Mẹo Vặt

Dựng vườn thủy canh DWC: Căn mực nước và trồng cây

Tuesday, 09/05/2017 - 07:51:47

Nói trước vậy thôi, chứ lúc này mới là khởi đầu và bể cũng mới chỉ có nước thường dùng để lấy dấu. Bây giờ chúng ta đổ lượng nước ấy ra ngoài, để cho bể sẵn sàng tiếp nhận nước dưỡng chất.

Bài VŨ HẰNG


Lần trước chúng ta đã dựng được một “vườn” cây theo lối cắm sào nước sâu (DWC – deep water culture). Như các bạn đã biết, “vườn” của chúng ta chỉ là một cái sô dung tích 5 gallon với cái nắp đậy có treo lơ lửng một chậu lưới ở giữa. Tiến thêm một bước nữa, hôm nay chúng ta cho đổ nước vào bể và tìm cây để trồng vào chậu lưới.


Là một thứ “đất” để trồng cây thủy canh

1. Đổ nước dưỡng chất vào bể (reservoir)

Đổ đến mức nào? Đổ đầy? Hay đổ lưng chừng? Bí quyết nằm ở chỗ này: Cần đổ cho mực nước ngập lên tới 3/4 inch đáy chậu cây. Nói một cách khác, 3/4 inch đáy chậu phải chìm trong nước. Đó là khi mới khởi sự đặt cây vào bể, và rễ chưa mọc lòi ra ngoài chậu. Sau này khi cây có rễ rồi thì khác. Đây là cách “căn” và đổ nước cho đúng mức yêu cầu:

Lúc đầu đổ nước thường (nhưng phải là nước sạch) vào trước. Dùng mắt để tính toán sao cho mực nước lên tới 3/4 inch đáy chậu cây. Sở dĩ chỉ cần đổ nước lên tới mức này thôi là vì chúng ta cần giữ cho phần trên của chậu cây khô ráo. Một chút đáy chậu ướt nước sẽ chuyển hơi ẩm lên trên 2-3 inches nữa, và 1 inch trên cùng vẫn khô ráo cũng không sao và có thể lại càng tốt. 


“Đất” để trồng cây thủy canh

Khi đã vừa ý với mực nước rồi, bạn lại mở nắp ra, để sang một bên. Đánh dấu mực nước bằng bút kẻ đậm (permanent marker). Kẻ nhiều dấu chung quanh thành bể để dễ quan sát, nhất là sau này khi rễ cây đã mọc ra tua tủa, xồm xoàm. Sau này khi rễ đã mọc ra, chúng ta phải hạ cho mực nước bể thấp xuống cho đến khi có một khoảng trống giữa mặt nước và đáy chậu. Khoảng không gian nhỏ ở đây rất cần cho bộ rễ. 

Nói trước vậy thôi, chứ lúc này mới là khởi đầu và bể cũng mới chỉ có nước thường dùng để lấy dấu. Bây giờ chúng ta đổ lượng nước ấy ra ngoài, để cho bể sẵn sàng tiếp nhận nước dưỡng chất.

Pha nước dưỡng chất: Trước tiên, ra Home Depot (Lowes, Walmart, Target…) kiếm một vài túi phân đặc chế để nuôi cây thủy canh (hydroponic nutrients). Sau đó, pha vào nước theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đừng quên kiểm tra độ pH của nước và điều chỉnh lại cho đúng nếu cần thiết. Và sau cùng, đổ lượng nước dưỡng chất ấy vào bể cho lên tới dấu vạch đã đánh ghi trước đây.

2. Đổ đất và trồng cây

Trước tiên là đổ “đất” vào chậu. Nhưng thực ra đó không phải đất mà chỉ là phương tiện trung gian (growing media) để giữ cho cây thẳng đứng trong chậu, phổ thông nhất là sơ dừa (coconut fiber, coconut coir), và nhiều thứ khác như sỏi đất sét, rockwool, hydrocorn, perlite hoặc vermiculite.

Có “đất” rồi, chúng ta phải trồng gì? Bất cứ thứ rau gì mà bạn ưa thích. Thậm chí cả thứ “cỏ” vốn là hàng quốc cấm từ lâu nhưng gần đây đã được một số tiểu bang ở Hoa Kỳ hợp thức hóa để làm cây thuốc cũng được các “đại gia” trồng bằng phương pháp thủy canh này. Nhưng chuyện đó chúng ta không bàn ở đây. 

Nếu đã có cây non, bạn chỉ việc trồng vào chậu, sau khi đã rửa sạch đất cát ở nơi trồng cũ. Cách tốt nhất là lấy một sô nước, rồi nhận chìm rễ cây vào đó, rồi lấy ngón tay gỡ đất ra trong khi rễ còn ở trong nước. Khi rễ đã sạch rồi, bạn có thể yên trí cắm vào chậu thủy canh trên nắp bể. Và mở máy bơm cho hệ thống tự điều hành.


Bạn có thể nhắc bổng cả khu vườn để xem rễ mọc bên dưới mà không hề làm hại đến sự phát triển của cây

Chỉ cần chừng một tuần sau rễ non đã mọc ra tua tủa, len giữa các kẽ lưới để trổ ra ngoài. Bạn có thể nhắc nắp bể lên, giống như nhổ rễ lên để coi cho vui mà không sợ làm hại gì tới cây. Thực ra, quan sát là việc cần làm, chứ không phải chỉ là “để coi cho vui.” Vì bạn cần theo dõi mực nước để gia giảm cho đúng với nhu cầu. 
Nếu nâng nắp lên để quan sát mà quá khó khăn, bạn có thể đục sẵn một lỗ nhỏ khác trên nắp để gia giảm mực nước và kiểm tra độ pH. Có thể dùng một cái que để thăm dò mực nước, hoặc đục một lỗ nhỏ bên vách bể để làm dấu, và thêm nước cho đến khi nước tràn qua đó thì ngừng tay. 

Bạn có thấy rằng “cắm sào nước sâu” là phương pháp trồng cấy tuy đơn giản nhưng lý thú không? Giống như trò chơi với một vài thứ mẹo vặt vậy. Nhưng đối với các “đại gia” chuyên nghề trồng “cỏ” trong nhà thì đây là chuyện đại sự, chứ không phải trò chơi đâu các bạn. 

Vấn đề trồng và tiêu thụ “cỏ” có hợp pháp hay không là một chuyện rất phức tạp đã được người ta bàn cãi rất nhiều. Vô tình “họ” lại sử dụng những cái mẹo vặt của chúng ta nên Hằng mạn phép nhắc tới một chút thôi mà. Nhắc tới không có nghĩa là cổ động đâu nhé, và chắc cũng không có tội gì, phải không?
Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT