Hoa Kỳ

“Gái văn nghệ” tiết lộ các bí mật của lãnh tụ Bắc Hàn

Friday, 29/01/2010 - 12:20:19

Câu chuyện của Mi Hyang vốn được giới truyền thông Nam Hàn đánh giá là khả tín, đã rọi chiếu một luồng ánh sáng hiếm hoi vào tận đáy sâu lãnh ...

Hoài Mỹ/Viễn Đông

SEOUL – Thứ Năm, ngày 28-01-2010, lần đầu tiên cô Mi Hyang mới công khai và chính thức kể lại “sự nghiệp” của mình trong “Lữ đoàn văn nghệ” ở trong tư dinh của lãnh tụ Bắc Hàn sau khi cô vượt biên được sang Nam Hàn.



Câu chuyện của Mi Hyang vốn được giới truyền thông Nam Hàn đánh giá là khả tín, đã rọi chiếu một luồng ánh sáng hiếm hoi vào tận đáy sâu lãnh vực quyền lực của một trong những quốc gia khép kín nhất trên thế giới này.

Cô Mi Hyang kể về cảm tưởng của cô trong “thuở ban đầu” được diện kiến lãnh tụ Kim Chính Nhật (Kim Jung Il): “Ông ấy chẳng khác gì bất cứ người hàng xóm láng giềng nào của tôi. Mặt ông ấy đầy những vết đốm nâu và răng của ông ấy thì vàng khè… Tất cả ấn tượng của tôi về lãnh tụ vĩ đại này lập tức sụp đổ”.


“Lữ đoàn văn nghệ”

Mi Hyang đã chỉ mới kể lại được phần nào cuộc sống trong 2 năm của cô trong cung đình của lãnh tụ Kim Chính Nhật trước khi cô thành công trốn được sang phần đất tự do Nam Hàn. Hôm qua cô đã được Joo Sung-ha phỏng vấn. Ông này cũng là một người Bắc Hàn tị nạn ở Seoul, thủ đô Nam Hàn. Sau đó ông Sung-ha đã phổ biến câu chuyện của cô Mi Hyang trên “blog” của riêng ông vốn vẫn được rất nhiều người ưa chuộng và theo dõi. Nhật báo điện tử The National viết: “Vụ này nay tiến vào đám rước khải hoàn ở Nam Hàn”.

Đã từ lâu lắm rồi dư luận nói tới việc lãnh tụ Kim Chính Nhật luôn luôn được bao quanh bởi một nhóm gọi là Gippeumjo - dịch thoáng là “Lữ đoàn văn nghệ” hay “Lữ đoàn giúp vui” - gồm 2.000 thiếu nữ xinh đẹp được tuyển chọn cẩn thận, có phận sự “chiêu đãi” vừa trong lãnh vực “giải trí” và vừa là các dịch vụ tình dục không chỉ cho riêng cá nhân lãnh tụ tối cao Kim Chính Nhật mà cho tất cả các lãnh tụ chóp bu khác của chế độ.


Rất tình cảm trong các cơn xỉn

Cô Mi Hyang có nhiều câu chuyện để kể về Kim Chính nhật - hay “Lãnh tụ yêu dấu”, danh xưng mà ông ta đã truyền lệnh cho cả nước gọi. Trong số đó, theo lời thuật lại của cô, họ Kim thường trở nên đa cảm trong những cơn say rượu và nhiều khi tình cảm dạt dào “can không nổi” thì lãnh tụ bắt đầu khóc thút thít, sau đó nức nở rồi gào lớn tiếng. Ông ta còn có một đam mê sâu đậm là ăn bộ phận sinh dục của cá mập.

Nhà độc tài khét tiếng này, vẫn theo lời tường thuật của Mi Hyang, sắp đặt nhiều chỗ ở xây cất chung quanh thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang). Riêng “lữ đoàn… nữ binh” này được dành riêng một hồ bơi với một chiều dài là 50 thước, ngang 30 thước, ngay dưới tư  dinh của lãnh tụ.

Kim Chính Nhật có thể “nổi cơn tam bành” với các nhân viên hay thuộc cấp của mình, nhưng thông thường lại rất dịu dàng và tỏ ra thân thiện với các “cô gái giúp vui”. Và “lãnh tụ dấu yêu” khoái nghe nhạc Nga và Nhật Bản, nhưng lại không thích thú lắm nghe hát.

Cô Mi Hyang kể: “Ông ấy say mê săn chim trĩ và thường ăn những con chim mà ông đã bắn được”.


Trốn thoát sau 2 năm

Mi Hyang khi vừa đúng 15 tuổi đời thì có hai người trung niên từ bộ Chính Trị Trung Ương tìm đến tận trường nữ trung học của cô để chiêu mộ “các cô gái giúp vui” cho lãnh tụ Kim Chính Nhật. Cô Hyang kể:

“Hai người này đứng quan sát như thôi miên đám con gái chúng tôi rồi những cô nào diện mạo xinh xắn hơn cả, họ lôi các cô này sang một bên rồi lại tuyển lựa cẩn thận lại để chỉ lấy vài người thôi, trong số này có tôi. Sau đó họ viết xuống các chi tiết của từng cô về tiểu sử gia đình và điểm học. Họ hỏi tôi trắng trợn là tôi đã ăn nằm với một đứa con trai nào chưa. Tôi rất xấu hổ khi hai người ấy đặt câu hỏi như vậy”.

Thông thường các cô gái trong “Lữ đoàn giúp vui” chỉ phục vụ trong vòng 10 năm mà thôi - nhưng đối với cô Mi Hyang thì “thâm niêm công vụ” ngắn hơn nhiều: Gia đình của cô bị tố cáo phản quốc, bị tống ngục và chờ đợi bị hành quyết. Tuy nhiên chủ tịch Kim Chính Nhật đã trực tiếp ra lệnh che chở Mi Hyang. Cô không hiểu nguyên nhân, nhưng Mi Hyang quả quyết rằng lãnh tụ chưa bao giờ yêu cầu cô thi hành công tác về tình dục cho ông ta. Được thoát chết, cô ghi nhận: “Có lẽ tôi mắc nợ ông ta cả cuộc đời của tôi”.

Tuy vậy cô Mi Hyang vẫn tìm cách trốn sang “nước lân bang” nằm về phía Nam. Khi cô vượt biên, thân nhân ruột thịt của cô dĩ nhiên vẫn bị giam tù. Số phận sau đó của gia đình ra sao, cô không được tin gì cả.


Đe dọa thanh toán

Mặc dù Mi Hyang đã định cư ở phần đất tự do Nam Hàn, nhưng sinh mạng của cô vẫn tiếp tục lâm nguy. Joo Sung-ha, tác giả của “blog” đã phổ biến cuộc phỏng vấn cô Mi Hyang, nói với nhật báo The National rằng chính quyền Nam Hàn đã cảnh giác ông ta trước khi ông công bố vụ này. Thật tình chính quyền Nam Hàn lo sợ về vấn đề an ninh cho cả cô Mi Hyang lẫn ông Joo Sung-ha. Nhưng ông Sung-ha bất chấp nguy hiểm, vẫn tung câu chuyện này trên mạng lưới vi tính để thế giới đều biết mặt trái của chế độ cọâng sản Bắc Hàn độc đoán và tàn khốc. Ông Joo Sung-ha xác nhận:

“Lúc nào mà chúng tôi không nhận đượïc lời đe dọa bị thanh toán”.


Cấm xài ngoại tệ

Sáng thứ Năm, ngày 31-12-2009, chính quyền Bắc Hàn đã ban hành lệnh nghiêm cấm việc sử dụng ngoại tệ ở trong nước.

Theo các nguồn tin chính thức từ Trung quốc và Nam Hàn, chế độ cộng sản Bình Nhưỡng đã cảnh cáo về những hình phạt nghiêm trọng đối với người dân Bắc Hàn nào dùng các loại ngoại tệ như đồng Mỹ kim, euro hay đồng Yuan (Nhân dân tệ). Trước kia các loại ngoại tệ vẫn có thể được dùng để trả tiền ở một số nhà hàng, cửa tiệm và siêu thị.

Lệnh nghiêm cấm xài ngoại tệ có hiệu lực từ ngày 01 tháng Giêng - 2010 và cơ quan an ninh Bắc Hàn chịu trách nhiệm kiểm soát việc nhân dân thi hành luật pháp này.

Theo giới truyền thông Nam Hàn, chỉ có các ngân hàng nhà nước được phép lưu trữ các loại ngoại tệ khác ngoài đồng won của Bắc Hàn. Vào đầu tháng Chạp năm ngoái, Bắc Hàn đã phá giá lần nữa đồng won nhằm tìm cách thắng lại tình trạng lạm phát phi mã.


Mục đích của kế hoạch “canh tân ngoại tệ”

Gồm 5 điểm:

- Bắc Hàn đã quyết định biến những số tiền lớn lao (ngoại tệ) trở thành vô giá trị kể từ đầu năm 2010 nhằm ngăn chận các tư nhân trở nên giàu có.

- Trong mấy năm vừa qua một số trong những chợ tư nhân lớn nhất đã bị đóng cửa.

- Chỉ riêng những phụ nữ từ 46 tuổi trở nên mới được phép bán các hàng hóa của mình (như rau trái tự trồng, gia súc tự nuôi… nhờ nghiệp dư) ở các ngôi chợ (nhỏ) như vậy.

- Nhằm ngăn chận sự thất thoát từ sức lao động do nhà nước kiểm soát sang các nguồn thu hoạch của tư nhân.

- 80 phần trăm trong tổng số lợi tức của công việc gia đình là do từ việc mua bán riêng tư ở các ngôi chợ ấy, và Liên Hiệp Quốc đã tính là 50 phần trăm của các loại mà người dân Bắc Hàn thu nhận, nhờ vào thực phẩm mà người ta có thể mua được ở các ngôi chợ riêng tư.


“Chợ trời” giữa biên giới Trung (Cộng) - (Bắc) Hàn

Mặc dù tuyết không ngừng rơi nhưng một số người Bắc Hàn vẫn liều mình bò ra khỏi chỗ nấp để tìm cách “vượt biên” sang phía Trung quốc. Hành động sinh tử này đã để lại các dấu chân trên mặt tuyết mới khiến những lính canh phòng biên giới có thể theo dõi “những bước chân âm thầm” ấy. Các dấu vết dẫn tới một bụi rậm, nơi đã nằm sẵn một con thuyền để chờ đưa những kẻ “điếc không sợ súng” này qua bên bờ sông phía Trung quốc. Từ đây, những kẻ “vượt biên” bất hợp pháp có thể ung dung đi tới “chợ” Yanji để mua bán. Sau đó họ lại trở về. Các dấu chân đi ngược trở lại phía Bắc Hàn.

Sau khi may mắn về được tới nhà, họ tìm cách bán bí mật những hàng hóa mà họ đã mua được ở chợ trời bên biên giới Trung quốc, kiếm thêm chút phương tiện để cả gia đình sống còn.

Loại thương mại này đã diễn ra trong nhiều năm rồi và đã tạo nên một thứ “kinh tế thị trường” mà lãnh tụ Kim Chính Nhật mới đây đã cố gắng bóp chết bằng cách biến các thứ ngoại tệ thành vô giá trị. Nhằm ngăn chận giai cấp thương gia tư nhân phát triển, Bắc Hàn đã thi hành nhiều biện pháp; trong số đó là việc tăng cường canh phòng biên giới. Càng ngày càng khó khăn để vượt qua biên giới bên kia, nhưng phương thuốc vô cùng hữu hiệu vẫn là hối lộ các binh lính canh phòng biên giới mặc dù người ta cũng chẳng dư giả gì.

Những dấu chân ở bên bờ sông Tumen tự chúng đã có thứ ngôn ngữ minh bạch. Bà Jin Zhuhua, người vẫn bán hàng ở chợ trời gần biên giới Trung-Hàn cho biết: “Họ (người Bắc Hàn) vẫn tới đây với đô la chứ không phải thứ tiền tệ của nước họ. Họ mua nhiều thứ, kể cả xà-bông gội đầu và kem thoa da. Họ thích nhất là những hàng hiệu Nam Hàn”.

Giống hơn phân nửa số cư dân ở làng Yanji, bà Jin Zhuhua thuộc về một nhóm sắc tộc Đại Hàn đã sinh sống lâu đời ở đây, mang quốc tịch Trung Hoa và nói được cả tiếng Hoa lẫn tiếng Hàn. Cách nay mấy năm, người ta có thể nhận ra dễ dàng những người dân Bắc Hàn qua đây mua bán. Họ luôn luôn đeo hình lãnh tụ của Bắc Hàn trên cổ áo, nhưng theo bà Jin, nay họ bỏ “tục lệ” này rồi và cách thức họ nói cũng đã thay đổi. Họ gần như đã hết sợ sệt và ăn nói cũng phóng khoáng hơn.

Ngược lại, người Trung Hoa thường vượt biên giới sang “thăm” một casino ở sát biên giới Bắc Hàn. Họ “ăn thua đủ” lớn lắm. Một người Tàu thuộc hạng cao cấp trong guồng máy nhà nước đã bị “lộ tẩy” khi đương sự thua cả bạc triệu, nhưng đó lại là tiền đóng thuế của người dân.

Ngoài ra người ta còn ước lượng ít nhất cũng trên 20.000 phụ nữ Bắc Hàn “ẩn trú” ở bên phía biên giới Trung quốc vì họ đã “được” bán sang làm vợ cho các nông dân Tàu.


Hành hạ

Một số người không may mắn đã bị lính canh phòng biên giới bắt được khi họ từ Trung quốc “hồi hương”. Những người đàn ông thì bị tra tấn trong cuộc thẩm vấn là họ đã làm những gì ở bên nước lân bang đó và họ có gặp người ngoại quốc nào không. Phụ nữ thì không bị đánh đập, nhưng phải nộp tiền phạt. Đăc biệt là những người bị xét là “hòa hợp” với các nhà truyền giáo ngoại quốc, liền bị tống ngục mà vận may sống còn kể như rất mỏng manh. – (HM)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT