Người Việt Khắp Nơi

Đức Đạt Lai Lạt Ma dự Đại Lễ Lạc Thành chùa Điều Ngự trong sự hoan hỉ của Phật tử khắp nơi

Tuesday, 21/06/2016 - 07:48:11

Khoảng sân trước của chùa khá là rộng nhưng vẫn không đủ cho tất cả mọi người tham dự, ban tổ chức phải dựng thêm nhiều khán đài dã chiến ở bên ngoài cổng ngay trên đường Chestnut để cho Phật tử có thể tham dự từ xa qua màn hình ti vi lớn. Ước lượng khoảng hơn 1,000 người tham dự vào sáng Chủ Nhật.

WESTMINSTER – “Tôi xem mình như là người học trò nhỏ bé nhất của Đức Phật,” Đức Đạt Lai Lạt Ma nói khiêm tốn trong bài đạo từ tại Chùa Điều Ngự, nhân dịp chùa tổ chức Đại Lễ Lạc Thành Chùa vào sáng Chủ Nhật.


Buổi lễ đã diễn ra trong không khí trang trọng và hoan hỉ. Cũng như buổi lễ hôm thứ Bảy, sáng ngày Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016 đã có rất nhiều người kéo đến chùa Điều Ngự để dự Đại Lễ Lạc Thành chùa mới, đồng thời được diện kiến Đức Đạt Lai Lạc Ma quang lâm.

Thời gian được thông báo với truyền thông là 9 giờ sáng, nhưng trước đó đã có rất nhiều người đến sớm để chọn cho mình chỗ ngồi tốt. Quang cảnh đông đúc nhưng vẫn rất trật tự vì có sự hỗ trợ an ninh từ sở cảnh sát, cơ quan an ninh, cảnh vệ có mặt khắp mọi nơi trong chùa. Các tuyến đường xung quanh chùa được phong tỏa từ mấy ngày trước, người dân phải đậu xe ở chỗ xa rồi đi bộ vào, phải xếp hàng đi qua cổng an ninh y như trong phi trường.

Quang cảnh trước khi Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm sáng Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


Khoảng sân trước của chùa khá là rộng nhưng vẫn không đủ cho tất cả mọi người tham dự, ban tổ chức phải dựng thêm nhiều khán đài dã chiến ở bên ngoài cổng ngay trên đường Chestnut để cho Phật tử có thể tham dự từ xa qua màn hình ti vi lớn. Ước lượng khoảng hơn 1,000 người tham dự vào sáng Chủ Nhật.

Mặc dù nhiệt độ ban ngày Chủ Nhật còn cao hơn cả ngày thứ Bảy nhưng rất nhiều người vẫn không ngại phơi mình dưới cái nắng nóng gay gắt, kiên nhẫn chờ đợi sự xuất hiện của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đúng 9 giờ, có 3 hồi chuông được ngân lên nhưng chỉ là bước tập dợt, sau đó khoảng mươi mười lăm phút thì Đức Đạt Lai Lạc Ma mới chính thức xuất hiện sau 3 hồi chuông khác. Ngài từ bên trong chánh điện bước ra trong sự reo hò vui mừng của Phật tử ngồi bên dưới. Khi ngài quang lâm, rất nhiều cánh tay giơ lên với đủ loại phương tiện camera, ai cũng cố ghi lại hình ảnh của ngài để làm kỷ niệm, như một Phật tử của chùa Điều Ngự đã từng trả lời phỏng vấn với chúng tôi, “Cả trăm ngàn kiếp mới có được một lần.”


Một rừng điện thoại máy chụp hình giơ lên để chụp hình Đức Đạt Lai Lạt Ma mặc kệ cái nắng chói chang trên đầu. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)



Sau phần phát biểu của Hòa Thượng Thích Viên Lý, Thị Trưởng Tạ Đức Trí của thành phố, Tổng Trưởng Tài Chánh John Chiang của California, Nghị Sĩ Tiểu Bang Janet Nguyễn, Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal, cùng một số vị dân biểu khác là đến phần ban đạo từ của Đức Đạt Lại Lạt Ma. Đây là phần được nhiều người mong đợi nhất trong buổi sáng. Ngài giảng bằng tiếng Anh lẫn tiếng Tây Tạng, sau đó có một ni sư dịch lại tiếng Việt cho bà con người Việt ngồi bên dưới. Ngài nói:

“Kính thưa các tôn đức tăng ni, đại chúng đặc biệt là những vị đang bị nắng nóng. Tôi xin gửi lời tri ân đến tất cả. Tôi là đệ tử của Đức Phật. Tôi xem mình như là người học trò nhỏ bé nhất của Đức Phật. Và học theo cái truyền thống của Nalanda. Tôi rất vui trước công trình chùa Việt Nam của cộng đồng người Việt, để học tập giáo lý của Đức Phật. Các vị là những người lưu vong. Năm 1959 tôi là người lưu vong, lâu hơn, lớn tuổi hơn.Tôi rất ngưỡng mộ các bạn, dù sống ở đâu nơi nào, các bạn cũng duy trì tín ngưỡng, văn hóa. Xây dựng chùa chiền, tiếp tục duy trì văn hóa. Tôi đã đến Úc Châu, Âu Châu và đặc biệt nơi đâu cũng xây dựng chùa chiền, lưu giữ nền văn hóa tín ngưỡng của Việt Nam.

       Đức Đạt Lai Lạt Ma chào đáp lại tiếng reo hò của mọi người ở bên dưới khi họ thấy ngài xuất hiện. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)

“Tôi nhìn vào quốc kỳ của nước Mỹ và tôi nghĩ rằng đất nước Mỹ là đất nước dẫn đầu thế giới.Tại vì người Tây Tạng lưu vong, cho nên chúng tôi đến nơi đây. Chính phủ ở đây đã mở rộng tay cứu vớt, trợ giúp những người lưu vong chúng tôi. Cho nên tôi rất là ngưỡng mộ và ghi nhận cái sự giúp đỡ đó.

“Tôi muốn chia sẻ với các vị chư tôn đức tăng ni, chúng ta là những người phụng sự Đức Phật cách hợp lý nhất. [...] Quý vị nào muốn bảo trì gia pháp Đức Phật chỉ duy nhất có hai cách bảo trì giáo và chứng.
“Cho nên chúng ta phải nghiên cứu học hỏi tam bảo kinh điển, hiểu rõ nội dung trong đó kinh, luật, luận để thu tập tam vô đạo học giới định tọa có nghĩa hiểu biết giáo lý Đức Phật để chúng ta thực hành phát triển duy trì gia pháp Đức Phật bằng cách là giáo và chứng đắc của chính mình.

“Cách duy nhất duy trì giáo lý Đức Phật là học hiểu thấu hiểu đi vào thực hành [...] tu tập để chứng đắc.
“Tôi hay nói với các Phật tử ở Ấn Độ hay là những nơi khác, xây dựng những tôn tượng rất là to lớn. Tôn tượng này có thể tồn tại 1,000 năm nhưng mà trong suốt cả 1,000 năm thì tôn tượng không có thuyết một lời pháp nào cả. Cho nên chúng ta cần những gì. Chúng ta cần được thuyết giảng, cần được giáo lý, giải thích giáo lý như trong bảy chư Phật mẫu bảo hiền có thỉnh Phật chuyển pháp luân. Nếu như mà chư Phật, chư Bồ Tát xuất hiện trước mặt mình, mình thỉnh Phật chuyển pháp luân thì Đức Phật sẽ nói như thế này, Những điều thuyết pháp, những điều ta đã dạy rất là nhiều nhưng các con có học hay không. Cho nên mình có thỉnh chuyển pháp luân nhưng mình không chịu nghiên cứu học hành thì Đức Phật có xuất hiện ngài cũng nói như vậy.

 Vợ chồng chị Nhung cư dân Garden Grove dù phải đứng ngoài nắng xem qua màn hình TV nhưng họ vẫn rất vui vẻ. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)

“Làm thế để hiểu sâu sắc lời dạy của Đức Phật thì chúng ta cần phải học, nghiên cứu những bộ luận quan trọng. […...] Cho nên tôi nói nên nghiên cứu những bộ luận của 17 vị hiền triết Nalanda quan trọng chúng ta cần phải học. Có một vị Đại La Hán Samara đã nói rằng cái việc của người tu hành, thiền quán tu tập của mình tràn đầy ý nghĩa, không những chỉ khoác tấm y của một tu sĩ lên chưa chắc bạn đã đạt được mục đích làm đẹp lòng chúng sinh. Vì lý do đo nên tôi yêu cầu nơi nào có ngôi chùa chiền lớn thì trở thành nơi tu tâm, tu học Phật pháp.

“Thưa các vị chư tôn đức tăng ni, các vị trưởng lão. Cảm giác riêng của tôi, hôm nay tôi đã 80 tuổi. Nhưng cảm giác mình vẫn là người học trò của giáo lý Đức Phật.

“Trong Phật pháp chúng ta tu tập thiền chỉ và thiền quán một cách đúng đắn nhất thì chúng ta cần tiến trình tâm thức của mình. Hiểu tâm thức thì chúng ta mới phát triển được từ bi, từ bi và trí tuệ nó là một phần trong tâm thức của mình. Chúng ta nỗ lực phát triển từ bi và trí tuệ nên chúng ta cần có đầy đủ kiến hiểu tâm thức của mình, về những xúc cảm. Làm thế nào giải thích được tâm thức và xúc cảm một cách sâu sắc nhất tốt. Chính là các học thuyết người Ấn Độ rất là đầy đủ trong Phật giáo của mình.
“Từ cái tâm thức đó không chỉ học riêng cho người Phật tử mà đến lúc chúng ta cần phải chia sẻ kiến thức quý báu về tâm thức về sức khỏe cho tất cả mọi người, cho những người không có tín ngưỡng và tôn giáo. Tại vì họ cũng là con người, cũng là nhân loại, họ cũng bị tâm niệm tiêu cực nó hoành hành nó làm cho họ đau khổ. Cho nên chúng ta phải có trách nhiệm cho họ học và biết được toàn bộ cái cấu trúc vận hành của tâm thức như thế nào, chức năng của tâm thức.

                Cô Tâm Liễu và cô Nguyên Thảo trong ban tài chánh của chùa. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)

“Tôi nghĩ rằng cái ngôi chùa phải là cái trung tâm tu học để cho mọi người đến đó tìm hiểu học hỏi cái tâm thức của mình như thế nào và hoạt động của nó như thế nào, để làm thế nào đối diện và dẹp tâm thức tiêu cực đó.

“Điều ước của tôi là làm hòa hợp các tín ngưỡng tôn giáo. Cho nên nơi đây cũng là cái nơi có thể chúng ta trao đổi học hỏi với những tín ngưỡng tôn giáo khác ở tại nơi đây. Tại vì tất cả tín ngưỡng tôn giáo có cùng một mục đích, cùng một hướng đi đến là phát triển lòng từ bi và trí tuệ. Với mục đích đó với nhiều triết học và cách lý giải khác nhau, chúng ta cần thảo luận, học hỏi để phát triển hòa đồng hòa hợp các tôn giáo.
“Cho nên tôi có những người bạn Ấn Giáo, họ rất là khát khao học hỏi giáo lý Đức Phật. Có một vị tu sĩ bên Ki Tô Giáo, một hôm ông ấy hỏi tôi về tính không Sunyata. Tôi nói đừng hỏi tôi về chuyện đó vì điều này duy nhất chỉ có trong giáo lý Đức Phật, cái đó không phải là chuyện của ông nên ông không phải hỏi về điều này. Khác tôn giáo khác triết học nhưng mà cùng chung mục đích phát triển lòng từ bi, tha thứ, khoan dung, độ lượng, tự kỷ luật. Cho nên tôi hi vọng nơi này sẽ thành cái trung tâm để chúng ta trao đổi những cái triết học và nhiều tín ngưỡng khác nhau.”

“Ba-mươi năm qua tôi đã có những cuộc thảo luận bốn lãnh vực chính như là vũ trụ học, thần kinh học, sinh vật học, tâm lý học, vật lý học. Và đặc biệt là cái vật lý vi lượng tử. Tôi cũng hi vọng nơi này là cái nơi chúng ta có thể thảo luận với các nhà khoa học hiện đại.

“…Để tôi trợ giúp cái việc thảo luận đó với chư tôn đức tăng ni của Việt Nam chúng ta, lúc đó có thời gian tôi sẽ đến tham dự nhưng quý thầy trì phải trả chi phí cho tôi, xin cảm ơn.”


Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa cười vừa nói lời cuối kết thúc phần ban đạo từ của ngài.
Sau đó chùa mời các vị chư tôn trưỡng lão hòa thượng lên lễ đài cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma tiến hành nghi thức cắt băng khánh thành chùa mới. Và sau đó tiến vào điện thờ chính làm Đại Lễ Lạc Thành.

Một cô trong ban tài chánh của chùa với pháp danh Tâm Liễu đã chia sẻ, “Cô rất là vui mừng, rất là hãnh diện. Cô là Phật tử chùa Điều Ngự. Hôm nay khánh thành chùa mà có ngài Đức Đạt Lai Lạt Ma qua nên cô rất là mừng, rất là vui, rất là hoan hỉ.”


Nhóm Phật tử từ tiểu bang Missouri xa xôi đến Quận Cam, đã rất mừng rỡ khi gặp được Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Chùa Điều Ngự. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


Chú Dương Sĩ Bình trong ban an ninh của chùa Điều Ngự thật tình cho biết, “Chú rất là vui mừng, Đức Đạt Lai Lạt Ma về tham dự với khán giả đồng bào. (Công việc) vất vả cũng phải chịu thôi biết sao bây giờ, bảo vệ tốt hai đêm là hoàn thành.”
Ông Khương từ tiểu bang Missouri cùng người thân qua Nam California tham dự ngày đại lễ, “Chú đi dự (khánh thành) chùa Điều Ngự rất là phấn khởi. Cái thứ hai nữa là gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, học nhiều điều từ lòng từ bi của ngài, muốn mang đến hạnh phúc hòa bình cho mọi người. Chú đi từ hôm qua.”
Cô Trâm đi cùng nhóm với ông Khương xúc động nói thêm vào, “Mình nghĩ là trong mơ, chứ không nghĩ sẽ được gặp trực diện ngài (Đức Đạt Lai Lạt Ma) như thế này. Một giây phút rất là tuyệt vời, không thể tả được. Hôm nay chị ngồi ở đây, còn hôm qua chị ngồi trên kia.”


Đức Đạt Lai Lạt Ma đang thuyết pháp, bên trái là Hòa Thượng Thích Viên Lý, bên phải là tăng ni phiên dịch tiếng Việt cho ngài. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)

Còn cô Trang ngồi kế cô Trâm cũng cười rất tươi, “Rất là hoan hỉ.”
Chị Nhung cư dân thành phố Garden Grove cùng chồng đứng ngoài chùa che dù dưới trời nắng nóng xem lễ qua tv nhưng họ rất vui tươi, “Chị rất vui.”
Theo thông báo được gởi đi hôm thứ Ba của IBC, một đài truyền hình của Chùa Điều Ngự, hơn 20,000 người đã tham dự ba ngày lễ lạc thành của chùa.

 


Đức Đạt Lai Lạt Ma cười vui vẻ với Phật tử ngồi bên dưới. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)
 
 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT