Du Lịch

Đến Florida để khám phá thiên đường nhiệt đới

Wednesday, 16/10/2013 - 12:24:02

Nhìn trên bản đồ, tiểu bang Florida gần như nhô hẳn ra biển. Hướng bắc giáp biển Đại Tây Dương, hướng nam giáp Vịnh Mexico và hướng tây hướng ra vùng biển Caribean, cách Cuba bằng một eo biển.

Bài và hình: Thomas Trương


 
Nhìn trên bản đồ, tiểu bang Florida gần như nhô hẳn ra biển. Hướng bắc giáp biển Đại Tây Dương, hướng nam giáp Vịnh Mexico và hướng tây hướng ra vùng biển Caribean, cách Cuba bằng một eo biển. Do nằm trên đường xích đạo nên khí hậu của tiểu bang Floriada nóng ẩm, gần giống như Việt Nam. Chính vì thế mà người Việt Nam sinh sống ở tiểu bang nầy lên đến 65.772 người. Họ trồng được nhiều loại cây ăn trái nhiệt đới như mãng cầu dai, dừa, bưởi, nhãn, chôm chôm, măng cụt, thanh long, mít... Các loại rau vườn Việt Nam cũng mọc rất tốt ở đây.




                                           Cá sấu có con to bằng chiếc xuồng 5 lá



Đặc biệt tiểu bang này được biết đến như là một thiên đường nhiệt đới với vô số các loài động vật hoang dã như rùa, rắn, trăn, chim cò. Cá sấu thì hầu như hiện diện khắp các sông hồ. Florida ba phía là biển bao quanh, nên đây cũng là nơi có nhiều bãi biển cát trắng đẹp nhất nước Mỹ. Ngoài ra nơi đây còn có khu công viên Disney World. Có trung tâm không gian Kennedy của NASA, nơi nguyên cứu không gian và phóng phi thuyền vũ trụ của Hoa Kỳ.




                                                             Trăn ở đây rất nhiều



Ông Huỳnh Nguyễn, một cư dân của thành phố Orlando, thường xuyên cùng bè bạn đi câu cá ở tận Sebastian bên bờ biển Thái Bình Dương hoặc đến Sarasota bên vịnh Mexico, chỉ cách nhau khoảng một, hai giờ lái xe. Nhiều lần về nhà lúc nửa đêm, ông cho biết: “Cá sấu to khủng bò ngang đường thắng không kịp, cán luôn qua người nó là chuyện thường.”

Trong chuyến du ngoạn Florida vào những ngày đầu đông, tôi tận mắt chứng kiến cảnh đi câu cá về ban đêm khi làn sương mù ẩn hiện. Đó cũng là lúc những đàn nai ung dung ăn cỏ ven đường. Khi trời sáng từng nhóm chim hạc dung dăng dung dẻ ngay ven đường lộ khiến tôi nhớ đến hồi ở Việt Nam cũng từng đi chụp chim sếu đầu đỏ. Loài chim nầy có nguy cơ tuyệt chủng vì bị người dân săn bắt để ăn như chim cò bình thường.



                                                                      Hồng hạc săn mồi



Chúng tôi được đưa tới một vùng đầm lầy rộng lớn, nơi có những chiếc ca nô chạy bằng sức gió lướt trên mặt hồ. Vào đây như vào vườn bách thú với bao nhiêu là chim cò rùa rắn cá sấu và các loài côn trùng.

Chúng tôi luôn được nhắc nhở là tuyệt đối không được chạm tay xuống nước, hay với lấy thứ gì trong bụi rậm. Rừng đước ở đây cũng giống như rừng đước vùng bãi bồi ở tận Năm Căn, Cà Mau, Việt Nam. Nhưng ở Mỹ các loài vật được bảo vệ rất kỹ, còn rừng thì chẳng bao giờ có “lâm tặc”. Nhiều người Việt Nam thuở xưa ở vùng sông nước Cửu Long, từng quen với ruộng vườn, nhớ lại cảnh đi câu nhấp cá lóc. Mồi là “con nhái bầu, móc ngay cái hầu,” sau đó dùng thân một chiếc lá rau muống đồng nối lưỡi câu tạo thành vòng tròn để lúc kéo lưỡi câu không bị vướng vào cỏ cây. Bây giờ sống trên đất Mỹ, có cơ hội thăm “vùng đầm lầy” xứ người, được đi câu kiểu nhấp cá giống thời trẻ ở Việt Nam thật thú vị.



                                                         Cụ rùa cả mấy trăm tuổi




Một ngày khác chúng tôi được đưa đến khu đầm lầy Everglades, là một vùng trũng bao la, toàn sình lưu niên, chiếm gần trọn miền Nam Florida, rộng đến 5,000 dặm vuông. Đây là nơi sinh sống của nhiều loại chim cò, diệc, ngỗng trời, le le, thiên nga, chim bói cá, ó, đại bàng, diều hâu... Có hàng trăm loại cá, nhưng nhiều nhất là cá sấu, loại mõm dài cũng như mõm tròn. Loại cá sấu xí và ghê sợ này xuất hiện từ thời khủng long còn sống, đến ngày nay gần như bị diệt chủng trong thế kỷ trước vì bị săn bắt bừa bãi. Nhờ chính sách bảo tồn của chính phủ, chúng được tự do sinh sản nên dân số giờ đây lại lên đến 1.3 triệu con ở tiểu bang này. Đàn cá sấu phơi mình trên những bụi cỏ hay trên mặt nước phẳng lặng.

Anh Minh, một chuyên gia mê câu cá ở tại Orlando, nói:

“Nhớ lúc trung tâm ca nhạc Vân Sơn sang đây trình diễn. Chính tôi đã dẫn đoàn đi câu cá ở biển và vào vùng đầm lầy để xem cá sấu lên bờ. Đi câu ở Mỹ sướng cái là đi bằng xe hơi, tàu biển. đầy đủ thiết bị, đồ nghề để câu. Và câu thường có nhiều cá. Nhưng thật ra tùy loại cá và kích thước mà được bắt nhiều hay ít. Trên hoặc dưới kích thước cho phép thì chỉ còn cách thả lại biển, hồ. Nếu làm sai bị phạt nặng từ vài trăm đến hơn cả ngàn mỹ kim. Còn ở Việt Nam thì cá lớn cá bé gì cũng bắt sạch, thậm chí còn tận diệt bằng thuốc độc, bằng mìn.”




                                                    Nhiều cây cổ thụ nghìn năm tuổi




Chúng tôi cũng được vào một khu du lịch kiểu sinh thái. Tại đây có quá nhiều loài chim kền kền loại đại bàng cổ trọc chuyên ăn thịt các loài vật nhỏ hơn. Hễ “ở đâu có xác chết là ở đó có mặt loài kền kền.”

Những con đường thường xuyên có bảng cảnh báo coi chừng rắn làm chúng tôi cũng ái ngại. Nhiều loài chim xinh đẹp sống ở đây: chim công, hồng hạc, các loại chim két... Chúng làm tổ đẻ trứng ngay cạnh những lối đi ven đường, không sợ hãi khi có người xuất hiện. Một người trong nhóm chúng tôi thốt lên:
“Chèn ơi! Chim gì mà dạn quá vậy, gặp ở Việt Nam là bị bắt làm món nhậu ráo trọi rồi.”

Đây quả là “thiên đường nhiệt đới.” Thật là một chuyến đi lý thú, đầy kỷ niệm và mở rộng tầm mắt cho tôi.




                                                    Rừng đước ở đầm lầy Sebastian






Cá sấu lên bờ



Cá thòi lòi



Cò trắng tìm mồi



Rừng vào mùa thay lá phủ đầy rêu phong



Chim làm tổ trên cây



Tóm được mồi



Biển lặng hoàng hôn, chim cò trú ngụ



Rình mồi



Loài kên kên sống thành từ bầy đàn



Gọi bạn



Chim két xanh



Kỳ đà xanh



Nhái độc

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT