Hôm Nay Ăn Gì

Gà Đông Tảo hầm sâm

Monday, 21/06/2021 - 08:07:36

Nói tới gà Đông Tảo, có lẽ đây là món tương đối lạ đối với người miền Nam tha hương những năm sau 1975. Bởi gà Đông Tảo là giống gà xứ lạnh, chỉ có ở làng Hà Đông, quận Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên...


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Nói tới gà Đông Tảo, có lẽ đây là món tương đối lạ đối với người miền Nam tha hương những năm sau 1975. Bởi gà Đông Tảo là giống gà xứ lạnh, chỉ có ở làng Hà Đông, quận Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, và nói tới Hưng Yên, người ta chỉ nhớ tới câu “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến” để nhắc về mức độ sầm uất, phồn thịnh của một trung tâm thương mại, giao lưu văn hóa từ thời thuộc Pháp trên xứ Bắc Việt Nam. Mãi đến sau này, cụ thể là vài năm trở lại đây, gà Đông Tảo mới có mặt tại miền Nam Việt Nam. Nhưng hình như, gà Đông Tảo lại hợp với cách ăn của người miền Nam hơn là miền Bắc. Đây mới là chuyện lạ.

Nói đến món gà Đông Tảo hầm với sâm Hàn Quốc hoặc là sâm Việt Nam, có lẽ điều làm tôi nhớ nhất không phải mức độ ngon dở của nó mà khả năng trả giá khi ăn một món bổ, có khi ốm mất mấy ký cũng vì món bổ này. Đương nhiên đây là chuyện của những năm thập niên 1980 thế kỉ trước, tức những năm sau chiến tranh, mọi người sống trong một cái trại cải tạo lớn với tên gọi nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nói là trại cải tạo lớn xin đừng hiểu nhầm tôi có ý ám chỉ chính trị hoặc có ý đá sang chuyện nhà cầm quyền độc tài Cộng Sản Việt Nam. Không, tôi chỉ muốn nói đến cải trại cải tạo lớn mà ở đó, con người phải tự cải tạo khả năng ăn uống của mình cho phù hợp với thời cuộc.

Thậm chí, con người phải cải tạo cả hành vi, thói quen, cách đọc sách, gu đọc và cả những thú vui thưởng thức quen thuộc có tên “nhạc vàng hay các buổi đại nhạc hội… Mọi thứ cần phải giải tán để chấp nhận không khí mới, người ta phải cải tạo mình để quen với việc xếp hàng rồng rắn đi nhận tem phiếu lương thực, phải cải tạo mình để quen với cơm khoai độn, bắp độn, sắn độn và hạt kê độn. Người ta phải cải tạo mình để quen với việc tiêu xài nhín nhịn, cả năm không thấy lát thịt heo và thịt gà thì chỉ khi nào giỗ chạp mới có được. Một con gà nấu được một nồi nhưn mì cho cả vài chục người ăn lấy thảo… Mọi thứ đều phải cải tạo để quen với thời đại mới.

Nói như vậy để thấy rằng những năm 1980, ai được ăn thịt gà thì đương nhiên gia đình đó phải là quan chức cao cấp, phải là cán bộ mũ cối hạng nặng. Ông cậu, tức em ruột bà ngoại của tôi, một người từ tấm bé sống nương nhờ bà tôi, đến khi ông thoát ly ra Bắc tập kết và trở về miền Nam với tư thế kẻ hãnh tiến, với chức tước và với một sự hà khắc mỗi khi nghe đến mấy chữ “bên kia” thì không ngần ngại gầm lên rằng “thứ ngụy, thứ kẻ thù không đội trời chung.” Bà tôi từng nhiều lần rớt nước mắt vì chuyện này. Bởi hồi đó, thi thoảng bà dắt tôi ra thành phố Đà Nẵng để thăm người em út. Và chơi một, hai hôm lại về nhà.

Hồi đó, bến xe nội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nằm ngay trước rạp hát Trưng Vương bây giờ, tôi còn nhớ hình ảnh những người thương binh chế độ cũ chống nạn, lang thang xin ăn, mỗi khi có ai từ quê ra thì họ ngửa mũ, người cho vài xu, người cho nửa lon gạo. Hiếm lắm mới có gạo, thường thì đôi ba xu. Lần đó, tôi nhớ là bà mang mấy con gà cồ ra cho ông cậu, khi về, ông mở ngăn đông tủ lạnh lấy ra cho bà một con gà Đông Tảo. Bà vốn không quen với loại gà chân nhìn to tổ chảng và cho dù ông nói rằng nó quí hiếm, bổ nhất ở đôi chân, thì bà vẫn lấy làm ngại, nhưng nễ mất lòng, bà nhận.

Ông cậu đưa bà cháu tôi ra bến xe. Như mọi lần, bà cháu tôi ngồi đợi xe và đương nhiên bà luôn cho mấy người thương binh vài xu. Nhưng không biết bữa đó ông quên gì hay sao, về một lúc, ông quay lại và gặp ngay lúc bà tôi đang lục túi tìm vài xu cho hai người chống nạng. Ông nói như gầm thét, “Bọn này là thương binh ngụy, chị thương chi tụi nó, nó bắn con trai chị đó!” Bà đứng như trời trồng, giờ nghĩ lại, tôi biết rằng cái cảm giác cho cũng không đành mà cất cũng không xong của bà lúc ấy. Hình như bà chớm khóc. Ông đưa mấy cái vỏ lon bia cho bà để về mài nhẵn miệng làm ly uống nước rồi quay đi.

Chờ ông đi hẳn, bà lại lục túi lấy mấy xu cho họ. Người thương binh nhìn vào cái giỏ nhựa đi chợ của bà, chép miệng, “Con gà này quí lắm đây nghe bác! Nó bổ lắm!”

Bà cười, “Chú thích không, tui cho chú đó!”

“Dạ không, bác mang về hầm với sâm, nếu không có sâm thì hầm với vài trái táo khô, đậu xanh và vài củ sâm đất phơi khô, giống sâm đất thì quê mình có nhiều bác hỉ!”

Bà cười, “Sao con rành dữ vậy! Cho con đó!”

Người thương binh lắc đầu, “Bác, con biết, nhìn qua là con biết bác nhận từ người em của bác, chứ dân thường lấy đâu ra gà này mà ăn. Nhưng con không nhận đâu. Bác về hầm ăn cho con vui!”
Nghe vậy, tự dưng bà lại ứa nước mắt.

Lần đó, bà về tìm củ sâm đất trong vườn, đương nhiên là không có củ khô, bà dùng củ tươi, bởi thời đó chưa có điện mà cũng chưa có tủ lạnh nên không thể cất đông con gà như bây giờ được. Bà dùng một ít nếp trộn với đậu xanh nghiền chưa bóc vỏ, vo kĩ, cho một ít muối, tiêu, hành, tỏi giã nhuyễn, trộn đều với nếp và đậu xanh, nhét vào bụng gà rồi dùng chỉ khâu kín lại, sâm, táo khô thì cho vào nồi nước hầm, nấu sôi, cho thêm một chút đậu xanh và nếp vào nồi nước khi nồi hầm đang sôi. Cứ như vậy mà cho lửa vừa vừa, đến khi nào nồi hầm tỏa ra mùi thơm thì mang ra dùng. Lần đó, hình như bà ăn lấy thảo thôi, bà dành hết phần cho tôi, đương nhiên tôi phải ăn đến hai ngày mới hết nồi gà hầm hâm đi hâm lại của bà.

Thời bây giờ có những gói hầm gà sẵn gồm sâm, các loại thuốc bắc, táo khô… bán sẵn ở các minimart, chỉ cần dùng y công thức của bà, tức nhồi nếp và đậu xanh, gia vị vào bụng gà, khâu lại và cho vào nồi hầm, nấu chung với combo sâm kia, khi nước sôi thì cho thêm một chút nếp, đậu xanh vào nồi nữa thì tuyệt cú mèo!

Chúc quý vị có một bữa ăn thật ý vị!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT