Hoa Kỳ

Ecuador chấp thuận cho nhà sáng lập Wikileaks tị nạn chính trị

Hoài Mỹ/Viễn Đông Thursday, 16/08/2012 - 09:01:21

Thông tấn xã Press Association loan tin rằng chính Julian Assange đã gọi quyết định của Ecuador là “một sự chiến thắng quan trọng đối với bản thân tôi và những người của tôi”.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

LONDON, QUITO - Thứ Tư, 15-08-2012, Tổng Thống Ecuador, Rafael Correa đã bác bỏ mọi tin tức do các cơ quan truyền thông Anh đăng tải về việc nước này đã chấp thuận đơn xin tị nạn chính trị của Julian Assange, người sáng lập trang mạng thông tin WikiLeaks.
Thế nhưng, chưa đầy một ngày, theo nhật báo Anh The Guardian, Ngoại Trưởng của Ecuador, Ricardo Patino, đã xác quyết: “Chúng tôi nghĩ rằng có một sự nguy hiểm bởi việc ông ta đang bị truy nã về chính trị. Chúng tôi tin tưởng rằng Vương Quốc Anh sẽ bảo đảm là hai chính quyền sẽ hành xử một cách đúng đắn và tôn trọng các quyền quốc tế và luật pháp về tị nạn. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng mối quan hệ mẫu mực giữa hai quốc gia vẫn được tiếp tục”.
Ông Patino tuyên bố các điều trên đây vào sáng Thứ Năm, 16-08-2012, trong một buổi họp báo ở Quito, thủ đô của Ecuador. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng trong trường hợp Assagne bị dẫn độ về Hoa Kỳ, đương sự sẽ bị nguy cơ lãnh án tử hình hoặc tù chung thân. Ngoại Trưởng Patino kết luận: “Chúng tôi tin rằng sự lo sợ của ông Assagne là chính đáng”.
Vẫn theo The Guardian, Ngoại Trưởng Ecuador còn nói là Ecuador đã tham khảo Thụy Điển về một sự cam kết chống lại việc ông ta sẽ bị chuyển giao về Hoa Kỳ. Ông Patino quả quyết rằng Thụy Điển đã trả lời “NO” cho lời yêu cầu này.
Thông tấn xã Press Association loan tin rằng chính Julian Assange đã gọi quyết định của Ecuador là “một sự chiến thắng quan trọng đối với bản thân tôi và những người của tôi”.

Trú ẩn
Julian Assange, 42 tuổi, đã ẩn náu trong Tòa Đại Sứ của Ecuador ở London, thủ đô Anh quốc, từ ngày 19 tháng 6 sau khi Tối Cao Pháp Viện Anh phán quyết đương sự sẽ “được” chuyển giao cho Thụy Điển, nơi đương sự đã bị buộc tội các hành động xâm phạm tình dục đối với hai phụ nữ bản xứ.
Hiện chưa rõ liệu Assange có cơ hội rời khỏi nước Anh hay không để bay đến Ecuador. Nguyên nhân là Assange sẽ bị chính quyền Anh chộp bắt lập tức ngay khi đương sự vừa ra khỏi Tòa Đại Sứ - như thể Ngoại Trưởng Ricardo Patino của Ecuador đã trình bầy: “Chúng tôi cần xem xét tất cả những gì có thể xẩy ra. Trong trường hợp ông Assange sẽ có thể rời khỏi nước Anh thì ông ta phải được chính quyền Anh dẫn đi một cách thoải mái”.
Quyết định của Quito cho Assange tị nạn có thể gây bất lợi cho mối bang giao với cả Hoa Kỳ, Anh lẫn Thụy Điển, nhưng theo một nhân viên cao cấp của Ecuador nói với nhật báo Guardian: “Chúng tôi cứu xét đơn xin của ông Assange như một vấn đề nhân đạo”.

Một vài dữ kiện về vụ Assange
- Julian Assange sinh ngày 03-07-1971 tại thành phố Tomsville, tiểu bang Queensland của Úc Đại Lợi. Assagne theo học môn Vật Lý tại trường Đại Học Melbourne. Ông đã từng làm việc ở Trung Quốc, Iran, Úc, Hoa Kỳ và vương quốc Anh - được trao giải thưởng về vượt qua kiểm duyệt Economist Index on Censorship Award năm 2008 và giải truyền thông Amnesty International Media Award năm 2009.
- Assange là một trong những thành viên của Ban Điều Hành - nhưng thường được nhắc đến là người sáng lập - trang mạng thông tin WikiLeaks.
- Từ tháng 6 năm 2010, Assange bị chính quyền Hoa Kỳ truy tầm, bởi vì Hoa Kỳ quả quyết đương sự là một mối đe dọa cho nền an ninh của Hoa Kỳ sau khi trên 90.000 tài liệu mật của NATO liên quan đến việc Hoa Kỳ tham chiến ở Afghanistan, bị phổ biến trên trang mạng thông tin WikiLeads.
- Ngày 07-12-2010, nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange đã bị cảnh sát Anh giam giữ sau khi đương sự ra trình diện một sở cảnh sát ở London. Lý do: Assange đã bị hai phụ nữ Thụy Điển tố cáo các hành động hiếp dâm và quấy nhiễu tình dục hồi tháng 8 năm 2010.
- 06-12-2010: Assange được tại ngoại sau khi nạp khoảng hơn nửa triệu Mỹ kim tiền thế chân.
- 24-02-2011: Một tòa án Anh phán quyết Assange sẽ được chuyển giao cho Thụy Điển. Assange kháng án với lý do sợ bị Thụy Điển sẽ chuyển giao tiếp theo cho Hoa Kỳ; tại đây đương sự có nguy cơ bị đưa ra xét xử ở một tòa án chiến tranh vì nguyên nhân Assange đã cho phổ biến trên WikiLeaks hàng ngàn tài liệu “rò rỉ” của các Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ.
- 02-11-2011: Một tòa phúc thẩm vẫn duy trì quyết định chuyển giao ấy. Assange khiếu nại một lần nữa, nhưng Tối Cao Pháp Viện Anh, ngày 30-05-2012 xác quyết là Assange phải được chuyển giao cho Thụy Điển.
- Và như trên đã kể, ngày 19-06-2012, Julian Assange đã tìm đường vào trú ẩn trong Tòa Đại Sứ Ecuador ở London và xin tị nạn chính trị ở Ecuador, một quốc gia ở Nam Mỹ, gần đường xích đạo với gần 15 triệu dân số, lấy Mỹ kim làm tiền tệ quốc gia, sử dụng tiếng Tây Ban Nha (chấm dứt thời thuộc địa của Tây Ban Nha kể từ ngày 24-05-1822) và có những nguồn lợi thiên nhiên chính yếu là dầu hỏa, cá, gỗ và thủy lực.
- Trong trường hợp Julian Assange bị Ecuador bác đơn xin tị nạn thì con đường thoát thân cuối cùng cho đương sự là khiếu nại việc chuyển giao (cho Thụy Điển) ra Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu ở Strasbourg. Tuy nhiên, thời hạn để nộp đơn kháng án cho Strasbourg đã chấm dứt từ 28-06-2012.

Anh đe dọa đột kích Tòa Đại Sứ Ecuador
Ngay sau khi tin được xác nhận là Ecuador đã chấp thuận đơn xin tị nạn chính trị của Julian Assange, khẩu khí ngoại giao trao đổi giữa Quito và London đã rơi vào cường độ kịch liệt. Chính quyền Anh đe dọa có thể đột kích vào Tòa Đại Sứ Ecuador trong trường hợp Ecuador một lần nữa từ chối giao nộp “cha đẻ WikiLeaks”.
Ngoại Trưởng của Ecuador, Ricardo Patino, hôm qua đã phản ứng mạnh mẽ đối với sự đe dọa từ phía người Anh. Ông tuyên bố: “Hôm nay chúng tôi đã nhận được một sự đe dọa của Anh quốc, một sự đe dọa minh bạch và trên văn bản là họ có thể sắp tấn công tòa Đại Sứ của chúng tôi ở London trong trường hợp Ecuador từ chối giao nộp ông Julian Assange”.
“Không phải là thuộc địa của Anh”: Sau cuộc thảo luận với Tổng Thống Rafael Correa chiều Thứ Tư, Ngoại Trưởng Patino không giấu nổi vẻ tức giận; và bằng một giọng đanh thép, ông nói: “Chúng tôi minh xác điều này: Chúng tôi hoàn toàn không phải là thuộc địa của Anh. Thời thuộc địa đã qua rồi”.
Trước các ký giả trong và ngoài nước, ông Patino nhấn mạnh: “Nếu người Anh thực hiện nghiêm chỉnh lời đe dọa ấy, ắt việc này sẽ bị xem như một hành động thù nghịch và không thể chấp nhận, và là một sự tấn công vào chủ quyền của chúng tôi. Việc này sẽ buộc chúng tôi phải trả lời bằng phương thức ngoại giao mạnh mẽ nhất”.
Xác quyết: Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Anh quả quyết rằng về phía Anh, người ta bảo vệ quyền được đột nhập Tòa Đại Sứ Ecuador để lôi Assange ra bằng quyền lực. Viên chức này phát biểu: “Chiếu theo luật pháp Anh, chúng tôi có thể vào các nơi này sau một tuần lễ thông báo trước. Tòa Đại Sứ khi đó không còn quyền che chở ngoại giao nữa”.
Tuy nhiên, phát ngôn viên này nói tiếp: “Nhưng quyết định này hiện chưa dứt khoát. Chúng tôi sẽ không làm việc này vào ban đêm (ý nói không bất ngờ, không giấu giếm). Chúng tôi nhấn mạnh là chúng tôi vẫn mong muốn tiến được tới một giải pháp ngoại giao”.
Đương sự nói tiếp, dù sao người Anh nhận thức trách nhiệm của mình là giao nộp Assange cho Thụy Điển: “Nước Anh có bổn phận pháp lý là chuyển giao Assange cho Thụy Điển để tại đây đương sự phải trả lời về những cáo giác việc xâm phạm tình dục. Chúng tôi nhất quyết sống theo những sự cam kết ấy”.
Cực kỳ nghiêm trọng: Chuyên gia Thụy Điển về công pháp quốc tế, Ove Bring, hôm qua đã phát biểu với thông tấn xã NTB rằng sẽ cực kỳ nghiêm trọng trong trường hợp chính quyền Anh thực hiện nghiêm chỉnh lời đe dọa tấn công vào Tòa Đại Sứ để lôi Assange ra. Ông Bring nói: “Phải, đó sẽ là việc cực kỳ bất thường” - và ông “góp ý” là thay vì làm vậy, người Anh có thể chờ đợi để “vồ” Assange trong lúc anh ta đang đi tới một chiếc xe hơi của Tòa Đại Sứ hoặc chặn xe này lại khi xe đang trên đường chạy ra phi trường.
Chuyên gia Ove Bring cắt nghĩa: “Sẽ dễ dàng cho họ (người Anh) chặn xe lại hơn là vác vũ khí xông vào Tòa Đại Sứ. Như trên tôi đã nói, điều ấy chứng tỏ quả khó tin nổi nếu họ tính chọn giải pháp này (đột kích tòa Đại Sứ)”.
Don Rothwell, Giáo Sư môn Công Pháp Quốc Tế ở Úc, cũng phát biểu là ông không hề biết có sự việc nào tương tự trong thời đại tân tiến. Ông phát biểu: “Nếu nước Anh thực hiện nghiêm chỉnh lời đe dọa thì Ecuador có toàn quyền quả quyết rằng công pháp quốc tế đã bị chà đạp và đưa nội vụ ra trước một pháp đình quốc tế”.

Assange có thể là “quân bài chủ” của Tổng Thống Ecuador
Sau ngày nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange, tìm đường vào được Tòa Đại Sứ Ecuador, Tổng Thống Rafael Correa đã nói với hệ thống TV Telesur rằng: “Chúng tôi sẽ dùng nhiều thời giờ nếu cần cho việc này vốn là một vấn đề hết sức nghiêm trọng mà chúng tôi sẽ cứu xét với trách nhiệm tuyệt đối”.
Ngoại Trưởng Ricardo Patino của Ecuador bầy tỏ là ông lo sợ Assange sẽ bị nguy cơ lãnh án tử hình trong trường hợp đương sự dừng lại sau cùng ở Hoa Kỳ. Ông nói: “Chúng tôi nay cứu xét các lý lẽ của ông Assange liệu ông có nguy cơ bị đưa ra xét xử bởi các động lực chính trị và liệu ông ta có thể bị kết án tử hình hay không”.
Rồi Ngoại Trưởng Patino kết luận: “Ecuador lưu tâm đến việc bảo vệ sự sống và tự do diễn tả”.
Thế nhưng các nhà phân tích chính trị đều nhận định ngay rằng Julian Assange có nhiều cơ may để được chấp nhận tị nạn ở Ecuador, bởi vì nhà sáng lập WikiLeaks có thể “trở thành một quân bài chủ cho Tổng Thống Ecuador, Rafael Correa”.
Correa có thể sử dụng Assange để chọc tức Hoa Kỳ và củng cố vị thế chính trị đối nội của ông ta.
Gián điệp? Theo trang mạng Wired, các quyền lực hữu khuynh ở Hoa Kỳ đã đòi hỏi Julian Assange phải bị xử tử, bởi vì đương sự đã phanh phui những tài liệu nhậy cảm của Hoa Kỳ. Hành động này được xếp ngang hàng với tội gián điệp mặc dù không ai làm gián điệp bị hành quyết ở Hoa Kỳ kể từ sau vụ vợ chồng Ethel và Julius Rosenberg năm 1953.
Tuy nhiên, Tổng Thống Rafael Correa vẫn cho là sinh mệnh của Assange có thể bị lâm nguy. Vị nguyên thủ quốc gia tả khuynh này của Ecuador đã nói với thông tấn xã AFP: “Ecuador bảo vệ quyền sống, và chúng tôi phải lượng xét liệu có hay không một sự đe dọa đối với mạng sống của Julian Assange”.
Tổng Thống Correa - người vẫn bị tố cáo là đứng sau những vụ vi phạm tự do báo chí mà động lực là chính trị - nói tiếp: “Chúng tôi phải lượng xét xem ông ta có được đối xử phù hợp với tinh thần luật pháp hay không. Ecuador bác bỏ việc truy nã do nguyên cớ chính trị”.
Bồi thường: Một trong những vụ “nổi tiếng” hơn cả ở Ecuador là 3 Giám Đốc đồng nhiệm của nhật báo El Universal ở thủ đô Quito năm ngoái đã bị kết án 3 năm tù vì đã tố cáo Tổng Thống Rafael Correa về các “tội phạm chống nhân loại” trong một cuộc nổi loạn của cảnh sát ở Ecuador. Tổng Thống được “trao tặng” một khoản bồi thường tương đương với hơn 45 triệu Mỹ Kim.
Ngày 21-06-2012 Tổng Thống Correa đã nhấn mạnh rằng ông sẽ sử dụng thời gian cần thiết để quyết định việc Assange xin tị nạn chính trị: “Công việc này sẽ được thực hiện với tất cả tầm nghiêm trọng lớn lao nhất và sẽ được thực hiện với phương cách trách nhiệm tuyệt đối”.

Bị xét xử trước tòa án chiến tranh
Thiết tưởng cũng cần thiết nhắc lại ở đây vụ sĩ quan tình báo Bradley Manning (24 tuổi), đã bị truy tố là đã tiết lộ nhiều tài liệu đóng dấu “Top Secret” cho WikiLeaks và phạm nhân bị đưa ra xét xử ở tòa án chiến tranh.
Tòa án quân sự Hoa Kỳ ngày 03-02-2012 đã loan báo: Bản cáo trạng đối với Manning gồm tất cả 24 điểm, trong số đó là tội phản bội bằng việc giúp đỡ quân địch và đánh cắp tài sản công quyền.
Tội phản bội có thể bị án tử hình, tuy nhiên công tố viện đã nói sẽ không yêu cầu án tử hình, nhưng chỉ đòi án tù chung thân cho Manning.
Nhóm ủng hộ Bradley Manning công kích quyết định đưa can phạm ra xét xử ở tòa án chiến tranh.
Theo thông tấn xã NTB, Manning đã bị bắt giam từ tháng 5 năm 2010 và bị truy tố về hành động đã đưa cho trang mạng thông tin WikilLeaks trên 250.000 trang tài liệu mật vốn xuất phát từ Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoai Giao của Hoa Kỳ. – (HM)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT