Thế Giới

Đoàn di dân đòi cấp xe chở tới biên giới Mỹ

Thursday, 08/11/2018 - 09:17:53

Đã có báo cáo về những thành viên trong đoàn di dân biến mất. Tuy nhiên, những người này được cho là đã xin đi nhờ trên các xe tải chạy trên các tuyến đường khác, rời khỏi đoàn di dân chính.

MEXICO CITY – Các di dân Trung Mỹ đã dừng chân tại thủ đô Mexico City vào thứ Năm đã đòi chính quyền sở tại phải cung cấp xe bus để chở họ tới biên giới với Hoa Kỳ, vì cho rằng thời tiết quá lạnh và quá nguy hiểm để đi bộ hoặc xin đi nhờ xe.
Nhà chức trách Mexico cho biết, 4,841 di dân có ghi danh đang được cho ở tạm tại một trung tâm thể thao, trong số này có 1,726 người vị thành niên, bao gồm cả 310 trẻ em dưới 5 tuổi. Hầu hết các di dân đã từ chối đề nghị ở lại Mexico, và chỉ một số ít người đồng ý hồi hương. Khoảng 85% di dân là người Honduras, trong khi những người khác đến từ Guatemala, El Salvador, và Nicaragua.
Đã có báo cáo về những thành viên trong đoàn di dân biến mất. Tuy nhiên, những người này được cho là đã xin đi nhờ trên các xe tải chạy trên các tuyến đường khác, rời khỏi đoàn di dân chính. Mexico City nằm cách biên giới Hoa Kỳ gần nhất – McAllen, Texas – hơn 600 dặm. Tuy nhiên, một số di dân vẫn thích đi vào Hoa Kỳ qua biên giới ở San Diego, California, dù phải vượt qua quãng đường dài hơn.

Zimbabwe: Tai nạn xe bus, 50 người chết
RUSAPE – Vụ va chạm giữa 2 xe bus tại Zimbabwe đã khiến 50 người chết và 80 người khác bị thương, với một số người bị thương nghiêm trọng. Tai nạn giữa 2 xe bus chạy đường dài xảy ra gần thành phố Rusape vào chiều thứ Tư. Một trong 2 xe bus đã lách qua làn xe ngược chiều để qua mặt 2 xe tải, trên đoạn đường nơi việc lái xe qua mặt bị cấm. Cả hai xe bus đều chạy rất nhanh. Các tài xế đã cố gắng tránh nhau, nhưng hai xe bus vẫn va chạm và bị lật. Số người chết quá cao đã gây quá tải cho nhà xác nhỏ của thành phố Rusape, vốn chỉ có thể chứa tối đa 16 thi thể.
Tai nạn xe bus rất thường xảy ra tại Zimbabwe, do tài xế cố gắng chạy nhanh để có thể lái được nhiều chuyến xe hơn trong 1 ngày. Con đường nơi xảy ra tai nạn mới được trải nhựa gần đây, trong dự án cải thiện cơ sở hạ tầng của chính phủ.

Chiến hạm Na Uy chìm dần sau va chạm với tàu dầu
STURE - Tàu hộ vệ Helge Ingstad của Na Uy bị rách thân và đang chìm dần sau khi bị tông bởi một tàu chở dầu. Hải quân Na Uy cho biết tàu hộ vệ hỏa tiễn HNoMS Helge Ingstad bị tàu chở dầu Sola TS, quốc tịch Malta, tông trúng lúc 4 giờ sáng thứ Năm, giờ địa phương, khi đang neo đậu ở cảng Sture, phía tây nước này. Chiến hạm Na Uy bị rách một vết lớn trên thân và đang có nguy cơ bị chìm hoàn toàn. "Lượng nước tràn vào trong tàu nhiều hơn lượng nước được bơm ra. Chúng tôi không thể kiểm soát được vết rách, một phần đuôi tàu đã chìm,” ông Eirik Walle, viên chức Trung tâm cứu nạn Na Uy, cho biết. Tàu hộ vệ Helge Ingstad cũng bị nghiêng, và nhiên liệu dùng cho trực thăng bị tràn ra ngoài.
Chiếc Helge Ingstad mới trở về cảng sau khi tham gia cuộc tập trận Trident Juncture 2018 của NATO ngoài khơi Na Uy. Lực lượng cứu nạn đã cố gắng đưa tàu ủi lên bờ để không bị chìm xuống đáy cảng. Thủy thủ đoàn 127 người được di tản, trong đó có 7 người bị thương nhẹ. Tàu chở dầu Sola TS không bị hư hại sau vụ va chạm, 23 thành viên thủy thủ đoàn vẫn ở trên tàu. Ủy Ban Điều Tra Tai Nạn Na Uy cho biết một tàu kéo cũng liên quan tới sự việc này.
HNoMS Helge Ingstad là tàu hộ vệ hỏa tiễn thuộc lớp Fridtjof Nansen, bắt đầu hoạt động từ tháng 9 năm 2009. Đây là 1 trong 5 chiến hạm chủ lực và lớn nhất của Hải quân Na Uy. Vũ khí chính của Helge Ingstad là 32 hỏa tiễn phòng không tầm trung RIM-162 ESSM, với tầm bắn trên 50 km. Tàu còn được trang bị 8 hỏa tiễn chống hạm NSM, 4 ống phóng ngư lôi hạng nhẹ, pháo đa dụng cỡ nòng 76mm, 4 súng máy cỡ 12.7 mm và một sàn đáp cho trực thăng săn ngầm NH-90.

Úc chi $2.2 tỷ để tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc
CANBERRA – Chính phủ Úc vừa công bố hàng loạt kế hoạch đầu tư và cho vay hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương, nhằm đẩy mạnh hợp tác an ninh và kinh tế, giữa lúc sức ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng nhanh trong khu vực. Thủ Tướng Úc Scott Morrison tuyên bố nước này sẽ nâng chính sách tiếp cận khu vực “lên một mức độ mới.” “Chúng tôi muốn hợp tác cùng các đối tác đảo quốc Thái Bình Dương xây dựng một khu vực Thái Bình Dương an ninh chiến lược, ổn định kinh tế và độc lập về chính trị,” ông Morrison nói hôm thứ Năm.
Tuyên bố của thủ tướng Úc được đưa ra chỉ 1 tuần trước Hội nghị APEC tại Papua New Guinea vào 2 ngày 17 và 18 tháng 11. Ông cho biết Úc sẽ đưa ra một loạt sáng kiến về an ninh, kinh tế và ngoại giao hỗ trợ các đảo quốc trong khu vực. Canberra tuyên bố sẽ lập một quỹ hỗ trợ phát triển trị giá hơn $1.45 tỷ Mỹ kim, để giúp phát triển cơ sở hạ tầng tại East Timor cùng các quốc gia Thái Bình Dương khác. Úc cũng thành lập thêm một quỹ cho vay trị giá $729 triệu Mỹ kim, để hỗ trợ các hoạt động đầu tư trong khu vực. Ngoài ra, Canberra sẽ hỗ trợ tàu tuần tra và hợp tác xây căn cứ quân sự với Papua New Guinea. Thủ tướng Úc cũng khẳng định sẽ mở rộng quan hệ ngoại giao với tất cả các nước thuộc Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương.
Theo giới phân tích, hành động của Canberra là nhằm tranh giành ảnh hưởng với Bắc Kinh trong khu vực. Trung Quốc thời gian qua đã đổ tiền vào hàng loạt dự án trong khu vực Thái Bình Dương. Bắc Kinh còn được cho rằng đang muốn xây một căn cứ quân sự tại quần đảo Vanuatu. Mặc dù các đảo quốc Thái Bình Dương đều là những nước nhỏ và không ảnh hưởng lớn đối với các tuyến đường hàng hải quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế của những nước này vẫn có giá trị hàng hải đáng kể.

Đài Loan nhận 2 chiến hạm chống ngầm của Hoa Kỳ
ĐÀI BẮC – Vào thứ Năm, hai tàu hộ vệ chống ngầm do Hoa Kỳ sản xuất, mang số hiệu PFG-1112 Ming Chuan và PFG-1115 Feng Chia, đã được giao cho quân đội Đài Loan trong buổi lễ ở quân cảng Zuoying ở Cao Hùng, miền nam Đài Loan. Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn đến dự buổi lễ và chúc mừng lực lượng phòng vệ Đài Loan. Một sĩ quan Đài Loan nói, 2 tàu hộ vệ mới được trang bị hệ thống tác chiến chống ngầm AN/SQQ-89 do Hoa Kỳ chế tạo. Đây là hệ thống chống ngầm tiêu chuẩn trên các chiến hạm Aegis của Hải quân Hoa Kỳ. Hệ thống này mang lại năng lực chống ngầm vượt trội so với 8 tàu hộ vệ lớp Cheng Kung, phiên bản của tàu hộ vệ Oliver Hazard Perry của Hoa Kỳ chế tạo cho Đài Loan.
Ngoài ra, 2 tàu mới còn được trang bị hỏa tiễn chống hạm Harpoon, có khả năng tấn công bất kỳ tàu nổi nào và các mục tiêu ven biển. Tàu còn có thể chở theo hỏa tiễn phòng không tầm trung SM-1 hoặc hỏa tiễn Sky Bow do Đài Loan chế tạo. Tư lệnh lực lượng phòng vệ biển Đài Loan, Phó đô đốc Lee Chung-hsiao, cho biết hệ thống tác chiến chống ngầm dùng radar định vị thủy âm cho phép xác định vị trí tàu ngầm đối phương chính xác hơn. Hai chiến hạm mới được giao cho Đài Loan vốn là tàu hộ vệ hỏa tiễn USS Taylor và USS Gary, lớp Oliver Hazard Perry của Mỹ. Chúng ngưng hoạt động vào năm 2015 và bán cho đảo Đài Loan với giá $190 triệu Mỹ kim.
2 tàu được nâng cấp với một số hệ thống cảm biến và vũ khí mới, và được chuyển đến Đài Loan vào tháng 5, 2017 để thử nghiệm vũ khí và các hệ thống khác trước khi giao cho lực lượng phòng vệ Đài Loan.

Canada tham gia tập trận ở tây Thái Bình Dương
OTTAWA – Chính phủ Canada đã điều chiến hạm tham gia tập trận cùng hải quân các nước ở khu vực tây Thái Bình Dương, nhằm gởi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc. Ban đầu được đóng để “săn” các tàu ngầm Nga, tuy nhiên, cuối cùng, tàu hộ vệ HMCS Calgary đã tham gia cùng các tàu ngầm của Hoa Kỳ và Nhật Bản trong cuộc tập trận ở tây Thái Bình Dương. Hành động này được cho là cách để Canada cùng các quốc gia khác kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. “Dự kiến trung bình 1 năm, chúng tôi sẽ đưa một, hoặc có thể hai tàu, tới tham gia các hoạt động cùng các đối tác trong khu vực,” Tư lệnh Blair Saltel, chỉ huy tàu HMCS Calgary, cho biết tại Yokosuka, Nhật Bản, vào thứ Năm.
Từng neo đậu tại căn cứ hải quân gần Tokyo cùng tàu tiếp viện hải quân Asterix của Canada, tàu HMCS Calgary đã rời Canada hồi tháng 7 để thực hiện nhiệm vụ đi qua biển Hoa Đông, qua Úc, và qua Biển Đông - nơi tàu Canada chạm trán với chiến hạm Trung Quốc. Tuần trước, chiến hạm Canada đã cùng các tàu của Nhật Bản và Hoa Kỳ, bao gồm hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, tham gia cuộc tập trận chống ngầm ở tây Thái Bình Dương. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng tác chiến và là cuộc tập trận lớn nhất ở khu vực trong và xung quanh lãnh hải Nhật Bản.
Quyết định tham gia các cuộc tập trận hải quân ở châu Á của Canada được đưa ra sau khi các quốc gia khác, bao gồm cả Anh và Pháp, cũng tăng cường hiện diện trong khu vực. Hành động này được cho là bắt nguồn từ việc các nước lo ngại rằng Bắc Kinh đang tìm cách kiểm soát các tuyến hàng hải thương mại.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT