Người Việt Khắp Nơi

Đôi nét về giai phẩm Viễn Đông, Xuân Đinh Dậu 2017

Friday, 30/12/2016 - 08:42:50

Lê Minh Đức mời độc giả tìm lại “Thú Vui Ngày Tháng Hạ” trên quê hương thuở nào, khiến những ai hoài niệm cố hương không khỏi chạnh lòng nhớ về cố quốc. Âm nhạc có sức mạnh như thế nào, mời đọc bài viết của Anvi Hoàng.

THANH PHONG giới thiệu

LITTLE SAIGON - Chỉ còn không đầy bốn tuần lễ nữa, người Việt chúng ta sẽ “Ăn Tết”. Ngoài ăn bánh chưng, bánh tét và nhiều món ăn thuần túy quê hương khác còn một món ăn tinh thần không thể thiếu; đó là tờ “Báo Xuân”. Nhật báo Viễn Đông năm nào cũng phát hành Giai Phẩm Xuân. Những năm đầu, Viễn Đông phải thuê gian hàng trong Hội Chợ Tết Sinh Viên để bán Báo Xuân. Mấy năm sau này không còn phải thuê gian hàng nữa, vì Báo Xuân Viễn Đông không đủ cung ứng cho đồng hương đến mua tại tòa soạn cũng như tại các tiệm sách hay các chợ Việt Nam. Vậy điều gì khiến đồng hương ngày càng yêu thích giai phẩm Xuận Viễn Đông?



Năm nay là Năm Đinh Dậu, Năm Con Gà nên ngay trang bìa, hình ảnh chú gà trống oai phong lẫm liệt đang xù bộ lông cánh sặc sỡ, một chân co lên, miệng há hốc trong tư thế “sẵn sàng nghênh chiến” với màu sắc trang nhã đã thu hút con mắt của độc giả. Mở những trang đầu, quý độc giả sẽ được các vị dân cử cấp liên bang, tiểu bang, địa hạt và địa phương như các Dân Biểu Liên Bang Lou Correa, Alan Lowenthal, Nghị Sĩ Tiểu Bang Janet Nguyễn, Giám Sát Viên Andrew Đỗ, Thị Trưởng Tạ Đức Trí, các Nghị Viên Dr. Kimberly Hồ, Thu Hà Nguyễn, Sergio Contreras và Hội Đồng Thành Phố Garden Grove chúc Tết quý vị với những lời chúc thật tốt đẹp cho một năm mới an khang, thịnh vượng.



Nếu quý độc giả muốn chọn ngày, giờ xuất hành để được may mắn, tốt đẹp, chiêm tinh gia, địa lý gia Phước Lộc sẽ giúp qúy vị chọn một trong ba hướng xuất hành để được thuận lợi, tốt đẹp hơn trong năm mới như ông nói: “Có tin có lành”. Kế đến, độc giả sẽ nghe thi sĩ Hoàng Hoa Nguyễn Hoài Trung viết 18 câu thơ “Đinh Dậu Hữu Cảm” thật hay với bốn câu cuối để quên đi nỗi nhọc nhằn, vất vả sau một năm làm việc:

”Đinh Dậu Tết sắp về đây,
Hồ trường hãy cạn cho khuây nỗi lòng
Quên đi một kiếp phiêu bồng,
Nào ai tri kỷ, tâm đồng, cùng say!”

Đêm Giao Thừa, giờ phút linh thiêng nhất còn gọi là “Đêm Trừ Tịch” qua tám câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến được Nguyễn Hoài Trung dịch rất sát ý.



Tác giả Quỳnh Anh qua bài “Tản Mạn Ngày Xuân,” với lối văn nhẹ nhàng, dí dỏm, quý độc giả sẽ nghe cô Quỳnh Anh kể miên man về ngày Xuân qua thơ, nhạc, những nghi lễ cúng bái tổ tiên, tiếng pháo nổ đì đùng đến những cội mai già khoe sắc, những cành đào, những khóm trúc xanh tươi và những tiếng cười của trẻ thơ khi được lì xì phong bao màu đỏ; có cả những câu đối Tết. Tác giả đã miên man kể chuyện qua năm trang giấy, và cuối cùng tin tưởng, lạc quan “Một Mùa Xuân thật đẹp, và vui đang đón chờ những ai có tấm lòng. Tôi tin như vậy các bạn à!”



Độc giả Viễn Đông chắc không xa lạ gì với tác giả Hoài Mỹ, một cây viết rất sắc bén, dí dỏm và có cái nhìn tinh tế. Ông đã viết một lèo tám trang giấy về Gà, con giáp thứ 10 trong 12 con Giáp, mà nhiều người trong chúng ta đã từng nuôi gà, làm thịt và ăn phở gà, ăn gà luộc với lá chanh nhưng chưa biết tại sao có câu “Con gà cục tác lá chanh?” Tác giả Hoài Mỹ sẽ làm chúng ta ngạc nhiên, thích thú về “Gà”.

“Truyện Kiều Trong Tôi” là bài viết của tác giả Tường Rêu chắc chắn làm cho nhiều người ngạc nhiên, không ngờ những câu mình vẫn thường nói lại là câu thi hào Nguyễn Du đã viết trong truyện Kiều cách nay hàng mấy trăm năm. Một bài viết có tính thời sự “Đừng ham thân phận Chư Hầu.”Tác giả Phan Thị Trọng Tuyến có ý nhắc nhở các ông lãnh tụ Việt Nam Cộng Sản đang muốn biến Việt Nam thành chư hầu của Trung Cộng, hãy lấy gương Tây Tạng, người Hồi Duy Ngô Nhĩ (Uighur), người Nội Mông, Vùng Quảng Tây, Khu Ningxia mà suy gẫm.



Trang 50, giai phẩm Xuân Viễn Đông dành đăng hai bài thơ “Năm Mới” và “Nụ Xuân Xanh” và trang 200 bài thơ “Này Em Có Biết”của nhà thơ Trịnh Gia Mỹ.

“Năm Dậu Nói Chuyện Khỉ” tại sao? Đây là mẫu chuyện ngắn mang tính “răn đời” đầy ý nhị.
Ai yêu mến bộ môn Cải Lương và Vọng Cổ Nam Phần xin mời đọc bài về Lịch Sử Cải Lương và Vọng Cổ do Phan Thượng Hải biên soạn. Đậy là bài viết rất công phu với những dữ liệu mà ít ai biết dù rất thích thú cải lương hay vọng cổ.

Trang 75 “Chư Thiên Vấn Phật” là những lời Phật dạy. Ngoài ra, trang 86 còn có bài “Giầy Cỏ” Rất bổ ích cho người Phật tử tu thân tích đức.

Đã có bài viết về Phật thì phải có bài viết về Chúa. Giuse Viet có bài thơ khá dài viết trong Tháng Hoa (tháng Năm 2016) với tựa đề “Thương Quê Nhà Minh”. Kế tiếp, độc giả sẽ nghe Nguyễn Thị Ngọc Diễm, ngòi bút quen thuộc trên Viễn Đông, kể lại “Một Buổi Tiệc Xuân” thú vị.

Độc giả ở Nam Cali có đi bắt cá Grunion còn gọi là “Cá Suốt” bao giờ chưa? Nếu chưa xin nghe Trân Hương kể chuyện cô đi bắt cá Grunion ở bãi biển Newport Beach khá thích thú. Tác giả Vũ Hồng, một người đang sống tại Hoa Kỳ dẫn độc giả du lịch qua bài “Đông Du Ký” qua nhiều nước như Trung quốc, Thái Lan, Singapore và đảo quốc Brunei. Ông khẳng định: Đảo quốc Brunei là quốc gia “Số Một” trên thế giới chứ không phải Hoa Kỳ. Quý độc giả nghe tác giả kể về Brunei chắc chắn muốn đến thăm vương quốc giàu có nhất thế giới này ngay.
“Vas Cam”. Cái tên nghe lạ nên độc giả hãy đọc xem Anvi Hoàng nói về “Vác trống đi đánh xứ người/mình như thế nào?”

Phượng Vũ với “Tái Ngộ Mùa Xuân”. Chưa đọc hết câu chuyện nhưng trong phần kết luận, tác giả viết “Vậy thì đúng là Cuộc đời vẫn đẹp sao; dù là bất kỳ hoàn cảnh nào, lứa tuổi nào. Bạn hãy luôn làm cho cuộc sống mỗi ngày đều tái ngộ mùa Xuân”.

“Bạn Đời, Bạn Tâm Linh” là câu chuyện kể về một đám cưới độc đáo, vô nhị mà đôi tân hôn đều là thành viên Hội Từ Bi Phụng Sự tu học với Thầy Hằng Trường, được Thầy đứng chứng giám cho buổi lễ thành hôn, với một số nghi thức chưa từng có ở bất cứ lễ cưới nào; vừa cảm động, vừa ý nghĩa qua ngòi bút của tác giả Nguyễn Linh Giang, chủ nhiệm, chủ bút báo Viễn Đông với lời nhận định sâu sắc: “Hôn nhân là một kết hợp thật đặc biệt khi một người đón nhận người kia (và ngược lại) hoàn toàn vào trái tim mình trong mọi hoàn cảnh, khó khăn hay vui sướng. Vì họ chấp nhận nhau để cùng đồng hành trên đường đời và đường tâm linh”.
Nhà văn Phạm Tín An Ninh kể câu chuyện “Người Đàn Bà Trên cầu Nitelva”. Một câu chuyện cảm động của một gia đình cựu quân nhân sau ngày miền Nam rơi vào tay Việt Cộng, và chuyện trên xứ người trên cầu Nitelva vùng Bắc Âu lạnh giá và câu chuyện thứ hai “Cái Bóng Của vị Thầy Tu” khá hấp dẫn.

Eric Trần với câu chuyện “Chở Về Cả Mùa Xuân” cũng là câu chuyện buồn, vui trong những ngày Xuân. Tác giả Băng Huyền viết bài khá công phu về Claude Debussy liên quan đến âm nhạc và qua nghững nghiên cứu của Giáo sư Lê Văn Khoa mà cô được dịp tiếp xúc, phỏng vấn. Đồng thời cô cũng có bài khác ký tên Duy Uyên “Vì Sao Nên Nghe Nhạc Giao Hưởng?”

Lê Minh Đức mời độc giả tìm lại “Thú Vui Ngày Tháng Hạ” trên quê hương thuở nào, khiến những ai hoài niệm cố hương không khỏi chạnh lòng nhớ về cố quốc. Âm nhạc có sức mạnh như thế nào, mời đọc bài viết của Anvi Hoàng.

Hai vợ chồng ngồi xem bầy chim sẻ xà xuống ăn mà “Nàng bỗng buột miệng nói, Chúng ăn như đàn gà con, nhưng đàn gà này biết bay.” Một câu chuyện vui, hồn nhiên của tổng thư ký Hoàng Mai Đạt “Đàn Gà Con Biết Bay.” Ngoài kiến thức, khả năng làm báo, tác giả còn cho thấy ông có một tâm hồn nghệ sĩ khi tác giả khiêm tốn thổ lộ trong bài viết: “Phải chi là một nhạc sĩ, tôi sẽ diễn tả cho bạn nghe tiếng chân chim nhảy thật nhẹ cạnh những hạt gạo, nhẹ nhưng vẫn nghe được, từng bước êm ái bắt đầu một ngày mới. Beethoven từng viết lên những tiếng gõ cửa thình thịch của định mệnh trong bản giao hưởng Fifth Symphony lừng danh khắp thế giới. Chopin với những Concerto đầy cảm xúc cuồng nhiệt của con tim, và Johann Strauss với Dòng Danube xanh lả lướt đầy sức sống, nhưng chưa nghe có một nhạc sĩ nào, ngay cả thiên tài Mozart, tả lại những tiếng chân chim nhẹ nhàng, loắt choắt, lẹ làng bằng những nốt nhạc…”

Và, Thanh Phong qua câu chuyện cảm động “Máu Mủ Trùng Phùng” viết về một em bé Việt Nam trên đường tìm tự do, mẹ và em bị lật tàu chết thảm, bố lấy vợ khác, đem em sang Nhật rồi bỏ rơi, em phải đi bơi đống rác tìm kế sinh nhai, sau cùng được cô gái Nhật lấy làm chồng. Trong lúc ông bà ngoại và các Dì ở Hoa Kỳ và Việt Nam lạc mất cháu hơn 20 năm; ngày đêm trông ngóng, tình cờ trong ngày giỗ mẹ em, gia đình tìm ra được cháu đang ở Nhật và cuộc trùng phùng mừng vui khôn tả. Câu chuyện thật đầy bi thương nhưng kết cục có hậu.

“Đà Nẵng Có Gì Lạ Không Anh?” tác giả Phượng Vũ đưa chúng ta về thăm Đà Nẵng với “Tuyến cáp treo số 3 Bà Ná đạt 4 kỷ lục thế giới. Nhưng không phải do các kiến trúc sư, kỹ sư Việt Nam cộng sản làm được mà do tập đoàn kỹ sư Áo và Thụy Sĩ thực hiện.” Hãy đọc để biết sự vĩ đại của Cáp Treo Bà Ná.

Những trang cuối là phần tổng kết thời sự thế giới trong năm do tác giả Hoài Mỹ biên soạn rất đầy đủ. Sau cùng, bạn đọc có thể theo dõi tử vi Đông Phương trọn năm 2017 qua chiêm tinh gia, địa lý gia Phước Lộc biên soạn. Hàng tuần, vào mỗi thứ Sáu trên nhật báo Viễn Đông, chiêm tinh gia Phước Lộc cũng biên soạn tử vi trong tuần mà nhiều độc giả rất thích thú.

Giai phẩm Xuân Viễn Đông 2017 dầy 274 trang với những bài vở, hình ảnh như vừa tóm lược, mà giá bán chỉ có $8.Tòa soạn có nhận gửi đi xa. Cần liên lạc xin gọi (714) 379-2851.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT