Văn Nghệ

Đọc tác phẩm "Con Đường Tranh Đấu" của tác giả Nguyên Anh

Friday, 26/05/2017 - 08:21:15

Ở một số bài khác, tác giả gọi thẳng tên Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Phú Trọng, Đinh La Thăng, Nguyễn Bá Thanh... và chỉ trích họ bằng giọng điệu giễu cợt nhưng không kém phần chua cay.

Bài BÍCH NGA

Tác giả Nguyên Anh là một nhà nhiếp ảnh, quay phim, đạo diễn truyền hình chuyên nghiệp tại Việt Nam. Ông bắt đầu viết báo "lề trái" từ năm 2003. Những bài viết của ông được đăng tải trên mạng truyền thông xã hội toàn cầu, nhằm khơi mở những quyền tự do cơ bản của con người mà nhà cầm quyền cộng sản đánh cắp và bưng bít.



Trước hành động đàn áp những người bất đồng chính kiến, truy bắt các tác giả ẩn danh của nhà cầm quyền độc tài cộng sản, tác giả Nguyên Anh đến Hoa Kỳ vào năm 2014, xin được hưởng quy chế tị nạn chính trị và đang cư ngụ tại miền nam California.

Hiện nay, tác giả Nguyên Anh vẫn điều hành trang mạng "Quyền Được Biết," một trang tin điện tử đấu tranh cho một Việt Nam phi cộng sản. Những bài viết tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận, dân chủ phổ cập, nhân quyền cho người dân Việt Nam được nhiều người trong và ngoài nước đón đọc.

"Con Đường Tranh Đấu" của tác giả Nguyên Anh là một tác phẩm gồm hai quyển, phát hành tháng Tư, 2017. Quyển thứ nhất dày 396 trang và quyển thứ hai dày 400 trang. Đây là tuyển tập chọn lọc những bài viết của ông "từ trong nước cho đến khi ra hải ngoại sống lưu vong." (trang 5)

Dù cuối cuốn sách không có phần mục lục, vẫn có thể ước đoán tác giả in từ 200 tới 300 bài viết ngắn trong tổng số 800 trang sách. Quả là một công trình lớn lao của một người cầm bút.

Ở quyển thứ nhất, tác giả tuyển chọn toàn bộ những bài viết ngắn khi còn trong nước, nên phần lớn tấn công đích danh các nhân vật "tai to mặt lớn" của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Dưới ngòi bút sắc bén của tác giả, các nhân vật được đặt biệt hiệu "Sát Thủ Đầu Mưng Mủ" hoặc "Bác Lú" hoặc "Vua Lú" hoặc "Thím Dzoan" hoặc "Linh Tinh Đại Nhân" hiện ra trước mắt độc giả nửa người, nửa thú, nhưng đại diện cho đảng cộng sản Việt Nam!

Ở một số bài khác, tác giả gọi thẳng tên Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Phú Trọng, Đinh La Thăng, Nguyễn Bá Thanh... và chỉ trích họ bằng giọng điệu giễu cợt nhưng không kém phần chua cay.

Ở quyển thứ hai, nửa phần đầu cũng là phần tác giả tuyển chọn những bài viết ngắn ở trong nước. Bắt đầu từ trang 200 trở đi, tất cả đều là phần bình luận ngắn khi tác giả sau khi xin tị nạn tại Hoa Kỳ. Nội dung của những bài này không còn nói về một cá nhân nào ở trong nước, mà nói về chủ nghĩa cộng sản cũng như nói về nhân quyền tại Việt Nam.

Quý vị độc giả muốn tìm mua tác phẩm "Con Đường Tranh Đấu" (hai quyển), liên lạc với tác giả tại địa chỉ email: stevennguyenanh@aol.com hoặc quyenduocbiet@gmail.com. Điện thoại (714) 707-8485
Giá bán trong tiểu bang California: $20 Mỹ kim /cuốn, hai cuốn giá $35.

Ngoài California và các quốc gia khác: thêm $5 cước phí bưu điện
Sau đây, kính mời độc giả đọc một số đoạn trích trong bài viết "Xuân Tha Hương" của tác giả Nguyên Anh.

Làn gió xuân lại về khắp nơi trên thế giới, xã hội nhộn nhịp hẳn lên với cảnh mua người bán, ai cũng lo lắng mua sắm những sản phẩm cần thiết để đón xuân, để cúng ông bà gia tiên trong dịp lễ trọng này.
Tại Việt Nam, một quốc gia nghèo với đa số là dân nhập cư tại các thành phố đã lũ lượt kéo nhau thành đoàn về quê ăn tết từ các công ty, xí nghiệp, những hình ảnh thảm thương được đưa lên báo hình, báo giấy với cảnh những người công nhân gom góp những hộp bánh mứt rẻ tiền về làm quà cho gia đình, còn tại thành phố, người dân nấu bánh chưng, bánh tét, mua cho mình những cành mai, cành đào trang trí nhà cửa đón xuân sang.

Việt Nam, một quốc gia được điều hành bằng chủ nghĩa vô thần cộng sản, tại đó chỉ có cái mệnh đề tập thể bao trùm khắp mọi lĩnh vực, từ "đảng ta, nhà nước ta" đã là một khái niệm vơ vào nhằm tự huyễn hoặc mình là đại diện cho cả một dân tộc hơn 90 triệu người, đó cũng là cái nôi phát xuất của những phát ngôn không hề có trong thế giới con người tự trọng như "bắn pháo hoa làm cho người dân quên đi mặc cảm đói nghèo."
...

Xuân tại Mỹ cũng có bánh chưng xanh, bao lì xì, bánh mứt, trái cây, của ngon vật lạ còn hơn cả tại Việt Nam, hội chợ Tết Phước Lộc Thọ cũng rôm rả nói cười trong bầu không khí lạnh lẽo của mùa đông giá rét, các gian hàng buôn bán cũng tấp nập người mua kẻ bán, thế nhưng dường như vẫn thiêu thiếu một cái gì.

Các ngôi chùa tại tiểu bang Cali(fornia) cũng có tượng Phật, đốt pháo, đón giao thừa, và đặc biệt hơn là có cả chương trình văn nghệ, người đến đón giao thừa, kẻ đến xem ca nhạc vẫn nhiều, nhưng dường như trong thâm tâm mọi người đều nhận thấy đây là cái Tết trên mảnh đất tạm dung trong khi các cộng đồng đa sắc tộc chung quanh vẫn sinh hoạt bình thường.

Đón Xuân tại Mỹ thiếu vắng không gian của hồn quê hương, tình dân tộc, thiếu ánh nắng ấm quê nhà của vùng quê hương nhiệt đới, thiếu mùi hương trầm bay thoang thoảng khắp phố phường, vào cả từng con ngỏ hẻm, thiếu đi ánh mắt của các em thơ nũng nịu đòi bao lì xì, thiếu đi rất nhiều thứ mà nếu cộng sản không có mặt thì sẽ hiện diện tại quê hương Việt Nam!
...
Từ bên này đại dương, những ánh mắt ngóng nhìn về phía bên kia trên mảnh đất hình chữ S, tại đó có gia đình, bạn bè, người thân và quan trọng nhất đó là nơi mình đã mở mắt cất tiếng khóc chào đời với niềm tiếc nuối chơi vơi, những ước mơ được sống lại một mùa xuân dân tộc đã không còn hiện hữu khi ngày trở về phải đối mặt với những tên cuồng tín duy ý chí, những bản án tù đày chỉ vì cất lên tiếng nói cho hàng triệu con người, một xã hội đã bị băm nát nền văn hóa ngàn đời, thay vào đó là một quốc gia giáo điều hãnh tiến dù niềm vinh hạnh đó chỉ là một niềm tự hào không đáng có.

Một mùa xuân lạc lõng nơi xứ người, một kiếp sống tha phương nơi đất khách lại về với hàng triệu kiếp sống lưu vong, và trong thời khắc giao thoa của đất trời, câu hỏi lại hiện về trong đầu óc: "Đến bao giờ ta mới có một mùa xuân thực sự trên quê hương?"

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT