Thế Giới

Dịch Ebola có nguy cơ bùng phát trở lại tại Congo

Friday, 12/05/2017 - 07:51:14

Trong cuộc họp báo tại thủ đô Kinshasa, Bộ Trưởng Y Tế Oly Llunga cho biết, các ca bệnh được phát hiện trong thời gian từ ngày 22 tháng 4 đến nay, và mọi người bệnh đều có dấu hiệu bị xuất huyết trên cơ thể. Kết quả xét nghiệm từ 9 người bệnh đều dương tính với Ebola.

KINSHASA - Bộ Trưởng Y Tế Cộng Hòa Dân Chủ Congo hôm thứ Sáu cho biết, 2 người dân nước này đã chết với các triệu chứng xuất huyết, và được xác nhận dương tính với virus Ebola, tại tỉnh Bas-Uele miền đông bắc quốc gia. Ngoài ra, 9 ca nhiễm Ebola khác cũng đã được xác nhận. Không lâu sau đó, tổ chức Y Tế Thế Giới WHO xác nhận có thêm một bệnh nhân thứ 3 cũng đã thiệt mạng, và những cái chết này cho thấy sự khởi đầu của một đợt dịch Ebola mới, đang xảy ra tại khu vực hẻo lánh và có nhiều rừng rậm của Congo.
Trong cuộc họp báo tại thủ đô Kinshasa, Bộ Trưởng Y Tế Oly Llunga cho biết, các ca bệnh được phát hiện trong thời gian từ ngày 22 tháng 4 đến nay, và mọi người bệnh đều có dấu hiệu bị xuất huyết trên cơ thể. Kết quả xét nghiệm từ 9 người bệnh đều dương tính với Ebola.
Congo đang sắp có một cuộc bầu cử, và nhiều nhân viên của Ủy Ban Bầu Cử đang có mặt tại tỉnh Bas-Uele để nhận ghi danh tranh cử. Bộ Trưởng Llunga nói rằng, việc ghi danh tranh cử vẫn có thể tiếp tục, vì viên chức y tế đã thực hiện các biện pháp đề phòng Ebola lây lan. Tuy nhiên, các lãnh đạo Ủy Ban Tranh Cử vẫn lo rằng, dịch bệnh có thể từ tỉnh Bas-Uele phát tán ra những nơi khác trên toàn quốc. Đợt dịch bệnh lần này là đợt dịch Ebola thứ 8 tại Congo, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Căn bệnh xuất huyết chết người này được phát hiện lần đầu tiên trong một rừng rậm nhiệt đới của Congo vào năm 1976, và được đặt tên là Ebola, theo tên của một con sông ở gần đó.

Sri Lanka từ chối không cho tàu ngầm Trung Quốc cập cảng
COLOMBO – Chính phủ Sri Lanka đã từ chối không cho tàu ngầm Trung Quốc ghé vào một hải cảng ở thủ đô Colombo vào tuần sau, sau khi một chuyến viếng thăm tương tự vào năm 2014 đã gây tức giận cho Ấn Độ, cũng là một cường quốc trong khu vực châu Á. Trước đó, chính phủ Bắc Kinh đã đề nghị cho tàu ngầm ghé vào cảng Colombo, nơi một công ty quốc doanh Trung Cộng đang điều hành một bãi containter khổng lồ. Tuy nhiên, nhà chức trách Sri Lanka đã từ chối yêu cầu này, với lý do đây là vấn đề rất nhạy cảm.
Sự từ chối của Sri Lanka diễn ra ngay sau chuyến viếng thăm của Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi tới thủ đô Colombo. Vào năm 2014, tàu ngầm Trung Quốc đã 2 lần ghé vào hải cảng Colombo, khiến New Delhi tức giận vì cho rằng hành động này gây ảnh hưởng cho an ninh quốc gia của Ấn Độ. Chính phủ New Delhi lâu nay vẫn cho rằng, Sri Lanka luôn nằm trong vòng ảnh hưởng của họ. Nhưng trong thời gian gần đây, Trung Quốc bắt đầu hiện diện ngày càng nhiều tại đảo quốc nhỏ bé này, khiến Ấn Độ cảm thấy lo ngại.
Tổng Thống Sri Lanka Maithripala Sirisena, khi nhậm chức vào tháng 1, 2015, đã từng hứa sẽ giảm bớt quan hệ với Trung Quốc, sau khi chính quyền trước đó đã được Bắc Kinh tài trợ mạnh mẽ trong suốt 1 thập niên. Tuy nhiên, giới quan sát nhận thấy sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại Sri Lanka đang gia tăng trở lại, do chính phủ Colombo không thể tìm được nguồn đầu tư nước ngoài nào khác cho quốc gia vẫn đang còn nhiều khó khăn về tài chính này.

Brazil giảm cổ phần trong ngân hàng đầu tư châu Á
BẮC KINH – Brazil đã cắt giảm một lượng lớn cổ phần của nước này trong tổ chức tài chính châu Á do Trung Cộng dẫn đầu, dẫn đến một bước lùi trong nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tạo ra các tổ chức toàn cầu để giúp nước này thay đổi trật tự thế giới. Ban đầu, Brazil đã hứa sẽ nhận 32,000 cổ phần, tương đương hơn $3 tỷ Mỹ kim, khi ký tên tham gia làm thành viên sáng lập Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á AIIB vào năm 2015.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Brazil đã báo lại với AIIB rằng nước này sẽ chỉ ghi danh 50 cổ phần, với lý do cần cắt giảm chi tiêu chính phủ và phải giải quyết nhiều vấn đề nội bộ khác. Ngoài Brazil, rất nhiều thành viên khác của AIIB cũng chưa trả tiền cho số cổ phần của họ tại ngân hàng này, như Nam Phi, Kuwait, Malaysia, và Tây Ban Nha. Đại diện của AIIB đã xác nhận quyết định của Brazil, đồng thời cho biết, việc giảm cổ phần của Brazil không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của ngân hàng.
Theo lời phát ngôn viên AIIB, nhiều nước khác vẫn đang muốn tham gia ngân hàng này, giúp tổ chức tài chính này có đủ nguồn vốn để tài trợ nhiều dự án xuyên suốt châu Á, nơi nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng luôn hơn 1 ngàn tỷ một năm. Vào ngày thứ Bảy, AIIB sẽ công bố một loạt thành viên mới, sau khi chấp thuận 13 đơn xin gia nhập vào tháng 3, nâng tổng số thành viên của AIIB lên 70 nước. Tuy vậy, quyết định của Brazil cho thấy những khó khăn mà ngân hàng AIIB và Bắc Kinh đang gặp phải, trong nỗ lực mở rộng vai trò và sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT