Đời Sống Việt

Diệp Thế Lân: Luật-Từ-Tâm (Phần 1)

Wednesday, 16/10/2013 - 10:56:50

Trong gần hai mươi năm nghiên cứu về và sinh hoạt trong cộng đồng hải ngoại, tác giả đã gặp nhiều cá nhân gốc Việt rất đặc biệt ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng Luật sư Diệp Thế Lân đã khiến cho tác giả rất cảm phục và kính trọng, nhất là vì tinh thần phục vụ và khả năng tiếng Việt của anh.

Trangđài Glassey-Trầnguyễn thực hiện & hiệu đính




Diệp Thế Lân, một “Champion of Change”

LGT: Trong gần hai mươi năm nghiên cứu về và sinh hoạt trong cộng đồng hải ngoại, tác giả đã gặp nhiều cá nhân gốc Việt rất đặc biệt ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng Luật sư Diệp Thế Lân đã khiến cho tác giả rất cảm phục và kính trọng, nhất là vì tinh thần phục vụ và khả năng tiếng Việt của anh.

Cuộc phỏng vấn này hoàn toàn bằng tiếng Việt. Kính mời quý độc giả theo dõi hành trình Diệp Thế Lân, một hành trình nhân ái và về nguồn. Những câu chuyện như của Diệp Thế Lân sẽ tạo cảm hứng và tự tin cho các bạn trẻ khác học và sử dụng tiếng Việt nhiều hơn. Và cũng mong các phụ huynh sẽ kiên quyết hơn trong việc giúp con em học tiếng Việt ở xứ người. Đây là phần 1. Diệp Thế Lân sẽ tạo thêm nhiều ngạc nhiên lý thú cho quý vị trong phần sau.

TGT: Xin mến chào Luật sư Diệp Thế Lân. Rất hân hạnh được phỏng vấn Lân hôm nay.

DTL: Thành thật cảm ơn chị Trangđài có hảo ý muốn thực hiện cuộc phỏng vấn này cũng như quý độc giả đã bỏ chút thời giờ ra theo dõi.

TGT: Lân chào đời ở Houston, tiểu bang Texas, dù sinh trưởng ở California, nên lúc nào cũng coi mình là người Texas, phải không? Tuổi thơ của Lân có kỷ niệm nào đáng nhớ?

DTL: Vâng, đúng vậy. Ba mẹ tôi vượt biên đến đảo Hồng Kông rồi từ trại tỵ nạn đó sang Texas vào thập niên 80, và tôi được sinh ra tại Houston, Texas. Học hết lớp năm thì gia đình dọn sang Bắc Cali. Tuy rời Texas hồi lúc còn nhỏ, dân Texas có câu khá chính xác là: “Có thể dẫn chàng ra khỏi Texas, nhưng không thể lấy Texas ra khỏi chàng.” Cho nên tôi vẫn tự hào là xuất phát từ Texas, dù cũng đã gần 20 năm từ khi tôi sống ở đó.

Nói về kỷ niệm thì có khá nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng không biết có kỷ niệm nào đáng kể không thôi. Nói chung, tôi sống ở Houston vào thời thành phố ấy còn rất ít người Việt, không như ngày hôm nay. Tại trường tiểu học của tôi, cùng lắm là có bốn người Việt thôi, hai người học trước tôi vài năm và một cô học cùng khóa nhưng khác lớp tôi. Cho nên thời ấy, việc gặp người Việt là rất hiếm và rất quý.
Vì gia đình tôi là dân tỵ nạn, tiếng Anh kém, cho nên hồi nhỏ tôi ít khi tiếp xúc với người Mỹ. Phần nhiều là hồi nhỏ chỉ gặp các cô chú trong nhà hoặc các người bạn Việt Nam khác của ba mẹ tôi và các đứa con của họ thôi. Hồi đó tinh thần tham gia cộng đồng của gia đình tôi khá cao, cho nên tôi thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt chung như Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, Ngày Quốc Khánh, hay các cuộc biểu tình chống kinh tài...

TGT: Lân đã theo học trung học Independence tại San Jose, và sau đó học Lịch sử và Chính Trị tại Đại học UC San Diego. Lân đã chuẩn bị như thế nào cho chương trình đại học khi còn ở Independence? Và tại sao Lân chọn hai ngành học trên?

DTL: Tiến trình học vấn của tôi chắc cũng không khác gì những người trẻ Việt Nam khác lớn lên tại Mỹ, cứ học cho cố vào và tiến lên thôi. Nghĩa là ưu tiên việc học trên hết, cũng như là một hình thức trả hiếu cho cha mẹ, và chọn những lớp học mức đại học (advance placement) khi còn học tại trung học.

Tôi đã chọn hai ngành học chính trị học và sử học vì tôi muốn làm gì khác và nổi bật so với những người Việt khác, mà lúc đó phần nhiều là học bác sĩ, kỹ sư. Thời đó, chúng ta vẫn chưa có nhiều người Việt tham gia vào dòng chính cho nên tôi có ý tưởng muốn làm người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức này, chức nọ. Nhưng nay thì người Việt chúng ta có khá nhiều người Việt tham gia dòng chính rồi, cho nên tôi đã đi làm việc khác.

TGT: Sau khi tốt nghiệp tại UC San Diego, điều gì đã khiến Lân muốn theo đuổi ngành Luật?

DTL: Thật tình mà nói thì sự hiểu biết của tôi về ngành luật khá là kém trước khi tôi bước vào trường luật. Tôi muốn làm luật sư chỉ vì có một tham vọng mờ ảo là muốn “giúp người” và cảm thấy có một bằng luật là sẽ hiểu được và ảnh hưởng được sự vận hành của xã hội để giúp cho cộng đồng người Việt tại Mỹ và nếu tài hơn thì giúp luôn đồng bào mình trong nước. Hiểu như vậy thì không sai, nhưng trước khi vào ngành tôi hoàn toàn không có một khái niệm gì về cái thực tế của việc hành nghề luật, các quy luật phải theo khi là một luật sư, cái xác suất kiếm được việc tôi ưa thích sau khi tốt nghiệp, v.và

Hiện nay tôi thấy hài lòng vì những gì tôi đã làm được với bằng luật của tôi. Nhưng hiện nay, cái ngành luật cũng gần như là muốn sập tiệm vì vụ khủng hoảng kinh tế vào năm 2008. Từ hồi đó khá nhiều luật sư mất việc và cho đến nay dù tình trạng kinh tế có đỡ hơn, các tổ hợp luật sư mọi nơi vẫn chưa mướn lại các luật sư như trước đây. Cho nên hiện nay trong thị trường luật, công việc thì ít, nhưng có khá nhiều luật sư có lâu năm kinh nghiệm chưa muốn về hưu và hàng năm có thêm hàng loạt luật sư mới tốt nghiệp tham gia vào ngành.

TGT: Trước khi học Luật, Lân đã làm phóng viên quốc tế tại Hoa Thịnh Đốn. Lân đã cộng tác với các cơ quan truyền thông nào?

DTL: Trước khi học luật thì tôi có làm việc một thời gian tại Đài Á Châu Tự Do. Tôi hãnh diện vì thời gian làm tại đây và đôi khi vẫn tự xem mình là một người có gốc truyền thông.

TGT: Năm 2005 và 2006, Trangđài có đến các vùng New Orleans và Biloxi để giúp tìm hiểu về nhu cầu nhà ở của người Việt bị ảnh hưởng bão Katrina. Rất thương đồng bào mình ở đây. Họ rất hiền lành, chân chất, và có một nếp sống rất gần với đời sống ở Việt Nam ngày trước, một nhịp sống khá êm đềm trong thời gian không bị bão. Là người Texas nhưng đã sống ở nhiều nơi khác, Lân nhận xét như thế nào về cộng đồng người Việt tại vùng này?

DTL: Thú thật là trước khi cơn bão Katrina, tôi thật sự là không biết tại vùng vịnh Mexico có tập trung nhiều người Việt Nam như thế. Như sau khi dọn xuống và ở tại đó hai năm trời thì tôi phải đồng ý với chị Trangđài là đồng bào chúng ta tại đó thật là dễ thương, chân thành, và hiền lành.

Đối với tôi, các đặc điểm của người Việt tại vùng này là họ sống gần như lúc họ mới bước chân sang Mỹ. Trong khi tại các nơi có đông người Việt thì trong ba thập niên qua, các người Việt đã gây dựng các khu “Little Saigon” gồm lại các cơ sở thương mại đủ loại, cộng đồng người Việt trong vùng vịnh Mexico phần nhiều đã tập trung vào nghề làm biển, đánh cá, đánh tôm, cào sò, v.và và vì thế đã không gây dựng lên một cộng đồng Việt Nam phong phú đa dạng như các nơi khác, như Texas, Cali, hay Virginia.

Tại thành phố New Orleans còn đỡ, nhưng càng đi về phía đông vào Mississippi và Alabama thì càng thấy người Việt chúng ta sống rải rác và thiếu thốn. Họ có chợ, có quán ăn Việt, nhưng không có nhiều sự chọn lựa. Vì khi đi làm nghề biển thì phải sống trên thuyền cả ba tháng trời mới vào lại bờ, mở tiệm ăn lấy đâu ra cho đủ người ăn để có lời mà sống? Con cái họ có học thành bác sĩ, luật sư, kỹ sư v.v.. thì dọn đi nơi khác và ít ai trở về lại vùng này vì cảm thấy buồn. Cho nên người Việt chúng ta tại đây thiếu thành phần các chuyên gia phục vụ cho họ.

Nhưng cũng vì thế mà người Việt tại đây sống một lối sống rất gần với lối sống tại Việt Nam, thân mật và tình nghĩa với nhau.

TGT: Ngay sau khi tốt nghiệp trường luật từ McGeorge School of Law at the University of the Pacific năm 2011, Lân đã được Mississippi Center for Justice chọn để thụ lý hồ sơ và giúp đỡ cho gần 20,000 ngư phủ gốc Việt bị ảnh hưởng dầu loang của BP ở Vùng Vịnh. Điều đáng nói là Lân không có 5 năm kinh nghiệm như đã ghi trong thông báo tuyển người, nhưng họ vẫn chọn. Lân đã giúp đỡ đồng bào tại Mississippi và các tiểu bang vùng Vịnh đòi tiền bồi thường như thế nào?

DTL: Như chị nói, ngay sau khi tôi tốt nghiệp trường luật thì có nạn dầu loang xẩy ra tại vùng vịnh Mexico. Trong khi đang loay hoay nhìn quanh quẩn để xem có việc gì thích hợp để đi làm rút kinh nghiệm bay nhẩy trong tương lai, tôi tình cờ nhận được một điện thư cho biết là tổ hợp luật sư bất vụ lợi Mississippi Center for Justice đang kiếm một luật sư với năm năm kinh nhiệm có khả năng nói tiếng Việt để về Biloxi, Mississippi phục vụ cho các nạn nhân của BP, trong đó có dân ngư phủ Việt Nam chúng ta. Thấy việc này hợp với khả năng và sở thích của tôi, tôi đã xin làm.

Mà sở thích của tôi thứ nhất là khi có dịp thì đi cho biết hết tất cả các tiểu bang nước Mỹ. Và hai là làm việc với cộng đồng Việt Nam. Điều này do ảnh hưởng trong gia đình, mà tôi đã nói trên. Là ba mẹ tôi luôn luôn cho tôi đi dự các sinh hoạt cộng đồng từ còn bé xíu. Còn khả năng thì tôi đã tốt nghiệp luật sư. Tôi liền viết thư thú thật là tôi mới tốt nghiệp và không có năm năm kinh nghiệp họ đang tìm kiếm, nhưng nếu có việc khác hợp hơn cho một người mới ra trường như tôi thì xin cho tôi biết vì tôi có khả năng ngôn ngữ và muốn giúp. Sau vài tháng, họ hồi âm cho tôi, mời tôi phỏng vấn qua điện thoại, rồi mời tôi phỏng vấn tại Mississippi, và sau đó mướn tôi luôn.

Tôi tin rằng được việc này cũng chỉ là vì cái duyên mà thôi.

(Xem tiếp báo ngày mai)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT