Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đôi điều cảm nhận từ vở kịch độc diễn ‘Trieu Tran (Unplugged)’

Saturday, 23/08/2014 - 02:57:00

Tối Chủ Nhật, 17-8-2014 tuần qua, tại rạp The Garden Grove Amphitheater (thành phố Garden Grove) đã diễn ra chương trình kịch Trieu Tran (Unplugged) độc diễn, do Shakespeare Summerfest Orange County (SOC) và Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) đồng tổ chức.

Băng Huyền/ Viễn Đông

 


Chị Lê Đình Y Sa (giám đốc điều hành của VAALA) gửi lời chào đến khán giả và lời cám ơn đến sự cộng tác của VAALA với Shakespeare/Summerfest Orange County (SOC) giới thiệu vở kịch “Trieu Tran (Unplugged)” với khán giả vùng Little Saigon. (Hình: Băng Huyền/ Viễn Đông)

Tối Chủ Nhật, 17-8-2014 tuần qua, tại rạp The Garden Grove Amphitheater (thành phố Garden Grove) đã diễn ra chương trình kịch Trieu Tran (Unplugged) độc diễn, do Shakespeare Summerfest Orange County (SOC) và Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) đồng tổ chức. Đây cũng là buổi diễn để gây quỹ hoạt động cho VAALA.

Kịch bản này đã ra mắt khán giả Hoa Kỳ từ năm 2011, từng lưu diễn nhiều nơi tại Hoa Kỳ, và đã diễn tại rạp Kirk Douglas Theater ở Los Angeles năm 2013. Nhưng “Trieu Tran (Unplugged)” diễn tại rạp The Garden Grove Amphitheater tuần qua là lần xuất hiện đầu tiên với cộng đồng người Việt tại vùng Little Saigon của diễn viên Trieu Tran. Anh là tài tử đóng vai Joey Phan trong chương trình The Newsroom trên đài truyền hình HBO, vai Dr. Heng trong Quick Draw, trong phim Tropic Thunder, Hancock, v.v...
Nội dung của vở kịch do Triều Trần và Robert Egan dùng chính câu chuyện của cuộc đời Triều Trần để viết nên vở kịch, vì vậy vở diễn có sức mạnh sâu sắc, gây xúc động người xem bởi đó là những trải nghiệm thực tế của Triều Trần. Vở kịch do Robert Egan đạo diễn.

                            

Triều Trần trong một đoạn diễn của vở kịch “Trieu Tran (Unplugged)”.

Kết cấu của vở diễn và nét diễn xuất thần của diễn viên

Biến cố đau thương 30 tháng 4 năm 1975 được dùng để mở đầu cho vở diễn, dẫu chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 40 năm, nhưng vai trò lịch sử của chúng vẫn chưa chấm dứt. Vì nhiều người vẫn chưa thể quên nó đi. Vẫn còn đó những vết tích của cuộc chiến, như một ký ức đớn đau, nhức nhối. Mà đau đớn là thứ tàn phá mãi mãi thân thể và trí óc của người Việt Nam, của những ai phải trải qua những tháng năm trong cuộc “nội chiến” trước 1975 trên quê hương, đã biến cuộc sống của bao gia đình thành bi kịch. Trong đó có gia đình của Triều Trần, với người bố bị đày ải trong trại tù cải tạo vì là một người lính VNCH, mẹ Triều Trần phải vất vả mưu sinh nuôi 3 con nhỏ, đi thăm nuôi chồng...

Chuyện kịch diễn ra không liền mạch về thời gian, mà được dệt nên bằng hàng loạt những ký ức đứt nối, hỗn loạn của quá khứ trong quá khứ, hiện tại trong quá khứ, nhưng lại hoàn toàn phù hợp với sự luân chuyển của nhân vật chính. Người xem rất dễ rơi vào cảm giác hoang mang bởi những sự kiện bị cắt vụn, bởi nhiều tình tiết. Một thế giới tâm lý đầy những dằn vặt, ẩn ức cứ xoắn kết khiến cho vở diễn mang giọng điệu nhức nhối, đau đớn.



Triều Trần trong một đoạn diễn của vở kịch “Trieu Tran (Unplugged)”.

Vì vở kịch là cả một ký ức đầy xáo trộn, nhiều chi tiết, lại diễn bằng tiếng Anh, không có phụ đề, không dễ hiểu chút nào với những ai không thông thạo Anh ngữ. Bản thân người viết cũng rất vất vả để hiểu hết chuyện kịch. Có lẽ vì vậy mà phần lớn khán giả đến xem là những người Việt thuộc thế hệ 1.5, 2 và người bản xứ. Mặt khác, nếu tính cả vai chính và phụ thì vở kịch cần đến khoảng mười diễn viên. Nhưng trên sân khấu, suốt từ đầu đến cuối chỉ có Triều Trần xuất sắc hóa thân vào các nhân vật để dẫn dắt chuyện kịch dài một tiếng rưỡi này. Không ai bỏ về giữa chừng, khán giả ngồi đến cùng và đã bị cuốn vào những mảnh vỡ tâm trạng và ký ức của nhân vật với rất nhiều sự giằng xé nội tâm qua cách kể của Triều Trần.

Ước lệ sân khấu không chỉ có trong các vở Tuồng, Chèo của Việt Nam, mà nó cũng được sử dụng giản dị, và khái quát hơn trong vở diễn này. Ranh giới để thoát hồn của người này sang xác của người kia, được Triều Trần dùng đôi mắt và giọng nói, biểu cảm nét mặt, để thể hiện tầng sâu của ký ức, nhưng lại không bỏ qua một thời khắc tâm lý nào. Chính vì thế, vở kịch mang nặng yếu tố tâm lí và khá căng thẳng, điểm xuyết vào tác phẩm những câu thoại hài hước, nét nhạc Việt Nam, nhạc R&B, nhạc hip hop... phần nào giúp vở diễn mềm mại hơn một chút.

Nội dung của chuyện kịch

Toàn bộ vở diễn được tái hiện qua dòng kí ức của nhân vật. Những mảng kí ức lộn xộn, lắp ghép, đan xen, bấn loạn... Tất cả ùa về, ứ đầy, đông cứng, nghẹn tắc trong thế giới nội tâm nhân vật dồn vào quá khứ, bị quá khứ níu giữ, bào mòn, gặm nhấm...

Ký ức đau đớn của tuổi thơ khi anh và mẹ vào thăm nuôi cha nơi trại cải tạo trong rừng sâu, chứng kiến sự độc ác của người quản trại đối với mẹ anh. Sự hoảng loạn của những người dân, đi tìm sự sống trong cái chết, khi lên tàu vượt biên để đến bến bờ tự do. Trong chuyến vượt biển, mẹ anh xuýt chút nữa bị hải tặc làm nhục. Cuối cùng gia đình cũng đến được Canada, những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với mẹ con anh, nhưng họ lại trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình từ người cha của anh.

Cha anh thì lại là nạn nhân của hội chứng rối loạn khủng hoảng sau chiến tranh của người lính bại trận. Chiến tranh cùng sự khủng hoảng là người của bên thua cuộc đã lấy đi của cha anh sự bình yên trong tâm hồn. Ông không thể quay về đất nước mà ông trung thành, cho tới khi nào chế độ cộng sản vẫn còn nắm quyền. Ông mang theo sự giận dữ, thù hận, cay đắng và những kỷ niệm của những cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu, để cuối cùng ông thất bại, phải sống lưu vong.

Ông sống ở Canada nhưng tâm tưởng của ông vẫn còn hướng về Việt Nam. Ông không thể hòa nhập vào cuộc sống mới, cùng những vất vả kiếm sống trên xứ người, những đối kháng của hai nền văn hóa... Để trả đũa cho sự bất lực của mình, ông chỉ còn biết tìm lãng quên trong rượu, trở

thành kẻ nghiện rượu và những cơn say đã biến ông trở thành ác nhân với vợ, con. Cuối cùng trong vụ ẩu đả với bạn nhậu, ông bị đâm chết.

Rời khỏi Canada, Triều Trần cùng mẹ và 2 em gái đã đến định cư tại Boston-Hoa Kỳ, cuộc sống đầy biến động của anh vẫn chưa chấm dứt, tại đây anh phải đối mặt với những hỗn loạn của tuổi trưởng thành, sự ghẻ lạnh của kỳ thị màu da, sắc tộc nơi vùng đất của tuyết, của hip-hop, các băng nhóm đô thị, và các nền văn hóa xung đột, anh từng bị người thầy “ve vãn” lạm dụng, có lúc anh muốn “nổi loạn”, thích tham gia băng đảng. Khi gặp lại người bạn thân từng quen nhau trên đảo trước đây, sự cô độc của anh nguôi ngoai, nhưng rồi người bạn thân chết đi, đã khiến anh bị khủng hoảng. Và niềm đau, nỗi buồn trong anh lại có dịp trỗi dậy – tái tê, cùng những ám ảnh về sự bạo hành của cha, cái chết của cha luôn ám ảnh anh trong giấc mơ, trong sự bấn loạn của trực giác, vô thức của những cơn thần kinh kích động, thậm chí nhiều lúc tuyệt vọng tới mức anh muốn tự sát. Nhưng rồi tình mẫu tử, tình yêu của Nina (mối tình đầu khi bước chân vào đại học), tình yêu kịch nghệ qua những tác phẩm kịch Shakespeare... đã đưa anh tìm tới thành công tại Hollywood, giúp anh vươn lên, vượt qua bi kịch của riêng mình, để phấn đấu vì những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống. Anh may mắn đã không bị nhiễm tính bạo hành của cha, mà trái tim và linh hồn của anh chính là của mẹ trao cho, bà chính là biểu tượng của tha nhân, của tình yêu và độ lượng, bà đã nuôi dạy anh về tình yêu thương.

Ý kiến của diễn viên và người tổ chức

Vở kịch không chỉ là bi kịch riêng của Triều Trần và gia đình anh, mà nó đã phản ánh cuộc đời rất nhiều người di dân ở Mỹ. Như lời tâm sự của anh: “Mặc dù câu chuyện là cuộc đời riêng tôi, tôi tin là nhiều người Việt Nam khác cũng chia sẻ câu chuyện này.”

Bày tỏ về sự kiện đặc biệt này, chị Lê Đình Ysa, giám đốc điều hành của VAALA cho biết “Mỗi lần tổ chức chương trình nghệ thuật để gây quỹ, VALLA luôn cố gắng giới thiệu những nghệ sĩ tài năng đến cộng đồng. Lần này rất đặc biệt, hân hạnh hợp tác với Shakespeare/Summerfest Orange County (SOC) cũng là một tổ chức bất vụ lợi, chuyên diễn kịch Shakespeare và những vở kịch khác, đã mời Triều Trần về diễn tại quận Cam. Y Sa từng xem vở diễn này của Triều Trần tại rạp Kirk Douglas Theater ở L.A, Y Sa rất bị ấn tượng với phong cách trình diễn của anh qua diễn xuất nhiều vai khác nhau, lột tả nhân vật và kể câu chuyện rất cảm động về gia đình từ Việt Nam khi còn bé trôi giạt như thế nào, khi qua đến bên này ra sao, gầy dựng lại cuộc đời trên đất nước mớià Câu chuyện này dĩ nhiên không giống với cuộc đời của Y Sa, vì cuộc đời Y Sa không có nhiều kịch tính như Triều, nhưng Y Sa vẫn thấy có phần đời của mình trong đó, rất cảm động. Y Sa nghĩ rằng những thế hệ trẻ gốc Việt sinh trưởng tại đây nên biết đến câu chuyện này. Với cộng đồng của chúng ta tại quận Cam, Triều Trần là một cái tên rất mới, Y Sa hy vọng sau buổi diễn này, trong tương lai, Triều Trần sẽ có thêm những dự án nghệ thuật giới thiệu đến cộng đồng của chúng ta tại quận Cam.”

Vài nét về VAALA

Thành lập vào năm 1991 bởi một số nhà báo, nghệ sĩ và thân hữu, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) là một tổ chức văn hóa bất vụ lợi. Mục tiêu của hội là phong phú hóa và kết nối các cộng đồng qua nghệ thuật. VAALA đã tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa như triển lãm, ra mắt sách, trình diễn nhạc, kịch, Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Fest), Hội Trăng Rằm Thiếu Nhi, các lớp học âm nhạc và nghệ thuật, và chương trình smart Program với workshop nghệ thuật miễn phí cho một số hội đoàn phục vụ thiếu niên và thiếu nhi tại vùng Orange County và Los Angeles.

Muốn đóng góp cho hội, xin vào thăm trang nhà www.vaala.org. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT