Người Việt Khắp Nơi

Di dân Việt lũ lượt rời Cam Bốt trở về Việt Nam

Friday, 02/09/2016 - 09:01:56

Với những khó khăn càng ngày càng nhiều mà các gia đình gặp phải, trong việc đánh bắt đủ số cá để trang trải những khoản chi tiêu của họ, gần 100 gia đình người Việt đã bán những căn nhà nổi của họ, và đi bằng thuyền vào ban đêm qua cửa biên giới Chrey Thom, để trở về Việt Nam trong năm nay.

Cuộc sống ảm đạm trên sông hồ
Một xóm nhà nổi trên sông của người Việt Nam sinh sống tại Cam Bốt. Chính quyền nơi đây đang ép buộc di dân gốc Việt phải đóng thuế cao, phải di chuyển lên đất liền, bằng không phải trở về Việt Nam cho dù có nhiều người đã sinh ra và lớn lên tại Cam Bốt từ mấy thập niên trước. (Getty Images)


Trong thời gian gần đây, cùng lúc mối quan hệ giữa Cam Bốt và Việt Nam không còn nồng thắm như mấy thập niên trước, một phần vì Cam Bốt đứng về phía Trung Cộng trong cuộc tranh chấp Biển Đông, chính phủ Cam Bốt đã âm thầm thi hành chính sách trục xuất những người gốc Việt sống ở đây bằng mọi cách, khiến họ không thể tiếp tục sống ở quốc gia này cho dù một số người đã chào đời tại Cam Bốt. Sau đây là một bài viết được đăng báo Khmer Times đầu tháng Chín 2016 với tựa đề tiếng Anh “Vietnamese Families Leave the Tonle Sap,” nói về chính sách xua đuổi người Việt về nước đang diễn ra ở nơi đây.

Những người gốc Việt cư ngụ tại vùng Biển Hồ (Tonle Sap) ở Cam Bốt đang tiếp tục lũ lượt trở về lại Việt Nam, vì những luật lệ quy định gắt gao và gây tốn kém đang được thi hành một cách nghiêm ngặt bởi nhà chức trách địa phương, khiến cho nhiều người gốc Việt bị cướp mất quê hương duy nhất mà họ từng biết.
Hôm thứ Năm, ông Seorn Chumsothun, một viên chức thuộc Tổ Chức Các Quyền Thiểu Số (MIRO) nói rằng hơn 100 gia đình gốc Việt sống đã rời bỏ tỉnh Kampong Chhnang để về Việt Nam trong hai tháng qua.
Ông nói, “Từ tháng Bảy, có hơn 100 gia đình gốc Việt đã trở về lại đất nước của họ bằng thuyền, và có thêm khoảng 50 gia đình sẽ trở về Việt Nam.”

Trong một bản phúc trình được công bố trong năm nay, MIRO cho biết các cư dân gốc Việt đang gặp nhiều khó khăn kinh tế và những vụ vi phạm nhân quyền trắng trợn, nhiều hơn so với hầu hết các nhóm sắc dân khác ở Cam Bốt.

Bản phúc trình nhấn mạnh sự kiện là ngay cả những người sinh ra ở Cam Bốt đều bị xem là di dân hay người ngoại kiều. Điều này gây ra một loạt các vấn đề khó khăn cho những người gốc Việt có rất ít hoặc không có quan hệ với đất nước Việt Nam.

Nhiều gia đình phải trở về Việt Nam vì họ không được phép điền những thứ giấy tờ hợp pháp cho phép họ ở lại Cam Bốt, hoặc vì họ cảm thấy rằng số tiền cần thiết để có được những thứ giấy tờ ấy nằm ngoài tầm tay của họ.

Vào năm ngoái, nhà chức trách địa phương bắt đầu yêu cầu các di dân gốc Việt mỗi năm phải nộp 50,000 riel (khoảng $12.50 Mỹ kim) cho mỗi người trong gia đình, để được cấp “giấy di trú.”

Mặc dù đã sống ở Cam Bốt trong nhiều thập niên, các gia đình cho biết họ vẫn chưa thể có được giấy tờ thường trú và quốc tịch, vì họ không nói được tiếng Khmer (Miên).

Ông Chumsothun nói với báo Khmer Times, “Điều mà chúng tôi biết là họ trở về đất nước của họ vì khó mà sống ở đây, và họ phải trả tiền cho những dịch vụ pháp lý đòi họ phải đóng 250,000 riel ($63) mỗi năm. Gia đình họ có đông người đến nỗi họ không có đủ khà năng để trả số tiền này, buộc họ phải rời khỏi đây.”
Vào năm ngoái, cộng đồng người Việt khá đông, với hơn 1,000 gia đình sống trong những căn nhà nổi trên hồ Tonle Sap, đã bị trục xuất và bị yêu cầu phải vào đất liền, cách bến tàu Psa Krom ở Kampong Chhnang khoảng ba cây số.

Tình trạng lộn xộn đã xảy ra xung quanh quyết định đuổi tất cả các gia đình sống dọc theo hồ nước này trong tháng Mười năm ngoái. Nhiều gia đình không biết chắc chắn về địa điểm chính xác họ được dời tới, trước khi họ đến Psa Krom.

Các viên chức chính phủ che đậy những vụ trục xuất như vậy với cái cớ là ước muốn “làm đẹp” khu vực xung quanh thành phố Kampong Chhnang, nói rằng những người cư ngụ trên Tonle Sap đã làm cho hồ này bị ô nhiễm. Phó tỉnh trưởng Sun Sovannarith nói như vậy với giới truyền thông địa phương trong năm ngoái.
Những vụ giải tỏa đã bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích, xem đó là việc nhẫn tâm. Và nhiều người nói rằng quyết định ấy mang màu sắc kỳ thị chủng tộc. Một phần không nhỏ là do các loại thuế “người ngoại quốc” được đặt ra, và những khoản tiền phạt “di dân” áp đặt trên những gia đình sắc dân Việt Nam sinh sống ở Cam Bốt từ trước khi chế độ Khmer Đỏ nắm quyền.

Những khoản tiền phạt và những vụ đuổi đi như vậy đã chèn ép những gia đình gốc Việt nào không thể để trang trải các khoản chi phí lưu trú tại khu vực này.

Ông Cheung Yang Ros, một người cư ngụ ở hồ Tonle Sap từ năm 1982, nói, “Làm thế nào mà họ sống cho được, nếu nhà chức trách bắt đầu tăng thêm càng ngày càng nhiều những biện pháp hạn chế, bằng cách ra lệnh cho mỗi người phải trả 50,000 riel, cho một giấy phép cho các di dân ở lại một năm trong nước này? Vì họ nghèo, cách thức duy nhất để họ sống sót được là trở về đất nước của họ.”

Ông Yang Ros đi ghe tới Kampong Chhnang từ tỉnh Đồng Tháp ở Việt Nam, đi qua cửa biên giới Chrey Thom tại xã Phsar Chhnang trong tỉnh Kandal.

Ông và các cư dân khác đã phải vất vả kiếm ăn từ khi họ đến đó. Ông Yang Ros cho biết chính quyền địa phương dùng luật di trú để ngược đãi họ, bằng cách buộc mỗi gia đình phải trả thuế lên tới $60 mỗi năm. Mức thuế này là quá cao cho các gia đình nghèo sống sót được là nhờ nghề đánh cá, mà họ không còn có thể hành nghề được nữa vì bị đuổi ra khỏi hồ.

Với những khó khăn càng ngày càng nhiều mà các gia đình gặp phải, trong việc đánh bắt đủ số cá để trang trải những khoản chi tiêu của họ, gần 100 gia đình người Việt đã bán những căn nhà nổi của họ, và đi bằng thuyền vào ban đêm qua cửa biên giới Chrey Thom, để trở về Việt Nam trong năm nay.

Trong tháng Năm, ông Yang Ros nói chuyện với báo Khmer Times và khoe tấm “thẻ xanh” cũ của ông được bọc nhựa, để cho thấy rằng ông đã sống dọc theo hồ Tonle Sap, trong tỉnh Kampong Chhnang, từ năm 1982. Đến năm 1999, ông còn nhận được một cuốn sổ gia đình.

Ông thắc mắc, “Tôi có sổ gia đình hợp lệ. Tại sao họ nói rằng tôi là một di dân, và ra lệnh cho tôi phải nộp 50,000 riel một năm? Tại sao họ không công nhận tôi là một công dân Cam Bốt? Họ chỉ mới bắt đầu (trục xuất) trong năm nay. Tại sao điều này trước đây không có? Để được như ngày hôm nay, tôi đã phải đối phó với nhiều khó khăn. Nhưng bây giờ, họ bắt đầu dùng luật pháp để trừng phạt chúng tôi, mà không công nhận chúng tôi là công dân Cam Bốt.”

Bất chấp nỗi tuyệt vọng mà nhiều người sắc dân Việt Nam cảm thấy về việc đuổi họ đi, ít người tin rằng phản đối hay biểu tình sẽ giúp ích cho họ.

Ông Yang Ros nói, “Hầu hết chúng tôi đều không dám công khai nói bất cứ điều gì, vì chúng tôi sợ bị cáo buộc là chống đối. Chúng ta đều là con người. Chúng tôi chỉ cần một nơi đàng hoàng để sinh sống.”
Vào hôm 31 tháng Bảy, trang mạng tin tức Vietnam Net của Việt Nam cho biết rằng hàng ngàn người Việt sinh sống ở Cam Bốt đã trở về bằng thuyền, định cư trên hồ Dầu Tiếng, ở trong các tỉnh Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, và Kiên Giang.

Nhưng những người ở lại Cam Bốt đang phải đối diện trước một tương lai bấp bênh. Hầu hết đã bị chính quyền bắt dời chỗ ở hai lần, và một số có thể bị buộc phải dời đi một lần nữa, vì khu vực mà họ được dời tới thì thiếu việc làm và những cơ sở căn bản như trường học.

Trong tháng Năm, ông Sovannarith, phó tỉnh trưởng tỉnh Kampong Chhnang, cho biết rằng 996 gia đình đã được chuyển đến khu vực xung quanh bến tàu Psa Krom, nơi họ đang chờ đợi bước kế tiếp theo trong cuộc hành trình của họ.

Ông Sovannarith nói, “Cho bước kế tiếp, chúng tôi sẽ ra lệnh cho họ định cư trên đất liền, bằng cách chính họ thuê nhà trên các lô đất. Nhà chức trách chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm.”

Soeung Seng Karona, quản đốc chương trình tại MIRO, nói rằng chính phủ đang vận động những người trước đây cư ngụ dọc hồ nay mua những lô đất ấy. Nhưng khi nhiều người trong số họ tìm cách mua, thì họ được bảo rằng họ không được phép sở hữu bất kỳ lô đất nào, vì họ không phải là công dân Cam Bốt hợp pháp.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT