Mẹo Vặt

Gạo đỏ: Đừng quên ngâm trước khi nấu

Thursday, 07/07/2016 - 10:47:42

Cuộc đời tưởng rằng cứ chịu như vậy cho đến chết. Gần đây, Hằng nói mãi ổng mới chịu đi khai bệnh, ấy vậy mà bác sĩ chỉ cho ổng uống vài viên thuốc là lũ vọp chạy biến, suốt mấy tháng trời chẳng thấy có “con” nào dám mon men đến bẻ!

Bài VŨ HẰNG

Những lợi ích của gạo đỏ xưa nay được quảng cáo đã nhiều. Chỉ có khuyết điểm của gạo đỏ là ít khi được nói tới. Dầu vậy, những khuyết điểm ấy không thể làm gạo đỏ mất đi vị thế của mình như một thứ … “thần dược” của dân nghèo (thực ra, nhiều loại gạo đỏ còn đắt hơn gạo trắng). Các thầy cô trong ngành dinh dưỡng khuyên chúng ta nên áp dụng một vài mẹo vặt để có thể “khử tà, khuyến thiện,” tức là loại bỏ khuyết điểm hầu tận dụng lợi ích.

Bị vọp bẻ là dấu hiệu cơ thể thiếu một khoáng chất nào đó



Như chúng ta đã biết, cùng với chất dinh dưỡng, gạo đỏ lại kèm thêm những chất phản-dinh-dưỡng như Phytic Acid, Lectin, Saponin. Sở dĩ gọi là phản-dinh-dưỡng vì khi vào ruột người ăn, chúng đeo cứng lấy những khoáng chất cần thiết - như Calcium (chất vôi), Iron (sắt), Zinc (kẽm) và Magnesium (ma-nhê)… rồi đẩy tất cả xuống ruột già để thải ra ngoài trong lúc cơ thể chúng ta đang chờ đợi hấp thụ những khoáng chất ấy để có thể phát triển điều hòa: Calcium làm cứng xương, Iron bổ máu, Zinc giúp hệ đề kháng, tuyến giáp trạng, chống đông máu, chữa lành vết thương. Và Magnesium giúp hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, dàn bắp thịt.

Nghe nói vôi, sắt, kẽm, ma-nhê chắc bạn không ham, và tự hỏi tại sao cơ thể con người lại cần ba thứ lăng nhăng ấy? Vậy, Hằng xin kể một thí dụ cụ thể để mọi người biết rằng chúng không tầm thường. Không biết bạn có bị khổ sở vì vọp bẻ bao giờ chưa, chứ ông Cả Đẫn nhà em thì thường lắm:

- Nửa đêm đang ngủ bỗng nghe cái “uỳnh” bên cạnh giường, tưởng rằng trần nhà sập, mở mắt ra thấy có bóng đen lảo đảo bước đi tìm chai dầu nóng là y như rằng: Ông Cả Đẫn bị vọp bẻ!

- Vợ chồng đang đi bộ với nhau quanh xóm, bỗng nghe bờ vai mình nặng chĩu vì có người bám vào để lê chân là y như rằng: Ông Cả Đẫn bị vọp bẻ!

Lúc lũ vọp hành hạ, ông Cả Đẫn than thở, thật không khác gì như đang bị … đóng đanh. Nhưng ổng vẫn ráng chịu, vì theo ổng, mình bị vọp bẻ, xoắn đau một lúc rồi hết, sánh sao được với những người còn chịu nhiều thứ tật bệnh đau đớn, hiểm nghèo hơn, nên ổng nói kèo nhèo làm gì cho tâm hồn ủy mị thêm.

Cuộc đời tưởng rằng cứ chịu như vậy cho đến chết. Gần đây, Hằng nói mãi ổng mới chịu đi khai bệnh, ấy vậy mà bác sĩ chỉ cho ổng uống vài viên thuốc là lũ vọp chạy biến, suốt mấy tháng trời chẳng thấy có “con” nào dám mon men đến bẻ!

Tưởng đâu phép lạ, nhưng xem lại hộp thuốc thì chỉ thấy ghi một chữ đơn giản: Magnesium (thực ra là Magnesium Oxide), một trong những khoáng chất đi vào cơ thể chúng ta qua thực phẩm. Không ngờ chỉ thiếu có thứ này mà ổng khổ sở đến thế. Còn những khoáng chất khác … chắc cũng vậy: Mỗi thứ một công dụng, có thứ này mà thiếu thứ kia sao được?

Vậy nếu những khoáng chất quan trọng vốn có trong gạo đỏ mà cơ thể lại không hấp thụ được, do các yếu tố phản-dinh-dưỡng đeo bám rồi đẩy cả xuống ruột già, thì chúng ta phải làm sao? Bằng một động tác rất đơn giản là “ngâm nước” để làm bại liệt những chất phản-dinh-dưỡng ấy, không cho phép chúng đeo bám nữa. Cũng giống như ngâm nước các thứ lê-ghim vậy!

Thực ra, chuyện ngâm gạo đỏ trước khi nấu chẳng có gì là bí mật: Gạo đỏ không ngâm, nấu lên sẽ khô ngắc, cứng còng, chỉ có thể đổ cho… heo ăn. Nhưng trước nay, chúng ta chỉ nghĩ rằng, ngâm nước cho gạo mềm ra, và thường thì gao đỏ chỉ được ngâm chừng 1 hoặc 2 tiếng đồng hồ là coi như đã đủ. Đôi khi, cái mục ngâm này còn được thông qua luôn.

Tuy nhiên, ngâm nước cho cơm mềm ra, đó mới chỉ là mục đích thứ nhất, mục đích thứ hai quan trọng hơn: Nó hóa giải những chất phản dinh dưỡng, làm gạo đỏ trở nên có ích hơn cho cơ thể. Vì thế chúng ta cần phải chú trọng giai đoạn này, và ngâm gạo đỏ cho đủ thời gian. Sau đây là một vài điểm bạn cần để ý:

1. Ngâm bằng nước nóng ấm, nhưng chưa sôi: Đổ gạo vào trong nồi hoặc bình có nắp, đổ nước nóng ấm lên quá mặt gạo chừng 1 inch.
2. Có thể vắt thêm một chút nước cốt chanh (lemon juice), hoặc dấm táo (apple cider vinegar) theo tỷ lệ 1 thìa cà phê cho một loong gạo. Giai đoạn này là tùy ý.
3. Cho thêm một chút muối (1/8 thìa cà phê muối cho một loong gạo). Giai đoạn này cũng tùy ý.
4. Đậy vung nồi hoặc nắp bình lại. Đặt nồi ở một nơi ấm áp trong bếp.
5. Ngâm chừng 7 tiếng đồng hồ: Để đỡ sốt ruột, chúng ta nên bắt đầu ngâm vào ban tối, trước khi đi ngủ, sáng dậy là có gạo ngâm sẵn sàng.
6. Trước khi nấu, xả nước ngâm, đổ nước mới vào nồi. Phần còn lại thì khỏi nói, ai cũng “dư xăng” rồi.
Dễ dàng đơn giản: Một lát sau là chúng ta có nồi cơm ngon lành, đầy đủ những dưỡng chất mà gạo đỏ hứa hẹn, không còn phản-dinh-dưỡng kỳ đà cản mũi, không sợ arsenic gây ung thư, không sợ chất cám cứng còng chọc vào thành bụng gây Leaky Gut!
Đúng là mẹo vặt, nhưng nếu mẹo vặt mà có thể làm được những chuyện lớn như thế thì quả thực không hổ danh: Mẹo Vặt Ích Lớn, phải không các bạn?
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT