Gỡ Rối Tơ Lòng

Dịp May Thứ Hai

Saturday, 26/07/2014 - 06:09:22

Cháu tính nhận lời cầu hôn của một người bạn trai từ nhỏ. Hai gia đình quen biết nhau từ lâu, đều là bổn đạo trong cùng một họ đạo. Khi cháu nói với bố cháu là cháu đồng ý nhận lời cầu hôn của anh ta, bố cháu nổi giận tưng bừng, tuyên bố thẳng thừng là không bao giờ bố cháu chịu nhận cái tên lưu manh, bất lương, bất hảo

Dịp May Thứ Hai

Thư của Minh Anh, Texas:

Cháu tính nhận lời cầu hôn của một người bạn trai từ nhỏ. Hai gia đình quen biết nhau từ lâu, đều là bổn đạo trong cùng một họ đạo. Khi cháu nói với bố cháu là cháu đồng ý nhận lời cầu hôn của anh ta, bố cháu nổi giận tưng bừng, tuyên bố thẳng thừng là không bao giờ bố cháu chịu nhận cái tên lưu manh, bất lương, bất hảo ấy làm con rể cả. Nếu cháu nhất định lấy anh ta thì đi ra khỏi nhà bố cháu và bố cháu sẽ không cho một xu để làm đám cưới. Cháu thật khó nghĩ vì anh bồ cháu chẳng có công ăn việc làm gì, mà lại còn mắc một cái án tù ba năm. Anh ta theo băng đảng, phá làng phá xóm và bị tù về tội bẻ khóa vào ăn cắp đồ nhà người ta. Nhưng anh ấy thề với cháu là từ nay sẽ thay đổi, làm lại cuộc đời, sống một cuộc sống lương thiện. Anh ta bị tù năm anh ta 21, đến năm 23 thì được tha trước thời hạn vì hạnh kiểm tốt. Năm nay anh ấy 29 tuổi rồi. Cháu tin anh ta và nghĩ rằng con người ai cũng phạm lỗi lầm, nhưng biết ăn năn là tốt. Ai cũng được phép hưởng một dịp may thứ hai có phải không bác. Cháu thấy bố cháu quá khắt khe, như vậy là thiếu lòng bao dung và bác ái. Bác bảo cháu phải làm sao?

Bà Ba Phải trả lời:

Bác thấy cháu lý luận thật là hợp tình, hợp lý và đúng với tinh thần bác ái của giáo lý của tất cả mọi tôn giáo lớn. Đúng thế, ai cũng có quyền và có hy vọng được hưởng một dịp may thứ hai. Nhưng cái dịp may đó nó không từ trên Trời rơi xuống và cũng không phải do mọi người có lòng từ bi bác ái để lên đĩa đem đến biếu mình mà phải chính tự bản thân mình tạo nên. Anh bạn của cháu bị tù từ năm 21, nghĩa là năm anh ấy đã đến tuổi trưởng thành, biết suy xét phải trái và cân nhắc điều hay, lẽ phải, cái gì có thể làm được là cái gì không thể. Nhưng anh ta đã phạm tội trong khi đã đủ tuổi khôn ngoan, là đã có những chọn lựa sai lầm. Bây giờ cứ cho là sau khi đã trả nợ cho xã hội, đã đền tội bằng những ngày tháng trong tù, anh ta đã quyết chí làm lại cuộc đời. Anh ấy ra tù năm 23 tuổi, năm nay anh ấy 29, theo con mắt nhận xét của cháu, cháu đã thấy anh ta làm lại được một chút nào chưa? Anh ấy có tiến bộ một chút nào không? Anh ấy đã quay về đường ngay nẻo chánh được mấy bước rồi. Thành tích sau khi ra tù của anh ấy là những thành quả gì? Anh ấy có đi học lại, có học hết được trung học không? Theo cái nhìn của bác thì anh ấy chỉ làm được một việc là không phạm tội thêm một lần nữa, còn thì anh t chẳng làm gì với cuộc đời của anh ta. Anh ta không có công ăn việc làm, không nghề nghiệp với một bản án tù ba năm. Như vậy thì cháu trông chờ gì ở anh ấy trong tương lai. Cho dù cháu không cần anh ấy nuôi cháu, làm chủ gia đình, lo toan cho con cái thì ít nhất anh ấy cũng phải có một nghề để nuôi sống bản thân anh ta. Bố cháu là một người đã có kinh nghiệm trong đời sống, bố cháu nhìn thấy rõ ràng anh này rút cục chỉ là một người lười biếng, vô tài, bất hạnh. Bố cháu không có khắt khe hay là thiếu bác ái như cháu buộc tội. Nếu bác là bố mẹ cháu, bác cũng sẽ có một thái độ như thế. Nếu cháu muốn thử và muốn cho anh ta hưởng tất cả mọi sự khoan hồng của một dịp may thứ hai, cháu sẽ chầm chậm, đừng vội vàng làm đám cưới ngay. Cháu cho anh ta một thử thách xem quyết tâm làm lại cuộc đời của anh ta là thật hay giả. Cháu cho anh ta một thời hạn để hoàn thành một công việc, để đi một bước ngắn trên con đường cải tạo. Chẳng hạn cháu cho anh ta thời hạn 1 năm sẽ đi học trở lại và lấy cho được cái bằng GED xem anh ta có làm được không? Còn như nếu anh ta đã tốt nghiệp trung học rồi thì cháu cho anh ta một thời hạn 6 tháng để học lấy một cái nghề và kiếm được việc làm ổn định, cho dù là việc chiên hamburger cũng được. Xem anh ta làm việc ấy được mấy ngày. Lúc đó cháu mới có bằng chứng để thuyết phục bố cháu về cái thuyết dịp may thứ hai, còn không thì cháu phải nghe lời bố nếu cháu không muốn tự mình đâm đầu xuống vực thẳm bằng cách nhất định đi theo anh ấy. Bác mong rằng cho dù cháu có nhân danh tình yêu thì cháu cũng không đến nỗi mù quáng quá đáng như vậy.

Nước Hoa Đâu Phải Là Thuốc Độc

Thư của Tâm, Cali

Cháu làm việc chung với một chị. Chị này coi như là sếp trực tiếp của cháu, hai đứa cháu ngồi chung một phòng làm việc. Chị ấy lên mặt là sếp và làm lâu năm hơn cháu nên hay bắt bẻ cháu ngay cả những điều hết sức là riêng tư. Chẳng hạn như cách ăn mặc của cháu, cách trang điểm của cháu chị ấy cũng hay phê bình. Chị chê cháu mặc váy quá ngắn, áo quá chật, cổ hở quá rộng. Đại khái cái gì cháu làm chị ấy cũng không vừa ý. Mới đây chị ấy lại chê cháu bôi nước hoa quá nhiều, mùi quá hắc làm cho chị ấy bị dị ứng, chảy nước mắt và nhảy mũi, ho và khó thở. Cháu bôi nước hoa chứ có xịt thuốc độc đâu mà làm cho chị ấy mắc lắm bệnh thế. Cháu tính mách sếp lớn là chị ấy bắt nạt cháu, nhưng mà thời buổi này kiếm việc khó khăn, cháu chỉ sợ mách sếp lớn, sếp lại bênh chị mà cho là cháu lắm chuyện rồi sa thải cháu thì khổ. Những việc chị ấy làm có thể nào gọi là harassement được không hả bác?

Bà Ba Phải trả lời:

Bác không biết chị sếp của cháu cho nên không thể nào có ý kiến tốt hay xấu về chị ấy. Tuy nhiên, bác thấy những chị ấy chỉ trích cháu thì phần nhiều, có thể là quy luật của hãng mà cháu mới vào làm nên cháu không biết đấy. Thông thường mỗi hãng xưởng đều có quy tắc ăn mặc cho nhân viên để tránh những sự rắc rối về tình dục giữa các người làm. Đi làm không phải là đi party mà cháu ăn diện se sua, hở ngực hở đùi, và cũng không phải là một cuộc thì sắc đẹp mà cháu phấn son lòe loẹt, toe toét. Có thể chị ấy muốn bảo vệ cháu, không muốn cháu là một con mồi cho các nam nhân viên hay các ông sếp có máu dê xúm vào săn đuổi. Chưa chắc đã phải vì chị ấy ganh ghét với cháu hay thù hằn gì cháu. Còn cái chuyện cháu bôi nước hoa mà chị ấy không chịu nổi vì chị ấy có bệnh dị ứng. Chị ấy không thể nào giả bộ có những triệu chứng như chị ấy vẫn bị. Nếu bác làm chung với cháu, chắc là bác cũng sẽ ở vào hoàn cảnh chị ấy vì bác cũng không chịu được mùi nước hoa. Nước hoa đối với những người bị dị ứng cũng chẳng khác thuốc độc là bao đâu cháu. Chị em làm chung với nhau thì nên tương nhượng giữ cho nơi làm việc được vui vẻ, hài hòa, dễ chịu cho cả hai người vì ai cũng cần phải có việc làm để nuôi thân, nuôi gia đình, đừng gây khó dễ, tranh đua cho thêm mệt. Bác thấy rằng cháu còn nhỏ tuổi, cuộc đời đi làm của cháu còn lâu, còn dài, cháu nên có một thái độ khiêm tốn đối với những người lớn hơn cháu và làm lâu hơn cháu để học hỏi, để chịu đựng. Cháu đã biết rằng thời này xin việc làm không dễ thì cháu cũng đừng nên sinh sự làm gì, mà nên biết lắng nghe. Cái chuyện chi ấy phê bình cách ăn mặc, chưng diện của cháu thì bác không biết là vì ganh tức với cháu hay vì lòng tốt nên bác để cháu tự xem xét rồi tìm ra cách đáp ứng, nhưng còn vụ nước hoa thì nếu cháu có mách sếp lớn thì sếp cũng sẽ bảo cháu không nên bôi nhiều để làm cho người khác khó chịu vì dị ứng.

Đồ Thật, Đồ Giả

Thư của Linh Phạm, Texas

Thưa bác cháu là một người mẹ nuôi con một mình, năm nay 35 tuổi. Cháu mới gặp được một người trong mộng. Anh ấy rất yêu cháu và tử tế với con cháu và chấp nhận quá khứ không mấy tốt lành của cháu. Anh ấy đã nghĩ đến chuyện chính thức hóa chuyện của chúng cháu bằng một đám cưới. Như vậy là cháu tốt số quá rồi phải không bác, có gì nữa mà phải băn khoăn. Thưa bác chỉ vì một chuyện nho nhỏ này thôi bác ạ. Từ bao lâu này cháu vẫn đội tóc giả. Anh ấy cứ khen cháu có một bộ tóc óng mượt, vừa đen vừa dài và anh ấy cứ nói đùa với tất cả mọi người rằng chỉ vì yêu mớ tóc mà phải lấy cả hai người, cả mẹ lẫn con. Bây giờ cháu sợ khi anh ấy biết là cháu đội tóc giả anh ấy sẽ thất vọng và không còn yêu cháu nữa, mà khi ở chung với nhau rồi thì làm sao giấu được chuyện tóc giả hả bác?

Xin xem trả lời kỳ tới.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT