Chuyện Nước Pháp

Đổ bộ Normandie: nước Pháp và người Việt sống nơi đây (kỳ 2)

Wednesday, 18/06/2014 - 08:20:38

Trong bài viết kỳ rồi, tôi có nhắc lại nhiều lần hai chữ "Tự Do" để quý độc giả sẽ gặp lại điều này: nước Pháp cũng dùng danh từ nói trên trong câu thiệu hàng đầu ghi rõ trên các toà Đô Sảnh hay dinh thự lớn như Quốc Hội, Toà Án: Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ (nguyên văn: Liberté, Egalité, Fraternité)

Nguyễn Thị Ngọc Diễm



"Nhà chòi" dành cho dân thợ Việt Nam ở Camargue năm 1940.
 
Trong bài viết kỳ rồi, tôi có nhắc lại nhiều lần hai chữ "Tự Do" để quý độc giả sẽ gặp lại điều này: nước Pháp cũng dùng danh từ nói trên trong câu thiệu hàng đầu ghi rõ trên các toà Đô Sảnh hay dinh thự lớn như Quốc Hội, Toà Án: Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ (nguyên văn: Liberté, Egalité, Fraternité). Tự Do đi trước, điều này cho thấy tầm quan trọng của nó. Thế giới gồm cả trăm quốc gia và đa số thuộc khối chủ trương đây là điều tối quan trọng trừ những nước theo chế độ quân chủ hà khắc và cộng sản cùng chung một đường lối cai trị độc tài, độc đoán, một chiều.

Những người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất Pháp và sinh sống nơi đây do chế độ thực dân gây ra, bắt đầu từ hai trận thế chiến 1914-1918 và 1939-1945 (không kể các vị Vua bị đày thế kỷ thứ 19). Theo báo cáo của Thượng Viện thì người Việt chiếm hàng nhì dân Chấu Á sống tại đây với con số khoảng 300.000 người, đông đảo nhất ở thủ đô Paris kế đến là những thành phố lớn còn lại như Lyon, Marseille.

Rải rác khắp nơi ở các tỉnh nhỏ, đâu đâu cũng có người Việt Nam sinh sống. Người Pháp cũng có lòng biết ơn và diễn tả long trọng điều này đối với khối đồng minh đã tận tâm hy sinh giải thoát họ khỏi trục Đức-Ý-Nhật lúc đó. Họ biết dùng những người thường dân Việt Nam điều động qua Pháp một cách "tình nguyện" để hoặc giúp họ đánh giặc, hoặc xây dựng quê hương Pháp. Thật khó tưởng tượng nỗi công lao đóng góp của người Việt trong vùng Camargue này. Chúng ta sẽ biết qua câu chuyện sau đây để thấy rằng chính phủ Pháp lúc đó đã không hề "biết ơn" họ, cách cư xử không được tử tế cho lắm. Bề trái của tấm mề-đai nào cũng có.

Ba anh em nhà họ Trịnh có ông bố xuất thân từ 30,000 người dân lao động Việt bị đem qua Pháp từ năm 1939 để làm thuê mướn hay đi đánh giặc Đức đang xâm chiếm xứ này. Ông Trịnh được chọn cho công việc đầu tiên. Chỗ ông đến làm là vùng Camargue, ở miền Nam nước Pháp, khí hậu khá ấm nóng gần giống quê nhà Việt Nam vào mùa hè và tương đối ít lạnh hơn các vùng đất còn lại với diện tích 20,000 mẫu vuông đất và 100.000 dân. Tuy nhiên, vùng đất có nhiều muỗi và gió Mistral cũng gây khó chịu hàng năm. Có lúc khí hậu cũng nổi loạn như nóng đến 38 độ C và lạnh xuống trừ 20!

"Năm 1940, ba chúng tôi được 24 tuổi (ông Trịnh sinh năm 1916 tại miền Bắc) và bị điều động đến tỉnh Marseille rồi qua vùng Saint-Chamas (gần Camargue) và cuối cùng trú ngụ tại Salin, nơi có tiếng với đàn hồng hạc tuyệt đẹp". Người anh cả tên là Richard kể lại, ba anh em đều có tên Pháp để dễ hoà mình vào dân bản địa; hai người kia là Fabrice và Claude.

Theo sử sách ghi lại, những người dân lao động "bắt buộc" này (chứ không phải "tình nguyện") được đưa ra vùng đất Camargue để đem sự hiểu biết của mình vào công việc làm ruộng lúa. Thật bất ngờ, tôi vẫn hay mua gạo lức ba màu nổi tiếng vùng Camargue (trắng, đen, nâu; hạt thật dài và thon dẹp) để tấm tắc khen ngon mà nào biết rằng có bàn tay người Việt Nam đã tạo dựng nên sản phẩm này (Pierre Daum, ký giả và nhà văn với quyển "Lao động bắt buộc"). Họ có hai chuyện chọn lựa là làm ruộng lúa hay khai thác đồng muối, ông Trịnh đã chọn chỗ làm lúa gạo. Lúa gạo vùng Camargue nổi danh toàn nước Pháp và bán đắt giá. Bàn tay dân Việt đã góp sức tạo ra !

Ông Trịnh giữ công việc hành chính và cư ngụ trong những túp nhà sơ sài tạm bợ cho thợ thuyền ăn ở. Đến nay, những ngôi nhà "tiền sử" thô tháo này vẫn còn được giữ nguyên vẹn làm kỷ niệm. Điều kiện sinh sống rất khổ cực, nhưng ông may mắn gặp ái nữ của chủ đất đồng muối và nên duyên với cô gái có nhiệm vụ mang thức ăn tới cho họ. Khoảng 1,000 người Việt đã chọn ở lại đất Pháp, trong khi đa số được đưa trở về quê nhà từ năm 1952.

Richard sinh năm 1942, tiếp theo là 2 người em. Họ có nhiều kỷ niệm tốt đẹp thời thơ ấu như cỡi ngựa, thả bò (nơi đây còn chơi đấu bò), câu cá, tắm biển v.v... với khoảng 40 gia đình người Ý và Tây Ban Nha cùng ở tại chỗ. Năm nào họ cũng được ăn Tết, nhưng không biết nói tiếng Việt vì người cha muốn con mình hoàn toàn sinh sống như dân Pháp. Ông không muốn nhắc đến nguồn gốc và sự sống nơi xứ nghèo bất hạnh sợ con sẽ khổ, họ có bị kỳ thị và mang tiếng là những kẻ ăn thịt mèo chó. Tuy nhiên 3 anh em (con lai) đã có cuộc sống hạnh phúc, không bị dằn xé giữa hai nền văn hoá. Tại Faraman City, nơi họ cư ngụ; ông Trịnh đã qua đời và được an táng theo đúng nghi lễ Việt Nam. Đặc biệt, vùng đất Camargue có một phần nguồn gốc liên quan đến lãnh thổ Bắc Mỹ.

Trở lại điều kiện sinh sống do chính phủ Pháp cung cấp cho những người lao động bị "trưng dụng" này. Nhà cửa được cấp phát nhưng thật thô sơ, tối thiểu. Hình kèm theo cho thấy như những cái lò xi măng tròn cho tổ ong hút mật. Quần áo, cơm nước cũng được cho không nhưng tính chất kém cỏi. Dân Việt Nam tự chế ra guốc để mang và may lấy quần làm việc. Tiền lương hàng tháng tính theo ngày có mặt và căn bản, chính phủ Pháp phải trả thêm mỗi ngày khoảng mười mấy đồng cho những người thợ nào đã có gia đình bên Việt Nam nhưng điều này không biết được giao trả ra sao? Có những đơn khiếu nại than phiền sau khi một số người trở về quê nhà và được biết gia đình không hề nhận được xu teng nào từ Pháp!

Vấn đề trầm trọng nhất cho sức khoẻ thợ Việt là bệnh lao (40% người yểu tử vì nó), do điều kiện cư ngụ và ăn uống kém dinh dưỡng mà làm việc nặng nề cực nhọc. Bệnh nhân hay bị tập trung vào một bệnh viện dân sự kém hạng thời đó có tiếng là "lò tử"; sau này họ mới được cho vào bệnh viện quân sự khá hơn.

Trong khi sinh sống làm việc tại một chỗ chưa từng đến, những người Việt Nam phải đối phó với nhiều khó khăn tày đình, bắt đầu là tiếng Pháp xa lạ. Vì thế, họ bị khép vào kỷ luật khắt khe khá giống trong quân đội. Có thể bị phạt tù, phạt vạ, cô lập nếu chơi cờ bạc hay không đến đúng giờ làm việc.

Mùa hè gay gắt, mặt trời lên cao chói mắt (gây bệnh đục thuỷ tinh thể về lâu dài) mà chủ không cung cấp kính đen đeo bảo vệ như hiện giờ. Mùa đông lạnh cắt da, họ cũng không có giày ủng cao cổ để mang như thợ da trắng bên cạnh! Đến năm 1943 thì các điều kiện làm việc ngoài đồng trống mới từ từ được cải thiện.

Hiện nay, một nghĩa trang được dành làm nơi kỷ niệm trân trọng đánh dấu bước chân của những người Việt Nam tạm dừng lại nơi đồng muối hay ruộng lúa Camargue ở tỉnh lỵ Salin de Giraux et du Relais.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT