Người Việt Khắp Nơi

Dịch vụ tị nạn Lutheran mừng Tết Nguyên Đán, liên kết những người tị nạn

Vanessa White/Viễn Đông Friday, 27/01/2012 - 06:51:23

Thường thì họ học một ngôn ngữ mới, trong lúc phải đối phó với tình trạng lo âu và thần kinh căng thẳng. Mãi về sau thì họ mới có những khoảnh khắc để trân trọng đúng mức lòng tử tế mà một số người bày tỏ ra cho họ.

 Vanessa White/Viễn Đông

GARDEN GROVE, California – Đóng góp phần mình vào truyền thống đoàn tụ gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán, cô Lauren Rymer đang cố gắng tìm cách giúp đoàn tụ một đại gia đình rộng lớn hơn, bao gồm những người được liên kết với nhau qua kinh nghiệm sinh sống trên đất Mỹ.
Cô Rymer nói với nhật báo Viễn Đông rằng tổ chức Dịch Vụ Tị Nạn Nhập Cư Hội Thánh Lutheran (Lutheran Immigration and Refugee Service - LIRS) đã giúp tái định cư một số lượng đáng kể những người Việt Nam đến tị nạn tại Hoa Kỳ, trong hai thập niên 1980 và 1990. Liên lạc với hệ thống các văn phòng hội thánh, LIRS đã giới thiệu những người Việt mới tới tị nạn với những người Mỹ đứng ra bảo lãnh cho họ, đem họ về ở trong nhà và giúp cho họ hòa đồng vào trong đời sống Mỹ.
Thông qua LIRS, cô Rymer đã thành lập Mạng Lưới Người Tị Nạn (Refugee Alumni Network), cung cấp một cách thức để cho những người tị nạn trước đây góp sức vào việc hỗ trợ cho những người tị nạn hiện nay chuyển tiếp sang cuộc sống mới tại Hoa Kỳ. Cô Rymer nói với nhật báo Viễn Đông: “Đó là một cách để giúp đỡ dây chuyền cho những người đến sau. Chúng tôi có thể hợp tác trong việc học hỏi những gì có thể đã bị đánh mất đi, trong suốt mọi hoài niệm ký ức tập thể của chúng ta”.
Mới khởi sự hoạt động trong năm 2011, RAN đã có được 700 thành viên, và vẫn tiếp tục mở rộng ra thêm, cùng với những ý tưởng của cô Rymer đối với việc xây dựng mạng lưới giao tiếp.


Cô Lauren Rymer (trái) và anh Vũ Daniel tại tòa soạn nhật báo Viễn Đông hôm 26-1-2012.
Trên bàn là những tập ảnh tài liệu người tị nạn Việt Nam - ảnh: Vi Lang/Viễn Đông.

Tạo mạng giao tiếp thông qua ký ức
Anh Vũ Daniel gặp được cô Rymer cách đây hơn một năm, khi anh tìm được những tin tức về chuyện liên lạc tiếp xúc, nơi một số di vật của bà nội anh đã quá cố. Anh khám phá ra rằng chính LIRS đã giúp cho gia đình anh định cư tại Hoa Kỳ, khi họ từ Việt Nam sang đây, và đó là một mảnh dữ kiện đã bị hụt mất đi khỏi cuộc điều tra liên tục của anh nhằm tìm hiểu dĩ vãng tổ tiên mình. Anh Daniel muốn biết thêm, và với sự giúp đỡ của cô Rymer, thông qua một quá trình lâu dài, họ đã tìm thấy những hồ sơ lưu trữ về trường hợp của gia đình anh, đem lại cho Daniel một dịp để đọc thấy những lời của thân nhân anh, và hiểu thêm về những điều họ suy nghĩ khi mới sang tới Hoa Kỳ.
Anh thông cảm được sâu sắc hơn với câu chuyện cha mẹ anh đã đến Minneapolis như thế nào, sau khi họ vừa mới cưới nhau, để ý nhìn vùng đất phẳng phiu chung quanh họ, và ngỡ ngàng trước âm thanh của nhạc đồng quê Mỹ (country music).
Daniel nói rằng họ làm việc từ “buổi khố rách áo ôm cho đến hồi nhà cao cửa rộng”, học tiếng Anh bằng cách xem truyền hình. Daniel nói với nhật báo Viễn Đông: “Bây giờ thì thật là có ý nghĩa”. Anh hăng say mô tả hồi kết cuộc mà anh anh cảm nhận được sau khi tìm biết được lịch sử mà gia đình anh không mấy khi nhắc đến. “Nếu không nhớ đến quá khứ, thì người ta không thể nào tiến tới tương lai được”.
Thế nhưng, Daniel vẫn là một trong những người gặp may mắn, cô Rymer cho Viễn Đông biết như vậy. Cô nói thêm rằng phải mất chừng một năm mới có thể đáp ứng được những lời yêu cầu xin đọc lại hồ sơ lưu trữ như vậy.
Vẫn tập trung chú ý vào việc lấy ra được những câu chuyện như của Daniel, cô Rymer đang kêu gọi những người tị nạn trước đây hãy gia nhập vào RAN, và làm thêm những công việc khác ngoài chuyện liên kết những người tị nạn hiện nay. Cô hy vọng nối kết họ lại với những thời dĩ vãng của chính họ, cũng như với những người đã từng giúp cho họ thích nghi với cuộc sống ở Mỹ.
Cô Rymer nói với nhật báo Viễn Đông rằng trong mấy tháng đầu tiên trên đất Mỹ, mọi sự đều u ám mịt mờ. Thường thì họ học một ngôn ngữ mới, trong lúc phải đối phó với tình trạng lo âu và thần kinh căng thẳng. Mãi về sau thì họ mới có những khoảnh khắc để trân trọng đúng mức lòng tử tế mà một số người bày tỏ ra cho họ.
Cô Rymer nói với Viễn Đông rằng vào cuối tuần vừa qua, khi cô đến dự Hội Chợ Tết Nguyên Đán của San Jose, một người đàn ông đến gặp cô, và nói với cô về bà Inez, người đã đứng ra bảo trợ cho ông từ thập niên 1970, và hướng dẫn dìu dắt ông trong suốt tháng đầu tiên ông ở Hoa Kỳ. Ông hỏi xem cô có thể giúp cho ông tìm lại bà Inez được không, vì sau nhiều năm tháng trôi qua, ông chỉ muốn gặp bà để nói lên câu “Xin cám ơn Bà”.
Cô Rymer nói với Viễn Đông: “Những câu chuyện này biến những việc tôi làm trở thành quan trọng”. Cô nói thêm rằng có một mối quan hệ rất đặc biệt giữa một người tị nạn và một người bảo trợ. “Tôi thực sự muốn nắm bắt lấy điều ấy và nối kết người ta lại với nhau lần nữa”.
Lên tiếng nhân danh những người bảo trợ qua tổ chức LIRS, cô Rymer cho biết rằng họ đã và đang cầu nguyện và chờ đợi những người tị nạn, thậm chí cả trước khi những người này đặt chân tới đất Mỹ, trước khi những người tị nạn biết được ai là những người đứng ra bảo trợ cho họ. Cô Rymer nói: “Mỗi một người tị nạn mà chúng tôi đưa ra được khỏi trại và đem sang đây quả là một công việc cứu mạng. Chúng tôi có thể làm chuyện ấy một cách tốt hơn và giúp cho nhiều người hơn nữa”.
Cô Rymer và anh Daniel sẽ có mặt tại một gian hàng tại Hội Chợ Tết Sinh Viên Nhâm Thìn ở công viên Garden Grove Park cuối tuần này, sẵn sàng nói chuyện với bất cứ người nào quan tâm đến LIRS và RAN. Gian hàng của họ tọa lạc dãy bên trái, khi vừa ra khỏi Làng Việt Nam theo hướng lên sân khấu chính, gần China Airlines.
Sang tuần tới, họ sẽ đến dự Hội Chợ Tết Nguyên Đán tại Los Angeles.
Để biết thêm tin tức về LIRS, có thể vào trang mạng http://lirs.org/, và tin tức về RAN, bấm vào “Donate”, chọn “Refugee Alumni Network”. - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT