Mẹo Vặt

Đối đãi với người thân, xin nhớ câu này: Phu phụ tương kính như tân!

Friday, 12/01/2018 - 10:02:58

Chắc bạn sẽ nói: Đẹp thật, nhưng có vẻ... cải lương. Cũng có thể bạn sẽ nói: Chuyện đó phần lớn chỉ có trong tưởng tượng, chứ thực tế thì khó có “chàng” nào; Mà nếu có thì biết đâu “chàng” chẳng phải là bố bầy trẻ, mà lại là... anh hàng xóm, hoặc ông đưa thư!

Bài VŨ HẰNG

Cái câu kết trong bài lần trước “đừng kỳ thị người nhà” khi chào hỏi... đã khiến mấy nhỏ bạn của Hằng tự ái, nhưng chúng cũng phải thừa nhận: “Mày nói đúng y boong!” Nhưng làm thế nào để có thể vồn vã niềm nở với người nhà như với một người khách? Thật là khó, bởi vì mặc dầu thương nhau là điều không thể phủ nhận, nhưng anh chị em trong nhà biết nhau quá rồi, xưa nay vẫn cãi nhau, giành ăn, hơn thua từng chút, bây giờ bảo phải đối xử niềm nở bằng lời cám ơn, xin lỗi và chào hỏi... Sao thấy ngượng quá! Nhưng đó không phải chỉ là vấn đề của riêng nhà bạn, cũng không phải là vấn đề của thời đại chúng ta. Từ ngàn xưa, ông bà mình đã hiểu ra vấn đề này, và gồm tóm lời răn dạy trong một câu:

Phu phụ tương kính như tân

Phu phụ tương kính như tân, nghĩa là, vợ chồng phải đối đãi với nhau như tân khách.
Thoạt nghe, các bạn có thấy lạ đời lắm không? Gần gũi thân mật có ai bằng vợ chồng - ăn chung, ngủ chung, đẻ con chung, cái gì cũng chung, đến nỗi Thượng Đế cũng phải gọi họ là “một xương một thịt” - vậy mà ông bà mình vẫn khuyên phải đối đãi với nhau như khách mới gặp, nói theo kiểu bây giờ là phải tiếp đãi nồng hậu và nể trọng y như... khách VIP.

Vậy chúng ta đối đãi với khách như thế nào? Tùy mối liên hệ thân sơ và vai vế mà sự đối đãi có thay đổi, khách thường khác với khách VIP, người thi ân khác với người thọ ân, người đẹp nhiều khác với người đẹp ít... nhưng nói chung vẫn là lịch sự, niềm nở và nhún nhường. Khác hẳn với cách ăn nói cộc cằn, băm bổ, hoặc thái độ lạnh nhạt mà người trong nhà thường đối đãi với nhau.


Vợ chồng gần gũi nhưng vẫn phải lấy lễ mà đối xử với nhau.

Nhưng sự khác biệt về cách đối xử không đâu rõ nét cho bằng trong quan hệ nam nữ. Khi còn yêu nhau, các anh ăn nói ga-lăng, lịch thiệp, cư xử quảng đại, rộng rãi như cây cao bóng cả khiến ai cũng muốn tìm đến nép thân. Các chị thì nhỏ nhẹ, dịu dàng, và khép nép như cành liễu mong manh, một con mèo nhỏ hiền lành, khiến ai cũng sẵn sàng giang rộng đôi tay ôm ấp vỗ về. Nhưng khi đã thành vợ chồng, gạo đã nấu thành cơm thì khó, và gần như không thể tìm lại bóng dáng người quân tử, hoặc hình ảnh người thục nữ ngày xưa nữa. Khi đó, anh cho rằng mình là gia trưởng nên có quyền cáu gắt như mắm tôm, đi sớm về trễ mà không ai được tra hỏi... chị nghĩ rằng mình là hoa đã có chủ, nên áo quần xốc xếch, không còn thơm như múi mít mà trên người lại có mùi khai khai như dính... nước tiểu trẻ con. Bởi thế nên ông bà mình mới phải ra lời: Phu phụ tương kính như tân!

Khi nói “phu phụ tương kính như tân,” các cụ muốn dùng những hình ảnh cực đoan trong mối quan hệ nam nữ để khuyên chúng ta: Hãy đối xử với người thân một cách trịnh trọng nhất. Đã gần gũi như vợ chồng mà vẫn phải đối đãi với nhau như tân khách thì mối liên hệ giữa cha mẹ con cái, anh chị em không thể là ngoại lệ. Không thể vì gần gũi mà nhạt nhòa trịnh trọng. Trái lại, càng thân gần lại càng phải coi trọng nhau hơn, không khác gì như đón tiếp người khách VIP mới tìm đến thăm mình lần đầu tiên vậy. Anh chị em phải lịch sự với nhau như khi tiếp người bạn cũ ở phương xa đến chơi; chồng không thể quên mình là cây tùng, cây bách, rũ bóng bảo vệ cả gia đình, chứ không thể là anh chàng sáng say, chiều xỉn đòi hỏi vợ con phục dịch; vợ bây giờ đảm nhiệm vai trò nội tướng vất vả, nhưng đừng quên mình vẫn là bông hoa đẹp; Coi trọng, chiều đãi, nể nang nhau… không khác gì ngày xưa, như khi “em tan trường về, anh theo Ngọ về….” thì tình vẫn đẹp, người vẫn trẻ, và đời vẫn rất vui. Và theo ý các cụ thì ai đó nói rằng “tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã trọn câu thề” là sai bét bè be! Vì chưa được dạy cho biết “phu phụ tương kính như tân” mà thôi.


Dù bông hoa có chủ nhưng vẫn là bông hoa đẹp.

Hay quá, phải không bạn? Thử tưởng tượng một chút nhé: Người đẹp ngày xưa giờ đầu bù tóc rối vì gia đình mà chàng vẫn coi là “tóc mây” (bởi vì, chàng lý luận mây cũng có lúc rối chứ bộ), dáng dấp bề xề vì nuôi con nhỏ mà vòng tay chàng vẫn khít khao nồng ấm; má hồng lấm lem vì bếp núc mà chàng vẫn ngẩn ngơ “má em hồng ấm lòng ấm cả mùa đông.” Ở trong hoàn cảnh ấy, bạn có hạnh phúc không? Đương nhiên là hạnh phúc lắm lắm!


Bận rộn con cái, nhưng không để mất phong độ trước mắt chồng.

Chắc bạn sẽ nói: Đẹp thật, nhưng có vẻ... cải lương. Cũng có thể bạn sẽ nói: Chuyện đó phần lớn chỉ có trong tưởng tượng, chứ thực tế thì khó có “chàng” nào; Mà nếu có thì biết đâu “chàng” chẳng phải là bố bầy trẻ, mà lại là... anh hàng xóm, hoặc ông đưa thư!

 Sở dĩ bạn nghĩ vậy là vì chúng ta đã quên lời vàng thước ngọc của cổ nhân: Phu phụ tương kính như tân! Hãy áp dụng ngay cái nguyên tắc đơn sơ này trong mối quan hệ giữa vợ chồng, và rộng rãi hơn, giữa cha mẹ con cái, và anh chị em với nhau, rồi chúng ta sẽ nhận ra thiên đường hạ giới không ở đâu xa.
Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT