Đời Sống Việt

Diệp Thế Lân: Luật-Từ-Tâm (Phần 2)

Thursday, 17/10/2013 - 09:28:47

Trong gần hai mươi năm nghiên cứu về và sinh hoạt trong cộng đồng hải ngoại, tác giả đã gặp nhiều cá nhân gốc Việt rất đặc biệt ở nhiều nơi trên thế giới.

Trangđài Glassey-Trầnguyễn thực hiện & hiệu đính



Diệp Thế Lân và các ngư phủ việt vùng Vịnh
Diệp Thế Lân, Greatest Person of The Day
 
LGT: Trong gần hai mươi năm nghiên cứu về và sinh hoạt trong cộng đồng hải ngoại, tác giả đã gặp nhiều cá nhân gốc Việt rất đặc biệt ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng Luật sư Diệp Thế Lân đã khiến cho tác giả rất cảm phục và kính trọng, nhất là vì tinh thần phục vụ và khả năng tiếng Việt của anh. Cuộc phỏng vấn này hoàn toàn bằng tiếng Việt. Kính mời quý độc giả theo dõi hành trình Diệp Thế Lân, một hành trình nhân ái và về nguồn. Những câu chuyện như của Diệp Thế Lân sẽ tạo cảm hứng và tự tin cho các bạn trẻ khác học và sử dụng tiếng Việt nhiều hơn. Và cũng mong các phụ huynh sẽ kiên quyết hơn trong việc giúp con em học tiếng Việt ở xứ người. Đây là phần kế chót của toàn cuộc phỏng vấn. Diệp Thế Lân sẽ tiếp tục tạo nhiều ngạc nhiên lý thú cho quý vị trong phần sau.

DTL: (tiếp theo) Khi nhận việc thì tôi đã tham gia vào một nhóm luật sư khắp năm tiểu bang vùng vịnh, gồm có Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama, và Florida nhắm vào việc giúp miễn phí cho những nạn nhân của dầu loang có lợi tức thấp. Tôi đã không chỉ giúp cho người Việt, mà giúp bất cứ ai đạt tiêu chuẩn và cần giúp, nhưng tôi đặc biệt nhắm vào cộng đồng ngư phủ Việt Nam vì có khả năng ngôn ngữ.

Làm việc này có nhiều trở ngại vì tại đó không có một cách để dễ dàng thông tin cho mọi người. Truyền hình địa phương không có, đài phát thanh địa phương không có, và ngay cả báo địa phương cũng không có. Cho nên tôi có tự viết và in một bản tin mà tôi đặt tên là “Bản Tin Hải Đăng” để thông tin về vụ dầu loang. Mà ngay lúc ban đầu thì cũng không có thông tin nhiều để mà cập nhật. Sau khi đổ dầu, BP tình nguyện ứng ra trước 20 tỷ đô la để bồi thường tạm thời cho những nạn nhân và giao cho luật sư Ken Feinberg để phân chia. Vì muốn làm hài lòng nhiều người, ông Feinberg đã hứa hẹn nhiều điều mà ông ta không làm được. Ví dụ, ông Feinberg có hứa là trong vòng bảy ngày sau khi nộp đơn xin bồi thường là sẽ nhận hồi âm. Trong thực tế, có người đã nộp đơn cả năm trời mà vẫn không nhận hồi âm.

Thêm một trở ngại là mục đích của quỹ 20 tỷ của BP là để bồi thường tạm thời cho những nạn nhân, để họ có tiền sống trong khi chờ đợi vụ kiện tụng tập thể diễn ra. Hiện nay vụ kiện này vẫn chưa giải quyết, mà nếu phải chờ cho đến khi kiện xong để nhận tiền thì chắc nay có nhiều người tiêu đời rồi. Thế nhưng ông Feinberg lại đi làm việc khuyến khích mọi người chấp nhận luôn tiền bồi thường cuối cùng và hủy bỏ tất cả quyền lợi của họ. Có nghĩa là nếu nhận tiền bồi thường tạm thời thì ông ta cho vài ngàn và làm khó dễ. Nhưng nếu nhận liền một số tiền ấn định để giải quyết mọi khiếu nại đối với BP thì ông Feinberg cho tiền liền, không thắc mắc.

Tùy theo từng trừng hợp, sự chọn lựa này có lợi hoặc có hại. Cho nên tôi phải quy tụ các buổi họp cộng đồng để giải thích cho mọi người hiểu rõ vấn đề. Tôi đã lái xe đến khắp năm tiểu bang trong vùng để tiếp xúc với người Việt mà biết là mình cũng không gặp hết nổi. Trong khi đó có nhiều luật sư ác ý, nhắm vào cộng đồng Việt Nam, dụ người Việt mình ký hợp đồng mướn luật sư trong khi không cho người Việt mình biết họ đang ký cái gì. Tôi có làm việc với báo New York Times để bạch hoá sự việc này.

TGT: Vốn vẫn tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng ở những nơi Lân đã sống, Lân đã không chỉ đóng vai trò luật sư biện hộ, mà còn trực tiếp giúp đỡ cộng đồng ngư phủ ở đây về nhiều mặt, như ấn hành một bản tin hằng tháng, gặp gỡ với các thương nhân tại đây để hỗ trợ tinh thần cho họ. Thậm chí, mọi người còn chuyền cho nhau số điện thoại của Lân để gọi khi cần giúp đỡ, cho dù đó không phải là vấn đề pháp lý, khiến tờ Huffington Post đã chọn Lân là “Greatest Person of the Day” và tờ Jackson Free Press chọn làm “Person of the Day.” Lúc đó, Lân làm việc mấy chục tiếng một ngày?

DTL: Thật ra là tôi cũng không biết. Trong lúc đó tôi chỉ có việc này thôi. Khi dọn xuống Mississippi thì tôi đâu có quen ai. Cho nên tôi cứ thích ở tại văn phòng làm việc đến tối. Làm các đơn đòi bồi thường xong thì sang việc viết Bản Tin Hải Đăng. Chán việc thì mượn internet tại văn phòng để làm việc cá nhân. Vì tại nhà thì tôi không mua internet. Cho nên có thể nói là tôi đã sống luôn tại văn phòng và chỉ về nhà để tắm và ngủ thôi.

TGT: Vì Lân rất năng nổ và làm việc hiệu quả, nên đã được mời ở lại thêm một năm để tiếp tục giúp đỡ ngư phủ gốc Việt. Mississippi Center for Justice, Legal Services of Alabama, và Southeast Louisiana Legal Services là ba tổ chức địa phương đã cùng góp ngân sách để giữ Lân lại. Vậy trong suốt hai năm ở đó, Lân có cảm thấy mình đủ thời gian để thực hiện tất cả những gì mình muốn không?

DTL: Dĩ nhiên là không. Hiện nay những việc liên quan đến nạn dầu loang BP vẫn chưa giải quyết xong. Tôi vẫn theo dõi các tin tức liên quan đến vụ này và vẫn liên lạc với những đồng nghiệp trước đây của tôi để cập nhật sự hiểu biết của tôi. Lúc tôi rời khỏi vùng thì cũng còn có vài thân chủ chưa nhận được tiền bồi thường như ý mà tôi đã phải giao lại hồ sơ của họ.

TGT: Khi rời Mississipi để qua San Jose lập nghiệp, chắc đồng bào mình bên đó quyến luyến Lân lắm?

DTL: Tôi chỉ mong là đã làm được một chút việc hữu ích cho một số người là vui rồi. Không mong được người nhớ. Và tôi cũng biết là không có tôi thì việc vẫn chạy thôi, vì không có ai trên đời này không thay thế được. Tuy nhiên, rời Mississippi có nghĩa là rời bỏ một số bạn thân quý đã chia xẻ với tôi trong một giai đoạn có khá nhiều ý nghĩa trong đời của tôi. Không biết họ có nhớ tôi không, nhưng chắc chắn là tôi nhớ họ.

TGT: Hiện nay, Lân đang làm việc cho Chương trình “Vietnamese American Workers' Rights Project” để giúp người Mỹ gốc Việt có thu nhập thấp hiểu rõ và tranh đấu cho quyền công nhân của mình. Mời Lân nói về mục đích chính và các sinh hoạt của chương trình này, cũng như những dự tính phát triển trong tương lai.

DTL: Việc này tương tự với việc tôi làm trước đây tại Mississippi, theo nghĩa là tôi sẽ tiếp tục tổ chức những buổi sinh hoạt để thông tin cho cộng đồng và tiếp tục quảng bá dịch vụ miễn phí của tôi. Sự khác biệt là nay tôi làm về luật lao động, thay vì luật thảm hoạ.

Vốn cộng đồng người Việt chúng ta sang Mỹ là để thoát chế độ cộng sản, tìm kiếm các quyền tự do tư tưởng, tự do hành động. Nhưng tại các xứ tự do và có tổ chức như Hoa Kỳ, người dân có biết bao những quyền lợi dưới luật pháp mà tôi cảm thấy người Việt mình không để ý, không biết, hay là biết mà không rõ và vì tính nhỏ cho tiện lợi trước mắt nên bỏ qua mà bị thiệt lớn.

Riêng về mặt luật lao động, cụ thể nhất là dưới luật lao động, chủ nhân phải đóng tiền vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho mọi nhân viên để khi mất việc vì một lý do không phải vì mình gây ra thì nhân viên ấy có thể lãnh tiền thất nghiệp. Trong khi đó thì hiện nay trong ngành làm móng, biết bao nhiêu ngươi thợ đáng lẽ phải coi như là nhân viên và hưởng quyền này, nhưng lại đi khai mình là người thầu độc lập (independent contractor). Làm người thầu có nghĩa là mình sẽ tự đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và điều này có nghĩa là mình đóng thuế hàng năm cao hơn. Nếu khai theo dạng nhân viên thì chủ tiệm phải trả cho mình, và mình sẽ phải đóng thuế ít hơn. Trong khi đó, nếu là người thầu thì mình có quyền tự chủ. Thứ hai làm tiệm A, sang thứ ba thì làm tiệm B, có thể vô ra thoải mái, không cần phải xin phép chủ tiệm. Miễn sao mình làm theo đúng giao hẹn thôi. Thế nhưng dù đã khai thuế theo dạng người thầu, nhiều thợ móng chỉ làm ở một tiệm và cho phép chủ nhân bắt nạt mình như mình là một nhân viên.

Các nạn này không chỉ có trong ngành móng, nhưng đó là một điển hình của các vấn đề lao động mà tôi muốn nhắm tới.

TGT: Hiện nay, VAWRP đã thụ lý được bao nhiêu trường hợp? Những vấn đề nào khiến Lân quan tâm nhất trong công việc này?

DTL: Hiện nay tôi mới nhận việc và bắt đầu bắt tay vào công việc cho nên tôi cũng không rõ con số như thế nào. Riêng tôi thì còn trong giai đoạn quảng bá nội dung kế hoạch này cho nên chưa chính thức nhận thân chủ. Nhưng trong mấy tháng qua kế hoạch VAWRP đã được thực hành bởi luật sư Betty Nguyễn, và theo tôi hiểu LS Betty cũng đã giúp hơn 30 người rồi trước khi rời việc này.

Ngoài những vấn đề đã nêu, hơn hết là tôi muốn phổ biến các quyền lợi dưới luật lao động cấp tiểu bang và liên bang cho người Việt Nam chúng ta biết. Ví dụ, tại Cali, sau khi làm việc bốn tiếng là phải được nghỉ 10 phút. Sau năm tiếng làm việc là phải được nghỉ 30 phút để ăn trưa. Người nhân viên có thể không lấy giờ nghỉ này để tiếp tục làm việc, nhưng sau sáu tiếng làm việc thì người nhân viên bắt buộc phải nghỉ 30 phút. Sau 10 tiếng làm việc thì phải được thêm 30 phút nghỉ. Nếu có ai bị ngăn cản không lấy được giờ nghỉ của mình thì người nhân viên có thể khiếu nại, và hưởng được thêm một giờ lương cộng thêm tiền lãi cho mỗi ngày đã bị ngăn cản lấy giờ nghỉ. Khiếu nại mà bị đuổi việc là người chủ có vấn đề.

Hoặc nếu ai có thân nhân trong gia đình bị bệnh nặng, mình có quyền nghỉ việc đến 12 tuần trong năm không lấy lương để lo liệu cho thân nhân đó dưới luật pháp. Nếu lấy phép dưới 12 tuần thì việc làm của mình được bảo đảm dưới luật pháp và mình không thể mất việc. Đây là các quyền lợi điển hình mà tôi mong mọi ai cũng sẽ biết. Còn nhiều nữa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT