Tiêu Thụ

Dung hòa nhu cầu khách bộ hành và xe hơi cá nhân

Friday, 13/04/2018 - 10:57:44

Khổ nỗi, những người đưa ra đề nghị đó chẳng có ai điên, mà toàn là những chuyên gia về kiến thiết và xây dựng đô thị cả.

Bài ERIC TRẦN

Lần trước chúng ta đã trình bày ý kiến của một số chuyên gia về việc cấm xe. Trong khi cái xe là “đôi chân” không thể thiếu của dân xứ Mỹ mà có người lại đề nghị cấm xe thì quả thực là một ý kiến …..điên rồ và hoang tưởng!


Giáo sư Elliott Sclar cổ động việc cấm xe hơi vào thành phố để dành cho khách vãng lai và cơ sở thương mại

Khổ nỗi, những người đưa ra đề nghị đó chẳng có ai điên, mà toàn là những chuyên gia về kiến thiết và xây dựng đô thị cả. Hơn nữa, phải hiểu rằng họ chỉ đề nghị cấm xe hơi cá nhân đi vào các trung tâm thương mại đông đúc khách vãng lai, chứ không cấm các phương tiện chuyên chở công cộng hoặc giao thông trên những tuyến đường dài. Nhưng dù chỉ áp dụng hạn chế như thế, đề nghị này vẫn gặp sự phản đối của nhiều người, cũng thuộc giới chuyên gia nặng ký không kém gì ai.


Xe hơi hay khách bộ hành? Đường phố cần phải ưu tiên cho ai?

Sau đây là nhận xét của Tiến Sĩ David A. King, giáo sư phụ giảng về kế hoạch kiến thiết đô thị tại Trường Đại Học Arizona State University:

(Trích) Nhà chức trách trong nhiều thành phố lớn tại Mỹ muốn thử nghiệm biện pháp cấm xe hơi ra vào downtown đã từ lâu. Nhưng không phải tất cả đều đạt được kết quả mong đợi. Chính quyền thành phố Fresno, California, đã thi hành lệnh cấm xe quanh khu vực Fulton Mall, dành độc quyền cho khách bộ hành suốt mấy chục năm nay, rốt cuộc lại phải xả cảng vào năm ngoái 2017 với lý do xe hơi cá nhân qua lại sẽ giúp cho thương mại phát triển, kinh tế phồn vinh hơn (hết trích).


Khu thương mại Fulton Mall cấm chỉ xe hơi lưu hành trong mấy chục năm, nhưng rồi lại phải “xả cảng” vào năm 2017 vừa qua.

Đúng thực là cấm xe hơi cá nhân không giúp gì cho thương mại. Chỉ cần đan cử một thí dụ: Một người handyman được gọi đến để sửa lại cái bồn tắm cho khách hàng ở trung tâm thành phố, nếu đến thẳng mục tiêu bằng xe cá nhân với đầy đủ dụng cụ máy móc, đương sự chỉ cần khoảng nửa tiếng, nay phải di chuyển bằng giao thông công cộng y sẽ mất cả ngày, hậu quả là y phải tăng giá dịch vụ đến mức ít người có thể thuê được. Còn việc cứ mỗi lần xuất hành là mỗi lần lịch kịch vác những dụng cụ máy móc lên xe công cộng? Rõ ràng là không thể được! Nhưng nếu không có thể mang theo đồ đạc hành nghề thì y chỉ còn cách …. giải nghệ.

Vậy, câu hỏi đặt ra cho nhà chức trách, theo giáo sư King, là không nên đặt khách bộ hành và xe hơi vào thế loại trừ nhau, mà phải nghiên cứu một thiết kế khả dĩ dung nạp cả hai trong một môi trường an toàn hơn, và điều này chắc chắn có thể thực hiện được qua kỹ thuật xây dựng tân tiến và phương tiện giao thông hiện đại. Trong điều kiện “chung sống” như thế, xe hơi buộc phải chạy chậm hơn, không chỉ bằng luật lệ và qui định, nhưng còn bằng cả những thiết kế đường phố thích hợp. Giáo sư King đề nghị những biện pháp sau đây:


Nhưng một chuyên gia khác, Giáo Sư David King, cho rằng, cấm xe hơi không hẳn cổ động thương mại, mà phải vận dụng thiết kế giao thông mới hầu dung hợp nhu cầu của xe cộ và bộ hành

- Các con đường một chiều sẽ được sửa lại thành hai chiều, để tài xế phải chạy chậm và cẩn thận trông chừng nhau hơn.

- Đường phố phải có cây tỏa bóng râm, để hạn chế tầm nhìn của tài xế, buộc họ phải để ý tới những xe chạy trước hoặc bên cạnh và lăn bánh chậm hơn.

- Tuy không cấm xe, nhưng làn đường dành cho xe sẽ hẹp hơn, để lề đường rộng rãi, dành chỗ cho cây xanh, xe đạp, khách bộ hành. Hơn nữa, đường hẹp cho phép người đi bộ thuộc mọi lứa tuổi có thể qua đường dễ dàng nhanh chóng hơn.

Trên đây là những đề nghị đặt trọng tâm nơi khách bộ hành. Nhưng cùng lúc đó, nhà thiết kế đô thị phải tạo nhiều điều kiện đáp ứng yêu cầu của xe cộ, nhất là các phương tiện chuyên chở thương mại. Theo đề nghị của giáo sư King, các cơ sở kinh doanh như cửa hàng, tiệm ăn, các khu chung cư phải có chỗ cho xe đến giao hàng; Xe bus cần có những điểm dừng an toàn cho khách lên xuống; Đặc biệt là, trong khuynh hướng phát triển của giao thông thời đại mới, chính quyền thành phố không thể quên nhu cầu của đội ngũ Uber, Lyft, tắc xi.

Tất cả các phương tiện chuyên chở này đang phát triển và thực sự cần thiết cho giao thông thương mại. Mặc dầu xe hơi cá nhân vẫn có thể ra vào, nhưng trong một môi trường không mấy được hoan nghênh, thì tài xế chắc chắn phải cân đo lợi hại, rất có thể để xe ở nhà để bắt một chuyến Uber, chứ không đơn thuần mở cửa xe, rồ máy rồi phóng đi….. như mọi khi.

 Dĩ nhiên, trong một ít trường hợp đặc biệt, như quanh Times Square ở New York, nhà chức trách vẫn buộc phải cấm xe…. để tăng cường an toàn và cổ võ thương mại. Nhưng những trường hợp tuyệt đối cấm chỉ như vậy chắc chắn là họa hiếm. Đa số các trung tâm thương mại trong nước Mỹ vẫn có thể dùng thiết kế đường phố để dung hợp cả 2 nhu cầu – khách bộ hành và xe cộ - trong một môi trường an toàn và thịnh vượng.
Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT