Người Việt Khắp Nơi

Gặp gỡ thuyền trưởng Đông Hải chở 2 ngàn người tỵ nạn từ VN

Sunday, 16/09/2018 - 11:12:18

Ông Đỗ Đức An kể, “Vào giờ thứ 25 của ngày 30 tháng Tư, tôi và vài người bạn là các sĩ quan Thủy Quận Lục Chiến, Nhẩy Dù tìm đường vượt biên, chúng tôi ra sông Lòng Tảo, tìm được chiếc ghe chạy ra Nhà Bè thì chúng tôi gặp tàu Đông Hải đang đậu tại đó.


Ông Đỗ Đức An tại tòa soạn báo Viễn Đông. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Ông Đỗ Đức An (Andrew Do), một vị cao niên thuộc Hội Cao Niên Á Mỹ, nguyên là thuyền trưởng tàu Đông Hải, đã chở theo khoảng hai ngàn người Việt vượt biển tìm tự do sau khi Cộng Sản Bắc Việt xâm chiếm miền Nam vào năm 1975. Vào ngày 10 tháng 9, 2018 vừa qua, ông đã đến tiếp xúc với phóng viên Viễn Đông, kể lại cuộc hành trình tìm tự do và ước nguyện của ông hiện nay.

Ông Đỗ Đức An kể, “Vào giờ thứ 25 của ngày 30 tháng Tư, tôi và vài người bạn là các sĩ quan Thủy Quận Lục Chiến, Nhẩy Dù tìm đường vượt biên, chúng tôi ra sông Lòng Tảo, tìm được chiếc ghe chạy ra Nhà Bè thì chúng tôi gặp tàu Đông Hải đang đậu tại đó. Chúng tôi lên tàu và tìm người lái tàu, hỏi anh có phải chủ tàu không?

“Anh nói, anh là người lái tàu không phải chủ. Chúng tôi thương lượng với anh rằng chúng tôi có đem theo tiền và vàng, anh cần bao nhiêu chúng tôi sẽ trao cho anh, anh để tàu cho chúng tôi đưa đồng bào ra đi. Anh lái tàu nói, “Chín tuần nay tôi chở đồng bào từ miền Trung vào đây nhưng chủ không có phát lương, bây giờ nếu các ông đi thì tôi cũng thích đi lắm, vậy các ông cho tôi một số vàng đi, tôi đưa cho bà xã tôi rồi khi qua bên đó tôi sẽ kiếm đường cho bà xã tôi đi sau. Nguyên do là như thế chứ tôi không phải là người đặt đóng tàu hay mua con tàu Đông Hải.”

Ông An kể tiếp, “Tàu Đông Hải là một tàu đi biển cũng tương đối lớn nhưng trên tàu chỉ có một cái bếp dầu hôi và một nhà vệ sinh. Hồi còn nhỏ tôi có đi Hướng Đạo nên lúc bấy giờ tôi đem những kinh nghiệm học được trong phong trào Hướng Đạo ra áp dụng, tôi chia người trên tàu ra thành 7 khu, mỗi khu đứng đầu là một ông sĩ quan cấp tá có súng làm trưởng khu, rồi chúng tôi thành lập ban an ninh và ban ẩm thực, vì trên tàu lúc bấy giờ rất hỗn độn, nhiều người lính đào ngũ vẫn còn giữ súng, nhiều binh chủng khác nhau nên chúng tôi rất lo.

“Anh em chúng tôi không ai biết lái tàu nên tôi cầm loa phóng thanh kêu gọi có anh em Hải Quân nào từng đi lãnh tàu tại Subic Bay thì ra đảm nhận việc lái tàu, không ai dám ra. Lúc đó, tôi có khổ người to lớn và là cựu quân nhân binh chủng Biệt Động Quân, làm việc dưới quyền Tướng Ngô Quang Trưởng, sau bị thương được đưa về phục vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Tôi cầm loa phóng thanh yêu cầu tất cả anh em trên tàu, ai có mang súng, dao găm, lựu đạn hay bất cứ vật gì có thể sát thương được thì hãy bỏ xuống sàn tàu trước mặt mình, chúng tôi đi kiểm tra, anh nào còn giữ khí giới chúng tôi bắn liền tại chỗ, vì chúng tôi muốn mọi người trên tàu đến bến bờ an toàn.

“Nghe vậy, mọi người bỏ đầy súng đạn lên sàn tàu, anh em chúng tôi thu lượm quăng hết xuống biển. Đồng bào trên tàu rất mừng để ra đi, và lúc đó có mấy anh em Hải Quân nhận nhiệm vụ lái tàu, và cứ thế đi tìm hạm đội Mỹ để ghé vào xin cứu vớt. Khi ra ngoài khơi Vũng Tàu còn cách hai hải lý thì sẽ gặp tàu Mỹ. Anh Sơn, sĩ quan Hải Quân liên lạc với tàu Mỹ xin cứu. Hai bên trao đổi với nhau, sau đó anh Sơn nói với tôi, Chết rồi ông ơi! Họ nói tàu Đông Hải còn chạy được, họ không vớt, chỉ khi nào tàu không chạy được thì họ mới được phép vớt, bây giờ họ chỉ cho mình cứ theo duyên hải, vào vùng gần bờ mà chạy, họ có máy họ theo dõi. Họ chỉ cho mình đi về Phi Luật Tân.

“Thế là tàu Đông Hải lại lên đường nhưng thay vì chỉ vài ngày là tới mà không hiểu sao chạy suốt tháng rưỡi mới tới Subic Bay. Đến nơi họ không cho lên, phải đậu lại chờ sĩ quan cơ khí của căn cứ Hải Quân Mỹ tại Subic Bay xuống khám đã. Tôi tỏ ý lo lắng thì anh Sơn nói, “Ông thầy đừng có lo, tàu mình hết chạy được rồi. Tôi hỏi tại sao các chú nói vậy? anh Sơn bảo, Ông thầy cứ nói chuyện với anh chàng cơ khí đó kéo dài thời gian ra còn việc làm cho tàu không chạy được để chúng tôi lo. Sau đó, anh chàng sĩ quan cơ khí của Subic Bay xuống khám và đề máy gần hai tiếng đồng hồ mà tàu không chạy được nên họ mới cho mấy chiếc tàu nhỏ ra đưa người rời tàu Đông Hải lên bờ. Hỏi ra mới biết các anh em Hải Quân của mình đổ cả tạ muối vào ổ máy nên tàu không chạy được là vậy, chứ nếu không họ bắt mình phải chạy tới đảo Guam thì không chắc có thoát vì tàu quá cũ, khó mà vượt đại dương; thật là may mắn, tạ ơn Thượng Đế, khoảng hai ngàn người không ai bị thương hay chết chóc gì cả.

“Sau thời gian ngắn ở Phi, chúng tôi được chở qua Hoa Kỳ đến trại Camp Pendleton, và được phân phối đi phía bắc của tiểu bang Nevada. Nơi đó có sòng bài, nên tôi làm đơn xin với cơ quan rằng con tôi còn nhỏ, ở gần sòng bài tôi cảm thấy chúng sẽ bị ảnh hưởng nên cho tôi xin về California. Lúc đó họ cho biết, chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho mỗi đầu người $700 đô la và họ đã chi hết $350. Gia đình tôi có chín người nhân với $350 thành ra được hơn $3,000 đô, tôi đi mua một chiếc xe cũ $500, đời 69, mướn thêm cái rờ-mọt [remorque, xe được kéo bằng một xe khác] và gia đình vượt Nevada đến Sacramento.
“Đêm đầu tiên tôi đưa gia đình vào một nhà tế bần, họ cho ăn uống và cho nghỉ đêm không mất tiền. Vợ tôi khóc quá và trách, Tưởng anh cho mẹ con tôi sang Mỹ sướng chứ đưa vào trại tế bần thế này khổ quá! Nhưng về sau bà xã tôi mới biết cái giá của tự do nó quý như thế! Nhưng ngay sau đó, chúng tôi được một gia đình người Mỹ già ở nhà thờ đến đón chúng tôi về nhà bà ở độ nửa tháng và rồi chúng tôi liên lạc được với thân nhân, bạn bè ở dưới Nam California nên dọn về đây từ năm 1976 và ở đây đến hôm nay.”

Trả lời câu hỏi của Viễn Đông, ông Đỗ Đức An cho biết, người thanh niên mà ông và nhóm bạn ông thương lượng với anh để lấy con tàu Đông Hải vượt biển thì anh cũng đi theo tàu qua Subic Bay, và người vợ ông thì đã qua đời, và ông không còn giữ được một hình ảnh nào về con tàu Đông Hải nên nay ông chỉ mong ước được gặp lại những đồng hương đã đi trên tàu Đông Hải để ông thành lập Hội Ái Hữu Tàu Đông Hải hầu giúp đỡ, an ủi lẫn nhau chứ hoàn toàn “không làm chính trị chính em gì hết.”

Vì thế, qua bài báo này, quý đồng hương nào từng có mặt trên tàu Đông Hải năm nào, thì xin liên lạc với ông thuyền trưởng Đỗ Đức An tại địa chỉ: 8190, 13th Street, Ste 236, Westminster, CA 92683. Điện thoại (714) 702-7053.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT