Gỡ Rối Tơ Lòng

Dì ghẻ con chồng

Friday, 16/09/2016 - 08:22:06

Thằng ranh con, lúc lớn lên cũng theo mẹ bắt nạt cháu. Cơm nguội còn thừa trong chạn cháu lấy ra ăn thì nó la lên mách mẹ nó là cháu ăn vụng, làm mẹ nó đổ ngay bát cơm cháu đang cầm trên tay vào thùng cơm heo, không cho cháu ăn.

Nên kiên nhẫn với cha mẹ lớn tuổi, vì đầu óc họ đôi khi không được tinh tường như người trẻ, tai nghe một đàng đầu hiểu một nẻo. (Getty Images)


Hồi còn nhỏ cháu là một đứa trẻ rất bất hạnh - cháu nghĩ thế - vì khi cháu ra đời cháu không biết mẹ cháu là ai. Cháu sống với bố trong 10 năm trời với sự chăm sóc của bà nội. Bà nội cháu chỉ làm phận sự chăm lo phần thể xác cho cháu, cho cháu khỏi đói khỏi lạnh, còn cháu chưa hề được bà nâng niu bà bồng ẵm bao giờ. Mỗi khi cháu hư thì bà cháu lại nghiến răng và nói “y hệt cái con mẹ mày.”
Nhìn vẻ mặt đanh ác của bà, cháu cũng không dám hỏi tại sao? Và cũng không dám hé răng hỏi về mẹ. Tuy cháu sống với bà không tình thương, nhưng ít nhất cũng được no ấm. Đến năm cháu 10 tuổi, bố cháu cưới vợ kế. Bà này kém bố cháu cả hai chục tuổi cho nên bố cháu rất yêu chiều. Khi về với bố cháu bà ấy mang theo một đứa con trai mới sanh chừng vài tháng. Cháu cũng chả biết là con bố cháu hay con ai.
Từ khi bà ấy về, cháu ngoài việc học hành còn phải lo cơm nước và trông em nữa. Lúc đó cháu mới có 11 tuổi. Làm việc vất vả cháu không quan tâm lắm nhưng bà mẹ kế này thuộc loại phù thủy cho nên ghét bỏ cháu, chẳng những bắt làm việc vất vả mà còn không cho ăn no, mặc ấm nữa. Bố cháu tuy biết rằng con bị đối xử tàn tệ cũng không dám hở môi chỉ thỉnh thoảng dúi cho cháu một vài đồng bạc để ăn quà.
Thằng ranh con, lúc lớn lên cũng theo mẹ bắt nạt cháu. Cơm nguội còn thừa trong chạn cháu lấy ra ăn thì nó la lên mách mẹ nó là cháu ăn vụng, làm mẹ nó đổ ngay bát cơm cháu đang cầm trên tay vào thùng cơm heo, không cho cháu ăn.
Nhưng thôi đó là chuyện ngày xưa.
Đến năm 75, bố cháu mang vợ và con nhỏ theo, còn bỏ cháu lại cho bà nội. Đến năm 85 bà nội cháu sắp mất mới cởi hầu bao cho cháu 10 lạng vàng để cháu vượt biên với một gia đình người quen. Khi qua bên này cháu học năm cuối cùng của trung học. Tuy cháu bị hành hạ nhưng cháu vẫn chịu khó học, nhất là môn Anh văn cho nên khi sang đây cháu không gặp khó khăn trong sự hội nhập.

Cháu ở chung với gia đình người quen đem cháu đi, nhưng cháu khai không cha không mẹ cho nên cháu được hưởng mọi chương trình cứu trợ để ăn học, cháu cũng không cần đi tìm bố cháu. Thế rồi gần đây, bố cháu tìm gặp cháu và nói rằng bà dì ghẻ đã qua đời. Bố cháu xin lỗi cháu về những ngày tháng ấu thơ đã không bao bọc che chở cháu. Bây giờ thằng con trai của ông ấy đã lớn rồi nhưng lại bị bệnh tâm thần, dở hơi, dở hám, ngoài 20 rồi mà vẫn như một đứa con nít lên 5.

Bố cháu cho biết là bố cháu bị cancer tới thời kỳ cuối cùng nên muốn gửi lại cháu đứa con tàn tật. Cháu uất hận quá không kể tới chuyện bố cháu sắp chết, cháu la hét ầm ĩ, kể lể từ những ngày thơ ấu, mẹ nó và nó, ngay cả ông ấy, đối xử với cháu ra sao mà giờ này lại tính bắt cháu lãnh đứa con tàn tật của ông ấy. Ông ấy buồn rầu bỏ về rồi một tuần sau ông ấy mất.

Bây giờ nghĩ lại cháu ân hận và sợ phải tội. Cháu nghĩ rằng có lẽ vì cái trận đụng độ giữa cháu và bố cháu mà ông ấy chết lẹ hơn. Cháu cảm thấy mình có lỗi, nhưng cháu không thể nào đứng ra nhận lãnh đứa con của người dì ghẻ độc ác đã hành hạ cháu suốt thời gian cháu còn nhỏ, còn cần được chăm sóc.
Hiện nay cháu cứ bị quay cuồng giữa hai ý nghĩ là cháu có bổn phận với thằng em tật nguyền ấy không? Và cháu có trách nhiệm gì về cái chết của bố cháu không?

Bà Ba Phải trả lời:
Cháu ạ, mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ có thương con chồng, nhưng cách đối xử của bà này thật quá độc địa, và bố cháu quả là nhu nhược, quá sợ vợ và không làm đủ bổn phận của một người bố. Nếu nói theo phép thông thường thì gieo hạt nào thì hái quả ấy. Cháu chẳng có bổn phận gì đối với người bố, khi cháu còn nhỏ cần đến sự che chở của bố, cháu đã không nhận được thì giờ này cháu cũng chẳng có trách nhiệm gì với ông.

Còn thằng bé con, ngày nhỏ nó đã độc ác với cháu, giờ này cháu cũng chẳng có trách nhiệm gì với nó cả. Ở bên Mỹ này chương trình xã hội chăm sóc những người tàn tật rất cẩn thận. Nó sẽ được cho vào một trung tâm chuyên trị những người có bệnh tâm thần, ở đấy sẽ có các bác sĩ chuyên môn chăm sóc cho nó. Cháu làm gì có đủ phương tiện, thuốc men để chăm sóc nó?

Còn cái chuyện bố cháu mất là vì ông ấy đã bị cancer tới thời kỳ cuối cùng mới đến tìm cháu. Cháu có cách gì để kéo dài đời sống của ông ấy? Cái việc cháu nói ra sự thật có làm ông ấy đau đớn thì cũng chỉ một thời gian rất ngắn - trong một tuần lễ - trong khi vì sự vô tình của ông cháu đã đau khổ suốt thời thơ ấu.
Tất cả đều đã qua, chẳng nên nhắc lại để khơi thù hận. Cháu nên nghĩ rằng cháu đã sống còn được đến ngày hôm nay là cháu đã tự cứu mình. Bây giờ cháu không nên ôm hận thù để cuộc sống cháu thêm nặng nề. Cháu nên tha thứ bỏ qua tất cả, đừng nghĩ đến những thù hận ngày xưa, để lo cho mình có một hiện tại và tương lai tốt đẹp.

Con với cái
Cháu đã ra trường được ba năm nay và đã đi làm. Tuy nhiên cháu vẫn ở chung với bố mẹ cháu để dành dụm tiền mua đồ đạc và mua nhà. Gần đây sở cháu cho cháu lên chức và đổi cháu đi một thành phố xa nhà bố mẹ cháu 5 tiếng lái xe. Cháu thấy mình đã đủ lớn và công việc khá vững chắc để dọn ra ở riêng.
Bố mẹ cháu rất thương cháu nên khi dọn nhà, mẹ cháu giúp cháu pack đồ đạc và chính tay bố mẹ cháu thuê UHaul để dọn nhà lên chỗ ở mới cho cháu. Điều này cháu rất biết ơn bố mẹ cháu vì tuổi đã già mà còn cố gắng giúp con những việc nặng nhọc như vậy. Nhưng có điều này làm cháu rất thất vọng và buồn phiền.
Cháu đã dặn bố mẹ cháu là chỉ cần xe chở đồ đạc lên rồi bỏ tất cả nguyên các thùng vào trong nhà, không cần xếp dọn, để nguyên cho cháu, cháu sẽ xếp dọn lấy theo ý cháu. Ai ngờ bố mẹ cháu không nghe lời mà lại đem đồ vào nhà rồi xếp đồ đạc cùng mở hết các thùng ra xếp lên tủ lên kệ theo như ý của ông bà. Cháu về thì thấy cái nhà hầu như đã xếp dọn xong, bao nhiêu thùng giấy gấp lại vứt ra ngoài lề đường.
Cháu vào trong nhà thì đồ đạc bày xếp chẳng cái nào giống theo ý cháu, cháu bực quá gắt ầm lên làm bố mẹ cháu mất hứng buồn bã bỏ ra về và than rằng cháu là đồ vô ơn bạc nghĩa. Bố mẹ hầu như vầy mà còn không biết cám ơn.
Thật quả cháu biết ơn lắm chứ nhưng cháu bực vì nỗi ông bà đã già, cháu đâu muốn ông bà phải quá vất vả vì cháu nên cháu đã dặn là chỉ xe đồ lên rồi bỏ nguyên xi vào nhà, cháu đâu có cần bố mẹ cháu xếp dọn, mà lại xếp dọn không đúng ý cháu, cháu bực là bực về chuyện đó chứ đâu có phải vì không nghĩ đến công bố mẹ. Bác bảo cháu phải làm sao bây giờ?

Bà Ba Phải trả lời:
Cháu đã lớn mà không biết xử sự. Bố mẹ cháu đã già, đã cố gắng giúp đỡ cháu mọi việc đến nơi đến chốn. Cháu cần phải hiểu rằng, đầu óc người già không còn tinh tường như người trẻ cho nên có khi cháu nói một đằng lại hiểu theo một nẻo. Nhưng tất cả mọi việc làm của bố mẹ cháu chỉ có duy nhất một mục đích là làm vui lòng cháu và giúp đỡ cháu mọi sự cho cháu khỏi nhọc công. Thế thôi.

Nhưng vì già cho nên nhiều khi làm không đúng ý cháu. Cháu dù có thất vọng thế nào thì cũng không nên nói nặng lời với cha mẹ, nhất là cha mẹ lại vừa làm một việc rất nặng nhọc để giúp cháu. Có không vừa lòng thì cháu cũng chỉ nên nhẹ nhàng nói: con đâu có muốn bố mẹ làm việc quá mệt nhọc vì con. Con đã nói bố mẹ chỉ cần bỏ hết vào nhà cho con thôi. Bố mẹ bày biện như thế này mất bao nhiêu công sức. Con thật rất là thắc mắc chỉ sợ bố mẹ đau.

Như thế có phải bố mẹ cháu vui lòng biết mấy. Còn cái chuyện cháu phải dọn dẹp lại theo ý mình thì tuy có vất vả thì cháu cũng nên đổi buồn làm vui khi nghĩ đến tình yêu bố mẹ dành cho cháu. Bây giờ cháu đợi vài ngày, cháu dọn dẹp mọi sự xong xuôi cháu sẽ về nhà nói lời cám ơn và xin lỗi bố mẹ, như vậy là bố mẹ cháu sẽ vui ngay.

Nếu cháu có phương tiện thì cháu mua biếu bố một chai rượu ngon và biếu mẹ một bình hoa mà mẹ thích, như vậy để tỏ lòng ân hận, xin lỗi và đồng thời cám ơn. Dễ quá mà phải không cháu.
Nhưng từ nay, khi nói chuyện với bố mẹ cháu nên cân nhắc lời nói. Cháu lớn rồi không phải con nít mà lâu lâu lại nỗi giận, nói lời không phải với bố mẹ. Nên nhớ rằng bố mẹ cháu già rồi, không biết thời gian còn ở với cháu dài hay ngắn. Nên trân trọng từng giây phút còn có bố mẹ bên cạnh.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT