Đạo và Đời

Đức tin trong ý nghĩa của Phật Giáo

Thursday, 06/09/2018 - 02:10:25

Ông Davidson đã kết nối đầu của Thầy Ricard vào 256 cảm biến và ghi nhận rằng khi thầy Ricard thiền định từ bi, tâm của thầy tỏa sáng một cách kỳ lạ.


Thầy Matthieu Ricard, 72 tuổi, là người Pháp tu theo Phật Giáo Tây Tạng, sống hơn 40 năm trên miền núi Hy Mã Lạp Sơn. (Hình không rõ nguồn)

Bài MATTHIEU RICARD

Phật Giáo phân biệt bốn khía cạnh khác nhau trong đức tin.
Thứ nhất là cảm giác của sự sáng tỏ và phấn chấn trỗi dậy khi nghe được lời dạy tâm linh, hoặc cuộc đời của Đức Phật, hoặc một vị đại sư nào đó. Đó là một loại thích thú rất hiển nhiên.

Khía cạnh thứ nhì vượt quá một xu hướng; đó là một ước vọng muốn hiểu biết nhiều hơn nữa, đưa sự học hỏi vào thực hành, theo tấm gương của vị đại sư, và từng chút từng chút một đạt đến sự toàn hảo đó.

Khía cạnh thứ ba là khi niềm tin trở thành sự xác tín, sự đoan quyết đó đạt đến nhờ vào sự phối kiểm của chính bản thân về hiệu lực của lời giảng dạy và hiệu quả của con đường tâm linh, do chính ta đạt được sự thỏa mãn tăng tiến và một cảm giác đầy đủ. Tương tự như khi khám phá được một quang cảnh càng ngày càng thấy đẹp hơn khi được vào bên trong đó.

Cuối cùng, khi nhận ra trong bất kỳ cảnh huống nào lòng xác tín vẫn không hề mâu thuẫn hoặc cho thấy là sai lầm, chính là lúc ta đạt đến một sự ổn cố trong thực hành và nhờ đó có khả năng áp dụng vào bất cứ điều gì xảy đến trong đời, dù thuận lợi hay không. Sự quả quyết đó trở thành một bản chất tự nhiên thứ nhì của ta, và đức tin trở nên bất thối chuyển.

Đó chính là bốn giai đoạn của đức tin Phật Giáo, không phải là một bước nhảy vọt mà một thiện tri thức phải làm, mà là kết quả của một sự khám phá dần dà và chứng nghiệm đi đến xác quyết rằng con đường tâm linh thật sự đã mang đến quả vị.

Người hạnh phúc nhất

Nếu bạn vào Google và tìm kiếm xem ai là người hạnh phúc nhất thế giới, tên người xuất hiện chính là Thầy Matthieu Ricard. Thầy Ricard, năm nay đã 72 tuổi (2018), xuất thân là một khoa học gia Pháp trước khi đi tu theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, viết sách bán chạy nhất ở Tây Phương, và sống hơn 40 năm trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn.
Thầy Matthieu Ricard đã tham gia vào việc nghiên cứu thiền từ bộ não và từ bi trong 12 năm do một nhà khoa học Hoa Kỳ từ trường đại học Wisconsin là Richard Davidson tiến hành.

Ông Davidson đã kết nối đầu của Thầy Ricard vào 256 cảm biến và ghi nhận rằng khi thầy Ricard thiền định từ bi, tâm của thầy tỏa sáng một cách kỳ lạ.

Theo ông Davidson, những ảnh quét cho thấy rằng khi thiền từ bi, não của thầy Ricard sản xuất ra một lượng sóng gamma "chưa bao giờ được ghi nhận trước đó từ các tài liệu khoa học. Các ảnh quét cũng cho thấy những hoạt động quá mức ở phần vỏ não trái so với não phải, cho phép thầy có một khả năng vô thường về hạnh phúc."

Thầy Ricard cho biết thỉnh thoảng thầy ngồi thiền cả ngày mà không chán. Vị sư Tây Tạng gốc Pháp này nhìn nhận rằng thầy là một người hạnh phúc mặc dù thầy cảm thấy rằng danh hiệu "người đàn ông hạnh phúc" do truyền thông gán đặt cho Thầy là hơi quá đáng.

Để có hạnh phúc, Thầy khuyên bạn đừng nghĩ về chính mình mà hãy nghĩ đến người khác, đó là lòng vị tha.

Thầy Ricard giải thích, "Nếu chỉ nghĩ đến tôi, tôi, tôi cả ngày thì sẽ dẫn đến sự ngột ngạt.”
Thầy nói thêm, "Nếu tâm của bạn chứa đầy lòng nhân từ và tinh thần đoàn kết, nó sẽ mang lại cho bạn một trạng thái vô cùng khỏe mạnh cho tâm. Cơ thể của bạn sẽ khỏe hơn và điều này đã được khoa học chứng minh.”

Thầy Ricard tin rằng mọi người đều có khả năng để có một tâm hồn nhẹ hơn vì mỗi người đều có khả năng sống tốt lành hơn. Tuy nhiên, người muốn hạnh phúc hơn cần phải rèn luyện tâm mình, và cá nhân thầy Ricard rèn luyện bằng thiền định.

Thầy Ricard khuyên nên dành 15 phút mỗi ngày nghĩ về những điều tốt lành, và tăng dần thời gian thương yêu này đến mọi người ngày một nhiều hơn, thì chính bạn sẽ có hạnh phúc.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT