Hoa Kỳ

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã quyết định thoái vị

Hoài Mỹ/Viễn Đông Monday, 11/02/2013 - 08:08:48

Đức Ông Lombardi nói rằng chính ông và nhũng người khác trong Giáo Hội đều quá ư ngạc nhiên trước quyết định của Đức Giáo Hoàng. Thế nhưng “Đức Giáo Hoàng trước đây cũng đã từng bầy tỏ rằng việc ấy vẫn khả thể.”

VATICAN - Một biến cố gây sửng sốt cho toàn thế giới, đặc biệt đối với các vị nguyên thủ quốc gia, nhất là đối với trên một tỉ tín hữu Công Giáo trên khắp toàn cầu: Đức Giáo Hoàng Benedict Thứ Mười Sáu (XVI), 86 tuổi, đã quyết định thoái vị. Đài Phát Thanh Vaticano trưa hôm qua Thứ Hai, 11-02-2013, đã chính thức công bố lá thư (bằng Anh văn) thoái vị của Đức Thánh Cha gửi cho Hội Đồng Hồng Y: “... After having repeatedly examined my conscience before God, I have come to the certainly that my strengths, due to an advanced age, are no longer suited to an adequate exercise of the Petrine ministry...”
Trong lịch sử Công Giáo, vị Giáo Hoàng thoái vị lần trước là vào năm 1400.

Quyết định riêng tư
Trong buổi họp báo ở Vatican, Đức Ông Fredico Lombardi, Giám Đốc văn phòng thông tin của Tòa Thánh, đã đọc một bài tường thuật từ một nhật báo Đức phát hành năm ngoái; trong đó Đức Giáo Hoàng đã được hỏi liệu ngài có thể nghĩ đến việc ngài thoái vị không thì ngài trả lời rằng ngài không muốn từ chức bao lâu mà giông bão vẫn bao quanh Giáo Hội Công Giáo, tuy nhiên trong trường hợp thời gian đưa đến mà tâm thần và thể lý của ngài không còn có thể chu toàn các bổn phận, thì khi đó “tôi có quyền và phận sự ra đi”.
Lời tiên báo trên đây đã trở thành sự thật.
Đức Ông Lombardi nói rằng chính ông và nhũng người khác trong Giáo Hội đều quá ư ngạc nhiên trước quyết định của Đức Giáo Hoàng. Thế nhưng “Đức Giáo Hoàng trước đây cũng đã từng bầy tỏ rằng việc ấy vẫn khả thể.”
Đức Giáo Hoàng quyết định việc từ chức vào khoảng giờ 11:30 và 11:40 (giờ địa phương) trưa hôm qua sau khi cử hành một thánh lễ ở điện Vatican. Quyết định được công bố bằng tiếng Latin và đã được trực tuyến qua đài TV của riêng Vatican. Có lẽ một số người dường như đã được (?) biết trước quyết định của Đức Giáo Hoàng. Lý do là bản dịch bài diễn văn này đã được phân phối sau đó. Hơn nữa, Hội Đồng Hồng Y cũng đã được ngài thông báo trước.
Đức Ông Fredico Lombardi trình bày trươc lực lượng báo chí quốc tế: “Đây là quyết định của riêng Đức Thánh Cha mà thôi, và quyết định này không đột xuất, nhưng là điều mà ngài đã suy nghĩ rất nhiều và đã chín mùi”.


Lý do thoái vị của Đức Giáo Hoàng
Như trên đã kể, trong bản tuyên cáo, ngài đã giải thích là ngài cảm thấy không khỏe đủ về thể lý hay tâm thần để còn làm Giáo Hoàng nữa. Hôm qua Thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã trình bày trước các vị Hồng Y: “Ta phải thông báo cùng Chư Huynh một quyết định quan trọng, một quyết định mang một tầm quan trọng lớn lao đối với sự sống của Giáo Hội”.
Ngài tuyên bố tiếp: “Ta triệu tập Chư Huynh tại Hội Nghị Công Giáo này, không phải chỉ bởi nguyên nhân 3 biến cố phong thánh, nhưng còn để thông báo cùng Chư Huynh một quyết định mang tầm quan trọng lớn lao liên quan đến sự sống của Giáo Hội”.
Hội Nghị Công Giáo là hội nghị chính thức ở Học Viện Hồng Y. Tại đây sau khi cử hành một thánh lễ, đức đương kim Giáo Hoàng đã công bố quyết định thoái vị. Ngài giải thích rằng ngài không còn đầy đủ sức khỏe cần thiết nữa. Ngài nói: “Sau khi đã kiểm nghiệm lương tâm của Ta nhiều lần trước Thiên Chúa, Ta đã nhận thức rằng sức khỏe của Ta, vì nguyên nhân tuổi tác cao, không còn đầy đủ nữa để điều hành ngôi vị Giáo Hoàng...”
Ngài bầy tỏ tiếp: “Trong thế giới ngày nay, với biết bao sự đổi thay nhanh chóng và chao đảo bởi những vấn đề vốn có tầm quan trọng sâu xa liên quan đến đời sống Đức Tin, thì quả thật cần thiết có sức lực vừa về thể lý lẫn tâm thần để có thể lèo lái con thuyền Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng... Sức khỏe của Ta trong những tháng gần đây đã suy giảm đến mức độ mà Ta phải nhìn nhận sự khiếm khuyết khả năng của mình để chu toàn việc lãnh đạo vốn đã được trao cho Ta”.
Và: “Ta tuyên bố là Ta rút lui khỏi chức vị Giám Mục giáo phận Roma, đấng kế vị thánh Phêrô vốn Ta đã được Chư Huynh Hồng Y trao cho ngày 19 tháng 4 năm 2005 - để rồi đến ngày 28 tháng 2 năm 2003, lúc 20:00 giời (8:00 PM - giờ tối), ghế (giáo phận) Roma, ghế thánh Phêrô, sẽ trống.... Một cuộc bầu cử mới để tuyển chọn vị tân lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo sau đó sẽ phải được Hội Đồng Hồng Y thực hiện.”
Như vậy, kể từ ngày 01 tháng 03, khởi sự việc bầu cử vị tân Giáo Hoàng. Theo Đức Ông Fredico Lombardi, Vatican hy vọng có được một Đức Giáo Hoàng mới trước lễ Phục Sinh năm nay (ngày 31 tháng 3).

“Tự do linh thiêng”
Như chính Đức Giáo Hoàng đã thông báo; ngài thoái vị kể từ ngày 20-02-2013 nhưng nghi thức chính thức diễn ra ngày 28 tháng này.
Được biết, sau ngày 20 này, ngài di chuyển về Castel Gandolfo và tại đây ngài chấm dứt trọng trách Giáo Hoàng của ngài. Theo chương trình, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ lui về một tu viện thuộc Vatican, ở trung tâm Roma, thủ đô Ý quốc và ngài sẽ không còn nắm giữ chức vụ công quyền nào nữa trong Hội Thánh. Đức Ông Fredico Lombardi cho biết: “Tại đây ngài dành thời gian cuối đời của mình cho việc cầu nguyện và suy niệm”.
Theo Đức Ông Lombardi, Đức Giáo Hoàng sau khi thoái vị sẽ hoàn toàn rảnh rang để viết sách và tiếp xúc với dân chúng: “Trước đây Đức Giáo Hoàng đã từng nói ngài ước ao được cống hiến tuổi già của mình vào việc nghiên cứu, suy niệm và viết sách. Ngài được tuyệt đối thoải mái để làm những gì tùy ý ngài”.
Viên chức đặc trách thông tin của Tòa Thánh nhấn mạnh là ông không tin một vị Giáo Hoàng còn sống sẽ gây trở ngại gì cho vị tân Giáo Hoàng kế vị: “Theo chỗ tôi được biết vị Giáo Hoàng này, tôi chẳng có gì để lo lắng điếu ấy. Ngài là người với sự tự do rộng rãi làm theo ý mình, đối với ngài ý tưởng suy luận với vị tân Giáo Hoàng sẽ chẳng xung khắc với cá tính và phong cách của ngài”.
Vẫn theo Đức Ông Lombardi, Đức Giáo Hoàng đã “tập trung tư tưởng sâu xa” và đã chứng tỏ “phẩm cách” trong buổi tuyên bố quyết định: “Để thực thi được việc ấy, ngài đã chứng tỏ một sự tự do linh thiêng lớn lao. Đức Giáo Hoàng vẫn nhận thức những vấn đề mà Giáo Hội đối diện ngày nay, và rồi sự khả thể là những năng lực trẻ trung hơn so với của ngài hẳn có thể thành công hơn là chính ngài. Điều này đòi hỏi một sự quả cảm lớn lao và vốn không phải là một sứ quyết định bộc phát”.
Thế nhưng ông Lombardi đồng thời cũng bác bỏ những động lực về y khoa là nguyên ngân khiến Đức Giáo Hoàng thoái vị: “Không có bệnh tật nào cả vốn tác động đến quyết định của ngài. Tuy nhiên ngài cũng đã nhấn mạnh rằng trong thời gian gần đây sức hăng say thể lý và tâm thần của ngài đã giảm sút”.
Trước câu hỏi của ký giả thuộc thông tấn xã NTB: “Đức Giáo Hoàng có tham khảo ý kiến ai không về quyết định này?” thì Đức Ông Fredico Lombardi đã quả quyết liền: “Đây là một sự quyết định riêng tư”.

Đã có những tin đồn
Lúc này người ta mới sực nhớ lại rằng từ năm ngoái ở điện Vatican đã có nguồn nói là Đức Giáo Hoàng Benedict có thể từ chức vì lý do sức khỏe yếu kém.
Vào tháng 10 năm 2011, Đức Giáo Hoàng Benedict đã khởi sự dùng một cái bục có thể chuyển dời để di chuyển xuống con đường ở giữa nhà thờ thánh Phêrô. Cũng vậy, lúc bấy giờ, trước khi lên đường thánh du Cuba và Mexico, ngài đã phải chống gậy khi lên máy bay. Vào suốt mùa Đông năm 2012, ngài đã tỏ ra thật sự mệt mỏi, yếu ớt, bởi vậy nhật báo Washington Post lần đó đã loan tin là luồng dư luận đã bắt đầu lan dần.
Trong thánh lễ sáng hôm qua, Đức Giáo Hoàng cũng đã nói ngài đã ở vào hiệp cuối của cuộc đời ngài. Nhiều người còn trích dẫn tác phẩm “Ánh Sáng của Thế Giới” của chính ngài, trong đó năm 2010 ngài đã viết là nếu một vị Giáo Hoàng không còn khả năng về thể lý, tâm lý hay tinh thần nữa để chu toàn những bốn phận Giáo Hoàng của mình, thì vị này có quyền - và đôi khi còn là trách nhiệm - rút lui.
Vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha Benedict XVI, cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua đời năm 2005, thọ 84 tuổi. Sức khỏe của ngài suy sụp cho tới tận cùng. Sau khi ngài tạ thế, người ta đã phát giác thấy ngài đã hai lần lượng tính thoái vị - cả lúc ngài mới vừa vặn 75 tuổi lẫn khi ngài tròn 80.
Dù sao cũng là sự kiện rất bất thường khi một vị Giáo Hoàng thoái vị. Cách nay hơn năm 600 năm, đã xẩy ra biến cố này. Đức Thánh Cha Benedict XVI hay như tên của ngài là Joseph Ratzinger trước khi được bầu cử vào năm 2005, đã kế vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời.
Đức Thánh Cha gốc người Đức này là một “twitter” (viết trên mạng điện tử) với “bút hiệu” Pontifex (tiếng cổ La Mã có nghĩa là Giáo Trưởng). Lần cuối cách hôm nay hơn một ngày, ngài đã viết: “Tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội. Thế nhưng hồng ân Thiên Chúa chuyển đổi chúng ta và làm cho chúng ta trở nên mới”. Dưới triều đại của ngài, một loại dầu thơm (parfyme) đã mang tên của Đức Thánh Cha; ngài đã phỏng vấn các phi hành gia đang trên không gian, đã được những người làm xiệc nhào lộn vây quanh và đã bị một con nhện thu hút sự chú ý...

Những phản ứng...
Steffen Seibert, phát ngôn viên của chính phủ Đức, trong một buổi họp báo hôm qua ở thủ đô Berlin, đã phát biểu rằng là người Thiên Chúa Giáo và tín hữu Công Giáo, không ai là không bị xúc động bởi biến cố này. Thủ Tướng Đức, bà Angela Merkel đã thông báo trong một buổi gặp gỡ giới truyền thông vào lúc 2 giờ 30 chiều hôm qua Thứ Hai về việc thoái vị của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI. Thủ Tướng Ý Mario Monti tuyên bố là ông “rất xúc động” về tin từ chức của Đức Giáo Hoàng.
Đặc biệt giáo sĩ Do Thái Yona Metzer cho rằng Đức Giáo Hoàng đã làm được nhiều thành quả trong công cuộc khởi xướng việc đối thoại giữa các tôn giáo dị biệt: “Tôi cho rằng ngài xứng đáng được nhiều vinh dự trong việc khuyến trợ các mối quan hệ tôn giáo khác nhau, giữa những người Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo trên khắp thế giới này”. Và nhân dịp này, “rabbi” Yona Metzer cũng đã cầu chúc Đúc Giáo Hoàng Benedict XI “sức khỏe dồi dào và trường thọ”.
Theo thông tấn xã NTB, Linh Mục Paal Bratbak, liên lạc viên báo chí của tòa Giám Mục Oslo trưa hôm qua đã tuyên bố là tất cả những gì cho biết về việc Đức Giáo Hoàng Benedict XV thoái vị là chính xác: “Tin tức này có nghĩa là chúng ta có một vị Giáo Hoàng vốn đã nghĩ đến sự tốt đẹp nhất của Hội Thánh là sự quan trọng trên hết. Ngài không những là một nhà lãnh đạo hành chính, nhưng còn là một Người Cha Thiêng Liêng. Nói rằng ngài không còn có thể chu toàn vai trò Người Cha nữa thì cũng không đơn giản”.
Linh Mục Bratbak còn diễn tả Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ mãi mãi được tưởng nhớ về những bài diễn văn của ngài: “Ngài có thể mang một vẻ bên ngoài “boring”, nhưng nếu lắng nghe những lời của ngài, người ta mới khám phá ngài là một người rất minh mẫn và hết sức cân nhắc. Ngài là một tư tưởng gia vĩ đại...”
Giáo Sư Thần Học thuộc Tin Lành Giáo, Kjell Olav Sannes, thành viên thuộc cánh cấp tiến trong Thiên Chúa Giáo vốn bất mãn với đường lối bảo thủ của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, nhưng hôm qua đã bầy tỏ: “Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ được tưởng nhớ là một trong những vị Giáo Hoàng quan trọng nhất trong thời hiện đại. Cả vai trò ngài đã giữ trong Giáo Hội La Mã dưới thời vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, Đức cố Gioan Phaolô II lẫn cách thức ngài bảo vệ truyền thống Giáo Hội sẽ làm cho ngài được tưởng nhớ mãi mãi”.... - (HM)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT