Bình Luận

Điều tra truất phế

Monday, 29/07/2019 - 07:53:38

Dù tổng thống không nhúng tay vào, việc làm của ông Nadler có thể vẫn không thành công, nếu Chánh Án Howell trả lời ông là ông chỉ thỏa mãn lời yêu cầu của Hạ Viện, chứ không thỏa mãn lời yêu cầu của chủ tịch một tiểu ban trong nhiều tiểu ban của Hạ Viện.


Dân Biểu Jerrold Nadler, Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện (Getty Images)

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trả lời trong một cuộc họp báo, Dân Biểu Jerrold Nadler, Chủ Tịch Uy Ban Tư Pháp Hạ Viện, nói, "Ba chữ an impeachment inquiry (điều tra truất phế) đang tạo ra nhiều diễn dịch khác nhau về việc làm của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện; tôi xin xác nhận là Ủy Ban Tư Pháp chúng tôi đang sử dụng toàn bộ quyền hạn của Điều I để điều tra hành vi của tổng thống và xem xét các biện pháp khắc phục những sai lầm tổng thống làm. Trong số những điều khác chúng tôi sẽ xem xét, còn có việc cân nhắc xem có nên đề nghị việc truất phế tổng thống hay không.”

Việc điều tra truất phế đã thật sự bắt đầu hôm thứ Sáu, 26 tháng Bảy, 2019 với việc Dân Biểu Nadler viết văn thơ chính thức yêu cầu Thẩm Phán Beryl A. Howell, người giám sát đại bồi thẩm đoàn trong cuộc điều tra của cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Cả Thẩm Phán Howell, lẫn cựu công tố viên Mueller đều không có quyền truy tố một vị tổng thống tại vị, chỉ Hạ Viện mới có quyền truất phế tổng thống.

Hiến pháp ấn định: Để có thể quyết định việc luận tội tổng thống, Hạ Viện phải có quyền truy cập tất cả các sự kiện có liên quan và xem xét liệu có nên thực hiện toàn bộ quyền hạn của Điều I hay không; Điều 1 (Article 1) bao gồm quyền điều tra tội ác của tổng thống, phê duyệt các bài viết luận tội.
Điều 1 còn viết: Để có thể điều tra truất phế, Hạ Viện phải có quyền đòi hỏi những bằng cớ liên quan đến những tội ác của tổng thống, để có căn bản phê duyệt bài viết luận tội.
Dựa vào Điều 1, Dân Biểu Jerrold Nadler viết văn thư yêu cầu Thẩm Phán Howell chuyển cho ông -Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện- những hồ sơ cựu công tố viên Mueller đã thu góp được trong lúc điều tra việc tổng thống có thông đồng với người Nga để đắc cử hay không, và tổng thống có gây cản trở cho sự tiến hành của luật pháp hay không.


Bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (Getty Images)

Căn cứ vào những hồ sơ đó ông Mueller đã truy tố, đã tống giam hàng chục nhân viên trong bộ tham mưu tranh cử của ứng cử viên Donald Trump, truy tố và tống giam hàng chục người Nga can dự vào cuộc tuyển cử 2016.

Sở dĩ ông Nadler phải thực hiện việc điều tra truất phế vì bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi chủ trương không truất phế tổng thống; bà cho là trong lúc Thượng Viện còn do các nghị sĩ Cộng Hòa kiểm soát, dù Hạ Viện có biểu quyết truất phế tổng thống thì Thượng Viện vẫn phủ quyết, tha tội tổng thống như trường hợp, Tổng Thống Bill Clinton bị Hạ Viện Cộng Hòa biểu quyết truất phế năm 1998 về tội bội thệ – vì trong lúc đã tuyên thệ sẽ nói toàn bộ sự thật, mà vẫn chối tội làm tình với cô Monica Samille Lewinsky.
Vì thái độ không truy tố tổng thống của bà Pelosi tạo bế tắc, nên không có quyết nghị của toàn thể Hạ Viện truất phế ông Trump, nhưng Dân Biểu Nadler vẫn lấy quyền Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện mở cuộc điều tra về việc ứng cử viên Donald Trump có thông đồng với người Nga hay không.

Ông Nadler đòi hồ sơ truy tố những nhân viên trong bộ tham mưu ứng cử của ông Trump, và những người Nga, mang quốc tịch Nga có nhúng tay vào việc giúp Trump đắc cử.
Nếu Chánh Án Howell trao cho Dân Biểu Nadler những hồ sơ đó thì quả là tai hại cho tổng thống, vì những bị can chắc chắn không tự ý thông đồng với người Nga để nhờ họ giúp ông Trump, mà phải do lệnh của ông Trump.

Tuy nhiên, vấn đề chưa tới đó, và tổng thống vẫn có khả năng làm thay đổi tình hình. Nhiều Dân Biểu Hạ Viện nói là tổng thống có trách nhiệm về việc bà Chủ Tịch Hạ Viện quyết định không truất phế tổng thống, và cho là ông cũng có thể làm Dân Biểu Nadler hoặc Chánh Án Howell suy nghĩ lại.
Ông Nadler có thể đổi ý để đồng ý với bà Pelosi là không nên truất phế tổng thống nữa, hoặc Chánh Án Howell có thể trì hoãn việc thỏa mãn thư yêu cầu của ông Nadler.
Trong tình trạng hiện tại, vì thiếu cuộc biểu quyết của toàn thể Hạ Viện chính thức tuyên bố cuộc điều tra truất phế tổng thống, Dân Biểu Nadler chỉ có thể tuyên bố là cuộc điều tra -trên thật tế- đã khởi sự với việc ông yêu cầu Chánh Án Howell gửi hồ sơ đại bồi thẩm đoàn truy tố những thành viên trong bộ tham mưu tranh cử của tổng thống.

Dù tổng thống không nhúng tay vào, việc làm của ông Nadler có thể vẫn không thành công, nếu Chánh Án Howell trả lời ông là ông chỉ thỏa mãn lời yêu cầu của Hạ Viện, chứ không thỏa mãn lời yêu cầu của chủ tịch một tiểu ban trong nhiều tiểu ban của Hạ Viện.

Thái độ của bà Chủ Tịch Hạ Viện Pelosi đã giúp tổng thống rất nhiều, ngoài khoảng trên 100 dân biểu đang quyết liệt đòi truất phế tổng thống, số còn lại ngần ngừ trong thái độ chờ xem. Tuy nhiên, nhiều dân biểu còn lưng chừng đó sẽ thay đổi thái độ nếu những can phạm nguyên là cộng tác viên của ứng cử viên Trump được mời ra điều trần trước Hạ Viện.

Đa số cử tri Dân Chủ cho là Hạ Viện Dân Chủ có bổn phận thực hiện việc truất phế tổng thống Trump, dù Thượng Viện có phủ quyết bác bỏ quyết định truất phế; họ tin là việc bị Hạ Viện truất phế sẽ làm Trump yếu hơn trong nỗ lực tái cử lần thứ nhì.

Ấy là chưa nói đến ảnh hưởng mà các nghị sĩ thân Trump sẽ phải chịu đựng trong nỗ lực tái ứng cử của chính bản thân họ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT