Thế Giới

G7 chỉ trích Nga, Trung Cộng trong cuộc họp trực tiếp đầu tiên sau 2 năm

Wednesday, 05/05/2021 - 06:49:24

G7 rất lo ngại trước cách đối xử của Trung Cộng với người Hồi giáo Uyghur và những cộng đồng thiểu số khác.


Ngoại trưởng của bảy cường quốc kinh tế cùng với ngoại trưởng Cao Ủy Âu Châu chụp hình lưu niệm trước hội nghị G7 tại London ngày 4 tháng 5, 2021. Hàng đầu từ trái là Ngoại Trưởng Âu Châu Josep Borrell, Ngoại Trưởng Anh Dominic Raab, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken. Hàng giữa, Ngoại Trưởng Đức Heiko Maas, Ngoại Trưởng Nhật Motegi Toshimitsu, và Ngoại Trưởng Gia Nã Đại Marc Garneau. Hàng sau, Ngoại Trưởng Ý Luigi Di Maio và Ngoại Trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 sẽ diễn ra trong tháng Sáu. (Stefan Rousseau-WPA Pool/ Getty Images)

 

LONDON – Trong cuộc họp tại London ngày thứ Tư, các ngoại trưởng của nhóm bảy cường quốc công nghiệp G7 đã cáo buộc Trung Cộng vi phạm nhân quyền và gian lận kinh tế, nhưng lại không đưa ra được hành động quyết đoán nào để đối phó với Bắc Kinh.

Các nhà ngoại giao G7 nói rằng họ “hết sức lo ngại” trước cách đối xử của Trung Cộng với người Hồi giáo Uyghur và những cộng đồng thiểu số khác.

Tuy nhiên, các nước G7 gồm Anh, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Pháp, Đức, Ý, và Nhật Bản, chỉ cam kết đối phó với các vi phạm của Trung Cộng “bằng các biện pháp riêng có sẵn,” thay vì một hành động chung.

Các ngoại trưởng G7 cũng chỉ trích Bắc Kinh vì “các chính sách kinh tế độc đoán, cưỡng ép,” đồng thời kêu gọi nước này hãy tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.

Trong lúc chính phủ Biden khá cương quyết trong việc chống lại sức ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Cộng, một số thành viên G7 còn lại tỏ ra thận trọng hơn.

Tuyên bố chung sau đó của G7 cũng khẳng định sự cần thiết của việc duy trì quan hệ đối tác với Bắc Kinh. Trong cuộc họp mặt trực tiếp đầu tiên sau gần hai năm, các nhà ngoại giao G7 muốn tìm tiếng nói chung để đối phó các thách thức từ Trung Cộng và Nga, đồng thời giải quyết các cuộc xung đột tại Syria, Afghanistan, Ethiopia, và khắc phục hậu quả nặng nề mà đại dịch đang gây ra tại các nước nghèo nhất của thế giới.

Các nước G7 kêu gọi thế giới hợp tác hành động để chống Covid-19, và ủng hộ việc tiếp cận công bằng đối với vaccine ngừa bệnh.

Tuy nhiên, các nước giàu cho đến nay vẫn không muốn chia sẻ lượng vaccine dự trữ, cho đến khi họ chích ngừa xong cho tất cả dân số.

Nhóm G7 cũng lên án việc Nga điều quân đến biên giới giáp với Ukraine và tại Crimea, và “các hoạt động của Moscow nhằm phá hoại hệ thống dân chủ của nước khác.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT