Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đờn Ca Tài Tử- Di sản văn hoá phi vật thể

Saturday, 22/02/2014 - 12:38:45

Vào ngày 5-12-2013, tại phiên họp Uỷ Ban Liên Chính Phủ Về Bảo Vệ Di Sản Văn Hoá Phi Vật Thể của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, Cộng hoà Azerbaijan, nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di Sản Văn Hoá Phi Vật Thể, đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế,

Băng Huyền/ Viễn Đông



Các nhạc sĩ cổ nhạc đang cùng nhau hòa đàn Đàn Ca Tài Tử cho nghệ sĩ Thành Đạt ca tại Tổ Đình Sân Khấu của Hội bảo Tồn nhạc cổ truyền Việt Nam tại quận Cam Nam California, nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh đang đàn guitare phím lõm.


 
Vẻ đẹp của Đờn Ca Tài Tử (Kỳ 2)

Vào ngày 5-12-2013, tại phiên họp Uỷ Ban Liên Chính Phủ Về Bảo Vệ Di Sản Văn Hoá Phi Vật Thể của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, Cộng hoà Azerbaijan, nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di Sản Văn Hoá Phi Vật Thể, đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam.

“Những nhà nghiên cứu như (cố) nhà văn Sơn Nam, Giáo sư Huỳnh Minh Đức, (cố) nhạc sĩ Vũy Chỗ... đều cho rằng âm nhạc tài tử Nam Bộ dựa vào học thuyết Âm – Dương ngũ hành với ngũ cung: Giốc: Hò (Mộc), Chuỷ: Xự (Hoả), Cung: Xang (Thổ), dựa vào nền tảng lễ nghĩa, đạo đức phương Đông mang trong mình cái gốc của luân lý, và cung cách làm người.

Chính những điều ẩn chứa trong mỗi bài ca vọng cổ như thế mà đã hình thành nên "đạo" của nghệ sĩ cải lương. Họ quan niệm rằng đi hát không phải là một nghề. Vì "người nghệ sĩ đứng trên sân khấu có cái gì đó rất thiêng liêng. Cái đạo ấy thật cao đẹp, vừa nói lên tiếng nói của tâm hồn, vừa thể hiện cái chất trí tuệ của con người trong cuộc sống. Nó không phải là một nghề như buôn bán, và nếu nhờ đi hát mà có cơm ăn áo mặc thì cũng chỉ là chuyện thứ yếu mà thôi." (Soạn giả cải lương Lê Hoài Nở - trích hồi ký của nghệ sĩ Bảy Nam "Trôi theo dòng đời")

Nhận xét về sự độc đáo của nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử (ĐCTT), nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh cho rằng ĐCTT vừa mang vẻ đẹp của âm nhạc dân gian vừa mang vẻ đẹp của âm nhạc bác học. Âm nhạc dân gian của ĐCTT thể hiện ở sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống người dân. Còn tính bác học trong sự khuôn thước của hệ thống bài bản rất đa dạng.




                                           Nghệ sĩ Thành Đạt đang ca tại Tổ Đình Sân Khấu.



Theo nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh: “Quan trọng nhất trong hệ thống bài bản của ĐCTT là 20 bài bản tổ gồm: 6 Bắc (Lưu Thủy, Phú Lục, Tây Thi, Cổ Bản, Bình Bán, Xuân Tình); 3 Nam (Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo); 4 Oán (Tứ Đại, Giang Nam, Phụng Hoàng, Phụng Cầu), 7 bài nhạc Lễ (Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Long Đăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc). Thường là những bài lớn rất dài và phức tạp (có khi hơn 10 phút mới chơi hết một bài) và đạt trình độ cao về nhạc lý.

Ngoài ra còn có các bài Lý, Ngâm, 8 bài Ngự... Vẫn bản nhạc đó, người ta chỉ thay lời là phù hợp với mọi hoàn cảnh: quan, hôn, tang, tế, biệt ly... Vì thế, nghệ thuật ĐCTT vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển cho đến tận ngày nay.”

Nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh cho rằng nghệ thuật ĐCTT mang tính trình diễn âm nhạc rất cao. Thông thường một buổi trình diễn nhạc tài tử là những buổi hòa đàn, hoà ca của những nhóm nhỏ tri âm tri kỷ, cùng với nhau chơi nhạc và thưởng thức âm nhạc.

Người nhạc sĩ sẽ chơi toàn bộ một bài trong nhạc mục hoặc trích đoạn một vài bài. Họ có thể chơi nguyên bản đàn và cũng có thể chơi theo cách riêng của mình: thêm thắt, bớt âm, chuyền ngón, chạy chữ…, miễn làm sao vẫn giữ được khung sườn (còn gọi là lòng bản) của bài bản.

Có thể nói điểm độc đáo của ĐCTT chính là lối đàn ngẫu hứng (cũng như lối chơi ngẫu hứng trong nhạc Jazz). Ở đây, người nghệ sĩ ĐCTT dựa trên bài bản tổ để thêm vào những nhấn nhá, luyến láy của riêng mình dựa trên hơi và điệu của những chữ nhạc chính, nhưng đồng thời cũng phải phối hợp ăn ý với những nghệ sĩ cùng hòa đàn khác. Chính vì thế mà mỗi lần nghe lại cùng một bản đàn, khán thính giả luôn luôn thấy mới lạ và hài hòa.

‘Rao’ nét đặc trưng của nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử

Phần ngẫu hứng nhiều nhất trong ĐCTT là ở phần “Rao” (là cách để lên dây đàn và với mục đích gợi cảm hứng cho bạn diễn, tạo không khí cho dàn tấu) của người đàn trong toàn bộ phần ứng tác ngẫu hứng của các nhạc công khi tấu nhạc Tài Tử hoặc nói lối của người ca. Khi trình tấu, các nghệ sĩ cũng có thể dùng tiếng đàn của mình để "đối đáp" hoặc "thách thức" với người đồng diễn.

Nhờ vậy mà ĐCTT luôn luôn sinh động và hấp dẫn người nghe. Đây là cách các nhạc sĩ ĐCTT có thói quen trước khi trình tấu một tác phẩm, sẽ chơi vài câu nhạc mà họ thích, với nhịp điệu tự do, đường nét giai điệu không định sẵn trước, miễn là không ra khỏi điệu và hơi là cái khung sườn của sự ứng tấu, ứng tác.

“Rao” còn là cách để lên dây đàn. Vì các bài bản trong nhạc mục ĐCTT được chơi theo nhiều hệ thống dây khác nhau, ví dụ bản Lưu thủy trường được đàn trên hệ thống dây Bắc (thang âm có dạng Hò, Xư, Xang, Xê, Công, Liu …); ba bài Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo đàn trên hệ thống dây Nam (thang âm Hò, Xư, Xang, Xê, Phan, Liu …); hoặc như bài Tứ Đại Oán đàn trên hệ thống dây Oán (thang âm có dạng Hò, Xư, Xang, Xê, Oan, Liu …).

Mỗi bài theo hệ thống dây, có nhiều bài cùng một hệ thống dây, ví dụ 6 bản Bắc trong “20 bản tổ” đàn trên hệ thống dây Bắc. Cũng có bài được chơi trên hai hệ thống dây khác nhau, ví dụ bài Xàng xê, thuộc 7 bài lễ. Bài này được chơi trên hệ thống dây Bắc, nhưng sang lớp Xề phải đàn trên hệ thống dây Oán.

Do vậy, nhạc sĩ thường rao vài câu đầu theo thang âm của bài bản sắp diễn tấu trên hệ thống dây của nhạc cụ để người bạn diễn, người hòa ca nhận biết mà điều chỉnh cho hòa hợp. Đó cũng là lý do mà ĐCTT có phần diễn tấu này, trong khi những thể nhạc khác, có đặc điểm tính chất âm nhạc, lối trình diễn tương tự như ca Huế khi diễn tấu lại chơi vào bài ngay mà không cần có rao (các bài bản ca Huế được chơi trên cùng một hệ thống dây). Hoặc nếu có, các bài rao thường được học theo lối thuộc lòng, như bài Dạo Khách, Dạo Nam. Ca trù cũng không thấy có lối dạo trước khi vào bài.”

Ngoài ra “rao” trong ĐCTT còn được xem như phương tiện để chuẩn bị cho một cảm nhận gần gũi với hình tượng âm nhạc, giới thiệu cho người nghe về nhạc điệu, bài bản sắp trình bày.

Nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh bày tỏ: “Khi thưởng thức ĐCTT, người nghe cần có một sự am hiểu, thông qua đánh giá khả năng biểu diễn của nhạc sĩ dựa trên một khung sườn chung của bài bản (lòng bản).

Người nhạc sĩ cống hiến cho người nghe khả năng ứng tấu của mình trong quá trình diễn tấu và nhất là trong khi chơi câu rao. Bài bản có thể chơi theo trí nhớ với ít nhiều thêm thắt, thay đổi ở giai điệu, nhưng “rao” là một sáng tác trực tiếp ngay khi trình tấu. Nghệ thuật của rao thể hiện ở khả năng ứng tấu ngẫu hứng, nhưng phải giữ trong khuôn khổ của một số nguyên tắc về điệu và hơi; mối liên quan của nó với bài bản sắp trình tấu; ở sự tinh tế của giai điệu câu rao.

Trong nhạc mục của ĐCTT phổ biến 20 bài bản, mỗi bài tuy có những nét khác nhau, nhưng thuộc về hai điệu: điệu Bắc (vui, trong sáng) và điệu Nam (bi ai, sầu thảm). Trong mỗi bài hát của mỗi điệu lại thể hiện các hơi khác nhau. Điệu Bắc có 6 bài thuộc hơi Bắc, 7 bài thuộc hơi Lễ (còn gọi là hơi Nhạc); các bài trong điệu Nam có nhiều hơi khác nhau: hơi Xuân, Nam Ai, Nam Đảo, Hơi Oán…

Khi rao, là một người nhạc sĩ tài hoa thì phải thể hiện được hình tượng âm nhạc của bài bản, phải được ngẫu hứng trên thang âm của bài bản cùng với những đặc điểm của điệu và hơi; những nốt rung, láy đặc biệt của hơi, những “âm tựa” của giai điệu, những nốt thêm thắt và tình cảm của chính bản đàn mà câu rao có nhiệm vụ mở đầu.

Nhạc sĩ cổ nhạc Huy Thanh nói thêm: “Rao là cách để thể hiện toàn bộ khả năng ứng tấu và cả cá tính của người nhạc sĩ. Khi hòa tấu, hòa ca trong ĐCTT, câu rao tuy là ngẫu hứng, nhưng đòi hỏi phải hòa hợp với bài bản bạn diễn. Người nhạc sĩ ĐCTT giỏi là người phảI biết ứng tấu dựa trên diễn tấu và hiểu được bạn diễn để đưa câu nhạc vào đúng lúc, đúng chỗ, đoán được ý bạn diễn để có thể giới thiệu được câu nhạc, nâng được âm điệu của câu rao chung, vừa thể hiện được phong cách riêng của mình. Nhạc sĩ phải biết khi nào dùng những chữ láy, chữ nhồi, khi nào cần chuyền chữ, lướt, dùng chữ chỏi, lòn chữ...

“Câu rao vừa thể hiện phong cách âm nhạc, phong cách của tác phẩm, đồng thời thể hiện phong cách riêng của người nhạc sĩ. Rao là sự trình bày âm nhạc xuất thân từ điệu, hơi và bài bản. Nhưng đồng thời, rao cũng là một sáng tạo ứng tác tại chỗ và được coi như một hiện thực âm thanh gợi lên cảm xúc và phô bày những ngón đàn điêu luyện. Là một sáng tạo âm nhạc không có chuẩn bị trước, bởi thế rao cũng thể hiện đầy đủ nhất khả năng và phong cách của người nghệ sĩ với các ngón đàn riêng, cách luyến láy riêng.”

Những buổi ĐCTT mang tính cộng đồng sâu sắc và bình đẳng giữa mọi người, những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau, họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã, vì vậy nếu có đờn hay ca rớt nhịp, cũng chẳng có ai chê cười. (bh)
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT