xem ra chẳng có gì quan trọng, nhưng chúng lại là những yếu tố quyết định cho việc được vào dự tiệc cưới hay không.

“Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!”Số phận của những cô gái không còn dầu để đón chàng rể cũng như số phận của những người phải gánh chịu trong ngày quang lâm: “ Bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia.”( Mt 24:30-31)

Để được vào dự tiệc cưới, thì phải có đèn cháy sáng, mà để cho đèn còn cháy sáng, phải có đầu. Thứ dầu chúng ta cần chuẩn bị là sẵn sàng, tỉnh thức và cầu nguyện như lời Chúa đã nói: : Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày giờ nào.” Đó là đèn đức tin và dầu cầu nguyện trong tín thác và hy vọng.

Giống như mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể, người Kitô hữu cũng mặc chiếc áo trắng tinh, cũng cầm đèn cháy sáng trong ngày nhận Bí tích Thanh Tẩy. Nhưng liệu ngọn đèn ấy có còn đủ dầu để cháy sáng cho đến khi chàng rể đến hay không hay lại tắt đi vì hết dầu?

Có lẽ chúng ta, những người Kitô hữu cũng bị chê là dại khi thiếu sự chuẩn bị dầu đèn, khi sống hời hợt với đức tin của mình. Đức tin của chúng ta khác nào như một người đi xa mà không chuẩn bị, không tiên liệu những gì cần thiết phải mang theo: Đến đâu hay đó. Không cần biết đến ngày mai sẽ ra sao. Năm cô khờ dại cũng được mời dự tiệc cưới, nhưng sai lầm của các cô là ở chỗ không tiên liệu những gì có thể xảy ra, mà những gì có thể xảy ra lại là việc của Thiên Chúa. Người Kitô hữu có niềm tin vào Thiên Chúa, tin rằng một ngày nào đó cuộc đời này sẽ kết thúc. Tất cả sẽ được mời gọi đi vào Tiệc Cưới Nước Trời, ngày hạnh phúc đích thực; nhưng chúng ta lại không sẵn sàng, không chuẩn bị những gì cần thiết mà chỉ chạy theo những gì chóng qua hư mất. Đúng là dại! Tương tự như đèn hết dầu của năm cô dại, đèn đức tin của chúng  ta sẽ lịm tắt khi cạn kiệt sức mạnh tinh thần, khi đức tin bị lụi tàn trước gian truân thử thách hay suy sụp trước những cám dỗ trong cuộc sống. “ Có hạng “công giáo đợi chờ”, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến. Có hạng “công giáo thụ động”, trốn tránh, vô trách nhiệm. Họ chỉ biết “nhìn lên” để kêu cứu, mà không biết “nhìn tới” để tiến, “ nhìn quanh” để chia sẻ, gánh vác. Niềm hy vọng đang ở giữa họ, mà họ không hay!” ( Cố HY Nguyễn văn Thuận, ĐHV số 966)

Tỉnh thức, cầu nguyện, chuẩn bị sẵn sàng  là thứ dầu giúp cho ngọn đèn đức tin cháy sáng trong niềm vui và hy vọng. Để ánh sáng đức tin, của hy vọng, của lòng mến luôn cháy sáng rực rỡ, ánh sáng ấy cần phải được nuôi dưỡng bằng dầu cầu nguyện và tín thác.

Dầu thức tỉnh và cầu nguyệnlàđờisốngtâmlinh, làniềmhyvọngcứurỗi, mộtthứdầuchỉcónơitâmhồncủamình, làhoạtdộngcủaChúaThánhThầntrong lòngmỗingười, mộtthứdầukhôngthểmuabánvà chia sẻ.Sự hiện diện của Thiên Chúa là sự bảo đảm cho nguồn dầu dự trữ của tâm linh giúp chúng ta tiếp tục tiến bước dù phải lâm vào những tình huống khó khăn.

Khi ngày ấy đến, số phận của con người cũng sẽ bị tách riêng biệt như năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan: “ Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” ( Mt. 25:32)

Trong chương trình cứu độ loài người của Thiên Chúa, tuy tất cả có cùng một khởi điểm, có cùng những thực tại giống nhau trong cuộc sống, nhưng lại có thể kết thúc cuộc đời hoàn toàn khác nhau, tùy theo cách sống của chúng ta trong hiện tại.

Thiên Chúa luôn sẵn sàng đón chúng ta vào dự tiệc cưới Nước trời, nhưng vào được hay không lại tùy sự chuẩn bị,  tùy sự định đoạt của mỗi người. Khi chàng rể đến, chúng ta có ở trong tình trạng chuẩn bị sẵn sàng để vào dự tiệc cưới hay lại bị khước từ như năm cô dại:“Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!”

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT