Thế Giới

Duterte ra lệnh quân đội củng cố các đảo ở biển Đông

Thursday, 06/04/2017 - 07:30:53

Tổng Thống Duterte cũng cho biết, chính phủ đang chuẩn bị ngân sách để xây phi đạo trên đảo Thitu, nơi cư trú của một cộng đồng ngư dân nhỏ và một nhóm quân nhân Phi Luật Tân.

MANILA – Tổng Thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh quân đội củng cố các đảo đang do Phi Luật Tân kiểm soát tại biển Đông, để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của nước này, trong cuộc đua tranh giành lãnh thổ tại khu vực. Ông Duterte hôm thứ Năm cho biết, các tòa kiến trúc mới cần được xây thêm trên toàn bộ 9 hoặc 10 đảo nhỏ, rặng san hô, và bãi cạn mà Phi Luật Tân đang kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Ông Duterte cũng nói thêm rằng, ông có thể sẽ đến thăm đảo Pagasa, tên địa phương của đảo Thitu, để cắm cờ Phi Luật Tân tại đây trong ngày Độc Lập của quốc gia này.
Tổng Thống Duterte cũng cho biết, chính phủ đang chuẩn bị ngân sách để xây phi đạo trên đảo Thitu, nơi cư trú của một cộng đồng ngư dân nhỏ và một nhóm quân nhân Phi Luật Tân.
“Có vẻ như mọi người đang giành giật các đảo tại đây, do đó, chúng ta phải nắm giữ các hòn đảo vẫn còn bỏ trống,” ông Duterte nói khi đang đi thăm một căn cứ quân sự trên đảo Palawan, gần quần đảo Trường Sa đang có nhiều tranh chấp. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên phần lớn biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước Đông Nam Á, và đã nhanh chóng xây dựng nhiều đảo nhân tạo để đặt các cơ sở quân sự tại đây.

Tìm thấy bé gái sống chung với khỉ tại Ấn Độ
BAHRAICH - Cảnh sát Ấn Độ vừa giải cứu một bé gái 8 tuổi, sống trong khu bảo tồn thiên nhiên hẻo lánh ở tỉnh Bahraich, miền bắc nước này. Cô bé trò chuyện bằng những tiếng kêu, hú, di chuyển với cả chân và tay. Bé được đặt tên là "cô bé Mowgli", theo tên nhân vật cậu bé được bầy sói nuôi dưỡng trong truyện và phim Jungle Book. Nhà chức trách Ấn Độ cho biết, cô bé có vẻ thoải mái với bầy khỉ ở Khu Bảo tồn Động vật Hoang dã Katarniaghat, gần biên giới với Nepal. Bé được tìm thấy cách đây 2 tháng và được chăm sóc tại một bệnh viện.
Nhà chức trách đang cố gắng tìm hiểu xem cô bé là ai, đến từ đâu, và đã sống trong môi trường hoang dã bao lâu. "Cô bé rất sợ chúng tôi, bé không thể nói hoặc nghe chúng tôi. Cô bé được ba con khỉ vây quanh, trên người em có các vết thương, đặc biệt là ở khủy tay và chân", ông Ram Avtar Singh, chánh thanh tra trạm Motipur, khu bảo tồn Katarniaghat, kể lại thời điểm phát hiện cô bé.
"Cô bé có mặc quần áo và không quá dơ bẩn, có vẻ bị gia đình bỏ rơi", ông nói thêm. "Cô bé có vẻ yếu và rất đói. Chúng tôi cho bé một ít thức ăn. Nếu chúng tôi không giải cứu, bé có thể bị động vật khác ăn thịt", viên thanh tra nói. Sau một thời gian ở bệnh viện, các bác sĩ cho biết cô bé vẫn dễ nổi giận, cư xử bạo lực, và chưa thể hiểu bất cứ ngôn ngữ nào. Cô bé được cho là vẫn còn sợ con người. Dù được dạy đi thẳng đứng bằng 2 chân, bé vẫn dùng cả chân và tay để di chuyển.

Đạt Lai Lạt Ma làm lễ khai trương tu viện ở Ấn Độ
GAUHATI – Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm lễ khai trương cho một tu viện Phật giáo ở vùng đông bắc Ấn Độ vào hôm thứ Năm, giữa lúc Trung Quốc đang đe dọa rằng, chuyến thăm của bị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đến vùng biên giới tranh chấp sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi. Gần 10,000 người, với một số người đến từ nước láng giềng Bhutan, đã chào đón Đức Đạt Lai Lạt Ma tại tu viện Thupsung Dhargyeling tại quận Tawang, tỉnh Arunachal Pradesh.
Vùng Arunachal Pradesh hiện đang được Ấn Độ kiểm soát, nhưng cũng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, và Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng, chuyến đi của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ giữa hai nước. Trong khi đó, Ấn Độ đáp trả rằng Bắc Kinh không nên can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước này. Trung Quốc coi Đức Đạt Lai Lạt Ma là người ly khai, muốn đòi độc lập cho Tây Tạng. Trong khi đó, vị tu sĩ 81 tuổi nói rằng, Ngài chỉ muốn tìm kiếm một quyền tự trị đích thực cho người Tây Tạng, và bảo vệ nền văn hóa Phật giáo bản địa của khu vực này.
Ấn Độ lâu nay vẫn bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với 90,000 cây số vuông tại vùng Arunachal Pradesh, và ngược lại cáo buộc Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép 38,000 cây số vuông lãnh thổ Ấn Độ trên vùng cao nguyên Aksai Chin.

Cựu TT Nam Hàn bị thẩm vấn lần hai trong trại giam

SEOUL - Các công tố viên Nam Hàn hôm thứ Năm đã tới trại giam để thẩm vấn cựu Tổng Thống Park Geun-hye, liên quan đến vụ tai tiếng tham nhũng khiến bà bị phế truất và bắt giữ. Các công tố viên tới nhà giam ở Uiwang, ngoại ô phía nam thủ đô Seoul, vào khoảng 11 giờ trưa giờ địa phương. Đây là lần thứ hai cựu Tổng Thống Park Geun-hye bị thẩm vấn kể từ thời điểm bà bị bắt giữ hồi tuần trước. Trong lần thẩm vấn đầu tiên kéo dài 11 giờ, bà Park phủ nhận mọi lời buộc tội.
Cựu tổng thống Nam Hàn bị cáo buộc để người bạn thân Choi Soon-sil can thiệp vấn đề chính phủ, thông đồng với Choi để đòi tiền từ những tập đoàn lớn, và lơ là trách nhiệm trong vụ chìm phà Sewol hồi năm 2014, khiến hơn 300 người chết. Giống như lần đầu tiên, luật sư Yoo Yeong-ha cũng có mặt cùng bà Park trong buổi thẩm vấn hôm thứ Năm. Cùng ngày, ông Woo Byung-woo, cựu thư ký cấp cao về vấn đề dân sự cho bà Park, cũng bị triệu tập để thẩm vấn tại Phòng Công tố Quận Trung tâm Seoul. Ông là một trong những người cuối cùng liên quan đến vụ tai tiếng của bà Park mà chưa bị bắt giữ.

Liên Âu mở rộng lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn
BRUSELS – Liên Âu đã quyết định gia tăng lệnh trừng phạt của tổ chức này đối với Bắc Hàn, do các chương trình nguyên tử và mối đe dọa mà nước này gây ra trong khu vực, thông qua các cuộc thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo gần đây. Trong thông cáo ngày thứ Năm, EU cho biết đã tăng thêm một số lĩnh vực bị cấm đầu tư tại Bắc Hàn, bao gồm kỹ nghệ phát triển vũ khí, ngành luyện kim, và ngành nghiên cứu không gian.
Ngoài ra, EU cũng cấm cung cấp một số dịch vụ cho Bắc Hàn, bao gồm dịch vụ điện toán, và các dịch vụ liên quan đến ngành khai thác mỏ, sản xuất hóa chất, và lọc dầu. Bốn công dân Bắc Hàn cũng bị thêm vào danh sách cấm visa của EU và bị đóng băng tài sản, nâng con số tổng cộng lên 41 người. EU đang dần dần gia tăng lệnh trừng phạt Bắc Hàn, với lần gần đây nhất diễn ra vào cuối tháng 2, sau khi Bình Nhưỡng bị cáo buộc đã ra lệnh ám sát ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của Chủ tịch Kim Jong Un, tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur.

Người Thổ tại Anh bỏ phiếu cho trưng cầu dân ý tại quê nhà
LONDON - Những người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại London đã bắt đầu đi bỏ phiếu vào thứ Năm, trong cuộc trưng cầu dân ý đề nghị thay đổi hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ để tăng thêm quyền lực cho Tổng Thống Tayyip Erdogan. Cuộc bỏ phiếu tại London diễn ra trong 2 ngày thứ Năm và thứ Sáu. Sau đó, các thùng phiếu sẽ được niêm phong và được máy bay chở về Ankara, để được kiểm phiếu vào ngày 16 tháng 4, sau khi người dân nội địa bỏ phiếu. Khoảng 50,000 người Thổ Nhĩ Kỳ tại Anh dự kiến sẽ bỏ phiếu trong tuần này.
Nhân viên từ 2 chính đảng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm đảng cầm quyền AKP, và đảng đối lập CHP, đã tài trợ để cung cấp xe bus đưa người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Anh đến các trung tâm bỏ phiếu. Nhiều chiến dịch tương tự cũng được tổ chức tại một số thành phố khác của châu Âu. Cho đến nay, ý kiến của người Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc bỏ phiếu vẫn còn rất chia rẽ. Một người cho rằng, việc tăng thêm quyền lực cho Tổng Thống Erdogan là điều cần thiết, vì sẽ giúp quốc gia ổn định và phát triển tốt hơn. Trong khi đó, một người khác cho rằng, việc tổng thống có quá nhiều quyền lực sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất nền dân chủ và các quyền tự do dân sự.
Chính phủ Ankara sẽ chính thức tổ chức bỏ phiếu vào ngày 16 tháng 4, về dự luật đề nghị thay thế hệ thống quốc hội bằng những quyền lực mạnh hơn cho tổng thống. Việc cải tổ hiến pháp này là 1 trong những thay đổi lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ khi vương triều Ottoman bị thay thế bởi nền cộng hòa hiện đại vào gần 1 thế kỷ trước.

Nga tháo gỡ 1 thiết bị nổ tại St. Petersburg
ST. PETERSBURG – Nhà chức trách St. Petersburg hôm thứ Năm đã tháo gỡ một thiết bị nổ, được tìm thấy bên trong một khu chung cư tại thành phố này. Cư dân trong khu chung cư được di tản sau khi nhà chức trách phát hiện bom trong 1 căn nhà tại đây. Thiết bị nổ này sau đó được tháo gỡ, và cảnh sát bắt giữ 3 nghi can liên quan đến sự việc.
Giới truyền thông Nga đưa tin, thiết bị nổ vừa được phát hiện cùng loại với quả bom được dùng trong vụ tấn công tàu điện ngầm. Nước Nga vẫn còn chấn động vì vụ đánh bom xảy ra ngày 3 tháng 4, ở đoạn giữa 2 ga tàu điện ngầm Sennaya và Viện Công nghệ thuộc thành phố St. Petersburg, khiến 14 người chết và 49 người bị thương. Nhà chức trách Nga xác nhận hung thủ là Akbardzhon Dzhalilov, sinh năm 1995 tại thành phố Osh, Kyrgyzstan. Dzhalilov cũng đã chết trong vụ đánh bom.

Phe đối lập Venezuela biểu tình đòi bầu cử sớm
CARACAS – Một cuộc biểu tình lớn chống lại chính phủ xã hội chủ nghĩa Venezuela đã được lên kế hoạch tại thủ đô Caracas vào hôm thứ Năm, nhằm phản đối quyết định của Tối Cao Pháp Viện vào tuần trước, về việc tòa án sẽ kiểm soát quốc hội, vốn đang do phe đối lập dẫn đầu. Những người biểu tình cáo buộc, phán quyết của tòa án là bước tiến đến gần một nền cai trị độc tài. Dù quyết định của tòa án sau đó đã nhanh chóng bị xóa bỏ, nhưng sự kiện này đã tạo cơ hội cho phe đối lập mở ra làn sóng phản đối mới chống lại chính phủ, nơi đang bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm cho tình trạng suy sụp kinh tế của Venzuela.
Cuộc biểu tình của phe đối lập vào hôm thứ Năm đã bị cản trở, sau khi lực lượng an ninh chính phủ đóng cửa các trạm xe điện và dựng nhiều trạm kiểm soát trên các xa lộ quan trọng. Yêu cầu chính của phe đối lập hiện nay là muốn tổ chức bầu cử tổng thống sớm, thay vì phải đợi đến cuối năm 2018, để loại trừ Tổng Thống xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro. Trong thời gian qua, Venezuela đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình dẫn đến bạo động, do người dân càng lúc càng tức giận trước tình trạng lạm phát cao, thiếu lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men. Tỷ lệ giết người tại Venezuela cũng tăng vọt, trở thành một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Trong khi đó, chính phủ Maduro cáo buộc các thế lực được hậu thuẫn bởi Hoa Kỳ đang gây bất ổn cho xã hội Venezuela và âm mưu đảo chính.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT