Đời Sống Việt

Diệp Thế Lân: Luật-Từ-Tâm (Phần 3)

Wednesday, 23/10/2013 - 10:25:10

Trong gần hai mươi năm nghiên cứu về và sinh hoạt trong cộng đồng hải ngoại, tác giả đã gặp nhiều cá nhân gốc Việt rất đặc biệt ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng Luật sư Diệp Thế Lân đã khiến cho tác giả rất cảm phục và kính trọng, nhất là vì tinh thần phục vụ và khả năng tiếng Việt của anh.

Trangđài Glassey-Trầnguyễn thực hiện & hiệu đính



Diệp Thế Lân trong phòng thu đài RFA

LGT: Trong gần hai mươi năm nghiên cứu về và sinh hoạt trong cộng đồng hải ngoại, tác giả đã gặp nhiều cá nhân gốc Việt rất đặc biệt ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng Luật sư Diệp Thế Lân đã khiến cho tác giả rất cảm phục và kính trọng, nhất là vì tinh thần phục vụ và khả năng tiếng Việt của anh.
 
Cuộc phỏng vấn này hoàn toàn bằng tiếng Việt. Kính mời quý độc giả theo dõi hành trình Diệp Thế Lân, một hành trình nhân ái và về nguồn. Những câu chuyện như của Diệp Thế Lân sẽ tạo cảm hứng và tự tin cho các bạn trẻ khác học và sử dụng tiếng Việt nhiều hơn. Và cũng mong các phụ huynh sẽ kiên quyết hơn trong việc giúp con em học tiếng Việt ở xứ người. Đây là phần chót của cuộc phỏng vấn. Cám ơn quý độc giả đã đồng hành với Luật sư Diệp Thế Lân trong những chia sẻ sống động và hữu ích của anh.

TGT: Là một luật sư chọn hành luật trong xu hướng phục vụ cộng đồng, Lân có nghĩ rằng mình phải chịu thiệt về lợi tức không?

DTL: Dĩ nhiên làm một luật sư công phục vụ cộng đồng sẽ không thể làm nhiều tiền bằng các luật sư tư. Nhưng ngược lại thì tôi cảm thấy giầu về mặt tình cảm và giờ giấc làm việc của tôi vô cùng thoải mái so với các luật sư tư. Nếu có cô nào chịu được tôi và mức lương của tôi thì ít nhất cô ta có thể yên tâm là sẽ hiếm khi mà tôi phải ưu tiên cho việc làm hơn cô ta.

Nói đùa vậy chứ thật ra tôi không cảm thấy bị thiệt thòi. Tôi đã chọn con đường này và tôi hài lòng với con đường tôi hiện đang đi. Trong khi các bạn luật sư tư của tôi thường xuyên phải làm việc muốn chết để tranh cãi về những điều khoản trong một hợp đồng để giải quyết vấn đề giữa hai công ty, thì hàng ngày tôi biết việc của tôi có gây ảnh hưởng cụ thể trong đời của những thân chủ của tôi.
Ba mẹ tôi là dân tỵ nạn đến Mỹ tay không. Miễn sao tôi không kém hơn họ vào lúc mới sang đây là tôi thấy là khá rồi.

TGT: Sinh ra ở Mỹ, nhưng Lân lại thông thạo tiếng Việt, và còn làm Cố vấn cho Bộ Quốc Phòng về tiếng Việt. Lân đã học tiếng Việt như thế nào?

DTL: Tôi giữ được tiếng Việt ngày hôm này là hoàn toàn nhờ mẹ tôi. Hồi nhỏ thì tôi nói tiếng Việt trong gia đình. Tiếng Anh thì tôi hiểu và nói được là vì hồi nhỏ xem qua nhiều TV. Nhưng tôi đã không thật sự cần đến tiếng Anh cho đến khi tôi bước chân vào trường học lần đầu. Khi đi học thì tôi nhận thấy là chẳng ai dùng tiếng Việt cả, cho nên tôi cảm thấy là tiếng Việt không có giá trị. Về nhà, tôi bắt đầu trả lời ba mẹ tôi hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Ba mẹ tôi bắt tôi nói tiếng Việt trở lại, tôi không chịu. Ba mẹ tôi dụ tôi nói tiếng Việt trở lại, tôi cũng không chịu. Vì tôi cho là mình hiện đang sống tại Mỹ, phải nói tiếng Mỹ, cần đến tiếng Việt làm chi? Riết rồi mẹ tôi chịu thua và bảo với tôi rằng: “Con muốn nói tiếng Anh thì đó là quyết định của con. Nhưng tiếng Anh của mẹ kém và sẽ không khá hơn. Con không dùng tiếng Việt thì sẽ có ngày quên mất. Trong tương lai khi con lớn lên, sẽ có một ngày mẹ con mình không nói chuyện được với nhau.” Vì lời nói đó của mẹ tôi mà tôi phải nghĩ lại. Ở cỡ 5 tuổi mà tôi cũng ý thức được là mẹ tôi nói đúng. Và vì thế mà tôi dùng tiếng Việt trở lại.

Tuy nhiên, như nhiều bạn trẻ Việt Nam khác lớn lên tại Mỹ, học tiếng Việt trong nhà không hẳn có nghĩa là mình sẽ thông thạo tiếng Việt. Vì tiếng Việt mình có nhiều loại: loại hỏi thăm nhau giữa bạn bè và thân nhân, loại dùng trước đám đông, và ngay cả Hán Việt nữa! Cho nên nói tiếng Việt trong nhà thì thông thường ai cũng nói được chút đỉnh. Hầu như ai cũng nói được là mình đói bụng hay biết xin tiền cha mẹ. Nhưng vào tuổi lên đại học thì ít ai biết dùng tiếng Việt để bàn về chính trị học, triết lý, kế toán chỉ vì thiếu chữ.

Trong nhà thì thông thường là đâu có bàn về những đề tài này đâu, cho nên không biết chữ là phải. Và hơn nữa, nói tiếng Việt trong nhà cũng không chuẩn bị cho các bạn phát biểu trước đám đông về cách xưng hô. Trong gia đình đâu có bao giờ dùng đến những câu như “kính thưa quý vị quan khách” và trong nhà cũng không bao giờ phải xưng “tôi” với ai. Cho nên ra đời dù lớn rồi, lúc nào cũng quen dùng “cháu” và “con” thôi. Nói chung là tự nhiên đến một tuổi nào đó là khi cảm thấy mình thiếu chữ, thay vì cố lên để khá lên, quá nhiều bạn trẻ lại mặc cảm, tưởng rằng là mình dở tiếng Việt và không chú tâm học thêm tiếng Việt vì sợ dùng chữ sai và bị chọc.

Cá nhân tôi hồi nhỏ biết nói tiếng Việt trong nhà. Vì ba mẹ dẫn đi sinh hoạt cộng đồng cho nên quen nghe cái lối nói tiếng Việt trong các diễn văn. Nhưng tôi không biết đọc và viết. Hồi lúc tôi 14 tuổi, sau khi một chuyến đi Âu Châu và làm quen với một số bạn Việt Nam bên đó, tôi có ý định trao đổi qua điện thư với họ bằng tiếng Việt. Khi viết thư, tôi biết tôi muốn nói gì, nhưng không biết đánh vần. Cho nên tôi lôi một từ điển Anh-Việt ra, dịch trong đầu những gì mình muốn viết sang tiếng Anh, rồi truy lại cái lối đánh vần trong tiếng Việt.

Dĩ nhiên, tôi có nhờ mẹ tôi xem qua lại các thư của tôi trước khi tôi gởi đi. Sau vài tháng cố viết tiếng Việt với cái từ điển Anh-Việt bên cạnh, tôi chuyển sang một từ điển Việt-Anh để xem lại tôi đánh vần có đúng dấu hay không, và khi cảm thấy mình không thường xuyên viết sai nữa là tự tin rồi.

TGT: Lân đặc biệt quan tâm đến việc duy trì và bảo tồn tiếng Việt đối với các thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt. Lân đã tham gia những sinh hoạt nào liên quan đến sứ mạng này?

DTL: Sinh hoạt cụ thể thì không có tham gia sinh hoạt nào cả. Nhưng khi nói chuyện với các bạn Mỹ gốc Việt của tôi thì tôi thường khuyến khích họ dùng tiếng Việt hơn và rủ họ trao đổi bằng tiếng Việt thử xem. Trước đây tôi có một danh sách bạn mà tôi gởi email hàng tuần để cập nhật tin tức về Việt Nam và cộng đồng Hải Ngoại, cũng như vài điểm về văn hóa Việt Nam, nhưng vì bận quá cho nên phải bỏ.

TGT: Vì những đóng góp của mình, Lân đã được vinh danh tại Toà Bạch Ốc với tước hiệu “Champion of Change.” Xin chia sẻ kinh nghiệm và cảm giác của Lân trong ngày hôm đó.

DTL: Thật ra tôi được giải thưởng “Chiến Sĩ Cho Sự Tiến Bộ” từ Toà Bạch Ốc nhưng khác với nhiều người đã nhận giải này. Có khi những người nhận giải này được gặp TT Obama, có khi không. Tiếc rằng là đợt của tôi không được gặp, tôi đã không được về Toà Bạch Ốc dự lễ. Kỳ tôi nhận giải, tôi và những ai nhận giải cùng lúc được mời về New Orleans để gặp với một vài cố vấn của T.T. Obama. Thế nhưng qua buổi họp tại New Orleans, tôi có làm quen với một số người làm trong Toà Bạch Ốc và sau đó trong một chuyến công tác sang Hoa Thịnh Đốn, tôi có được mời vào thăm cánh phía tây của Toà Bạch Ốc. Và tôi cũng nhận được một bức thư của TT Obama viết riêng cho tôi.

Nói chung thì tôi thật là vui mừng khi được Toà Bạch Ốc vinh danh như thế. Nó cũng là một động cơ khuyến khích, cho mình ấm lòng vì biết tổng thống nước mình có để ý đến việc mình đang làm và ông ta tán thành. Được TT Obama khen là một điều bất ngờ, là một thành tích để lại cho con cháu trong tương lai, nhưng nó cũng không thay đổi những gì tôi đã và sẽ làm.

TGT: Tháng Tư năm 2012, Lân đã được trao giải thưởng vì những đóng góp cho Gulf Justice Consortium (tạm dịch: Uỷ Ban Công Lý Vùng Vịnh): the John Minor Wisdom Public Service and Professionalism Award from the American Bar Association Litigation's Section. Nhờ Lân giải thích thêm về giải thưởng này.

DTL: Phải nói rõ đây không phải là một giải thưởng cho riêng tôi nhưng là giải thưởng cho cái nhóm luật sư khắp năm tiểu bang trong vùng Vịnh Mexico mà tôi đã cùng làm việc để phục vụ miễn phí cho các nạn nhân lợi tức thấp suốt hai năm trời. Dù định cư khắp năm tiểu bang với các luật khác nhau và mức độ ảnh hưởng bởi dầu loang khác nhau, chúng tôi đã họp với nhau mỗi hai tuần và góp sức để tranh đấu cho quyền lợi của các người nghèo trong vùng sau nạn dầu loang. Bà xếp của tôi tại Trung Tâm vì Công Lý tại Mississippi, LS Martha Bergmark đã dẫn đầu nhóm này và kêu mọi người hợp tác với nhau vì thấy nhu cầu nâng đỡ cho nhau sau cơn bão Katrina. Sự hợp tác thành một khối như vậy để giải quyết một nguy cơ chung là một gương mẫu làm việc cho nhiều nơi khác, ví dụ như vùng đông bắc Hoa Kỳ sau cơn bão Sandy. Vì thế mà Hội Luật Sư Bắc Mỹ đã chọn vinh danh nhóm chúng tôi.

TGT: Là một luật sư được đào tạo ở Mỹ, nhưng Diệp Thế Lân hành luật theo một mẫu mực 'ngoài dòng,’ mà tôi gọi là luật-từ-tâm, luật tình người, luật phục vụ, luật tranh đấu cho công bằng. Luật từ trái tim. Đây có phải là giá trị lớn nhất trong nghề luật của Lân?

DTL: Khi nói về giá trị thì phải xem ai là người đang lượng giá. Nếu xem nghề luật sư là một cách đạt mục đích làm tiền nuôi gia đình và sống một cuộc sống khá giả thì việc giúp những người “ngoài dòng” như chị nói là chuyện phụ. Còn nếu xem việc ngành luật là một vị trí trong xã hội, mang theo với nó những quyền lợi và trách nhiệm thì không có gì hơn việc dùng kiến thức về luật pháp của mình để giải tỏa được một vấn đề của người thân chủ. Nhưng vào ngành luật thì ai cũng được khuyến khích bỏ ra 50 tiếng mỗi năm để giúp miễn phí cho những thân chủ không có khả năng mướn luật sư, bất kể là luật sư tư hay luật sư công.

TGT: Bài học quan trọng nhất đối với Lân trong vai trò một luật sư là gì?

DTL: Từ phía ngoài nhìn vào, một người luật sư có tài là một luật sư đã thắng được nhiều vụ kiện tụng. Thế nhưng bước vào ngành rồi thì hiểu là người luật sư có tài chính là người luật sư biết thương lượng và giải quyết được vấn đề của đôi bên để khỏi bao giờ phải ra mặt trước thẩm phán.

TGT: Cám ơn Luật sư Diệp Thế Lân đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Xin thân chúc Anh mọi thành công và thuận lợi với Chương trình tranh đấu cho quyền công nhân của người Mỹ gốc Việt có lợi tức thấp.

DTL: Một lần nữa, cảm ơn chị Trangđài đã thực hiện cuộc phỏng vấn. Nếu có ai tại Cali muốn liên lạc với tôi để hỏi về luật lao động hay tham khảo về một khó khăn nào ở nơi làm việc, quý vị có thể gởi điện thư cho tôi tại: ldiep@las-elc.org hoặc điện thoại cho tôi qua số 504-264-3117.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT