Chuyện Nước Pháp

Đổ bộ Normandie: nước Pháp và người Việt sống nơi đây

Wednesday, 11/06/2014 - 11:28:53

Lễ kỷ niệm ngày đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandie để cứu nước Pháp thoát khỏi tai ách Đức đang chiếm đóng xứ này vào ngày 6 tháng 6 năm 1944 được tổ chức trọng thể trong vòng 3 ngày ở những địa danh liên quan chính (các ngày 5,6,7 tháng 6). Nữ Hoàng Anh Elizabeth đệ nhị đã 88 tuổi đời



A- Lính đồng minh ngày đổ bộ
B - Nguyên thủ quốc gia Đức, Ukraine và Nga
C- Buổi ăn tối với TT Obama
D- Nữ Hoàng Anh và TT Pháp.
 
Lễ kỷ niệm ngày đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandie để cứu nước Pháp thoát khỏi tai ách Đức đang chiếm đóng xứ này vào ngày 6 tháng 6 năm 1944 được tổ chức trọng thể trong vòng 3 ngày ở những địa danh liên quan chính (các ngày 5,6,7 tháng 6). Nữ Hoàng Anh Elizabeth đệ nhị đã 88 tuổi đời vẫn đích thân sang dự lễ và cư ngụ tại Pháp 3 hôm; năm 1944 bà được 18 xuân xanh và từng làm nữ y-tá cứu giúp thương binh nơi chiến trường. Các nước đồng minh liên quan đến chiến trận này gồm có Anh (đông đảo nhất, khoảng 70 ngàn quân lính), Mỹ (60 ngàn chiến sĩ), Gia Nã Đại (ít nhất, mười mấy ngàn); không kể 177 lính thiện chiến Pháp kèm theo. Hai vị Tổng Thống Pháp và Mỹ ngồi gần kề nhau dự lễ rất thân mật và thay phiên đọc diễn văn được soạn trước thật thấm thía. Về phía Pháp, 20.000 dân chúng bị vạ lây mất mạng vì chiến cuộc trong đó có những trận dội bom kinh hoàng của phe đồng minh chuẩn bị cho ngày đổ bộ và cuộc chiến sau đó. Nhiều vị anh hùng dân sự chống Đức bị xử bắn ngay buổi sáng sớm trước lúc hùng sử diễn ra.

Cử tọa đông đúc bao gồm các dân địa phương, viên chức, các cựu chiến binh và con, cháu, chắt của họ vì những người này đều đã thượng thọ từ 88 tuổi trở lên. Năm nay là kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ nên người Pháp long trọng làm lễ tưởng niệm lớn lao hơn các năm trước với 20 vị nguyên thủ quốc gia được mời và pháo bông rực rỡ đẩy lùi đêm đen. Câu nói "Chúng tôi không bao giờ quên ơn người Mỹ đã giải thoát chúng tôi khỏi gọng kìm Đức" được lập lại nhiều lần. Một em bé gái cũng được lên khán đài đọc bài cảm tưởng đại khái gần giống vậy. Các em trai, gái cũng đã cùng với người lớn đứng dàn hàng trong ca đoàn xướng lên vài ca khúc hùng tráng hay hiền hòa nhắc lại lịch sử. Con, cháu của các cựu chiến binh Hoa Kỳ cũng tháp tùng theo cha ông và kể lại kỷ niệm xưa được gia đình trân trọng gìn giữ mãi làm bài học nhớ đời.

Chúng ta hẳn còn nhớ bộ phim đen trắng kể lại câu chuyện ngày D (D-day), tựa phim tên là “Ngày dài nhất” (Le jour le plus long) do tài tử gạo cội Hoa Kỳ John Wayne đóng vai chính và một lô những tài tử nổi danh khác đóng vai phụ như Paul Newman, Charles Bronson và nam tài tử Pháp Bourvin cùng góp mặt. Cuốn phim được dân Sài Gòn say mê theo dõi khi nó chiếu ở thủ đô tại nhiều rạp lớn nhỏ từ rạp Rex cho đến rạp Văn Hoa ở Tân Định. Bản nhạc phim bất hủ với tiếng huýt sáo oai hùng còn lắng đọng mãi trong lòng người và tôi nhận ra nó ngay khi có dịp nghe lại. Cũng từ lúc đó, không ít người đã chịu ảnh hưởng và khâm phục thiên anh hùng ca nhằm phục vụ Tự Do của quân nhân Mỹ. Tôi còn nhớ một chi tiết quan trọng trong câu nói của vị chỉ huy Hoa Kỳ (do tài tử cằm lẹm đẹp trai Robert Mitchum đóng) trong cuộc đổ bộ đầy hiểm nguy từ biển vào đất liền, “Chỉ có 2 loại người nơi đây trên bãi chiến trường: một là những kẻ đã hy sinh, hai là những chiến binh còn sống nhưng cũng sẽ chịu chung số phận của toán số một nếu họ không tiến lên bờ đối diện với cái chết để còn có cơ hội thoát ra và thắng cuộc.” Điều này đúng với thực tế và những binh lính sống sót đã nghe lời vị chỉ huy để xông thẳng lên phía trước giành lấy thắng lợi và nhất là giữ được mạng sống của chính mình. Chúng ta có thể nghĩ rằng dù sao đi nữa, khi bị đẩy lùi vào chân tường mọi người sẽ có cùng một phản ứng là vùng dậy mà thôi; thật ra khi những chiến sĩ đã được chuẩn bị và có sẵn tư tưởng thuận lợi ủng hộ tinh thần thì họ sẽ có những phản ứng tốt đẹp hơn những người không được chuẩn bị trước.

Ký giả Pháp phỏng vấn một cựu chiến binh Mỹ năm nay hơn 90 tuổi vẫn còn minh mẫn, tôi chỉ ghi nhận lại vài chi tiết như sau :

Hỏi: Thưa cụ, cụ có sợ hãi không khi ở vào tình huống nguy hiểm cực cùng thập tử nhất sinh, cụ có nghĩ rằng mình sẽ chết mất nơi đây mà thôi ?

Đáp: Không, không hề, súng đạn nổ ầm ầm mà tôi không ngán bởi tôi chỉ lo mình bị chết đuối vì tôi không biết lội; đến giờ tôi cũng chẳng hề bơi được trong hồ nước (ông cười khà khà). Khi biết đã an toàn đến bờ, tôi xông lên phía trước như mọi người làm nhiệm vụ chiến đấu.

Hỏi: Thưa cụ, người ta nói lúc đó nước biển trở thành đỏ tươi vì nhuộm máu các chiến binh đổ ra, có đúng không hả cụ ?

Đáp: Đúng vậy, người bị chết và bị thương cùng đổ máu. Tôi cũng bị thương nhẹ và máu tuôn ra như những người khác...

Đây là một trường hợp đặc biệt về tâm lý đã cứu thoát chiến binh, khi một nỗi lo âu lớn nhất được giải quyết xong rồi thì mọi chuyện đều êm, tuy nhiên chúng ta không khỏi chạnh lòng khi biết rằng thời chiến chinh có mấy ai biết lội trong số 60.000 lính Mỹ và quân đồng minh lúc đó? Sự hy sinh và lòng can đảm của họ thật quá mức bình thường!

Báo chí Pháp đều cho rằng tông-tông “Hòa-Lan” đã lên cao thanh thế trở lại vì ông đã thành công lớn khi tổ chức thuận lợi ba ngày lễ kỷ niệm này. Một bữa ăn tối thân mật giữa các vị nguyên thủ quốc gia trong một nhà hàng ăn tại Paris, một dạ tiệc long trọng tại Điện Elysée nối vòng tay thân ái Ukraine và Nga dù họ đang thù nghịch nhau vì vụ chiếm đất Crimée. Chà, còn gì bằng những giây phút bạn bè hòa thuận bên nhau như thế, chung quanh một bàn ăn thật ngon lành với những món ăn danh tiếng và sang trọng, rất dễ nói nhau nghe! (ntnd)

(còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT