Đời Sống Việt

Trải nghiệm văn hóa Đại Hàn

Monday, 03/05/2021 - 08:13:42

Đi du lịch về phía Á Châu, chúng ta thường phải nhờ đến các hãng hàng không xuất xứ từ các nước của châu này, có thể kể: Đài Loan, Đại Hàn, Philippines, Nhật, Tàu...


Vài món đồ nghệ thuật được trưng bày ở khu quá cảnh.

 

Bài NGUYỄN THỊ NHUẬN

Đi du lịch về phía Á Châu, chúng ta thường phải nhờ đến các hãng hàng không xuất xứ từ các nước của châu này, có thể kể: Đài Loan, Đại Hàn, Philippines, Nhật, Tàu... Mấy hãng này đều dùng những cái tên có liên quan đến Á Châu và nhiều khi khó nhận diện ra là xuất phát từ nước nào, chẳng hạn như China Airlines thực ra là từ Đài Loan, còn Asiana thì là từ Đại Hàn. Chuyện này cần biết vì dùng hãng hàng không từ nước nào thì thường là ta phải quá cảnh ở nước đó. Thí dụ như chuyến đi Nhật vừa qua của tôi, bằng hãng Asiana, từ Mỹ qua Nhật mà phải bay quá tới Đại Hàn để nghỉ ở đó 5 tiếng rồi mới bay trở lại Nhật. Ai bảo ham rẻ thì ráng chịu, phải trả bằng thời gian. Đi thẳng bằng Japan Airlines thì trả mắc hơn nhiều. Nhưng cũng nhờ phải trả bằng thời gian mà tôi được nếm qua một “trải nghiệm văn hóa,” theo chữ dùng hiện nay.


Korean Traditional Cultural Experience Center, hay Trung Tâm Trải Nghiệm Văn Hóa Cổ Đại Hàn

Phi trường Incheon là phi trường quốc tế của thủ đô Seoul, rộng mênh mông, sáng choang và “hiện đại” như tất cả những phi trường quốc tế mà tôi đã biết qua. Nhưng vào lúc 2 giờ sáng, giờ của Seoul, phi trường là một bãi tha ma vắng lặng, mặc dù là vẫn khá sáng đèn. Đa số các tiệm đều đóng cửa, người đi rất thưa thớt, hầu như chỉ có chúng tôi đứng ngơ ngác giữa những ngả đường trong phi trường. Một hồi thì cũng tìm ra được chỗ nghỉ chân là khu “transfer” của Asiana. Thì ra họ cũng chu đáo quá, có đủ thứ cửa hàng để phục vụ những khách quá cảnh phải ngồi chờ nhiều giờ, nào là phòng tắm shower, phòng massage, phòng làm móng tay, snack bar, cafeteria, internet, news and movies... Khổ nỗi giờ này, tất cả các tiệm này cũng đóng cửa sạch, chỉ có chỗ phòng tắm là còn mở đón khách. Sau khi đi một vòng khu “transfer lounge” này, qua hết những cửa hàng đóng im ỉm, tôi tới khu trưng bày sản phẩm tiểu công nghệ của Đại Hàn. Những sản phẩm này được cất kỹ sau những mặt kính, đa số là sơn mài (lacquer) với phẩm chất thượng hạng, nước sơn dầy và đẹp, hình dáng các món như đĩa, tủ, hộp đủ các cỡ rất thanh tao, xứng dáng đem khoe ra ở những chỗ như vầy. Thì ra sơn mài ở các nước Á Châu khác cũng có, không chỉ ở Việt Nam như tôi tưởng trước đây. Phi trường Đài Bắc, Thượng Hải... cũng có những chỗ trưng bày “văn hóa” gần giống, thế mới biết chúng ta đều ảnh hưởng lẫn nhau, tuy chưa thấy các phi trường tây phương bắt chước làm theo. Hay chỉ có văn hóa cổ Á Châu mới cần đem ra trưng, văn hóa Âu Châu quá phổ biến nên không cần?


Tô điểm cho chiếc quạt.

Tôi tìm một chỗ vắng ngả lưng để qua mấy giờ đồng hồ dài dằng dặc. Và rồi thì nó cũng qua. Sáu giờ sáng, phi trường thức giấc, các cửa hàng lục tục mở, người đi bắt đầu đông đúc. Tôi cũng thức giấc, hòa nhập vào dòng người.

Ngay bên cạnh khu “transfer” là một cửa hàng có tên Korean Traditional Cultural Experience Center, tạm dịch là Trung Tâm Trải Nghiệm Văn Hóa Cổ Đại Hàn. À, cái này thì mới đây. Chưa thấy ở đâu bao giờ. Bốn dãy bàn dài được kê song song, trên có bầy đủ dụng cụ văn phòng, mực, mầu, cọ đủ cả. Một chiếc quạt được chưng làm mẫu. Quạt bằng nhựa dán giấy thôi nhưng trông cũng xinh xắn, trên giấy quạt có vẽ sẵn hình một bông hoa 6 cánh, khách “trải nghiệm văn hóa” chỉ cần dùng sơn tô mầu theo ý thích. Nhóm chúng tôi ngồi kín những chiếc ghế. Kẻ chậm chân là tôi không còn chỗ để ngồi, bèn đứng xem thiên hạ “vẽ voi” và trêu chọc mọi người. Chẳng mấy chốc ai cũng ngồi say sưa tô điểm những cánh hoa, tôi đứng chờ mãi vẫn chưa có chỗ bèn theo chân cô hàng Đại Hàn ngồi vào chỗ thực tập in mộc bản. Trước mặt tôi là một bức khắc mà theo một bức tranh được in ra làm mẫu thì là cảnh một tiên nữ đang dâng trái bàn đào. Thế là tôi làm theo cô bán hàng, đặt tờ giấy bản lên, xong lấy miếng bông tẩm mực đập đập lên tờ giấy rồi ngồi quạt cho mau khô. Một hồi thì bức tranh thành hình, chỉ việc gỡ nhẹ ra, cuộn lại, đem về nhà làm “kỷ niệm” cho một cuộc “trải nghiệm văn hóa.” Thì ra in tranh mộc bản là như thế này đây. Chỉ có điều là tranh mộc bản dân gian Việt Nam có nét vẽ thật đặc thù, còn nét vẽ ở đây thì khá tầm thường, không cho thấy rõ bản sắc văn hóa Đại Hàn. Kể ra thì dân các nước Á Châu cũng có nhiều khía cạnh văn hóa cổ tương đồng. Vậy mà bây giờ nước Đại Hàn có lẽ tiến trước nước Việt Nam chúng ta hơn 50 năm dư về văn minh và dân trí.


Nơi in tranh mộc bản.

Rời khỏi khu này, chúng tôi không ngờ còn có một khu trải nghiệm văn hóa Đại Hàn khác cách vài tiệm phía trước, ngay gần cổng lên máy bay. Nơi đây có sẵn một sân khấu nhỏ với một dọc trang phục treo kế bên. Khách tới đây được cho mặc chiếc áo truyền thống Đại Hàn, chiếc “hanbok,” rồi đứng trước bức phông vẽ hoa đẹp mắt dưới dàn đèn khá điệu nghệ để chụp những tấm ảnh kỷ niệm. Khi tới nơi, tôi thấy nhiều cô trong nhóm mình đã được mặc chiếc áo “hanbok” xúng xính đang dung dăng dung dẻ trên sân khấu. Một ông đàn ông hiếm hoi cũng được mặc cho bộ trang phục cổ có vẽ hình rồng, có vẻ như là áo vua.

Tôi cũng bon chen vô xếp hàng đứng đợi đến phiên được mặc áo. Có mặc áo “hanbok” mới thấy chiếc trang phục này không giống như mình nghĩ. Áo “hanbok” gồm một chiếc váy hai quai rộng thùng thình cao khỏi ngực, mặc cài cúc phía sau, phía trên thắt chặt rồi từ ngực trở xuống thì lại phình ra, giấu hết những “đường cong” của phụ nữ. Người nào gầy cách mấy mặc vô cũng thấy mập, huống hồ người hơi dư mỡ như tôi, mặc vào là thấy tròn còn hơn cái lu. Bên ngoài chiếc váy này, cô chủ hàng mặc thêm cho chiếc áo “bolero jacket” tức là loại áo khoác ngắn bó sát người, cổ bà lai giống áo kimono. Chiếc áo khoác này thường có mầu tương phản với chiếc váy nên nổi bật lên nhưng lúc không biết thì tưởng đây là phần dính liền với chiếc váy. Đặc biệt là có hai sợi dây cột lại thành chiếc nơ về bên trái. Nơ này khác thường ở chỗ chỉ có một cánh, còn cánh kia buông thành sợi dây dài thòng xuống dưới.


Nơi thử trang phục cổ Nam Hàn.

Cho người ngoại quốc mặc quốc phục của mình là ý kiến hay vì có trải nghiệm văn hóa nào dính liền với mình hơn là bộ trang phục. Mặc chiếc “hanbok” này vào người, tôi bỗng cảm thấy gần gũi với văn hóa Đại Hàn hơn dù thực ra thì hiểu biết của tôi về văn hóa Đại Hàn có lẽ không đầy chiếc lá mít. Chẳng trách mấy bà nghị sĩ, nghị viên, dân biểu Mỹ ở khu Little Saigon hay diện bộ áo dài Việt Nam đi kiếm phiếu. Chắc họ cảm thấy gần gũi với văn hóa Việt Nam hơn trong bộ trang phục ấy.

Đã đến giờ lên máy bay. Thế là tôi phải chấm dứt cuộc “trải nghiệm” văn hóa bất đắc dĩ của mình. Kinh nghiệm này ngắn ngủi quá nhưng cũng để lại trong tôi ít nhiều mỹ cảm.

Mươi năm sau chuyến đi trên, tôi lại có cơ hội “trải nghiệm” văn hóa Đại Hàn nhiều lần hơn mà chẳng cần rời nhà một bước nào cả. Số là trong một lần lang thang trên Netflix, tôi tình cờ bấm vào một cuốn phim tài liệu nói về một ban hát trẻ Đại Hàn tên Black Pink. Xem phần đầu thì biết rằng đây là một nhóm hát nữ đang nổi tiếng bậc nhất tại Đại Hàn. Từ khoảng ba chục năm trở lại đây, Đại Hàn nổi tiếng trên thế giới về những ban hát chuyên hát nhạc trẻ tức nhạc “giựt” đi kèm với những bước nhảy thật ngoạn mục. Tất cả các thành viên của những nhóm nhạc này đều rất trẻ, trong tuổi teen, và có thể là người Hàn sinh ở Hàn hay sinh ở Mỹ và từ Mỹ về; ban Black Pink còn có một cô người Thái Lan. Dĩ nhiên họ đều đẹp trai đẹp gái vượt bực. Điều đặc biệt là họ được chăm sóc và huấn luyện “tới bến.” Họ phải rời gia đình vào ở chung một nhà và tập dượt ngày mười mấy tiếng, lúc nào cũng phải nhập tâm bài hát và các bước nhảy cũng như tập thể dục thật là đều đặn. Nói tóm lại, người Nam Hàn có vẻ đã học thuộc được cách làm việc tích cực và nghiêm túc của người Mỹ trong các ngành nghệ thuật. Các ban hát trẻ này nhảy thật nhuyễn, đặt nhạc và hát thật hay. Phong cách trình diễn của họ thật chuyên nghiệp, không chê vào đâu được. Đến nỗi người không còn trẻ như tôi mà cũng thích nghe và nhìn họ hát. Không có gì ngạc nhiên khi họ đã chiếm trọn sự ngưỡng mộ ham thích của giới trẻ các nước Á Châu và sau đó lan ra khắp thế giới. Giới trẻ Việt Nam thì khỏi nói, mê các thần tượng Hàn quốc của họ đến điên lên. Mà không những là nhạc trẻ, trong ngành âm nhạc cổ điển, hiện có vô số nhạc công và ca sĩ nhạc cổ điển người Nam Hàn nổi tiếng trên thế giới, chứng tỏ ngành nghệ thuật này cũng rất phát triển ở Nam Hàn.


Hai cô Nam Hàn giả mạo.

Nam Hàn là một trong những quốc gia - hay quốc gia duy nhất - đã lật đổ một nền cai trị độc tài bằng những cuộc biểu tình rộng lớn, kiểu phong trào dù vàng của Hồng Kông, vào tháng 6 năm 1987. Và sau đó, dưới chế độ dân chủ, Nam Hàn đã tiến nhanh về mọi mặt để nghiễm nhiên là một quốc gia hùng mạnh tiến bộ với một nền kinh tế vững vàng không thua kém các nước tiền tiến như Nhật Bản. Và phải nói là nền nghệ thuật của họ cũng tiến nhanh tiến mạnh. Ngoài phong trào nhạc trẻ K- Pop, Đại Hàn còn nổi tiếng với những cuốn phim bộ tình cảm tức K- Dramas. Phim bộ Nam Hàn thống lĩnh các quốc gia Á Châu và hiện cũng đang lan ra khắp thế giới. Netflix đã và đang hợp tác sản xuất hằng loạt phim bộ Nam Hàn. Hiện nay thì Trung Quốc, Thái Lan, Phi Luật Tân... và cả Nhật Bản cũng đang đua theo làm phim bộ y như Nam Hàn. Mà phải nói là rất nhiều nước cũng làm phim bộ: Pháp, Ý, Đài Loan, Ấn Độ, Tây Ban Nha... Từ phim bộ, Nam Hàn tiến lên chiếm lĩnh thị trường bằng phim truyện mà thành công thứ nhất là cuốn phim đoạt giải Oscar năm 2020 có tên Parasite. Năm nay cuốn phim Minari của nhóm làm phim Nam Hàn cũng đang được chú ý và đã giành được Oscar “vai phụ xuất sắc nhất” cho nữ tài tử lão thành Yuh-jung Youn. Ôi trông người mà ngẫm đến ta để buồn 5 phút.

Phim bộ Đại Hàn là thứ tôi đang mê xem hiện nay trên Netflix. Cũng nhờ - hay tại - con coronavirus mà ra. Bị nhốt trong nhà, tôi chỉ có cái thú tiêu khiển ấy thôi. Và ngạc nhiên làm sao, tôi học được khá nhiều nhờ ngồi coi phim bộ và “trải nghiệm” văn hóa Nam Hàn.


Một anh cõng một cô trong phim bộ Nam Hàn

Đầu tiên tôi thấy rõ ràng hơn ảnh hưởng của đạo Khổng lên văn hóa Nam Hàn. Trước đây tôi đã từng biết là dân Nam Hàn theo đạo Khổng giống như người Việt nhưng bây giờ thì mới thấy rõ. Nam giới thống lĩnh gia đình và nơi làm việc; việc lạm quyền của các ông, nhất là trong lãnh vực “show biz,” là chuyện có thực. Tôi nghi ngờ rằng đây là nguyên nhân của nhiều vụ tự tử của các ngôi sao Nam Hàn. Người ta dễ dàng lợi dụng vị trí “người trên” của mình để làm chuyện bậy. Vì theo chế độ xếp thứ bậc (hierarchy) xưa kia, địa vị là số một, người dưới phải phục tùng người trên, không nói năng chi hết. Chuyện này thì xảy ra hà rầm ở Việt Nam, chẳng ai còn lạ gì. Nhưng nói đi thì cũng cần nói lại. Phụ nữ Nam Hàn giờ cũng đã có nhiều tiến bộ. Họ hăng hái “đòi quyền sống” hơn và cũng có mặt trong hầu hết các lãnh vực sinh hoạt của xã hội.

Tôi thích thú thấy trên màn ảnh những hành động cử chỉ của dân Nam Hàn rất giống người Việt Nam: bệnh thì có quyền nằm thẳng cẳng trên giường để được đút từng muỗng cháo, thức ăn nóng thì đưa lên miệng thổi phù phù, dùng đũa mình đang ăn gắp miếng ngon bỏ vào bát người mình có cảm tình, dùng đũa quậy trong bát canh để tìm miếng ngon... Và một chuyện làm tôi ngạc nhiên là sao nó giống Việt Nam đến thế: thấy ai nằm ngủ mà mình thương và muốn săn sóc thì kéo mền lên đắp kín hay đi lấy mền đắp cho họ. Còn rất nhiều chuyện khác nữa mà tôi không nhớ hết. Phải chăng vì thế dân Việt Nam bây giờ mê phim bộ Hàn quốc quá xá, giống Việt Nam quá mà.


Người bệnh được đút ăn.

Một chuyện khác: mấy anh cõng mấy cô trên lưng đem về nhà khi các cô say bí tỉ. Chuyện này tôi không thấy ở Việt Nam, đa số ta chỉ thấy người lớn cõng con nít chứ chưa bao giờ có cảnh mấy chàng cõng mấy nàng hay ngược lại. Qui tắc “nam nữ thọ thọ bất thân” của ông Khổng đâu rồi ta? Tôi thấy kỳ kỳ khi trông thấy cảnh này, một cảnh hầu như xảy ra trong tất cả các bộ phim mà tôi đã xem.

Và cảnh này đưa đến một nhận xét khác là chuyện uống rượu. Kinh quá! Tất cả mọi người đều nhậu, kể cả đàn bà con gái. Bộ phim nào cũng có cảnh các cô các bà nhậu say mèm. Ở Việt Nam thì có lẽ cảnh mấy ông uống rượu nhiều hơn. Đàn bà Mỹ cũng nhậu nhiều nhưng ít thấy cảnh say xỉn nơi công cộng. Vậy mà sao đàn bà Á Châu uống bạo thế. Không biết ngoài đời có thực như thế không.

Rõ ràng Nam Hàn đã tiến nhanh tiến mạnh lên con đường mà các nước Âu Mỹ đã trải qua. Họ học được rất kỹ cả chuyện tốt lẫn chuyện xấu của nền văn minh Tây phương. Khi mà các nước tiền tiến Âu Mỹ trên đà đi xuống, hậu quả của những tiến bộ và tự do quá trớn, thì Nam Hàn có vẻ vẫn còn đang hăng hái và cương quyết theo mới, theo con đường thênh thang tới những tiện nghi, những hưởng thụ phía trước. Không biết có ai học được bài học của những xứ tiền tiến không nhỉ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT