Thế Giới

Facebook bị tố trợ giúp sự hận thù sắc tộc lan tràn ở Miến Điện

Thursday, 15/03/2018 - 11:25:27

Wirathu, người nổi bật nhất trong số các nhà sư theo xu hướng dân tộc cực đoan của Miến Điện, vào ngày thứ Bảy đã xuất hiện trở lại sau khi bị cấm thuyết pháp trong một năm. Ông nói rằng lối ngôn từ chống Hồi Giáo của ông không có liên quan gì đến bạo động ở Rakhine.


Hình của sư cực đoan Wirathu bị bêu xấu trong một cuộc biểu tình chống Miến Điện tại Jakarta, Nam Dương năm 2017. (Getty Images)

RANGOON - Các chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đang điều tra một vụ có thể là diệt chủng nhắm vào những người Hồi Giáo thuộc sắc dân thiểu số Rohingya ở Miến Điện. Họ nói rằng đại công ty truyền thông xã hội Facebook đã đóng một vai trò không nhỏ trong việc truyền bá những bài phát ngôn mang nội dung thù ghét sắc tộc và tôn giáo ở Miến Điện.

Facebook không đưa ra ý kiến gì cả về những lời chỉ trích của Liên Hiệp Quốc, mặc dù trong quá khứ công ty này nói rằng họ đã xóa bỏ những từ ngữ mang ý thù hận ở Miến Điện, và nhất quyết loại bỏ những ai chia sẻ nội dung thù hận như vậy.

Hơn 650,000 người Hồi Giáo Rohingya đã phải chạy thoát khỏi tỉnh bang Rakhine ở Miến Điện chạy sang Bangladesh, từ khi những cuộc tấn công của quân nổi dậy gây ra một cuộc đàn áp an ninh trong tháng Tám năm ngoái.

Nhiều người chạy giặc đã cung cấp lời khai hãi hùng về những vụ hành quyết và hãm hiếp gây ra bởi lực lượng an ninh Miến Điện.

Trong tuần qua, người đứng đầu về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói rằng ông nghi ngờ hành động diệt chủng đã xảy ra. Trong khi đó cố vấn an ninh quốc gia Miến Điện yêu cầu trưng ra “bằng chứng rõ ràng.”
Ông Marzuki Darusman, chủ tịch Phái Bộ Tìm Kiếm Sự Kiện Quốc Tế Độc Lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, nói với các phóng viên rằng truyền thông xã hội đã một đóng vai trò quyết định ở Miến Điện.
Ông nói, “Truyền thông xã hội đã góp phần đáng kể vào mức độ thù oán, bất đồng quan điểm, và xung đột, trong công chúng ... Ngôn từ thù hận tất nhiên chắc chắn là một phần trong đó. Về tình hình Miến Điện, phương tiện truyền thông xã hội là Facebook, và Facebook là truyền thông xã hội.”

Bà Yanghee Lee, viên chức Liên Hiệp Quốc điều tra về Miến Điện, nói rằng Facebook là một phần rất lớn trong cuộc sống công cộng, dân sự và cá nhân, và chính phủ đã dùng Facebook để phổ biến thông tin tới công chúng.

Bà nói với các phóng viên, “Mọi sự đều được thực hiện thông qua Facebook ở Miến Điện.” Bà nói thêm rằng điều đó đã giúp đỡ cho nước nghèo đói này, nhưng cũng được dùng để truyền bá lối ngôn từ thù hận.”
Bà nói, “Facebook đã được dùng để truyền tải những tin nhắn công khai. Nhưng chúng tôi biết rằng các Phật tử theo khuynh hướng dân tộc cực đoan đều có Facebook riêng, và thực sự kích động nhiều bạo lực và nhiều hận thù đối với người Rohingya hoặc các sắc dân thiểu số khác. Tôi e rằng Facebook lúc này trở thành một con thú dữ, chứ không phải là điều mà nó được dự định lúc ban đầu.”

Wirathu, người nổi bật nhất trong số các nhà sư theo xu hướng dân tộc cực đoan của Miến Điện, vào ngày thứ Bảy đã xuất hiện trở lại sau khi bị cấm thuyết pháp trong một năm. Ông nói rằng lối ngôn từ chống Hồi Giáo của ông không có liên quan gì đến bạo động ở Rakhine.

Facebook đình chỉ và đôi khi loại bỏ bất cứ người nào cứ liên tục chia sẻ nội dung quảng bá lòng hận thù, theo công ty cho biết trong tháng qua khi trả lời câu hỏi về trương mục của sư Wirathu.

“Nếu một người nhất quán chia sẻ nội dung truyền bá hận thù, chúng tôi có thể dùng một loạt biện pháp, như tạm thời đình chỉ khả năng đăng bài, và cuối cùng là xóa bỏ trương mục của họ.”

Trong tuần qua, Sri Lanka (Tích Lan) cấm các mạng tin nhắn xã hội, kể cả Facebook, sau khi xảy ra bạo động nhắm vào những người Hồi Giáo thiểu số.

Những mối căng thẳng cộng đồng tăng lên ở Sri Lanka trong năm ngoái, với một số nhóm Phật giáo cứng rắn tố cáo các tín đồ Hồi Giáo ép buộc người ta phải cải đạo sang Hồi Giáo, và phá hoại các địa điểm khảo cổ học của Phật Giáo. Các nhóm Hồi Giáo phủ nhận những điều cáo buộc này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT