Bình Luận

Diễn đàn Covid -19: Tại sao người Á Châu ít bị lây nhiễm & tử vong so với dân Âu Mỹ?

Wednesday, 13/05/2020 - 08:11:13

Người Việt có câu tục ngữ: ở bẩn sống lâu, chắc không phải là câu nói cho vui. Đó chính là tiến trình từ nhiễm khuẩn nhẹ đến miễn nhiễm; và cũng là tình trạng của người homeless ở Mỹ, căn cứ vào tỉ lệ tử vong rất thấp của họ.


Một người đàn ông đang chơi với một em bé trên vỉa hè tại Hà Nội ngày 5 tháng 5, 2020. Tuy có nếp sống chật chội và thiếu vệ sinh hơn so với các nước Tây Phương, Việt Nam chưa có một ai chết vì dịch Covid-19. Số người bị lây nhiễm cũng rất thấp. Tại sao vậy? (Manan Vatsyayana/ AFP via Getty Images)

 

Bài PHẠM ĐÔNG VĂN    

Đại dịch Covid-19 sang đầu tháng 5 vẫn tiếp tục hoành hành tại nhiều nước ở khắp các châu lục trên thế giới, nhất là tại Hoa Kỳ và một số nước Tây Âu. Tình trạng lây nhiễm và tử vong hiện đã cao hơn hẳn số lượng thống kê qua các đợt dịch bệnh từ nhiều chục năm qua, và vẫn tiếp tục gia tăng. Các chuyên viên y khoa hàng đầu của Mỹ và của các nước văn minh và giàu mạnh nhất Âu châu, đặc biệt là các nước bị thiệt hại nhiều nhất như Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha... vốn có đầy đủ nhân sự chuyên môn với thuốc men và phương tiện y tế được coi là hiện đại nhất thế giới, đã xúc tiến các cuộc nghiên cứu qui mô để chữa trị và phòng ngừa dịch bệnh này.

Tuy nhiên, nay các chuyên gia dịch tễ bắt đầu quan tâm đến một thực tế khó hiểu và có vẻ nghịch lý: nhiều nước Á châu, qua hơn hai tháng đại dịch xuất phát từ Vũ Hán có tỉ lệ dân số lây nhiễm ít nhất và ngay cả tổn thất về nhân mạng cũng thấp nhất so với Mỹ và các nước Tây Âu. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu để so sánh chỉ riêng với người Á châu thì chưa đủ, cùng lúc lại có thể nhắm đến đối tượng dân chúng các nước ở các châu lục khác như Nam Mỹ, Phi châu, vùng Đông Âu và Trung Đông... Thật vậy, các nước ấy cũng ít bị thiệt hại do Covid-19 gây ra, thậm chí tổn thất nhân mạng cũng thấp hơn so với thời bị dịch cúm Flu, Sar-CoV1, Sar-CoV2... những năm về trước.

Hiện vẫn có nhiều nước, dù được gọi là đang phát triển, thực sự đời sống của dân chúng còn ở mức dưới trung bình nên thiếu thốn nhiều nhu cầu thiết yếu về y tế và đặc biệt là thực phẩm. Khi thiếu ăn, người ta chỉ cần no mà không quan ngại về phẩm chất và vệ sinh. Những thực phẩm chắc chắn là không an toàn cho người Mỹ chẳng hạn; nhưng ở châu Á người Việt, người Lào, người Miến Điện, người Mông Cổ, người Ấn Độ, người Trung Hoa... vẫn ăn tự nhiên và vô hại như tổ tiên của họ đã ăn! Người ta đã có thể ăn thịt gia cầm, gia súc bị dịch bệnh, cá vồ nuôi dưới hố xí, mắm bồ hóc, và vô số những món đã bị ruồi bu kiến đậu... mà ngay cả người Mỹ gốc Việt cũng không dám ăn.

Nhưng, người Việt có câu tục ngữ: ở bẩn sống lâu, chắc không phải là câu nói cho vui. Đó chính là tiến trình từ nhiễm khuẩn nhẹ đến miễn nhiễm; và cũng là tình trạng của người homeless ở Mỹ, căn cứ vào tỉ lệ tử vong rất thấp của họ. Trong y học Đông phương còn có câu: dĩ độc trị độc, và Tây y cũng đồng ý như vậy khi sử dụng nọc rắn và nhện độc để chữa trị một số bệnh nan y. Mặt khác, y học cũng công nhận nhiều dược phẩm diệt khuẩn rất công hiệu nhưng dùng mãi vi khuẩn sẽ lờn; tương tự như vậy, người bị nhiễm khuẩn nhẹ lâu ngày sẽ lờn khuẩn (từ nguyên lý đó khoa học đã chế ra thuốc chủng ngừa).

Người Mỹ gốc Việt ở vùng Orange County, California, chiếm tỉ lệ dân số rất cao, có thể coi là mẫu điển hình chống lại Covid-19 tốt nhất nhờ cội nguồn của họ. Người Việt đi đâu cũng mang theo quê hương và mang cả tính miễn nhiễm di truyền từ máu huyết cha ông. Có thể nhận ra điều này khi so sánh sự tổn thất nhân mạng rất chênh lệch giữa Orange County và downtown Los Angeles (khoảng 80/1500), vốn chỉ cách nhau vài chục phút lái xe.

Ngoài ra, còn có những hiện tượng đáng ngạc nhiên khác cũng được giới y khoa quan tâm, chẳng hạn việc nhiều người Á châu được chủng ngừa vi trùng Koch gây bệnh lao phổi từ nhỏ nên có thể cũng kháng nhiễm với Covid-19, hoặc những người nghiện thuốc lá cũng rất ít bị nhiễm vi khuẩn này.

Lại có những nguyên do khác dẫn đến việc các số liệu thống kê những thiệt hại do Covid-19 không chính xác, thường thấp hơn nhiều so với thực tế, ở những nước Á châu có bối cảnh xã hội và chính trị khác nhau. Tại vùng nông thôn hoặc các cộng đồng dân cư nghèo, nhiều người khi bị bệnh thường không đi bác sĩ hoặc đến bệnh viện để chữa trị vì quá tốn kém; hầu hết đều chết ở nhà, và được đem chôn không qua thủ tục kiểm nghiệm xác định bệnh, vốn ngoài khả năng của các cơ sở y tế địa phương. Tại một số nước khác, vì nhiều lý do đặc biệt mang tính chính trị, những tổn thất nhân mạng do chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh thường không được công bố hoặc bị che dấu.

Tuy nhiên, cũng ở Á châu, số liệu về các ca dịch bệnh và tử vong rất thấp do một số nước như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan... đưa ra có thể tin cậy được. Những nước này, cũng văn minh và phát triển ngang hàng với Mỹ và các nước Tây Âu, từng bị thiệt hại trầm trọng do Covid-19 từ đầu năm 2020 nặng nhất là Nam Hàn, nhưng bệnh đã sớm bị khống chế ngay từ tháng 3. Nhờ dân trí và ý thức xã hội cao, mọi qui định cần thiết và hợp lý của chính quyền đều được tuân thủ nghiêm ngặt. Đối phó với dịch bệnh, các nước này có nhiều chuyên viên giỏi, bệnh viện và thuốc men hiện đại; nhưng đáng kể nhất họ lại có kho dự phòng đầy đủ các thiết bị và vật dụng y khoa, ngược lại Hoa Kỳ và hầu hết các nước giàu có Tây Âu không sản xuất và cũng không lưu trữ những món thiết yếu ấy mà chỉ mua từ Trung Quốc với giá rẻ, thậm chí khi cho rằng dư thừa lại đem tái xuất khẩu để kiếm lời!

Trước khi tìm hiểu thêm về tình trạng hiện tại và những diễn tiến sắp tới của đại dịch, thử nhớ lại về nguồn gốc, thời điểm và các địa phương đầu tiên Coronavirus xâm nhập vào Mỹ. Pandemic Covid-19 là tên gọi chính thức do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra, viết tắt cụm từ Corona Virus Disease 2019 để phân biệt với những chủng loại Corona khác đã gây bệnh những năm về trước.Thuật ngữ Đại dịch Covid-19 này mãi đến tháng 3 mới được chính phủ Mỹ công nhận, trước đó vẫn cho rằng WHO đã cố tình phóng đại.

Dịch bệnh này xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung quốc và đến nay giới y khoa xác định đã lan đến Pháp và cả Mỹ từ tháng 12, 2019.Và rất dễ hiểu là ba thành phố New York, Los Angeles và Seattle (tiểu bang Washington) đã bị xâm nhập sớm nhất vì có các hải cảng và phi cảng chính đón nhận hàng hóa và người từ khắp thế giới, và nhiều nhất là hàng vạn người Trung Quốc vào dịp cuối năm về quê ăn Tết âm lịch rồi trở lại.

Tiểu bang Washingon bị lây nhiễm đầu tiên nhưng thiệt hại tương đối thấp (vào cuối tháng Tư vừa qua tiểu bang này lại bị một loại côn trùng lạ tên là ong sát thủ Murder Hornet cũng được cho là xâm nhập từ Đông Á, vừa to lớn lại có nọc cực độc, chuyên giết hại ong mật bản địa), Los Angeles nay có số tử vong chừng 1.5% của cả nước, riêng New York tổn thất nhân mạng lên đến khoảng 30,000 trong số khoảng hơn 80,000 người ở Hoa Kỳ, và chiếm tỉ lệ 10% trên tổng số chừng 300,000 người thiệt mạng trên khắp thế giới. Con số 30,000 ở New York tính ra tương đương với mỗi nước trong số bốn nước Anh, Ý, Tây Ban Nha và Pháp bị thiệt hại nặng nhất ở Âu châu.                   

Những thiệt hại lớn lao nhất vì đại dịch Covid-19 thực sự đã và đang còn xảy ra tại Mỹ cũng như các nước văn minh Tây Âu cùng là những nước giàu nhất thế giới, hầu như xuất phát từ những nguyên do và bối cảnh giống nhau. Con số thiệt hại tuy tính chung cả nước, thật ra chỉ tập trung tại những thành phố kỹ nghệ có mật độ dân số quá cao cũng là các ổ dịch nguy hiểm nhất, tương tự Los Angeles và New York ở Mỹ. Môi trường các thành phố này luôn bị ô nhiễm do khí thải từ xe cộ và nhà máy, nhưng thị dân không có thói quen đeo khẩu trang như ở Hồng Kông, Bắc Kinh, Sài Gòn... Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh sống, di chuyển, giải trí... người ta đã xây dựng những công trình có sức chứa từ hàng trăm đến hàng vạn người như nhà chọc trời, cơ xưởng, nhà hát, chung cư, sân vận động mái vòm, siêu thị... Hầu hết những kiến trúc này được trang bị tiện nghi trong một không gian kín, vì luôn cần có hệ thống điều hòa không khí; ngoài ra còn có thể kể đến máy bay chở khách, tàu lửa, nhà tù, nhà an dưỡng, tàu thủy du lịch, tàu chiến, tàu ngầm, kể cả trên tàu thủy bệnh viện: Tất cả cùng nhanh chóng biến thành ổ dịch khi có vi khuẩn độc hại xâm nhập. Rất may là các trường học đã sớm đóng cửa! Những nhược điểm vừa nêu trên hiếm thấy ở các nước đất rộng người thưa, sống bằng nông ngư nghiệp với các phương tiện và dụng cụ rất thô sơ, luôn có không gian mở và khí hậu trong lành; thậm chí tại các nước còn nghèo khó trên khắp thế giới gồm nhiều nước ở châu Á.

Ngoài ra, phần đông người Á châu nhờ có các tập quán xã hội khác với người phương Tây nên ít bị ảnh hưởng lây nhiễm trong thời đại dịch. Họ không có thói quen tỏ tình thân mật bằng cách ôm ghì nhau, hoặc hôn nhau bất kể lúc nào và nơi nào. Bệnh từ miệng mà vào!

Nhưng yếu tố quan trọng hơn cả để ứng phó hữu hiệu nhất với Covid-19 hiện nay là tuân thủ các qui định đúng đắn và hợp lý của chính quyền về vệ sinh phòng ngừa: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng tẩy trùng, giữ khoảng cách với người khác, mang khẩu trang khi ra đường, không tụ tập đông người... Đa số người Á châu đã nghiêm chỉnh thực hiện những điều trên; đáng kể nhất là công dân các nước Đài Loan, Nhật, và nhất là Nam Hàn nhờ chính quyền đã sớm có các biện pháp nghiêm ngặt nên bước đầu đã thành công ngăn chặn đại dịch. Tuy nhiên, nếu bất cứ nước nào vì bất cứ lý do gì, lại mở cửa xã hội quá sớm thì dịch bệnh sẽ ngay lập tức tái bùng phát, và giới học sinh chắc chắn sẽ bị tổn hại nhiều nhất khi nhà trường mở cửa.

Thật ra, những diễn tiến và kết quả khả quan đã xảy ra ở Á châu không phải là bài học dễ thực hiện. Lợi dụng quyền tự do cá nhân được qui định trong hầu hết các hiến pháp của các nước Âu châu, dân chúng có thể không tuân theo hoặc thậm chí chống lại một cách quá khích những qui định hợp lý của chính quyền như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Bài học thích ứng nhất mà dân chúng các nước Anh, Ý, Tây Ban Nha, Pháp... ở Tây Âu và ngay cả Hoa Kỳ có thể học và thi hành là từ người dân nước Đức. Tinh thần dân tộc và ý thức xã hội cao là truyền thống lâu đời của người Đức, lại may mắn có được một chính phủ năng động dưới quyền lãnh đạo của một vị thủ tướng có tầm nhìn xa hiểu rộng. Nước Đức nay được coi là đã tạm ổn định, một hiện tượng kỳ lạ nhưng có thể hiểu được, trong bối cảnh các nước láng giềng Tây Âu vẫn tiếp tục bị tổn thất và hỗn loạn vì Covid-19.



 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT