Đạo và Đời

“Đừng sợ, hãy cứ tin!”

LM. Trịnh Ngọc Danh Wednesday, 27/06/2012 - 10:15:03

Nhưng tình thương và lòng thương xót của Chúa bình đẳng, không thiên vị, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt địa vị.

LM. Trịnh Ngọc Danh
Những ai đã mắc những căn bệnh nan y mà các bác sĩ, các nhà khoa học đã từ chối như ung thư, AIDS… thì chỉ còn sống để chờ chết. Đang sống trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, nghe ai nói cây lá này, cục đá kia có thể chữa khỏi bệnh, thì dù có tốn hao hết của cải, người ta cũng không tiếc của để mua cho được. Điều đó có nghĩa là chính trong lúc tuyệt vọng, chúng ta cầu mong một cơ may cứu chữa, dù ước vọng ấy chỉ là hão huyền.
Có một lương y, một thầy thuốc chỉ vỏn vẹn trong ba năm hoạt động mà đã chữa trị cho không biết bao nhiêu người như thánh Gioan đã kết thúc cuốn Tin Mừng của mình bằng một lời xác quyết như sau: “Còn nhiều việc Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra” (Ga. 21: 25)
Tin Mừng của thánh Maccô hôm nay tường thuật lại hai phép lạ: phép lạ thứ nhất Chúa Giêsu chữa lành một phụ nữ đã bị bệnh xuất huyết mười hai năm; bà sống trong tủi nhục, bị xã hội khinh chê, ruồng bỏ; và phép lạ thứ hai Ngài làm cho em gái mới mười hai tuổi đời, sức sống đang vươn lên, con gái ông Giairô, trưởng hội đồng, một người có địa vị trong xã hội; em đang hấp hối và đã chết, nhưng được Ngài làm cho em sống lại. Mười hai năm cho một người già bệnh hoạn và mười hai năm tuổi đời của một người trẻ đang tràn đầy nhựa sống. Nhưng tình thương và lòng thương xót của Chúa bình đẳng, không thiên vị, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt địa vị.
Qua các phép lạ vừa kể chứng tỏ Chúa luôn luôn quan tâm đến nỗi khổ của con người, luôn yêu thương cứu chữa cho bất kỳ ai tin vào tình yêu của Ngài bất luận là sang hèn, có địa vị hay vô danh tiểu tốt trong xã hội. Tình thương của Thiên Chúa trao ban cho con người rất bình đẳng; điều quan trọng và yếu tố cần thiết để Ngài rủ thương là tin yêu và phó thác vào Ngài.
Đối với tình yêu của Thiên Chúa, chỉ có một điều kiện duy nhất để Ngài không thể từ chối lời cầu xin của chúng ta là TIN. Nhưng tin thế nào? Tin ở mức độc nào? Và thái độ tin như thế nào mới là điều quan trọng.
Chúng ta thử nhìn lại niềm tin của người phụ nữ bị bệnh hoại huyết và của ông Giairô.
Với cái nhìn của xã hội thời bấy giờ, người mắc bệnh hoại huyết hay những người bị phong cùi là những người tội lỗi, là những thứ uế tạp trong xã hội mà những người trong sạch phải lánh xa. Cam chịu với số phận ấy, người phụ nữ mắc bệnh kia sống trong mặc cảm tự ti, không dám lộ mặt trước công chúng. Thánh Maccô đã mô tả cuộc đời bà như sau: “Bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà bệnh không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn”. Trong cuộc sống tuyệt vọng, bà nghe người ta nói về Chúa Giêsu chữa lành đủ mọi thứ bệnh và bà nghĩ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Ngài, thì tôi sẽ được lành”. Thế rồi một lần kia, nghe nói Chúa Giêsu đi qua, bà đi lẫn trong đám đông, đến phía sau Ngài, và chạm đến áo Ngài. Quả thật, “lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh”. Bất ngờ, Chúa Giêsu quay lại đám đông và hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?”. Giữa đám đông đang vây quanh, chuyện đụng chạm lẫn nhau thì ai mà phân biệt được. Chính các môn đệ cũng nhận thấy: “Thầy thấy đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà thầy còn hỏi ai chạm đến Ta”. Người đàn bà kia không dám công khai xuất đầu lộ diện để xin Chúa chữa bệnh mà chỉ muốn âm thầm kín đáo để không ai biết. Thấy Chúa cứ nhìn quanh để tìm xem ai đã làm việc ấy, bà run sợ vì biết chuyện liên quan đến mình, bà liền sụp lạy Ngài và thú nhận với Ngài tất cả sự thật. Chúa Giêsu biết ai đã chạm đến áo Ngài, nhưng Ngài lại muốn công khai cho mọi người biết không phải để làm nhục bà, nhưng ngược lại để khen ngợi lòng tin của bà và cho mọi người biết rằng số phận của mỗi người đều như nhau trước tình yêu của Thiên Chúa: “Hỡi con, đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.
Trường hợp của ông Giairô lại khác. Lúc đầu, ông chỉ xin Chúa đến chữa bệnh cho con ông đang hấp hối; ông sụp lạy và van xin: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Nhưng trên đường về, sau khi Chúa chữa lành cho người phụ nữ bị xuất huyết, ông lại nghe người nhà báo: “Con gái ông chết rồi, còn làm phiền Thầy chi nữa!”. Có thể khi nghe tin ấy, cơn cám dỗ đã đến làm ông mất trông cậy: con ông chết rồi, làm phiền Thầy làm chi nữa! Nhưng biết ông nản lòng, buồn rầu, thất vọng, Chúa lại động viên ông: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và trước mặt cha mẹ em bé và các môn đệ đi theo, Ngài cầm lấy tay em bé và nói: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy”. Tức thì em bé đứng dậy và đi.
Trong cả hai trường hợp, đức tin là điều kiện tiên quyết để được Chúa đoái thương chữa lành. Một đức tin khiêm tốn, phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa trong lời nói, cử chỉ và hành động.
Ông trưởng hội đường Giairô thì sụp lạy và van xin: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”; còn người phụ nữ bị bệnh xuất huyết thì tự nhủ lòng: “Miễn sao tôi chạm đến áo Ngài thì tôi sẽ được lành”.
Để đức tin có thể đem lại kết quả, cần phải có sự tiếp cận giữa con người và Thiên Chúa và giữa Thiên Chúa với con người: con người “chạm đến áo Ngài” để từ đó “có một sức mạnh xuất phát tự Ngài” để chữa lành cho người phụ nữ bị xuất huyết và Ngài “cầm tay đứa nhỏ” để lan tỏa một sức mạnh từ Thiên Chúa làm cho em sống lại.
Chạm đến áo, nắm tay... là những cử chỉ thân thiện, tiếp cận, không xa cách, truyền cảm, truyền lực giữa con người và Thiên Chúa.
Ngày nay để đức tin có thể tiếp cận thân mật không có gì khác hơn là cầu nguyện, vì khi cầu nguyện là lúc chúng ta tâm tình, tâm sự, chuyện trò với Thiên Chúa.
Người ta thấy một nông dân xứ Ars, mỗi ngày trước khi ra đồng, đều ghé vào đứng ở cuối nhà thờ cầu nguyện một lúc rồi mới đi cày. Khi trở về, ông cũng ghé vào cầu nguyện như vậy. Ai cũng để ý và cảm phục ông.
Một hôm có người hỏi ông:
- Ngày nào ông cũng ghé vào nhà thờ mấy lần để làm gì thế?
Ông nông dân trả lời cách đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa:
- Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi.
Đức tin không kết hợp với cầu nguyện là đức tin một chiều, đức tin thụ động, chưa có sự đồng cảm, chưa có sự hiệp thông. Cầu nguyện là phương thế để củng cố đức tin. Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Khi cầu nguyện, chúng ta kết hợp, nối liền với Thiên Chúa
Trong lần gặp gỡ thánh Phanxicô, vào dịp thánh nhân qua Tòa Thánh để xin phê chuẩn luật dòng Anh Em Hèn Mọn, Đức Thánh Cha thân mật hỏi ngài:
- Con có bao giờ thấy Chúa chưa?
- Con vừa thấy đêm qua.
- Ngài có nói gì với con không?
- Ngài và con bên nhau suốt đêm qua mà chẳng nói gì. Tuy nhiên, cứ mỗi lúc con nói: “Cha” với Ngài thì Ngài trả lời lại với con: “con Ta”. Cứ thế, chẳng có gì hơn cho đến lúc trời sáng.
Ở một mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều mang tật bệnh tật: bệnh tật về thể xác và bệnh tật về tâm hồn, vì như lời sách Khôn Ngoan đã viết: “Thiên Chúa tạo dựng con người trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết… Nhưng bởi ách quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian”. Người đàn bà bị bệnh xuất huyết, em bé gái chết… là những bệnh tật thuộc thể xác xuất hiện rõ ràng; nhưng chúng ta có thể mang những bệnh tật về tinh thần không xuất hiện ra ngoài như: cảm giác bị bỏ rơi, thất bại, bị mất phẩm giá, cô đơn... đặc biệt là đánh mất niềm tin, mất bình an trong tâm hồn.
Như thế, tất cả chúng ta đều cần chữa lành, mà muốn được chữa lành thì chúng ta cũng phải tin và sống kết hợp mật thiết với Chúa bằng cầu nguyện. Sức mạnh của đức tin đã thu hút “sức mạnh xuất phát tự mình” của Thiên Chúa, đã đánh động quyền lực trong tay Ngài.
Đức tin hành động là cầu nguyện. Cầu nguyện là tâm tình, tâm sự với Chúa. Tâm tình, tâm sự là chuyện vãn với Chúa đang ở bên cạnh mình.
Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Khi cầu nguyện, chúng ta kết hợp, nối liền với Thiên Chúa, cụ thể là sống phép Thánh thể. “Đừng sợ, hãy cứ tin”, và những việc còn lại, hãy để Thiên Chúa lo.

(Bài giảng Chủ Nhật 13 Thường Niên năm B. Bài đọc 1: (Kn. 1: 13-15; 2:23-2); Bài đọc 2: (2 Cor. 8: 7.9.13-15); Phúc Âm theo Thánh Marcô: (Mc. 5:21-43)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT