Thế Giới

Duterte chiều lòng Trung Cộng trong vấn đề Biển Đông

Thursday, 27/04/2017 - 11:31:08

Ông Duterte nói, “Ai có thể ngăn chặn việc đó? Chúng tôi ư? Chỉ có Hoa Kỳ mà thôi.” Ông nói thêm rằng lẽ ra Mỹ đã có thể dùng hải quân để ngăn chặn việc xây đắp này cách đây nhiều năm.


Một người cầm bảng mang hình và dòng chữ “Ông Duterte là bù nhìn của Trung Cộng” trong cuộc biểu tình bên ngoài tòa lãnh sự Trung Quốc tại Manila trong tháng Ba, nhằm chống hành động quân sự hóa vùng Biển Đông của Trung Cộng. (Dondi Tawatao/ Getty Images)

MANILA – Tổng Thống thân cộng Rodrigo Duterte nói rằng không được ích gì cả khi phản đối việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo, trong các khu vực bị tranh chấp ở Biển Đông, vì không thể nào ngăn chặn được việc đó.

Ông Duterte nói như trên hôm thứ Năm, trước khi diễn ra một cuộc hội nghị thượng đỉnh của Hiệp Hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong tuần này. Ông xác nhận rằng ông sẽ không dùng kỳ hội nghị này để gây áp lực với Trung Quốc, về chủ trương bành trướng của họ trong những vùng biển quan trọng về mặt chiến lược.

Ông Duterte nói với các phóng viên, “Đó không thể là một vấn đề nữa. Chuyện ấy đã có ở đó rồi. Việc thảo luận về chuyện ấy sẽ nhằm mục đích nào, nếu người ta không thể làm được gì cả.”

Trung Quốc đã biến các rạn san hô và các bãi cạn thành những hòn đảo nhân tạo, và lập những cơ sở quân sự ở đó, trong những vùng biển mà Phi Luật Tân và các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền.
Hoa Kỳ đã chỉ trích việc xây dựng ấy, báo động chống lại việc quân sự hóa trên đường thủy lộ nơi mà thương mại hàng năm trị giá 5 ngàn tỷ Mỹ được chở đi qua. Việc bồi đắp đất đảo của Trung Quốc cũng làm nản lòng những nước khác cũng đòi chủ quyền, trong đó có các thành viên ASEAN, là Việt Nam, Mã Lai, và Brunei.

Benigno Aquino, vị tổng thống tiền nhiệm của Duterte, đã thách thức Trung Quốc bằng cách nhờ một tòa án, được Liên Hiệp Quốc ủng hộ, phán quyết là bất hợp pháp những lời tuyên bố chủ quyền rộng rãi của Bắc Kinh trên Biển Đông, và công việc bồi đắp của họ. Trong năm ngoái, tòa án ấy đưa ra phán quyết ủng hộ Phi Luật Tân. Ông Duterte lên nắm quyền ngay trước khi tòa đưa ra phán quyết. Ông đi theo một lối tiếp cận thực tế để đối phó với Trung Quốc, trong một nỗ lực nhằm giành được hàng tỷ Mỹ kim trong thương mại và viện trợ.

Tổng Thống Duterte cũng đã tìm cách nới lỏng mối quan hệ đồng minh lâu năm của Phi Luật Tân với Hoa Kỳ. Hôm thứ Năm ông đổ lỗi cho siêu cường này, vì Mỹ không chịu ngăn chặn những hoạt động xây đảo của Trung Quốc.

Ông Duterte nói, “Ai có thể ngăn chặn việc đó? Chúng tôi ư? Chỉ có Hoa Kỳ mà thôi.” Ông nói thêm rằng lẽ ra Mỹ đã có thể dùng hải quân để ngăn chặn việc xây đắp này cách đây nhiều năm.

Ông Duterte nói rằng ông sẽ không nêu ra phán quyết ấy, trong các sự kiện ASEAN vào tuần này. Các các bộ trưởng ngoại giao của khối ấy sẽ họp vào thứ Sáu, và các nhà lãnh đạo họp vào ngày thứ Bảy.
Ông nói, “Tôi sẽ bỏ qua phán quyết trọng tài ấy. Đó không phải là vấn đề ở đây, trong khu vực ASEAN. Đó chỉ là giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân, vì vậy tôi sẽ bỏ qua điều đó.”

Tổng Thống Duterte nói rằng ông muốn thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Các nhà ngoại giao Phi Luật Tân đã nói rằng một bộ “khung “ quy tắc ứng xử có thể sẽ được soạn xong trong tháng Sáu.

Ông Duterte đã bày tỏ thái độ lạc quan, cho rằng một bộ quy tắc ứng xử sẽ bảo đảm quyền hàng hải và hàng không trong những vùng biển này. “Bộ quy tắc ứng xử trên biển là một chuyện khác. Nó phải được nêu lên.” Ông Duterte nói như vậy, khi đề cập đến hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Các phân tích gia đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang trì hoãn những cuộc thương thuyết về một bộ quy tắc, vì nó đã được đề nghị cách đây 15 năm. Trung Quốc đã lợi dụng thời gian đó, để xây dựng các hòn đảo nhân tạo và kiểm soát các khoản địa hình khác.

Đến ngày thứ Bảy, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ bày tỏ mối quan ngại về những biến cố trên Biển Đông. Nhưng họ sẽ ít trực tiếp hơn về việc xây đảo. Một bản dự thảo tuyên bố của chủ tịch hội nghị, được công bố vào cuối kỳ hội nghị thượng đỉnh, cho biết như vậy.

Văn bản ấy nói, “Chúng tôi đã chia sẻ những nỗi lo ngại nghiêm trọng của một số nhà lãnh đạo, về những diễn biến gần đây và việc leo thang các hoạt động trong khu vực. Những điều ấy có thể làm tăng thêm căng thẳng, và làm giảm sự tín nhiệm và lòng tin tưởng trong khu vực này.”

Tuy nhiên văn bản không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, cũng không nhắc tới phán quyết của tòa án quốc tế.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT