Thế Giới

Đức Giáo Hoàng và lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga sắp có cuộc gặp gỡ lịch sử ở Cuba

Friday, 05/02/2016 - 11:28:49

Đức Thượng Phụ Kirill sẽ đến Havana vào ngày thứ Năm, trong một chuyến viếng thăm kéo dài 11 ngày tại Nam Mỹ. Chuyến đi này cũng sẽ bao gồm những chặng dừng chân ở Paraguay, Chile, Rio de Janeiro và São Paulo ở Brazil.

Đức Giáo Hoàng Francis và Đức Thượng Phụ Kirill I


MOSCOW - Đức Giáo Hoàng Francis và nhà lãnh đạo đầy uy quyền của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga dự định tổ chức một cuộc gặp gỡ lịch sử trong tuần tới tại Cuba, theo các viên chức Nga cho biết. Cuộc hội kiến này đánh dấu những bước tiến quan trọng nhất từ xưa đến nay, trong việc cố gắng hàn gắn một cuộc phân ly chia rẽ Ki Tô Giáo giữa Đông Phương và Tây Phương, kéo dài gần 1,000 năm nay.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên này, giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Nga, sẽ là cao điểm sau mấy thập niên diễn ra những đề nghị đối thoại thân thiết hơn. Hai giáo hội đã chính thức trở nên xa lạ với nhau từ thế kỷ thứ 11, vì những vấn đề như thẩm quyền của giáo hoàng, và gần đây hơn, những vụ tranh cãi về chuyện Công Giáo La Mã tiếp cận vào khu vực Chính Thống Giáo theo truyền thống.

Vatican cũng xác nhận cuộc hội kiến được dự tính diễn ra vào ngày thứ Sáu, 12 tháng Hai, giữa Giáo Hoàng Francis và Thượng Phụ Kirill I, tại phi trường Havana, Cuba. Cuộc gặp mặt này cũng cho thấy tinh thần muốn hướng tới một sự đoàn kết trong lúc đang xảy ra những nỗi lo ngại trên thế giới. Trong số đó, có những áp lực mà các cộng đồng Ki Tô Giáo cố cựu ở Trung Đông phải đối phó từ những nhóm chiến binh như Hồi Giáo Quốc.

Ngay cả địa điểm hội ngộ cũng mang một ý nghĩa quan trọng. Cuba, một nước chư hầu của Nga Sô, từng đàn áp Giáo Hội Công Giáo La Mã. Cuba đã được chọn làm nơi gặp gỡ, vì di sản của sự rạn nứt Ki Tô Giáo vẫn còn quá mạnh mẽ ở Âu Châu, một chức sắc Giáo Hội Nga cho biết.

Một cuộc hòa giải trọn vẹn giữa hai giáo hội sẽ đòi hỏi phải có những thay đổi lớn ở cả hai bên. Nhưng những mối quan hệ nồng nhiệt hơn, được những cấp thẩm quyền cao nhất tán thành, sẽ là một trong những mục thay đổi hiện đại lớn nhất, trong cảnh quan tôn giáo của thế giới.

Cho đến nay, Giáo Hội Nga là lớn nhất và có ảnh hưởng mạnh nhất trong Chính Thống Giáo trên thế giới, gồm nhiều giáo hội và nhiều vị thượng phụ giáo chủ khác nhau.

Tại cuộc hội kiến được dự định diễn ra ở phi trường quốc tế José Martí, hai nhà lãnh đạo sẽ ký một bản tuyên bố chung. Tuy nhiên các chi tiết đều không được tiết lộ trong lúc này.

Đức Giáo Hoàng Francis sẽ bay đến Cuba, trước khi tiếp tục đi Mễ Tây Cơ trong một chuyến viếng thăm kéo dài sáu ngày tại nước này.

Đức Thượng Phụ Kirill sẽ đến Havana vào ngày thứ Năm, trong một chuyến viếng thăm kéo dài 11 ngày tại Nam Mỹ. Chuyến đi này cũng sẽ bao gồm những chặng dừng chân ở Paraguay, Chile, Rio de Janeiro và São Paulo ở Brazil.

Một bản thông cáo báo chí chung nói, “Cuộc hội kiến của hai nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga, sau thời gian chuẩn bị lâu dài, sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên trong lịch sử, và sẽ đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong quan hệ giữa hai giáo hội.”

Văn bản nói thêm, “Tòa Thánh và Tòa Thượng Phụ Moscow hy vọng rằng cuộc hội ngộ ấy cũng sẽ là một dấu hiệu của niềm hy vọng cho mọi người thiện chí. Các ngài mời gọi mọi Ki Tô hữu cầu nguyện sốt sắng xin Thiên Chúa chúc lành cho cuộc hội kiến, để cho sự kiện này đem lại những thành quả tốt đẹp.”
Cuộc gặp gỡ sẽ là cao điểm của nhiều thập niên tiếp xúc liên lạc, tìm cách xua tan những mối nghi ngờ và hàn gắn những chỗ rạn nứt trải dài trên những nỗi khốn cùng trong lịch sử và thời hiện đại, cho đến nay ngăn chặn đức giáo hoàng sang thăm Nga.

Trong số những trở ngại gây thêm phức tạp cho cuộc đối thoại sâu rộng hơn, có những điều mà lâu nay Moscow nói rằng những người Công Giáo La Mã đang tìm cách mở rộng các giáo hội có liên kết với Rome, trong những khu vực Chính Thống Giáo theo truyền thống.

Các giáo hội theo Nghi Thức Đông Phương, vẫn giữ truyền thống Chính Thống Giáo nhưng trung thành với Vatican, là một trong những vấn đề gai góc nhất, ngăn chặn những nỗ lực nhằm hàn gắn sự chia rẽ giữa hơn 1 tỷ người Công Giáo La Mã trên thế giới, và hơn 200 triệu người Chính Thống Giáo.

Mặc dù Công giáo và Chính Thống Giáo vẫn còn xa cách nhau về những vấn đề khác, trong đó có chuyện giáo sĩ lập gia đình, và trung ương tập quyền của Vatican. Nhưng hai bên đã có những động thái đáng kể trong nhiều thế hệ, hướng tới những mối tương tác và sự hiểu biết thân thiết hơn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT