Bình Luận

Điểm gặp của hai sử gia

Monday, 08/10/2018 - 07:32:14

Theo dõi công văn trao đổi giữa hai vị tư lệnh chiến trường VN và tư lệnh quân khu Thái Bình Dương, ông Walt W. Rostow -cố vấn an ninh của Tổng Thống Johnson- báo động và xin tổng thống ra lệnh đình hoãn việc đưa bom nguyên tử vào chiến trường Việt Nam.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Sử gia Việt Nam Hà Mai Việt có ý trách cả sáu vị tổng thống Mỹ xa, gần, dính líu đến chiến tranh Việt Nam qua câu hỏi, “đã chủ trương không chiến thắng (no-win policy) thì đem quân vào Việt Nam để làm gì?”
Để giết hàng chục triệu người? Để tổn thất hàng trăm tỉ Mỹ kim? Hay để người Nam Việt thêm cay đắng, buồn tủi trước số phận thất trận sau những cố gắng tuyệt đỉnh của một dân tộc nhược tiểu?
Qua 400 trang giấy, ông Việt viết lên câu hỏi cay đắng đó của một người lính thiết kỵ “trăm trận đánh, trăm trận thắng” mà vẫn mất nước.

Hai tháng sau ngày Hà Mai Việt xuất bản quyển “Việt Nam Và Hoa Kỳ Trong Chiến Tranh Lạnh,” sử gia Mỹ Michael Beschloss đưa quyển “Presidents of War” (Những vị tổng thống tham chiến) ra mắt độc giả. Trong số những vị tổng thống Mỹ tham chiến, ông bênh vực Tổng Thống Lyndon Johnson -vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam. Theo Beschloss thì Johnson đã cứu hàng trăm ngàn lính Bắc Việt, và nhiều trăm ngàn lao công chiến trường bị Việt Cộng cưỡng bách vào việc tải đạn cho những sư đoàn tác chiến của Việt cộng vây hãm Khe Sanh, năm 1968.



Tác phẩm của Hà Mai Anh


Tác phẩm của Michael Beschloss

Beschloss viết, “Như vài vị tổng thống khác, Johnson đã sai lầm khi tham dự vào chiến tranh Việt Nam; tuy nhiên chúng ta vẫn phải tri ơn ông, vì năm 1968, ông đã không cho sử dụng bom nguyên tử tại Khe Sanh.”
Thật ra việc Tổng Thống Johnson không cho chuyên chở vũ khí nguyên tử vào chiến trường Việt Nam là một quyết định vô cùng quan trọng vừa được giải mật từ hai năm nay, và được sử gia Beschloss đem phân tách trong tác phẩm “Presidents of War.”

Ông nhận định “chỉ 23 năm sau những quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki mà người Mỹ lại thả thêm bom nguyên tử xuống Khe Sanh thì lịch sử nhân loại sẽ đánh giá Hoa Kỳ như thế nào?”
Trong cả sáu vị tổng thống Mỹ liên quan đến Chiến Tranh Việt Nam, ông Johnson quan tâm, tận tụy và chịu đựng nhiều hệ lụy với cuộc chiến đó hơn cả; ông không tái ứng cử cũng vì dư luận Mỹ chống Chiến Tranh Việt Nam quá đáng.

Johnson đã từng đến Việt Nam, gặp nhiều tướng lãnh Mỹ, nhiều chính khách Việt Nam để theo sát cuộc chiến, và lấy những quyết định quan trọng liên quan đến cuộc chiến đó.
Ông cũng thường xuyên thảo luận về chiến tranh Việt Nam với những giới chức trách nhiệm về Chiến Tranh Việt Nam.


Năm 1967, Johnson đến Việt Nam thảo luận với tướng Westmoreland về cuộc chiến.


Johnson thường xuyên hội đàm với Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara, đại tướng Earle Wheeler, và Westmoreland về mọi diễn tiến trên chiến trường.

Nhưng Johnson chỉ biết về chiến dịch Fracture Jaw (Gẫy Quai Hàm) vào phút chót, kế hoạch này là đem vũ khí nguyên tử vào Việt Nam để nhanh chóng sử dụng trong trường hợp Khe Sanh lâm nguy như Điện Biên Phủ.

Nằm trên vùng Tây Bắc Quảng Trị, Khe Sanh là một căn cứ quân sự của Mỹ, do hai trung đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trấn đóng với sự trợ chiến của một vài đơn vị nhỏ quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tướng Westmoreland -tổng tư lệnh quân Mỹ tại Việt Nam - ước tính quân Bắc Việt sẽ tấn công Khe Sanh, như chúng đã tấn công Điện Biên Phủ; và ông mưu tính sẽ gây tổn thất nặng cho quân Bác Việt bằng hỏa lực không yểm.

Westmoreland không biết là Hà Nội không mưu toan tái diễn Điện Biên Phủ, vì chúng ý thức được khác biệt giữa khả năng oanh tạc của không quân Mỹ năm 1968 và của không quân Pháp năm 1954; chúng chỉ rầm rộ chuyển quân đến khu vực Khe Sanh để vệ tinh Mỹ chụp hình và để Westmoreland căn cứ vào tài liệu quân báo tối tân đó, đưa quân vào tử thủ Khe Sanh.

Mục đích của Việt Cộng tạo kế nghi binh là để rút quân Mỹ ra vùng biên giới, khiến khả năng yểm trợ của Mỹ giảm bớt bên trong hệ thống phòng thủ diện địa của Nam Việt, vào lúc chúng phát động cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân. Dù không cố tình, Westmoreland vẫn thỏa mãn ước muốn của Việt Cộng.

Chúng cũng nuôi ảo tưởng Điện Biên Phủ của Westmoreland bằng những pháo đội của chúng thường xuyên pháo kích vào căn cứ Khe Sanh và hệ thống tiền đồn bảo vệ Khe Sanh.

Ảo tưởng đó lớn hơn kỳ vọng của Việt Cộng; vì Westmoreland tổ chức chiến dịch Operation Niagara đem 100,000 tấn bom trút vào rừng già Hạ Lào cộng thêm 158,000 quả hải pháo, bắn vào những tiểu đoàn pháo binh Việt Cộng mà Westmoreland tưởng là đang thực hiện màn đầu “tiền pháo” của chiến thuật “tiền pháo, hậu xung.”

Tận dụng một hỏa lực khiếp đảm đến như vậy, mà Westmoreland vẫn chưa yên tâm, ám ảnh Điện Biên Phủ vẫn làm ông mất ngủ; ngày mùng 10 tháng Hai, 1968, ông đánh điện cho Đô Đốc Ulysses S. Grant Sharp Jr., Tư Lệnh Quân Khu Thái Bình Dương trong hệ thống quân sự diện địa của quân Mỹ, thảo luận về nhu cầu hỏa lực nguyên tử yểm trợ hệ thống phòng thủ Khe Sanh. Ông muốn đưa vũ khí nguyên tử vào Việt Nam, để có sẵn dưới tay, khi cần đến, và đó là chiến dịch Fracture Jaw để đánh gẫy hàm Việt Cộng.

Theo dõi công văn trao đổi giữa hai vị tư lệnh chiến trường VN và tư lệnh quân khu Thái Bình Dương, ông Walt W. Rostow -cố vấn an ninh của Tổng Thống Johnson- báo động và xin tổng thống ra lệnh đình hoãn việc đưa bom nguyên tử vào chiến trường Việt Nam.

Là một người lính VNCH, tôi đau buồn vì sự thất trận của miền Nam như mọi người lính Nam Việt khác, tôi cũng trách đồng minh Mỹ bỏ chạy, chỉ vì tưởng là miền Bắc chiến thắng- sự tưởng tượng sai lầm đó đến từ vị tướng lãnh hèn kém Westmoreland. Ông không hiểu cuộc chiến tranh ông lãnh trọng trách chỉ huy.
Chỉ vì không biết chiến thuật Kamikazé của phi công thần phong Nhật mà ông không mô tả được chính xác cuộc tổng công kích Mậu Thân của Việt Cộng, khiến các phóng viên Mỹ trên chiến trường Việt Nam phóng đại, mô tả Việt Cộng mạnh đến mức đủ sức mở trên 100 cuộc tấn công trong cùng một lúc, tại trên 100 chiến trường khác nhau, khiến Ngoại Trưởng Mỹ Henry Kissinger nài nỉ Việt Cộng đến hội đàm tại Paris để cho phép người Mỹ rút quân bằng mọi giá, miễn là “trong danh dự” đại cường quốc.

Hà Mai Việt có lý với câu hỏi, “đánh giặc không cầu thắng thì đánh mần chi?” chờ đọc quyển “Presidents of War” của Michael Beschloss xem có vị tổng thống Mỹ nào thắng được cuộc chiến tranh nào hay chưa.
Chưa đọc nên chỉ thấy cả hai tác giả cùng viết về chiến tranh VN và về vai trò quyết định của những vị tổng thống Mỹ đối với cuộc chiến và số phận của mình, người Việt.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT