Mẹo Vặt

Đi chợ, người nội trợ chọn lựa Organic hay NonGMO?

Tuesday, 01/08/2017 - 07:37:10

Trước đây chúng ta có nói chuyện một nhà báo đứng ở cửa siêu thị, tay cầm hai vỉ trứng, một Organic và một NonGMO, để chào mời khách đi chợ.

Bài VŨ HẰNG

Organic và NonGMO là hai nhãn hiệu thực phẩm đang được lưu ý hiện nay tại các chợ. Các nhà dinh dưỡng khuyên giới nội trợ nên chọn mua thực phẩm có hai nhãn hiệu này. Đây không phải là tên nhà sản xuất, nhưng là hai phương pháp nuôi trồng. Đa số các bậc sư phụ đều cho rằng thực phẩm có ghi rõ hai nhãn hiệu này thì tốt hơn. Nhưng nếu bạn đang tính chọn mua vài bó rau, mà gặp chúng trên hai quầy khác nhau, một ghi Organic và một ghi NonGMO thì bạn chọn thứ nào? Có nghĩa là đem hai thứ cùng tốt cả so sánh với nhau thì thứ nào được coi là tốt hơn: Organic? Hay NonGMO?


Người đẹp Vani Hari, nhà điều tra trẻ tuổi về an toàn thực phẩm.

Trước đây chúng ta có nói chuyện một nhà báo đứng ở cửa siêu thị, tay cầm hai vỉ trứng, một Organic và một NonGMO, để chào mời khách đi chợ. Kết quả cho thấy nhiều người chọn NonGMO vì nó rẻ hơn 50 xu. Nhưng các thầy cô trong ngành dinh dưỡng cho rằng, phải chọn Organic vì Organic tốt hơn. Sau đây là những lý do cụ thể, Hằng viết lại theo nghiên cứu của người đẹp Vani Hari.


Cứ nhìn cái bảng thì ai biết rằng ruộng này dùng mùn cống rãnh, bởi vì nó đã được đổi tên thành “biosolid” rồi.

1. Organic đương nhiên là Non-GMO, nhưng NonGMO không hẳn là Organic

Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) buộc tất cả những sản phẩm mang nhãn USDA Organic phải là NonGMO. Có nghĩa là mua Organic bạn sẽ được luôn Non-GMO. Nói một cách khác, muốn tránh những sản phẩm đã bị biến tính di truyền thì tìm mua Organic là một cách dễ dàng và chắc chắn nhất.

2. Organic không bao giờ bị xịt hóa chất diệt sâu rầy (pesticides)

Trong khi đó, Non-GMO không bị cấm đoán như vậy. Không được dùng hạt giống biến tính di truyền, nhưng nhà nông Non-GMO lại có thể dùng hóa chất diệt sâu rầy cho mùa màng của mình. Vì thế, nếu bạn vốn kỵ những hóa chất bên trong các loại thuốc diệt sâu rầy thì Non-GMO là không đủ, bạn phải chọn Organic. Quả vậy, theo cô Vani Hari thì một bao potato chips, mặc dầu là Non-GMO, có thể chứa tới 35 chất sát trùng khác nhau, vài chất được biết là có thể gây ung thư (carcinogens), tổn hại thần kinh (neurotoxins), tổn hại bộ phận thai sản. Ngay cả những nông phẩm được khuyến khích sử dụng như dâu tây (strawberry) và cần tây (celery) lại là những thứ nhiễm nhiều thuốc diệt sâu rầy nhất. Trong khi đó, mối lo về dư lượng hóa chất trong sản phẩm Organic giảm đi rất nhiều vì nhà nông chỉ được phép dùng các loại thuốc diệt trùng thiên nhiên mà thôi.


Cam đoan là bạn biết bình diệt cỏ này, bởi vì Roundup là một loại thuốc diệt cỏ rất hiệu quả và phổ thông.

3. Organic không được dùng hóa chất diệt cỏ dại

Glyphosate, một trong những hóa chất diệt cỏ dại hiệu quả nhất hiện nay thì hoàn toàn bị cấm chỉ. Các nhà khoa học nghi ngờ nó có liên quan với bệnh thận, ung thư nhũ hoa, và gây ra một số dị tật bẩm sinh. Theo tiến sĩ Stephanie Seneff, giáo sư trường kỹ thuật MIT, Glyphosate có nhiều phần trách nhiệm trong các chứng bệnh như rối loạn hệ đề kháng, rối loạn hệ thần kinh não bộ.

Mà bạn có biết Glyphosate là gì không? Có vẻ xa lạ với những người bình dân như chúng ta phải không? Cù lần như mình, không bao giờ khoác áo bờ lu trắng vào phòng thí nghiệm thì biết bao giờ mới có dịp gần gũi Glyphosate! Không đâu. Trái lại, Glyphosate rất gần gũi, Hằng dám chắc những người yêu vườn đều biết và phải dùng đến, bởi vì nó là thành phần chính trong thuốc diệt cỏ Roundup. Bạn biết Roundup mà, đó chính là bình thuốc diệt cỏ bạn đang dùng, lúc nào cũng có sẵn trong nhà kho, đúng không?

Dĩ nhiên, không phải là dính với Roundup một chút là bệnh ngay (bởi vì chúng ta chỉ xịt trên cỏ thôi mà), nhưng thế nào chẳng có đôi chút Glyphosate vương vào cây rau, và thế nào chẳng có đôi chút hơi hướm phảng phất, mà các thầy cô gọi là dư lượng (residue) còn đọng lại khi cây rau về đến bàn ăn của chúng ta. Chỉ cần một phần rất rất nhỏ, lâu ngày tích lũy, tích lũy… đến một lúc nào đó là có thể gây ra “chuyện lớn” trong cơ thể chúng ta rồi. Nói về dư lượng của Glyphosate thì các thầy cô sợ rằng ngay cả bánh mì nguyên hạt, cereal nguyên hạt …. Mà chỉ là Non-GMO mà thôi thì cũng không bảo đảm là không có dư lượng glyphosates.

4. Organic không dùng phân bón chế từ chất mùn cống rãnh (sewage sludge)

Có ai lại dùng chất mùn từ cống rãnh cơ chứ? Có thể bạn chưa nghe chuyện này bao giờ, nhưng trong ngành chế tạo phân bón có một thứ nguyên liệu quí, được gọi là “biosolid” (chất rắn sinh học). Nó chính là bùn và chất thải lấy từ hệ thống cống rãnh thành phố, từ bệnh viện, từ các cơ sở công nghiệp, không loại trừ những chất thải từ trong bồn cầu. Nghe ghê quá! Nhưng Hằng không tưởng tượng đâu, và xin bạn bình tĩnh, đừng sợ quá mà ném vội bài viết của em vào sọt rác nhé. Mặc dầu nghe ghê thật, nhưng các nhà khoa học cam kết rằng các chất thải này đều được “cải tạo” (processed) và thanh lọc kỹ càng trước khi được cho phép sử dụng lại trong nhiều lãnh vực.
Việc sử dụng làm phân bón chỉ là chuyện nhỏ, không đáng gì so với nhiều chuyện quan trọng khác, nên việc cải tạo và thanh lọc cũng không cần phải khắt khe lắm. Vì thế, bạn có quyền nghi ngờ một cách rất chính đáng rằng, phân bón từ mùn cống rãnh còn chứa nhiều dư lượng các chất kim loại nặng, yếu tố gây bệnh, thuốc uống, thuốc trừ sâu, diệt trùng… nói chung là một nồi cháo tả bí lù các chất độc hại.
Mùa màng được bón bằng thứ phân này, dù có là NonGMO chăng nữa cũng tránh sao khỏi dư lượng? Nhưng nếu bạn chọn organic thì... cấm chỉ, nhà nông organic tuyệt đối không được dùng phân mùn từ cống rãnh.
Chưa hết đâu, Organic và NonGMO còn có nhiều khác biệt khác. Xin hẹn lại với bạn trong bài sau.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT