Thế Giới

Du khách thích chiếc mũ truyền thống Nga

Sunday, 08/07/2018 - 10:17:39

Trước đây, phụ nữ Nga đã kết hôn thường đội mũ kokoshni, nhưng truyền thống này dần mai một, và hiện nay chiếc mũ chỉ còn được sử dụng trong các đoàn múa nghệ thuật.


Mũ kokoshnik (FromRussia.com)

NGA – Các du khách từ khắp thế giới đến Nga xem World Cup rất thích thú với chiếc mũ truyền thống "kokoshnik.” Mũ "kokoshnik" thu hút chú ý của cổ động viên nước ngoài, sau khi hình ảnh 3 khán giả đội chiếc mũ này xuất hiện trên màn ảnh truyền hình trong trận Nga - Tây Ban Nha hôm 1 tháng 7. “Kokoshnik” là mũ truyền thống của phụ nữ Nga, có hình dạng giống như chiếc vương miện. Các nữ cổ động viên Nga, đôi khi có cả nam giới, thường đội chiếc mũ này tới các trận đấu để ủng hộ đội nhà. "Tôi thật sự muốn cổ vũ đội nhà bằng cách đội “kokoshniki.” Tôi tin là nó sẽ mang đến may mắn cho họ,”cô Kermen Mandzhiyeva, một cổ động viên Nga, cho biết.
Trong khi đó, nhiều nữ du khách nước ngoài coi “kokoshnik” như một phụ kiện thời trang. "Nó rất đẹp, nhiều màu sắc và trông rất hợp với tôi,” một phụ nữ người Brazil đang có mặt ở St. Petersburg nói. Nhà thiết kế Tatyana Dombrovskaya cho biết, mũ kokoshni là một trong những đồ lưu niệm mà các du khách mùa World Cup mua nhiều nhất ở Nga. "Đó là một phần văn hóa của chúng tôi mà khách du lịch có thể mang theo khi rời Nga,” bà Dombrovskaya nói. Trước đây, phụ nữ Nga đã kết hôn thường đội mũ kokoshni, nhưng truyền thống này dần mai một, và hiện nay chiếc mũ chỉ còn được sử dụng trong các đoàn múa nghệ thuật.

Thiệt mạng vì bắt chước thần tượng Messi
ẤN ĐỘ - Một cầu thủ nghiệp dư Ấn Độ đã bất tỉnh và tử vong sau khi tìm cách thực hiện động tác dẫn banh của thần tượng Lionel Messi, danh thủ Argentina. Anh Sagar Das, 20 tuổi, tiền đạo của một đội bóng trẻ ở trường Deshapriyanagar Byamagar, Belgharia, Ấn Độ gặp tai nạn nghiêm trọng trong trận banh hôm thứ Năm. Theo lời nhân chứng, Sagar đã mất thăng bằng khi cố bắt chước một động tác của cầu thủ Messi, khiến anh bị té, banh đập trúng ngực, và anh bất tỉnh ngay sau đó. Cầu thủ trẻ được đưa tới bệnh viện đại học Kamarhati Sagar Dutta, nhưng qua đời sau đó vì chấn thương.
"Sagar theo dõi mọi trận đấu trong kỳ World Cup này. Nó là người hâm mộ cuồng nhiệt Messi và bị ám ảnh bởi World Cup đến mức quên cả việc học. Trong trận đấu giữa hai đội banh địa phương, nó cố thực hiện một số động tác dẫn banh và qua người giống phong cách của Messi,” Samar Koyal, anh họ của Sagar, cho biết. Tiền đạo Messi đã trở lại câu lạc bộ Barcelona ở Tây Ban Nha, sau khi Argentina bị Pháp loại khỏi World Cup. Messi là đội trưởng đội tuyển Argentina và từng 5 lần giành danh hiệu "Quả bóng vàng.”

Đại học nữ Nhật nhận sinh viên chuyển giới
TOKYO - Đại học Ochanomizu ở Tokyo, trường chỉ dành cho sinh viên nữ, sẽ bắt đầu nhận sinh viên chuyển giới từ tháng 4, 2020. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh nhiều trường của Nhật như Đại học Tsuda và Đại học Phụ nữ Nhật Bản cũng đang cân nhắc sửa đổi chính sách, sau những quyết định tương tự của các trường Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Đại diện trường Ochanomizu cho biết sẽ sớm tổ chức một cuộc họp báo để giải thích chi tiết về những thay đổi trong tuyển sinh, bao gồm cả cách trường định nghĩa sinh viên chuyển giới như thế nào.
"Không có lý do gì để từ chối người chuyển giới, miễn là họ mong muốn học tại ngôi trường dành cho nữ giới,” một sinh viên 20 tuổi tại Đại học Ochanomizu nói và khẳng định ủng hộ chính sách này của nhà trường. Theo Bộ Giáo Dục Nhật Bản, Đại học Ochanomizu là trường nữ học đầu tiên ở Nhật chấp nhận người chuyển giới từ nam sang nữ. Trường được thành lập năm 1875 và cũng là tổ chức giáo dục đại học đầu tiên dành cho nữ ở xứ sở hoa anh đào.
Theo cuộc thăm dò của một hãng tư nhân, cứ 13 người ở Nhật thì có 1 người là thành viên của cộng đồng LGBT. Nhật Bản đang dần chấp nhận người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới. Nhiều thành phố đã bắt đầu thừa nhận các cặp vợ chồng LGBT. Một số trường trung học đã đưa ra mẫu đồng phục phi giới tính nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Sàn tiền ảo lớn nhất thế giới dự kiến lời $1 tỷ
NHẬT - Bất chấp việc thị trường tiền ảo nhiều lần sụt giảm từ đầu năm đến nay, kéo theo những khoản lỗ nhiều tỷ Mỹ kim, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới Binance vẫn ung dung kiếm lời. Giám đốc điều hành Changpeng Zhao của Binance dự kiến sàn này sẽ có lời từ $500 triệu đến $1 tỷ Mỹ kim trong năm 2018. Doanh thu nửa đầu năm của Binance là khoảng $300 triệu Mỹ kim. Ra đời 1 năm trước, Binance hiện có lượng giao dịch khoảng $1.5 tỷ Mỹ kim và có 10 triệu người dùng. Những con số ông Zhao tiết lộ cho thấy các sàn tiền ảo vẫn đang có lời, bất chấp đà giảm giá của tiền ảo, trong đó Bitcoin mất 52% giá trị từ đầu năm khi các nhà đầu tư bán tháo, hàng loạt sàn tiền ảo liên tục bị hack, và các chính phủ gia tăng quản lý.
Dù đang có tranh chấp với nhà chức trách tại Nhật Bản và Hong Kong, sàn Binance vẫn đang dự định mở rộng hoạt động tại Uganda, Bermuda và Malta, cho phép chuyển đổi tiền ảo sang tiền thật như euro. Ông Zhao thành lập Binance vào tháng 7, 2017, 11 ngày sau khi gom được $15 triệu Mỹ kim bằng việc phát hành tiền ảo (ICO). Khi cơn sốt tiền ảo đạt đỉnh điểm vào năm ngoái, Binance có khối lượng giao dịch tới $11 tỷ Mỹ kim/ngày. Theo xếp hạng của Coinmarketcap.com, Binance hiện là sàn tiền ảo lớn nhất thế giới, với lượng giao dịch trung bình khoảng $1.3 tỷ Mỹ kim 1 ngày.

Bị phỏng vì đắp tỏi trị bệnh nấm móng
ANH QUỐC – Một phụ nữ ở Anh đã tự ý đắp tỏi lên ngón chân 4 tiếng mỗi ngày trong suốt 1 tháng, để trị bệnh nấm móng, thay vì đến bệnh viện để được chữa trị. Hậu quả là người phụ nữ 45 tuổi này bị phỏng hóa học độ 2 ở ngón chân cái, khiến ngón chân của bà sưng đỏ và nổi bọng nước. Người phụ nữ đã nhập viện trong tình trạng ngón chân đau rát, và mất 2 tuần để bình phục. Các bác sĩ cũng yêu cầu bà nên ngừng việc đắp tỏi lên da.
Theo các chuyên gia, tỏi được dùng để trị bệnh từ hàng ngàn năm trước do khả năng kháng khuẩn và chống nấm, nhưng chúng cũng có thể gây hại cho da. Tỏi chứa hợp chất sulphur có thể phản ứng với nhiệt độ và gây phỏng. Nhiều trường hợp tương tự đã được báo cáo trên các tạp chí y khoa. Trong đó, một phụ nữ 80 tuổi đã dùng tỏi sống để chữa chứng đau dây thần kinh, bằng cách giã tỏi, bọc vào vải và chườm lên mặt, theo hướng dẫn của một người hàng xóm. Kết quả là người phụ nữ này bị bỏng độ 2 và phải vào bệnh viện. Các bác sĩ cho biết trường hợp này cho thấy khả năng gây thương tích tiềm ẩn của việc sử dụng tỏi theo phương pháp thiên nhiên, đồng thời khuyên người dân nên thận trọng khi dùng thảo dược để trị bệnh.

Thị trấn lập kỷ lục về khoai tây chiên
AEGEA – Trang web của tổ chức Sách Kỷ lục Guinness vừa chính thức xác nhận người dân trên đảo Naxos, thuộc quần đảo Aegea phía đông nam Hy Lạp, đã chiên hết 1.5 tấn khoai tây, lập kỷ lục là “Địa điểm có số lượng khoai tây được chiên cùng lúc nhiều nhất thế giới.” Nhân dịp Lễ hội khoai tây chiên thường niên diễn ra vào ngày 1 tháng 7 vừa qua, hàng ngàn cư dân thị trấn Naxos, thủ phủ của đảo cùng tên, đã cùng tề tựu trên quảng trường phía trước Tòa thị chính. Tại đây, vô số khoai tây mới thu hoạch đã được chở tới, rửa sạch và cắt nhỏ, trước khi đem chiên giòn, vốn là món ẩm thực "khoái khẩu" lâu đời tại Naxos.
Sau hơn 3 giờ chuẩn bị với sự trợ giúp của gần 200 nhân viên tình nguyện, 1.500 ký khoai tây nguyên liệu đã cắt xong, và được các đầu bếp chuyên nghiệp lần lượt đổ vào 22 chiếc chảo lớn, chứa 1,000 ký dầu olive đang sôi. Khoai tây được chiên chín vàng, sau đó được phân phát cho những người có mặt cùng thưởng thức. Được biết, kỷ lục cũ ghi trong Sách Guinness thuộc về cư dân một khu vực lân cận thành phố Mesa, thuộc tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ, lập vào ngày 20 tháng 9, 2014, với số lượng 454.95 ký khoai tây được chiên giòn cùng lúc.

Israel thử nghiệm lọc hạt nhựa trong nước biển bằng sứa
KARMIA - Các nhà nghiên cứu Israel đang cố gắng thử nghiệm sử dụng sứa để xử lý các hạt nhựa nhỏ (microplastic) trong nước biển và nguồn nước tưới. Nghiên cứu này do giáo sư Dror Angel thuộc trường Đại học Haifa ở miền Bắc Israel dẫn đầu, với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu tới từ trường đại học Braude ở thành phố Karmie. Giáo sư Angel và nhóm nghiên cứu của ông tin rằng sứa có thể xử lý những mẩu nhựa nhỏ trong nước. Các chuyên gia sẽ kiểm tra khả năng sử dụng chất nhờn từ sứa để giữ và loại bỏ những mảnh nhựa li ti ra khỏi nước tái chế từ các nhà máy xử lý nước thải.
Các hạt nhựa và mảnh nhựa siêu nhỏ, một khi lẫn trong nước, thường khó giải quyết. Trong môi trường đại dương, loại rác thải này có thể trở thành thức ăn của các loài cá, chim... và gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người, khi con người đánh bắt và tiêu thụ các loại động vật này. Một nhóm các nhà khoa học cho biết hồi năm ngoái, khoảng 40% lượng cá đánh bắt tại các hồ và biển tại Nhật Bản đều có chứa hạt nhựa siêu nhỏ trong cơ quan tiêu hóa của chúng. Theo các chuyên gia, tổng lượng rác thải nhựa mỗi năm thu gom tại các đại dương trên thế giới vào khoảng 4.8 triệu đến 12.7 triệu tấn. Lượng rác nhựa không được thu gom sẽ quay trở lại vào mạng lưới thực phẩm của con người.

Tai nạn kỳ lạ: gãy xương hốc mắt do... hỉ mũi
ANH QUỐC - Chỉ vì hỉ mũi mạnh mà một phụ nữ 36 tuổi ở Anh đã bị gãy xương hốc mắt. Chấn thương này thường chỉ xuất hiện khi có tác động mạnh vào mắt. Các bác sĩ cũng vô cùng bất ngờ vì tai nạn hy hữu này. Người phụ nữ đã đến Bệnh viện Đại học North Middlesex ở thành phố London với những triệu chứng như thể vừa trải qua một trận quyền Anh. Cô bị chảy máu mũi, mất thị lực, bị sưng và đau ở nửa bên trái khuôn mặt. Tai nạn này xảy ra vào năm 2017, nhưng chỉ mới được các bác sĩ tiết lộ trong một bài viết trên Tạp chí Y Khoa Anh Quốc (BMJ) gần đây.
Hỉ mũi mạnh đã khiến nữ bệnh nhân bị bể sàn ổ mắt - chấn thương vốn thường chỉ xuất hiện do một cú đấm trực tiếp vào hốc mắt. “Nó rất kỳ lạ. Chúng tôi từng thấy người bị gãy xương hốc mắt do bị tai nạn, bị đánh, nhưng tôi chưa vào giờ từng nghe lại có người bị như thế chỉ vì hỉ mũi,” Bác Sĩ Sam Myers, người trực tiếp chữa trị cho nữ bệnh nhân cho biết.
Đây là một trường hợp kỳ lạ và rất hiếm xảy ra. Người phụ nữ kể rằng trước khi nhập viện, cô đã cảm thấy rất khó hỉ mũi. Bác Sĩ Myers cho biết ông vẫn không giải thích được vì sao một cú hỉ mũi lại có thể làm gãy xương hốc mắt. Ông cho rằng nguyên nhân có thể vì bệnh nhân đã bịt một bên mũi và hỉ mạnh bên mũi còn lại. Chính điều này đã gây áp lực lớn vào xương hốc mắt. Đồng thời, vì xương hốc mắt của bệnh nhân có thể yếu một cách bất thường, nên dễ bị tổn thương hơn. Theo Bác Sĩ Myers, vết gãy không cần phẫu thuật mà chỉ uống thuốc giảm đau và tránh bị chấn thương. Nữ bệnh nhân đã phục hồi từ tai nạn, nhưng thường xuyên bị đau ở phần mặt bên trái, ngay vị trí vết xương từng gãy. Cơn đau có thể kéo dài từ 30 phút đến hàng giờ.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT