Thế Giới

Đức Giáo Hoàng Francis và Đại Giáo Trưởng Ayatollah Sistani kêu gọi đoàn kết trong cuộc gặp gỡ tại Iraq

Saturday, 06/03/2021 - 01:53:38

Ngài Sistani đã “khẳng định sự quan tâm của ngài đối với các công dân theo đạo Thiên Chúa tại Iraq, mong muốn họ được sống trong thanh bình và an ninh như tất cả người Iraq khác."


Đại Giáo Trưởng Ayatollah Sistani và Đức Giáo Hoàng Francis tại Najaf, Iraq sáng thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021. (Vatican News)

 

NAJAF - Hai vị lãnh đạo trong các lãnh đạo tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới đã bước qua lằn ranh tín ngưỡng để kêu gọi hòa bình và đoàn kết trong một cuộc gặp gỡ lịch sử ngày thứ Bảy.

Đức Giáo Hoàng, 84 tuổi, vị lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo với 1.2 tỷ tín đồ, và Đại Giáo Trưởng Grand Ayatollah Ali al-Sistani, 90 tuổi, vị lãnh đạo tinh thần của hầu hết người Hồi Shia trên thế giới, đã nói chuyện với nhau trong gần một tiếng đồng hồ tại thành phố Najaf. Đây là lần đầu tiên một giáo hoàng đến thăm Iraq, và cũng là chuyến công du đầu tiên của Đức Giáo Hoàng từ ngày xảy ra đại dịch Covid-19.

Trong y phục màu đen, ngài Sistani đã “khẳng định sự quan tâm của ngài đối với các công dân theo đạo Thiên Chúa tại Iraq, mong muốn họ được sống trong thanh bình và an ninh như tất cả người Iraq khác, và với tất cả quyền hiến pháp của họ,” theo một văn bản được cung cấp về buổi gặp gỡ.

Trong y phục màu trắng, ngài Francis đã ngỏ lời cảm ơn Đại Giáo Trưởng Sistani về việc “ngài đã lên tiếng nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và bị bách hại giữa bạo lực và những khó khăn nhất” trong những năm gần đây tại Iraq, theo một văn bản từ Tòa Thánh Vatican.

Cả hai vị lãnh đạo đều không mang mặt nạ trong buổi gặp thân mật tại ngôi nhà thuê bậc trung của ngài Sistani tại thánh địa Najaf, bất kể tình trạng nạn lây nhiễm Covid đang gia tăng tại Iraq. Đức Giáo Hoàng Francis đã được chích ngừa Covid, trong khi Đại Giáo Trưởng Sistani thì chưa chích ngừa.

Đức Giáo Hoàng đã cởi giày trước khi bước vào phòng của ngài Sistani. Về phần Đại Giáo Trưởng, bình thường thì ngài ngồi khi tiếp khách, nhưng lần này ngài đã đứng dậy để đón Giáo Hoàng Francis tại cửa. Đây là một vinh dự hiếm có mà ngài Sistani dành cho khách quý.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong ngày thứ nhì của chuyến công du dài ba ngày của Đức Giáo Hoàng tại Iraq. Ngài đến đây trong nỗ lực mở đối thoại với các tôn giáo khác. Tại Iraq thì người theo đạo Thiên Chúa thuộc thành phần thiểu số.

Từ ngày lên chức Giáo Hoàng, ngài Francis đã theo đuổi chính sách mở rộng đối thoại với các tôn giáo. Ngài đã gặp nhiều vị lãnh đạo Hồi Sunni tại một số quốc gia theo đạo Islam như Bangladesh, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Khi từ giã Đại Giáo Trưởng Ayatollah Ali al-Sistani, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài sẽ tiếp tục cầu nguyện xin Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá của tất cả mọi người, ban cho vùng đất thân yêu của Iraq, cho Trung Đông và cho toàn thế giới một tương lai hòa bình và tình huynh đệ.

Vatican News cũng cho biết thêm như sau:

Đại Giáo Trưởng Ayatollah Sayyid Ali Al-Husayni Al-Sistani là lãnh đạo của người Shiite ở Iraq, chiếm hơn 60% dân số và là một nhân vật có ảnh hưởng trong cả nước và trong thế giới Hồi giáo Shiite toàn cầu. Ngài chủ trương rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo không được phép tham gia vào các hoạt động chính trị trực tiếp, vì thế ngài được coi là người đối thoại có giá trị đối với các phe phái chính trị và tôn giáo khác nhau trong nước.

Năm 2004, Đại Giáo Trưởng đã ủng hộ bầu cử tự do ở Iraq, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chính phủ dân chủ đầu tiên ở nước này. Năm 2014, ngài kêu gọi người dân Iraq đoàn kết chống lại bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Vào tháng 11, 2019, khi người dân xuống đường phản đối chi phí sinh hoạt cao và bất ổn chính trị quốc gia, ngài Al-Sistani đã kêu gọi những người biểu tình và cảnh sát bình tĩnh và đừng sử dụng bạo lực.

Trong một cuộc phỏng vấn với Michele Raviert của Vatican News, Shahrazad Houshmand, một nhà thần học người Iran và là thành viên của Ủy Ban Phụ Nữ của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn hóa cho biết, ngài Al Sistani có thể được định nghĩa là một “rabbani,” có nghĩa là một “nhà tôn giáo thông thái,” vì “bên cạnh việc nghiên cứu rất sâu và rộng về thần học, về lịch sử của kinh Koran, về truyền thống và luật Hồi giáo, trên hết, ngài còn là một nhân vật tinh thần tập hợp và thống nhất người dân Iraq.”

Sau cuộc gặp gỡ với Đại Giáo Trưởng Ayatollah al-Sistani, ngài Francis đã bay đến thành phố Nassiryiaat để chủ tọa một cuộc họp liên tôn tại vùng đồng bằng Ur, quê hương của Abraham.

Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha ở nơi đây được xem là cao điểm trong nỗ lực của ngài nhằm thúc đẩy đối thoại và hòa hợp giữa các tôn giáo ở các quốc gia Trung Đông.

(Có phần nguồn từ Viet Catholic

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT