Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Dư âm đẹp từ đêm nhạc "Merci Chérie" của ca sĩ Trọng Nghĩa

Friday, 18/12/2015 - 11:59:28

Còn khi anh song ca cùng Ngọc Hạ “Kiếp nào có yêu nhau (Thơ: Minh Đức Hoài Trinh, nhạc Phạm Duy), với ca từ đẹp và giai điệu lung linh, cả hai cùng ngân vang mang lại dư âm ngọt ngào cho một bữa tiệc âm nhạc càng thêm đậm đà.

Bài BĂNG HUYỀN


Hình do Trọng Nghĩa- Mộng Lan cung cấp

Tối thứ Sáu, ngày 11 tháng 12, 2015, tại rạp hát Saigon Performing Arts Center (thành phố Fountain Valley) ca sĩ Trọng Nghĩa đã được người bạn đời của anh, xướng ngôn viên nhạc sĩ Mộng Lan, giúp anh tổ chức đêm nhạc Pháp và thính phòng “Merci Chérie” ra mắt CD cùng tên, để kỷ niệm chặng đường nghệ thuật 45 năm của ca sĩ Trọng Nghĩa bằng một chương trình 'live concert' đáng nhớ với những màn trình diễn đặc sắc của cá nhân Trọng Nghĩa và những nghệ sĩ khách mời, mỗi người một vẻ, đã truyền cảm xúc của người hát, của bài hát đến với người nghe thật đầy đặn, tạo nên một bầu không khí ấm áp, đậm chất trữ tình, gần gũi.

                                                 Ca sĩ Trọng Nghĩa trong đêm nhạc

Chương trình càng tăng thêm giá trị vì nó không còn đơn thuần là giai điệu ca khúc, là sự tinh tế, nhạy cảm của những người ca sĩ như Khánh Ly, Trọng Nghĩa, Kiều Nga, Tuấn Anh, Trần Thái Hòa, Ngọc Hạ trong lời ca, những người nhạc sĩ tài hoa trong ban nhạc của Trung Nghĩa, tiếng đàn dương cầm tuyệt mỹ của Trọng Hiếu trong phần đệm nhạc; cùng phần dẫn chương trình sâu sắc, dí dỏm của các MC Nam Lộc, Hồng Vân, Đại Dương, những câu chuyện tản mạn hài hước, thông minh, rất có duyên của giáo sư Trần Khánh (thân phụ của Mộng Lan), mà còn chính là chuyện của ngày xưa soi lại những buồn vui, những tâm trạng của mỗi người có mặt trong khán phòng Saigon Performing Arts Center vào tối thứ Sáu tuần qua.

Vẻ đẹp của nhạc Pháp và giọng hát của Trọng Nghĩa trong đêm nhạc

Những ai chưa từng nghe một bài hát tiếng Pháp nào, khi có mặt trong đêm nhạc này, đã có những giây phút thư giãn tuyệt dịu để cảm nhận những giai điệu đầy lãng mạn.

Ca sĩ Tuấn Anh


Còn những ai đã từng đến Pháp, hoặc học qua ngôn ngữ này, có mặt trong đêm nhạc là khoảng thời gian để họ cảm nhận rõ nhất vì sao họ lại yêu ngôn ngữ ngọt ngào này và dòng nhạc Pháp với những giai điệu nhẹ nhàng, da diết, trầm buồn, đầy lưu luyến nhưng cũng rực sáng một tình yêu mãnh liệt đốt cháy đến tận cùng cảm xúc trong mỗi người. Nhất là những ca khúc nhạc Pháp trong đêm nhạc mang trong mình tính 'hoài niệm' về 1 thời đã qua tại Sài Gòn, qua tiếng hát của Kiều Nga và nhân vật chính của buổi diễn, ca sĩ Trọng Nghĩa, cùng phần song ca của cả hai cất cao tiếng hát lãng mạn của mình để chuyển tải những hình ảnh nên thơ, mơ mộng, gợi lại cho những khán giả cũ năm xưa những kỉ niệm khó phai mờ.
Giọng hát nồng ấm, kỹ thuật âm nhạc vững vàng, mang sắc thái âm điệu tiếng Pháp thật đẹp của Trọng Nghĩa, dù là anh hát đơn ca “Liên khúc Aline - Capri c'est fini, Liên khúc Kilimadjaro - La Plage aux Romantiques - Merci Cherie - Et Pourtant”, hay song ca với Kiều Nga 2 bài L'aventura và Main dans la main, cách anh hát như trút cả trái tim và tâm hồn mình vào đó, như rút hết ruột gan mình ra để khán giả nhìn thấu được những tâm tư, tình cảm mà anh muốn truyền tải tới người nghe nhạc đã đem lại nhiều thăng hoa cho khán giả.

Các thành viên trong ban nhạc của buổi diễn



Trọng Nghĩa hát những tác phẩm Si l'amour existe encore (của Jean Francois Michael), Les amoureux qui passent (của Christophe), Je sais (của Claude Francois), Coupable (của Jean Francois Michael) không trình diễn cùng ban nhạc mà chỉ có tiếng đàn dương cầm cùng đôi chỗ phụ họa bè giọng thêm vào của nhạc sĩ dương cầm Trọng Hiếu (em họ của Trọng Nghĩa). Phần trình diễn này có sức lôi cuốn, truyền cảm lạ lùng. Cách hát luyến láy, nhả chữ mang phong cách riêng, cảm xúc dạt dào của Trọng Nghĩa được dìu nâng bởi âm thanh từng chuỗi đàn dương cầm của Trọng Hiếu vang lên thật quyến rũ, từng giải âm dịu ngọt quấn quýt tỏa rộng vang khắp khán phòng nhà hát, những nốt nhạc và lời ca hòa quyện vào với nhau, tiếng hát lãng mạn của Trọng Nghĩa dễ dàng chạm sâu vào trái tim của người nghe. Người nghe Trọng Nghĩa hát dù là khán giả mới hay cũ cũng tìm được nhiều sự đồng cảm, những cảm xúc lắng đọng với giọng hát của anh.

Ca sĩ Trần Thái Hòa


Khác với buổi diễn kỷ niệm 44 năm ca hát vào năm ngoái của mình tổ chức tại Rose Rose Center Theater (thành phố Westminster), buổi diễn năm nay, ca sĩ Trọng Nghĩa đã đem lại nhiều thích thú cho khán giả khi anh không chỉ hát nhạc Pháp mà còn hát nhạc Việt và song ca đầy “ăn ý” với ca sĩ Trần Thái Hòa và ca sĩ Ngọc Hạ. Nét hay của Trọng Nghĩa khi hát ca khúc "Chuyện của tôi" (nhạc sĩ Lê Quang), song ca cùng Trần Thái Hòa ca khúc "Còn chút gì để nhớ" (thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc), chính là lối hát mộc mạc, giản dị đã tạo cho anh một phong cách riêng biệt, người nghe cảm nhận được sự ấm áp trong từng câu chữ qua cách cách ngân nga thật dung dị như kể chuyện, thỏa sức lả lơi, phiêu lãng cùng giai điệu, lời ca mang lại nhiều tình cảm cho người nghe. Còn với phần song ca với Ngọc Hạ, Trọng Nghĩa đã hát bằng tiếng Ý ca khúc “Torna a Sorrento” (nhạc Ý được nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt “Trở về mái nhà xưa”) và Ngọc Hạ ca lời Việt, hai giọng hát đã cùng hòa quyện, nâng niu nhau, đã mang đến những rung cảm tuyệt đẹp cho người nghe.

Phần trình diễn của ca sĩ khách mời đặc biệt Khánh Ly

Nét độc đáo của chương trình qua phần trình diễn của các ca sĩ khách mời

Ca sĩ Khánh Ly là vị khách mời đặc biệt của chương trình, mà như theo lời tâm sự của ca sĩ Trọng Nghĩa, ca sĩ Khánh Ly là người đầu tiên đã cho phép anh hát giờ đầu ở phòng trà Queen Bee tại Saigon năm anh 17 tuổi, là người đã mở cánh cửa âm nhạc cho anh bước vào. Không chỉ tâm sự vài kỷ niệm xưa với khán giả, ca sĩ Khánh Ly còn tặng khán giả đêm nhạc 2 ca khúc Phôi Pha và Nắng Thủy Tinh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bằng chất giọng khoan thai, trầm khàn dù đã ở vào tuổi thất thập lẻ nhưng vẫn còn truyền cảm, phần nào minh chứng được thành công của tiếng hát “vang danh một thời”. Chương trình còn có thêm một tiết mục ngoài chương trình qua tiếng hát giàu cảm xúc của MC, nhạc sĩ Nam Lộc thể hiện nhạc phẩm “Sài Gòn Vĩnh Biệt” do chính nhạc sĩ Nam Lộc sáng tác trong trại tị nạn năm 1975, đã được giáo sư Trần Khánh (thân phụ của Mộng Lan) vốn là là người đã dạy Anh Văn cho MC Nam Lộc trong trại tị nạn năm xưa đề nghị tác giả hãy hát lại ca khúc mang nhiều kỷ niệm này. Vì là tác giả nên khả năng thấu hiểu và lột tả “linh hồn” của từng ca từ của tác phẩm đã được MC nhạc sĩ Nam Lộc thể hiện giàu biểu cảm đã nhận được những tràng pháo tay ngợi khen của khán giả. Phần trình diễn ngoài chương trình của ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Nam Lộc đã tặng thêm một nét chấm phá cho bức tranh đêm nhạc “Merci Chérie”, tăng thêm phần đặc sắc cho một tổng thể đầy mê hoặc.Giọng ca mượt mà, nồng nàn của ca sĩ Kiều Nga được chọn để mở đầu chương trình “Merci Chérie” đem lại nhiều hoài niệm đẹp cho khán giả khi cô thể hiện những ca khúc nhạc Pháp êm ả, trữ tình Tu te reconnaitras, Viens m'embrasser, Poupée de cire, poupée de son, là những tác phẩm đã làm rung động trái tim biết bao thế hệ người nghe nhạc Pháp nhờ giai điệu sâu lắng, ca từ đẹp về tình yêu.


MC Nam Lộc và Hồng Vân trong chương trình

Với chất giọng soprano trong sáng, tinh tế, tràn ngập cảm xúc Ngọc Hạ đã dìu người nghe vào thế giới của khắc khoải, thiết tha qua nhiều cung bậc, khi hát Đường xưa, trong cao trào của ca khúc thật day dứt và đôi chút hơi bi lụy, nhưng qua cách hát của Ngọc Hạ, nỗi đau như dồn nén vào trong, và ngọn lửa tình yêu vẫn bùng lên, dữ dội, da diết. Ngọc Hạ đã khoe hết được chất giọng trong sáng nhưng tràn đầy năng lượng của mình khi hát ở quãng rất rộng trong “Dòng Sông Xanh” (Lời Việt của Phạm Duy), càng cảm được cái đẹp mênh mông xa vắng đến nao lòng của con sông Danube xanh, một nhạc phẩm bất hủ theo thể điệu Valse sang trọng của nhà soạn nhạc tài hoa Johann Strauss và “phù thủy” đặt lời Phạm Duy và Ngọc Hạ đã thật khéo khi gởi đến người nghe một không gian và cảm giác hoàn toàn mới qua nhạc phẩm ca khúc bán cổ điển “Serenade” (nhạc của Franz Schubert, Lời Việt; Phạm Duy: Dạ Khúc”) nhạc phẩm này thêm bềnh bồng, phiêu lãng qua tiếng hát điệu nghệ của Ngọc Hạ.

Ca sĩ Ngọc Hạ



Chất giọng trầm ấm, đầy tự sự, lên bổng xuống trầm của Trần Thái Hòa đã chuyên chở thật trọn vẹn những thổn thức của nhạc sĩ Vũ Thành An qua ca khúc “Một lần nào cho tôi gặp lại em”, Tình rơi (của Hồ Đăng Long), Nghìn trùng xa cách (của Phạm Duy), Hương Ngọc Lan (Tác giả: Hoàng Trọng & Lan Đình & Sông Hương). Qua những nhạc phẩm này, những nốt láy, những dấu nhấn, những lên cao và xuống thấp thành òa vỡ cảm xúc giàu rung cảm đã được giọng hát của Trần Thái Hòa truyền đến người nghe thật tuyệt vời. Chậm rãi và ngân nga, anh trau chuốt và nâng niu mỗi chữ lời hát. Nhờ thế, cái tình đã đọng lại trong lòng người nghe thật đậm đà.

Trọng Nghĩa song ca cùng Kiều Nga


Còn khi anh song ca cùng Ngọc Hạ “Kiếp nào có yêu nhau (Thơ: Minh Đức Hoài Trinh, nhạc Phạm Duy), với ca từ đẹp và giai điệu lung linh, cả hai cùng ngân vang mang lại dư âm ngọt ngào cho một bữa tiệc âm nhạc càng thêm đậm đà.

Sau những trầm lắng và cháy bỏng âm ỉ, dai dẳng của những cung bậc da diết yêu thương, sự xuất hiện của ca sĩ Tuấn Anh với phong cách “khác lạ, không đụng hàng” của mình cùng lối giao lưu gần gũi, dễ thương của anh với các khán giả trong khán phòng, đã tạo cho không khí đêm nhạc thật sôi động.
Giọng ca vốn mạnh mẽ, da diết hòa chung với ca từ, không gian cổ điển trong buổi diễn khiến người xem tràn đầy khắc khoải, hoài niệm khi nghe anh hát “I love you to want me” (Lobo), Người đàn bà 2000 năm trước, Trái tim ngục tù.

Từ trái qua phải, nhạc sĩ dương cầm Trọng Hiếu, Mộng Lan, Trọng Nghĩa, nhạc sĩ Nam Lộc



Khi anh hát, những luyến láy mềm mại rất có hồn và gợi cảm trong tiếng ca, khéo léo dẫn dắt khán giả chìm đắm, say sưa theo tiếng hát của mình, đủ để thấy một tài năng, lối hát biến ảo, nồng nàn.
Còn với ca khúc “Anh là ai” (Việt Khang) được anh hát theo yêu cầu của khán giả. Khi những ca từ quen thuộc của ca khúc vang lên,

“Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi, tôi làm điều gì sai?
Xin hỏi anh là ai?
Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay?
Xin hỏi anh là ai?
Không cho tôi xuống đường để tỏ bày
Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay!
Xin hỏi anh ở đâu?
Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm
Xin hỏi anh ở đâu?
Sao mắng tôi bằng giọng (tiếng) nói dân tôi?

Không gian khán phòng rạp hát như lắng đọng, một niềm xúc động bao trùm các khán giả ngồi kín các ghế tại rạp Saigon Performing Arts Center khi nghe Tuấn Anh hát “Anh là ai”, như xoáy vào hồn người nghe, bắt người nghe phải quặn thắt xót xa cùng đau nỗi đau với tác giả trước tình cảnh quê hương sắp rơi vào tay giặc Tàu, là tiếng kêu gọi mỗi một người Việt Nam hãy tự hỏi “Anh Là Ai” để xin đừng “Ngồi Yên” khi Đất Nước đang ngã nghiêng.

Một điểm cộng cho chương trình là phần trình diễn quá tuyệt của ban nhạc Trung Nghĩa gồm Trung Nghĩa Ghita, Quốc Vũ Keyboard, Tuyên Bass , Peter Trống; tiếng đàn dương cầm của Trọng Hiếu; âm thanh Việt Anh Productions... đã khiến khán giả ngây ngất trong những âm thanh bè phối hoàn hảo, cùng với MC Nam Lộc, Hồng Vân, Đại Dương thật ý nhị, tất cả góp phần tạo nên một sự gắn kết vô hình, cuốn hút khán giả “phiêu” cùng các ca sĩ suốt hơn 4 giờ đồng hồ.

Đêm nhạc với cái kết thật vui qua màn trình diễn hài hước của Trọng Nghĩa và Trọng Hiếu phần “nhái lời” một số ca khúc. Các khán giả bước ra về, thanh thản mang theo dư âm của lời ca, tiếng hát và những hoài niệm đẹp về một buổi diễn nơi ấy với quá khứ, hiện tại, tương lai như quyện vào nhau, như những sợi khói mong manh nhưng lại khó tách rời. Ở đó, người thưởng thức đã tìm thấy niềm vui, sự lạc quan, tình yêu và nỗi đau đều thật thấm thía và sâu lắng khôn cùng.

CD Merci Chérie với tiếng hát Trọng Nghĩa, gồm 15 tình khúc Pháp, do nhạc sĩ Raoul Van Hioux hòa âm, thu tại PK Studio, với ảnh bìa rất đẹp do nhiếp ảnh gia Huy Khiêm ghi lại, đã phát hành trong đêm nhạc 11 tháng 12 năm 2015 và hiện đã được phát hành rộng rãi, quý vị có thể tìm mua tại các tiệm bán băng nhạc hay gọi cho Trọng Nghĩa và Mộng Lan để order ở số (714) 713-4089. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT