Bình Luận

Đủ cứng để đứng đầu gió

Saturday, 02/12/2017 - 09:35:50

Chỉ trong vòng 54 phút hỏa tiễn bay mút tầm 2,800 dặm rồi được điều khiển trở xuống, đâm đầu vào một cái phao được thả trên Nhật Hải -Biển Nhật.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Chắc chắn Tổng Thống Donald Trump không biết câu châm ngôn Việt Nam “đủ cứng để đứng đầu gió,” nhưng ông đã tỏ ra rất “cứng” trước cơn cuồng phong nguyên tử của Bắc Hàn.

Cuồng phong nguyên tử là quả hỏa tiễn ICBM Hwasong-15, mà Bắc Hàn vừa phóng lên; ICBM là những chữ viết tắt của danh từ intercontinental ballistic missile (hỏa tiễn liên lục địa-HTLLĐ).

Đặc tính của HTLLĐ là có tầm bắn xa hơn loại hỏa tiễn thông thường, tầm bắn ngắn nhất là 5,500 cây số (3,400 mile - dặm), nói cách khác, Kim Jung Un có khả năng đe dọa bất cứ thành phố nào của Hoa Kỳ, như Anchorage - 3,670 miles, Seattle - 5,080 miles, Portland - 5,160 miles, San Francisco - 5,530 miles, Los Angeles - 5,880 miles, Honolulu - 4,500 miles, Washington D.C. - 6,820 miles; Tokyo không phải lo vì nằm quá gần, 750 miles.


Hỏa tiễn Hwasong-15 có thể vói tới bất cứ thành phố nào của Hoa Kỳ


Hỏa tiễn Hwasong-15

Vô cùng bình tĩnh, tổng thống nói, "Đó là một tình hình mà chúng ta sẽ đối phó."
Không bình tĩnh được như tổng thống, Tướng James Mattis, bộ trưởng quốc phòng nhận xét, “Đường đạn đạo không nghiêng, mà bay thẳng lên không trung; tôi nghĩ đó là một hỏa tiễn ICBM,” ông nói với phóng viên truyền thông.

ICBM -hỏa tiễn liên lục địa- bắn thẳng đứng lên không gian, vì nó vượt ra ngoài bầu khí quyển, rồi từ đó mới được điều khiển đến mục tiêu; đó là lý do ICBM có tầm bắn tối thiểu 5,500 cây số. Ra khỏi bầu khí quyển hỏa tiễn không cần nhiều nhiên liệu nữa, do đó có thể bắn rất xa. Nhược điểm của ICBM là thiếu chính xác, chỉ có thể bắn trúng một thành phố lớn, nhưng không bắn đúng ngay vào nhà ông thị trưởng được.
Điểm nguy hiểm của nó là nó đến mục tiêu theo hướng từ trên xuống, chứ không đến ngang như rocket, giúp Mỹ có thể đón đạn đạo bắn rơi nó, như những giàn phóng đặt quanh Do Thái đã bắn rơi gần như trọn bộ tổng số hỏa tiễn bắn từ giải Gaza vào.

Điểm đang được quan tâm là bước tiến khổng lồ trên kỹ thuật chế tạo hỏa tiễn của Bắc Hàn; 74 ngày trước -trong cuộc bắn thị oai tháng Tám, 2017- Bắc Hàn chỉ sử dụng loại hỏa tiễn chiến thuật, có tầm bắn trên dưới 1,000 cây số. Cuối tháng 11, 2017 họ sử dụng kỹ thuật ICBM, khiến nhiều khoa học gia nghi ngờ có chuyên viên Trung Cộng đến giúp họ.

Một chi tiết khả nghi khác: giờ phóng hỏa tiễn là 3 giờ sáng ngày thứ Tư, 29 tháng 11, -chưa bao giờ Bắc Hàn phóng hỏa tiễn ban đêm cả; do đó nghi vấn đặt ra là họ muốn dấu sự có mặt của những chuyên viên Trung Cộng.

Chỉ trong vòng 54 phút hỏa tiễn bay mút tầm 2,800 dặm rồi được điều khiển trở xuống, đâm đầu vào một cái phao được thả trên Nhật Hải -Biển Nhật.


Chủ tịch Bắc Hàn đứng bên Hỏa tiễn Hwasong-15

Ngay ngày hôm đó, Bắc Hàn phổ biến nhiều chi tiết, hình ảnh của cuộc kích hỏa HS-15; họ nhấn mạnh là phần đầu đạn rất lớn có khả năng chuyên chở nhiều quả bom nguyên tử nhỏ để tấn công nhiều mục tiêu; tầm bắn tối đa của HS 15 xa đến 13,000 cây số, đủ bao trùm toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ.

Chủ bút tạp chí Nonproliferation Review (Hạn Chế Vũ Khí Nguyên Tử), Joshua H. Pollack, nhận xét, “Tầm bắn quá xa, và cái mũi quá lớn của hỏa tiễn, khiến tôi nghĩ là Bắc Hàn chủ trương sử dụng hỏa tiễn của họ trên một mục tiêu khổng lồ.”

Tiên liệu sức tàn phá của hỏa tiễn nguyên tử, Tổng Thống Hoa Kỳ Trump đã từng bảo Bắc Hàn là đừng buộc ông phải đem “hỏa ngục và cuồng sát” (fire and fury ) giáng xuống Bắc Hàn. Cho đến giờ này chỉ riêng người Nhật -với hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống năm 1945- mới thật hiểu cái khiếp đảm của “hỏa ngục và cuồng sát.”

Cầu nguyện để xin Thượng Đế đừng cho “hỏa ngục và cuồng sát” tái diễn tại Bình Nhưỡng hay Los Angeles. Giáo sư Alex Wellerstein, thuộc viện đại học Stevens Institute of Technology, tạo ra một mạng tin sử dụng toán học algorithm để người đọc có thể viết giả thuyết về sức nặng của quả bom nguyên tử và tổn thất gây ra nếu bom được thả xuống một thành phố nào đó của Hoa Kỳ.

Có người đã viết giả thuyết một hỏa tiễn nguyên tử chuyên chở 250 kiloton đánh vào Los Angeles, thì kết quả ước lượng là 1.2 triệu sinh mạng bị tàn phá, gồm 378,800 người bị giết, và 861,210 người bị thương.
Con số này bằng 2.5 lần tổn thất của Hoa Kỳ trong Thế Chiến Thứ Nhì, bảy lần tổn thất trong Chiến Tranh VN, và 126 lần tổn thất ngày 11 tháng 9, 2001


Tổn thất bằng 7 lần chiến tranh VN


Và 126 lần cuộc khủng bố 11 tháng 9, 2001

Tuy vô cùng khiếp đảm nhưng chiến tranh nguyên tử vẫn chưa xảy ra ngày mai, tháng sau, hay năm tới, vì mục đích của cả Trung Cộng lẫn Bắc Hàn đều không phải là tấn công Hoa Kỳ; Bắc Hàn chỉ muốn thống nhất Nam-Bắc dưới quyền đảng Cộng Sản Triều Tiên, và Trung Cộng cũng chỉ muốn làm bá chủ Á Châu.
Nhân dân Nam Hàn, sau 70 năm dân chủ, tự do, và vô cùng thịnh vượng, chắc chắn không bao giờ muốn chia cuộc sống đói khổ của Bắc Hàn, nhưng họ chỉ có tiền, có kỹ nghệ, mà không có súng lớn, bom nguyên tử, và nhất là không có kỷ luật thép của Bắc Hàn.

Nền độc lập của Nam Hàn trông cậy vào sự hiện diện của trên 30 ngàn quân Mỹ vẫn có mặt tại đó từ cuộc chiến tranh Nam-Bắc Hàn 1950-1953; nhưng Trung Cộng biết bí quyết làm tan biến lực lượng này, như họ đã từng làm tan biến nửa triệu quân Mỹ trên chiến trường Việt Nam.

Câu hỏi đang được nhiều người nêu lên là -trước khi Bắc Hàn có hỏa tiễn liên lục địa, thì Nga và Trung Cộng cũng đã có, và có rất nhiều loại hỏa tiễn ICBM- nhưng tình trạng đó không gây nguy hiểm gì cho Hoa Kỳ; lý do nào khiến Hoa Kỳ phải lo ngại lần này?

Câu trả lời là Bắc Hàn có hai thứ đáng sợ:
thứ nhất sợ kẻ anh hùng;
thứ nhì sợ kẻ bần cùng, thí thân.
Có HS-15 lại có cả thằng Bần, đang là bí quyết sức mạnh vô địch của chú Un, trong lúc tổng thống Hoa Kỳ chỉ có người bạn thân là Mr. Xí -tên Mỹ của chủ tịch Tập Cận Bình.
Quả là buồn, dù tổng thống có cứng thật, ít nhất ông cũng cứng hơn Dân Biểu Dân Chủ John Conyers Jr..

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT